Quẳng chiếc túi xách ra băng ghế phía sau, rướn người đóng cánh cửa xe truck cái rầm, Meranda hỏi tôi với cái giọng đầy háo hức:
“Ê Thỏ, mày nhận được giấy mời chứ?”
“Có, tôi nhận được. Hãng mời đi ăn tiệc cuối năm.”
“Mày dẫn ai đi cùng?”
“Ơ thế được dẫn kèm trẻ nhỏ à?” Tôi hỏi lại giọng ngạc nhiên.
“Mày đúng là đứa ngớ ngẩn. Ghi rõ cả trong giấy rồi mà không đọc à. Cho đi kèm một người nhưng không phải trẻ nhỏ mà là trẻ lớn”, Meranda hóm hỉnh. “Ðể coi, tao sẽ kiếm một chàng thật cao to và đẹp trai tháp tùng vào buổi tối hôm ấy”, mắt bà già Mễ mơ màng và miệng thì cười hé (theo tôi nghĩ) đầy “gian xảo”.
“Cao to và đẹp trai?” Bà không đùa đấy chứ, tôi vô duyên rống lên.
“Không hề, rồi mày sẽ thấy. Giờ thì get the hell out of here”, Meranda rồ ga phóng xe đi.
Tôi quen Meranda vào tuần thứ hai kể từ ngày đến làm ở hãng. Ðó là một hãng chuyên sản xuất đủ loại mỹ phẩm cho các nhãn hiệu danh tiếng, nhưng phần lớn nhân viên lại là người Mễ nhập cư. Làm cho hãng mỹ phẩm, mới nghe thì tưởng như sạch sẽ và nhàn hạ lắm nhưng đến khi vào làm mới biết nặng nhọc, vất vả chẳng kém mà đồng lương thì lại rẻ mạt. Ai cũng lấy làm lạ khi thấy một con nhỏ Á Châu duy nhất là tôi “trà trộn” vào “giành cơm” , mà đúng ra phải nói là “giành tacos” với đám đàn bà Mễ sồn sồn, ục ịch, mồm năm miệng mười như một cái loa phóng thanh phát với tần số mười trên sáu (có nghĩa mười tiếng một ngày, sáu ngày một tuần, theo lịch làm việc). Vừa là “ma mới” lại vừa là kẻ dị chủng duy nhất trong đám nhân viên, những ngày đầu tôi bị o ép dữ lắm. Biết là bọn nó tức mình, mình cũng tức bọn nó nhưng nó thì bắn tiếng Tây Ban Nha, mình thì tiếng Anh choang lại. Cứ ô ố, a á một hồi dài cho đến khi mụ team lead phải đến để giảng hòa, cho dù ngay đến cả mụ tiếng Anh cũng bập bõm nốt. Lương thấp, ngôn ngữ bất đồng, cãi nhau suốt ngày thế mà tôi vẫn hì hục kéo cày đều. Tôi muốn có tiền để Tết này về thăm ba mẹ, đó là lý do vì sao mình tôi vẫn ở đây, vật vã, giành giật với đám đàn bà Mễ này.

Một mụ Mễ mặt đỏ gay, miệng xì xồ như súng liên thanh. Không biết tiếng Tây Ban Nha, nhưng tôi hiểu mụ đang cằn nhằn rằng tôi cần phải làm nhanh hơn để giúp mụ vì đống son phấn đang dồn lại trên băng chuyền. Tôi cũng chẳng kém cạnh gào lên “Không thấy tôi đang làm như điên đây sao?”. Cuộc “võ miệng” đang chuẩn bị có dấu hiệu đến hồi cao trào thì Meranda lên tiếng. Bà nói gì đó với mụ Mễ kia một hồi rồi quay sang nói với tôi bằng một giọng tiếng Anh cực chuẩn. “It’s okay. Cứ làm việc của mày đi”. Lúc sau gặp ở breakroom, Meranda chìa tay. “Chào, Meranda”. “Cảm ơn bà vì chuyện vừa rồi, tôi là Duyên”, tôi đưa tay nắm lấy bàn tay mũm mĩm, mềm và ấm rực.
