Sài Gòn giữa tháng 12 Tây lịch, sương mù (vài nghiên cứu lại cho đây là khói bụi) sáng sáng là mon men phủ một lớp lên mấy cái nóc nhà làm đất trời buồn bã, con người buồn… ngủ. Đường vẫn kẹt xe nhưng dòng người dường như dịu dàng hơn vì họ mắc cười xòa: “Mới giờ này đi đâu cũng thấy nhạc xuân! Sắp đến Tết rồi.”

Trong thời khắc giao thoa ấy, mọi thứ mọi người đều thay đổi nhưng tôi thì… không! Vẫn ế ẩm vẫn ngồi trước laptop hàng giờ mỗi ngày. Thế giới mạng thật kỳ diệu, nó thu hút tôi hơn cả những chàng trai đẹp ngoài kia. Nói chứ không phải nghiện đâu, cái này gọi là “cập nhật xu thế”. Giờ ở VN, mấy người trẻ (như tôi) ngồi với nhau mà có một bạn ngây ngô hỏi: “Facebook là gì!” Xác định bạn ấy sẽ nhận được câu trả lời rất cặn kẽ, chân thành: “Mày làm thế nào để tồn tại!” Thời này là thời đại của thế giới phẳng, của cloud computing, của IOT, của Big data, của công dân global… dầu muốn hay không, bạn cũng phải chấp nhận!
Nhỏ bạn rủ đi siêu thị mua đồ trang trí cây thông Noel. Tôi không chịu vì ngán cảnh chen chúc nơi đông đúc, thế là lại ngồi trước màn hình máy tính để “tưởng nhớ” Noel “hồi đó đó”. Khi mình còn là một cô bé ham vui, xí xọn (tuy bây giờ cũng vậy). Thật ra tôi chưa bao giờ tin ông già Noel có thiệt. Hồi đó mỗi lần bạn bè chụm đầu bàn bạc coi nên “bắt” ông già Noel tặng cái gì thì tôi thường ngồi một góc kênh mặt khinh bỉ. Còn chúng sau vài lần rủ rê bất thành cũng cùng nhau đưa mắt… khinh bỉ nhìn tôi. Phán: “Mày có một tuổi thơ bất hạnh!” Ấy vậy mà cứ đến “chương trình” biên thiệp chúc mừng Noel, chúc Tết chúng lại “làm như thân lắm” bao vây lấy tôi nhờ lên ý tưởng, phác thảo hình ảnh hoặc bình loạn báo tường của lớp. Cũng không hay ho gì hơn ai, được cái đầu tôi ngoài những ý tưởng bậy bạ thì chẳng còn gì. May mắn cái là, tôi chỉ được lên ý tưởng, đưa ra lời bình hoặc truyện còn người biên vẽ và trang trí chưa bao giờ là tôi nên báo tường của lớp luôn được vinh danh trước trường. Rồi đến “tuổi biết buồn”. Tôi cũng bày đặt biên thơ tình cho mấy bạn trai mình để ý. Không hiểu sao những lá thư bay đi không hề được hồi âm. Một hôm tôi đánh bạo hỏi thì nhận được câu trả lời: “Tũn (nickname của tôi) biên công thức gì mình đọc hông ra?!” Vì vậy, dầu thiên hạ hay nói “nét chữ nết người” nhưng tôi chưa bao giờ tin vào điều đó! Và xã hội ngày càng tân tiến đã chứng minh điều tôi tin là đúng. Bây chừ cái “nết người” hầu như ai cũng giống như ai! Thật dễ chịu khi nhìn mọi văn bản hầu như đều được đánh máy. Rồi lặng lẽ trách giận những người thầy luôn cho mình điểm kém môn “vở sạch chữ đẹp”. Nói nào ngay phạt vậy là sai, vì biết mình viết chữ xấu nên hầu như cuốn vở nào của tôi cũng… sạch. Không có một chữ nào. Rứa là danh xưng “học sinh cá biệt” ám vào tôi không biết tự bao giờ.