Sẽ chỉ là một màn chào hỏi xã giao bởi thú thực, bị “đày đọa” bởi đám Mễ, tôi trong lòng vẫn còn nhiều ác cảm. Chỉ đến khi thấy tôi đang đứng chờ ở trạm xe bus, Meranda dừng chiếc xe truck lớn màu đỏ lại, kêu tôi lên xe rồi chở về đến tận cửa apartment nơi tôi ở, thì chúng tôi trở thành bạn thân. Lòng tốt của Meranda ban đầu khiến tôi ngạc nhiên và ái ngại. Nhưng bà chỉ vui vẻ bảo “Tao cũng ở gần chỗ mày, tiện đường thôi có gì đâu. Mới lại có mày nói chuyện cùng trên đường về cũng đỡ buồn. Mà mày bảo tên mày là Du…du gì ấy nhỉ. Thôi tao gọi mày là Thỏ nhé, nếu mày không phiền”. “Thỏ nghe cũng dễ thương đấy chứ, bà cứ gọi thế đi”, tôi vui vẻ.
Ở Mỹ “không có bữa ăn nào là miễn phí”, tôi nghe người ta nói vậy và cũng nhìn thấy vậy. Thế nên ngày hôm sau, tôi dúi vào tay Meranda tờ 20 đô la bẽn lẽn nói cảm ơn và bảo tôi muốn phụ bà đổ xăng hàng tuần. Phản ứng của Meranda làm tôi ngạc nhiên hết mức. Bà giãy nảy lên ấn tờ tiền lại vào tay tôi miệng la bai bải “Mày bị điên hả Thỏ. Tao đã nói là tao giúp, đừng băn khoăn gì mà. Cất tiền đi không tao giận đấy.” Thú thực là tôi thấy ngại ngùng và chưng hửng. Meranda có lẽ cũng nhận ra điều đó nên bảo tôi: “Nếu mày thấy ngại thì thỉnh thoảng tiện đi chợ, mua cho tao vài trái táo cũng được, để tao có động lực ăn kiêng.” Rồi bà đổi giọng nghiêm nghị: “Thỏ này, tao giúp mày nhưng mày không cần phải làm bất cứ điều gì để trả ơn tao. Chỉ cần mày nhớ rằng khi gặp ai đó cần được giúp đỡ, nếu có thể, hãy giúp người ta. Ðó là điều tao mong mày sẽ làm được.”. Tôi nghe Meranda nói vậy mà trong giây lát tưởng như không tin vào tai mình. Trời ạ, trong cái thế giới hỗn loạn này, khi mà con người đang ngày ngày giành giật, giẫm đạp lên lẫn nhau để thở vẫn còn tồn tại một người như vậy sao? Ðã từ lâu rồi tôi quên những câu chuyện cổ tích vẫn thường đọc thuở ấu thơ. Bởi chúng đã ở xa lắm và đã bị mòn vẹt đi bởi những lăn lóc, bon chen khi phải sống một đời tha hương.
Bây giờ thì tôi có thể nhắm mắt lại mà nhớ như in hình dáng và khuôn mặt Meranda. Bà thường trang điểm rất đậm và xức nước hoa thơm phức. Tóc cũng luôn được nhuộm màu cắt tỉa gọn gàng và thường được bà thay đổi kiểu bới chải mỗi ngày. Tôi cũng nhận ra lớp son phấn dày đậm kia cho dù có được nhấn dặm kỹ càng cũng không thể che giấu hết những nếp nhăn hằn sâu trên khóe mắt và khóe miệng, đặc biệt là những khi Meranda nói, cười. Chiều cao của Meranda chỉ ngấp nghé so với một nàng Châu Á nhỏ nhắn là tôi nhưng “khổ rộng” thì hơn tới bốn đến năm lần. Tính tình bà cũng thẳng thắn và nóng nảy không kém gì đàn ông, nhưng lại tốt bụng, vui vẻ. Ðó là Meranda đồng nghiệp, bạn vong niên của tôi.
Meranda có năm đứa con. Năm đứa sống ở năm tiểu bang khác nhau mà chẳng có đứa nào cùng ở Texas này cả. Ðứa con gái, thấy bà bảo kém tôi chừng 6 tuổi. Tôi không dám thô lỗ hỏi tuổi bà nhưng áng chừng bà kém mẹ tôi xấp xỉ chục tuổi. Vậy là bà cỡ tuổi dì út nhà tôi. “Tôi gọi bà là dì Meranda nhé”, một buổi tôi hồ hởi nói. “Ấy chớ, gọi là dì nghe già lắm, tao không thích. Cứ gọi Meranda được rồi. Nhân thể giới thiệu cho mày biết luôn. Tao không chồng và chưa có bạn trai. Sống độc thân trong một căn nhà nho nhỏ tại Farmers Branch xinh đẹp”, Meranda chớp chớp mắt giả giọng e lệ rồi phá lên cười. “Tao đang tuyển bạn trai. Chừng nào gặp được người đủ tiêu chuẩn, tao sẽ giới thiệu với mày.”
Nếu không phải vì yêu quý, nể trọng và mang ơn người bạn vong niên, hẳn tôi sẽ phá lên cười mà chọc “Thôi nào Meranda, tỉnh mộng đi. Hãy nhìn lại mình một lần nữa trong gương trước khi nói vậy, tôi xin bà đấy”. Thế nên, thay vì chọc vậy, tôi chỉ cười cười rồi đáp “Tôi sẽ chờ”.
Ðóng cửa xe, tôi vui mừng đến nghẹn giọng: “Meranda, tôi mua vé rồi, hai tháng nữa sẽ về thăm ba mẹ, đúng vào dịp Tết nhé.”
“Vậy là Thỏ sẽ về Việt Nam, mày về bao lâu?”
“Năm tuần”, tôi vẫn còn đang trong cảm giác sung sướng lâng lâng.
“Mày mới làm có hai tháng, làm gì xin được nghỉ tới năm tuần. À tao hiểu rồi…” tôi không nhận thấy vẻ buồn buồn trên khuôn mặt Meranda.
“Hãng này đâu phải chỗ dành cho tôi, Meranda. Tôi chỉ cần có chút tiền để về thăm nhà thôi. Khi nào quay lại sẽ tính tiếp. Tôi gào lên phấn khích một bài hát tiếng Tây Ban Nha Vuela, vuela”
“Thỏ biết bài này à?”, Meranda ngạc nhiên.
“Biết, từ ngày quen bà, Meranda yêu quý”.
“Chúc mừng mày. Mà Tết Việt Nam cũng còn tận 2 tháng nữa. Tiệc hãng cuối năm sắp tới rồi. Lo cái gần hơn trước đã. Mày đã chuẩn bị gì chưa?”
“Cần gì chuẩn bị, cứ đến ngày là đi thôi”
“Mày đúng là Thỏ, đơn giản quá mức. Nhân thể tao góp ý luôn là mày hơi lôi thôi. À, không phải là lôi thôi theo kiểu luộm thuộm mà là… là quá giản dị đến mức… không có gì ấn tượng cả…” Meranda ấp úng xem chừng sợ tôi phật ý.
“Ai cũng bảo tôi thế. Thế nên mới ế đến giờ này.”, tôi hồn nhiên đáp.
“Ðã là đàn bà, lúc nào cũng phải đẹp, mày hiểu không? Lúc nào cũng phải đẹp, ấy là nghĩa vụ. Mày hãy ghi nhớ điều này.”