Bà ngoại nuôi lúc còn sống cũng “chạy đăng ký” vài lớp rèn chữ cho cháu cưng là tôi, kết quả là “tiền mất tật mang” vì tối ngày cô giáo mắng vốn “Cháu của bà rủ cả lớp trốn học hoài!” Mỗi lần như vậy, bà lại thủ thỉ khuyên răn: “Ráng làm một học sinh giỏi để đậu vô ngành… bác sĩ nha con!” Còn ông cậu (em bà ngoại nuôi) thì nói: “Nó mà mần bác sĩ chắc bịnh viện mau dẹp lắm vì y tá nhìn lộn tên thuốc!” Chạnh lòng nghĩ lại, có lẽ đây cũng là một lý do nền y học Việt Nam vướng vào quá nhiều tai tiếng như hiện nay chăng? Không biết chữ của bộ trưởng y tế thế nào? Có vướng vào lời nguyền “chữ bác sĩ” hay chăng? Cũng thật may cho nhân loài khi tôi không có đam mê với ngành y học. À, xin lỗi những bác sĩ chân chính, tôi không hề có ý định nói những người làm ngành y là… mất nết. Vì cả hai câu nói “nét chữ nết người” và “chữ bác sĩ” đều không phải tôi sáng tác! Nói chứ không phải cái gì “ông bà mình” nói cũng đúng hoàn toàn…

Tôi thường bị “phê bình” là hay nói lan man, than thở dài dòng. Trong những bài viết của tôi, đoạn đầu tiên thường không ăn nhập đoạn thứ hai và hai đoạn đầu sẽ càng không… liên quan đoạn cuối! Chữ viết và cái nết của tôi cũng như vậy. Chúng y như là thời tiết tháng 12 Tây lịch của Sài Gòn với mùa đông của Dallas vậy! Ví dụ như bài viết này, gần cả ngàn chữ rồi mà tôi cũng không biết “dzô” vấn đề bằng cách nào cho nó… thú vị nên cứ lẩm bẩm một mình. (Mà nhắc tới chuyện lẩm bẩm một mình thì tôi lại muốn kể vài… kỷ niệm khác) Nhưng… thôi!
Sở dĩ bỗng dưng quan tâm chuyện chữ nghĩa không phải “phê và tự phê” hay “tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm” gì! Mà là vì trong lúc lướt Facebook tôi phát hiện ra một chuyện thú vị. Cô nhà thơ (nickname Chiêu Anh Nguyễn) và một người mần video blog (Nickname Dưa Leo) đăng lên trang cá nhân tờ giấy mời của cơ quan nhà nước tại nơi sanh sống. Chuyện này cũng không có gì lạ đối với những người có tiếng nói riêng, được cho là “phản động” ở Việt Nam. Nói chung cứ nói sai với những tuyên truyền của bộ máy chánh quyền đương thời là sai hết. Mặc dầu bạn kể lại một chuyện xảy ra trước mắt mình. Có một blogger tên Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giữ đã hơn hai tháng chỉ vì… tàng trữ những bài báo đã được đăng trên hệ thống báo chí cách mạng. Nói chung là thế giới này rất phức tạp. Ðôi khi con người ta coi những lời mình đã nói, những việc mình đã làm là vũ khí chống lại mình khi nó ở trong tay “đối thủ”. Vì vậy mỗi con người ở Việt Nam có thể làm đối thủ của chánh quyền bất cứ lúc nào nếu không cẩn thận! Quay lại chuyện giấy mời, nội dung giấy mời thường đơn giản. Có hoặc không có lý do rõ ràng để bạn bị/được mời lên phường, nhưng người được mời hình như không có quyền từ chối lời mời đó. Họ sẽ được dùng trà, ghi âm, quay camera lại mọi hành động, những câu trả lời sẽ là “bằng chứng trước tòa” bất cứ khi nào, tuy nhiên bạn cũng không được quyền im lặng nếu không muốn bị khép tội “chống người thi hành công vụ”. Sau đó, tất nhiên là bạn có thể được về hoặc không tùy theo “thái độ” của mình. Một “quy trình” thẩm vấn kỳ lạ. Nhưng đó không phải là chuyện thú vị tôi muốn chia sẻ. Tôi thấy thú vị ở chỗ những tờ giấy mời kia hầu hết được in sẵn theo quy chế cũ nên trên đó sẽ được điền rất nhiều chữ viết tay. Ðặc biệt những nét chữ in trên đó rất đẹp!

Ở VN bây chừ, chuyện người ăn mặc lịch sự ra đường va quẹt xe người khác rồi chửi nạn nhân, thậm chí xông vào đánh nhau nếu người ta dám “gầm gừ” hoặc gây tai nạn khiến người khác bị thương, thậm chí là thiệt mạng rồi bỏ chạy, thanh niên không tôn trọng người cao niên hoặc hình ảnh các cậu ấm cô chiêu khoác trên mình hàng hiệu dát vàng nhưng mở miệng ra sặc mùi chợ búa là chuyện thường nên chuyện một vị công an nhân dân viết chữ đẹp chắc cũng không có gì to tát. Có thể người đó làm ở ban chuyên… viết giấy mời. Viết miết thành ra chữ đẹp chăng? Giống như cá ở Biển miền Trung Việt Nam vẫn chết hàng loạt mặc dầu nhà nước đã chứng nhận nước biển đã sạch và toàn bộ cá (chưa chết) đã có thể dùng an toàn. Chắc chắn là các loài sanh vật biển kia ăn chất độc từ nhà máy thép thời gian qua đã quen, nay không có chất độc để ăn nên… chết. Vì quá… sạch! Dân tình sau thời gian ồn ào cũng đã ăn cá trở lại mặc kệ nguồn gốc và độ an toàn! Hay như chuyện tôi vẫn viết chữ xấu mặc dầu có tâm hồn đẹp chẳng hạn! Tuy biết như vậy nhưng tôi cứ thắc mắc những người viết những tờ giấy mời đó là ai, họ có hiểu việc mình đang làm hay không? Và tại sao họ không… đánh máy cho lẹ! Ít ra cũng để không làm một kẻ nhiều chuyện như tôi phát hờn! Tuy biết rằng chuyện tôi quan tâm hay không, chắc cũng không khiến ai… hờn! Nhưng sáng đọc báo thấy Tổng Bí Thơ Nguyễn Phú Trọng nói “Không cho phép ai lợi dụng đấu tranh chống tiêu cực để chống phá Ðảng” suy ra ý Ðảng là ý trời. Ðảng nói sao phải nghe vậy dầu tiêu cực hay không! Và đã có rất nhiều luật ví dụ như điều 258 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân mà rất nhiều người bị khép tội khi họ không hề biết ở Việt Nam có “các quyền tự do dân chủ”.

Không phải mỗi dân đen bị ảnh hưởng bởi luật này đâu nha! Mà chính những người đang làm trong bộ máy nhà nước cũng bị. Ví dụ như vừa rồi, Anh Phùng Hiệu – Quyền phụ trách cơ quan phía Nam của Nhà báo & Công luận (Cơ quan TW Hội nhà báo Việt Nam), đã bị đình chỉ công tác và tước quyền phụ trách cơ quan phía Nam tờ Nhà Báo & Công Luận. Dĩ nhiên, ông TBT của Nhà Báo & Công luận cũng bị kiểm điểm vì để lọt một “con sâu trong nồi canh” chỉ vì anh ta viết trên Facebook cá nhân của mình cảm xúc về việc lãnh tụ Cu Ba Fidel Castro ra đi hôm 27/11/2016 như sau: “Xin thắp cho ông Fidel Castro một nén nhang, chúc cho dân tộc của ông bước sang một trang sử mới. Sau gần 50 năm cai trị đất nước Cuba với sự độc tài, bảo thủ và tôn thờ chủ nghĩa Marx một cách mê muội, ông Fidel Castro đã để lại một Cuba nghèo nàn, lạc hậu với những chiếc xe Lada cũ kỹ thời Xô Viết và những chiếc tivi màn hình đen trắng.
Mấy hôm nay báo chí và người dân nuớc tôi cứ ngây thơ ca ngợi, tiếc thương ông mà không xót xa cho một đất nước hơn nửa thế kỷ chìm đắm, ngủ quên trong lạc hậu và bị cô lập, cấm vận; mất cả quyền tự do, bình đẳng. Rất may người em của ông đã nhìn thấy và kịp vực dậy, đưa dân tộc thoát dần ra khỏi tối tăm. Hy vọng sau khi ông mất người dân Cuba sẽ hòa nhập vào thế giới tiến bộ của con người.” Những dòng “trạng thái” trên bị cho là phỉ báng lãnh tụ Fidel, thể hiện sự vô ơn, vô cảm và đi ngược lại luân thường đạo lý của người Việt Nam nên người đăng phải bị trừng phạt! Mà nghe đâu, khi lãnh tụ Cu Ba Fidel Castro chết, thì chính con ruột, em ruột ông ta không hề tỏ thái độ đau xót. (Có thể vì vậy mà lãnh tụ “tối cao” của nước ta chỉ có cháu ngoan chứ không hề có em ngoan, con ngoan?). Túm lại vị “Quyền phụ trách cơ quan phía Nam của Nhà báo & Công luận” kia mất việc vì không chịu buồn trên… Facebook như những vị “Ðảng viên chân chính khác”!

Từ đó nghĩ coi, mấy người biên chữ đẹp trong mấy tờ đơn kia chắc chắn là Ðảng viên chân chính, không biết chức tước thế nào nhưng lỡ một hôm nào đó họ buồn buồn ban hành luật toàn dân phải biên chữ đẹp. Có phải “kẹt” cho tôi không?
DU