“Ờ…nhưng mà…” tôi ấp úng, toan lôi ra đống lý do cũ rích vẫn thường dùng để biện hộ: nào là đi làm tối mặt tối mày, không thời gian, muốn tiết kiệm chút tiền…nhưng Meranda không để tôi nói.
“Tất cả chỉ là ngụy biện. Nói tóm lại, đã là đàn bà phải biết làm đẹp. Rõ chưa?”
“R..o…õ”.
“Tao muốn thấy mày thật đẹp vào bữa tiệc cuối năm này, Thỏ ạ.”
“Tôi… tôi sẽ cố… ”
Chắc trông tôi có vẻ nhăn nhó, khổ sở lắm, Meranda mới bật cười “Mày đúng là nhất trần đời này. Ai đời, đàn bà bảo phải làm đẹp, chưng diện vào mà cứ như bị án đi đày.”
“Thì tôi vẫn thế mà”, tôi cười khì.
“Thế đã tìm được trai tháp tùng chưa?”
“Chưa. Hay là tôi với bà cùng đi”, tôi giở giọng gạ gẫm.
“Mày đừng có điên. Ði ăn tiệc là phải có trai tháp tùng, ấy là nguyên tắc.”
“Nguyên tắc gì kỳ vậy. Hai người đàn bà đi ăn tiệc cùng nhau cũng lạ à? Hay bà lo bị mang tiếng lesbian?”, tôi châm chọc.
Meranda phì cười, “Tao thì sợ cái gì. Nhưng đó là nguyên tắc, vậy thôi.”
Bàn tán, háo hức mãi cuối cùng bữa tiệc cuối năm cũng tới. Tôi đi một mình, diện đầm đen, thả tóc, trang điểm nhẹ nhàng.
“Vẫn còn đơn giản. Nhưng cũng đẹp”, Meranda bình phẩm. “À, giới thiệu với mày, đây là Fernaldo.”
Nếu không phải đang ở một bữa tiệc sang trọng chốn đông người tôi hẳn đã há hốc mồm vì ngạc nhiên. Fernaldo được Meranda giới thiệu là một người đàn ông đẹp trai quyến rũ quá mức và trẻ hơn cả chục tuổi so với Meranda.
“Ăn tiệc vui vẻ nhé Thỏ”, nói rồi Meranda tình tứ khoác tay Fernaldo quay đi, bỏ mặc tôi vẫn còn hoang mang, ngỡ ngàng đến tột độ.
Ðồ ăn ngon. Rượu. Nhạc. Nói cười vui vẻ. Tiệc kéo dài tới tận 12 giờ khuya. Lần đầu tiên kể từ khi vào hãng làm hay đúng hơn là kể từ khi bắt đầu đi làm, tôi sốt ruột mong ngày Thứ Hai. Tôi muốn hỏi chuyện Meranda.
“Ở đâu ra trai to cao, trẻ đẹp thế Meranda?” tôi nhanh nhảu khi vừa mới gặp mặt ngoài cửa hãng.
“Trông mày kìa Thỏ, tao không ngờ mày cũng mê trai đấy”
“Mê…mê gì đâu, tại tôi tò mò quá đấy thôi.” Tôi ấp úng chữa ngượng.
“Có gì đâu mà phải ngượng. Ðàn ông mê gái đẹp không lẽ đàn bà không được quyền mê trai đẹp?” Meranda cười toét miệng.
“Nói cho tôi biết đi”, tôi sốt ruột.
“Suỵt, bí mật. Không nói ở đây được. Ðợi sau giờ làm.” Meranda làm ra vẻ bí hiểm.
“Hả. Có… có thật không?” Tôi lắp bắp sau khi nghe Meranda kể, khi cả hai đã ngồi trong chiếc xe truck màu đỏ quen thuộc.
“Có bùa… bùa yêu thật hả. Mà bà thỉnh ở đâu mà được bùa thiêng thế?”.
“Có. Thật như mày thấy hôm Thứ Bảy vừa rồi. Anh chàng Fernaldo ấy thật ngọt ngào” Meranda lim dim mắt như đang hồi tưởng lại.
Cũng có lẽ là thật. Tôi từng nghe người Mễ cũng mê tín và hay làm bùa phép lắm. Rồi tôi lại nhớ đến “hỗn danh” gái già, gái ế của mình. Nhớ đến lời năn nỉ lẫn dọa nạt của mẹ tôi mỗi lần nhắc đến “chuyện chồng con”. Hay là, thử một lần xem sao. Biết đâu…
“Meranda này…” tôi ngập ngừng. “Bà lấy giúp tôi một chiếc bùa…được…được chứ?”.
“Ðã bảo là mê trai mà còn chối. Thiêng nhưng mà đắt lắm đấy, mày dám mua không Thỏ?”
“Nghe đến đắt tôi hơi chùn. Nhưng lỡ hỏi rồi, giờ nghe nói vậy lại bảo thôi thì ngượng quá. Ðã đâm lao thì phải theo lao. Mới lại biết đâu tìm được…Ðắt là bao nhiêu?” tôi vênh mặt hỏi Meranda xem chừng rất quyết tâm.
“Ba trăm đô la”.
Trời, đắt thật, ngang hơn ba ngày lương. Tôi nghe ruột mình xon xót nhưng vẫn nói:
“Mai tôi mang tiền đi cho bà. Thế bao giờ lấy được bùa?”
“Một tuần”. Tôi không nhận ra vẻ đắc thắng trên gương mặt Meranda.
“Một tuần sau cũng là ngày tôi lên đường về Việt Nam”
“Biết. Tao sẽ chở mày ra sân bay ngày hôm đó, được chứ. Nhân tiện đưa bùa luôn.”
“Vâng. Cảm ơn bà”.
Meranda đến đúng giờ. Chở tôi ra sân bay, bà còn đậu xe, giúp tôi kéo hành lý vào đến tận cửa. Tôi vô cùng háo hức về chuyến đi, nhưng vẻ rầu rầu trên gương mặt Meranda khiến tôi chùng xuống.
“Chúc mày thượng lộ bình an. Cho tao gửi lời hỏi thăm ba mẹ mày nhé.” Meranda ôm tôi thật chặt, giọng không giấu nổi xúc động.
“Cảm ơn Meranda. Tôi sẽ rất nhớ bà. Tôi sẽ gọi khi quay lại.”
“Bùa của mày đây. Bảo trọng.”
Ngồi trên máy bay, tôi giở túi bùa ra xem. Một lá thư nhỏ rơi ra trước hết, nét chữ mảnh mai:
“Thỏ, mày thật là dễ thương. Tao rất vui khi có mày làm bầu bạn mấy tháng qua. Mày là một đứa sâu sắc và chăm chỉ, nhưng tao khuyên mày một câu chân thành là hãy chú ý chăm sóc cho bản thân và hạnh phúc của chính mình hơn. Thời gian và tuổi xuân trôi đi nhanh lắm. Mày hiểu ý tao chứ? Tao gửi kèm với lá thư này là bùa yêu mà mày hỏi mua. Chúc mày sớm tìm được hạnh phúc. Ði chơi vui vẻ nhé.
P/S: Ước gì mày là con gái tao… Mà thôi là bạn thì hơn, để tao không thấy mình già”.
Gửi kèm trong lá thư là ba tờ in hình Benjamin Franklin mới cóng. Ðó chính là bùa yêu Meranda thỉnh giúp tôi.
Vuela vuela: bài hát tiếng Tây Ban Nha nổi tiếng có đoạn: Bay nào, bay nào. Bạn không cần hành lý chi cả. Không ai có thể khống chế trí tưởng tượng của bạn. Bay đi, bay đi, để thấy mọi thứ đều có thể trên đời.