Menu Close

Xông đất Hậu Hiện Đại

Xếp hàng rồng rắn chờ xin lộc ở Chùa Ông, Hội An
Xếp hàng rồng rắn chờ xin lộc ở Chùa Ông, Hội An

Xông đất đầu năm thì ai cũng biết rồi, nhưng Hậu Hiện Đại, khái niệm không mới mẻ này lại có vẻ rất lạ lẫm với tục xông đất. Chính vì vậy, tôi mạn phép bàn (sơ lược) về Hậu Hiện Đại trước khi bàn đến xông đất Hậu Hiện Đại. Bởi nói cho cùng, xông đất Hậu Hiện Đại là một thái độ tự giải trừ cái đại tự sự Văn hóa Trung Hoa trên xứ Việt cả ngàn năm nay. Hay nói cách khác, xông đất Hậu Hiện Đại, tuy đơn giản chỉ là xông đất đầu năm theo phương cách cải biên tại Việt Nam hầu thoát khỏi những lối mòn sáo rỗng, một cách tự khẳng định mình, tự loại bỏ yếu tố Trung Hoa ra khỏi gia đình Việt Nam.

Hậu Hiện Đại

Trước nhất, tôi muốn nói đến Hậu Hiện Ðại, mà tôi cũng xin lỗi những bậc tiền bối đã viết rất nhiều, rất kỹ về Chủ nghĩa Hậu Hiện Ðại, xin lỗi thầy Nguyễn Hưng Quốc, thầy Hoàng Ngọc-Tuấn, và những vị thầy mà tôi chỉ được đọc qua tác phẩm nhưng vẫn xem là những bậc thầy đáng kính. Tôi không dám múa rìu, tôi chỉ mượn một chút chữ nghĩa của quý thầy nhằm đạt cái mục đích cũng rất ư cỏn con của tôi: Chứng minh rằng xông đất đầu năm là hành vi tự cởi trói từ trứng nước của đa số người Việt hiện nay, và dẫn ra một thành phần không nhỏ giới quan chức nhà nước đang húc đầu vào tường, đang theo đuổi thứ văn hóa đã quá sáo rỗng.

Tết về trước hiên nhà
Tết về trước hiên nhà

Hậu Hiện Ðại, tôi không dám định nghĩa và đưa ra khái niệm mà đưa ra cách hiểu của mình về chủ nghĩa này, trước nhất, đây là sự cởi bỏ, giải trừ những trung tâm, các đại tự sự và những gì gọi là ổn định, trường tồn, thậm chí được xem đáng kính… thì với cách nhìn và con mắt của Hậu Hiện Ðại, mọi thứ đều bình đẳng, mọi thứ giá trị cần được minh định bằng khoa học, đánh giá sòng phẳng và khách quan hơn… Có vẻ như tôi hiểu chưa đúng lắm về Hậu Hiện Ðại, nhưng không sao, vì những chuyện đó tôi sẽ học tiếp ở các Thầy qua sách vở của các Thầy. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là sự cởi bỏ, cởi bỏ từ quan niệm, truyền thống và tâm linh.

Xông đất

Mà sự cởi bỏ này đôi khi chỉ biểu hiện thông qua một sự giễu nhại nào đó. Tôi từng biết câu chuyện của một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng miền Nam thời trước 1975, bà được một thi sĩ yêu quý và xem bà là thánh nữ. Có một quãng thời gian dài bà rất sợ vị thi sĩ này đến xông đất đầu năm, bởi cứ Mồng Một Tết thì ông có mặt ở cổng nhà bà rất sớm, mở cửa là ông vào nhà “quậy” bà. Nhưng rồi dần dà, bà xem ông là “thánh xông đất”, cứ sáng Mồng Một là bà mở cửa đón ông. Ở chỗ này, rõ ràng giữa vợ chồng người nghệ sĩ cải lương này và vị thi sĩ kia đã có một tình cảm vượt qua những thứ rào chắn của thói quen, tập tục; đã chuyển hóa từ sự sợ sệt, lo lắng, không muốn gặp sang mong gặp và đón nhận, đón mời. Có một sự cởi trói về quan niệm, thậm chí tâm linh ở cả ba người này.

Bán cúc Tết trước Hoàng thành Huế
Bán cúc Tết trước Hoàng thành Huế

Nhưng đó là câu chuyện của “người xưa năm cũ” câu chuyện gần đây nhất có lẽ là chuyện của ông bạn nhà thơ “ném tiền qua cửa sổ” của chúng tôi. Ông này là thi sĩ nghèo, sống nhờ vào ngòi bút của bà thân và con heo, con gà của bà vợ. Nhưng Tết năm nào, đúng Giao Thừa ông cũng làm một việc, đó là ném tiền qua cửa sổ. Toàn bộ nhuận bút Tết được ông vo thành một cục và ném qua cửa sổ (đương nhiên bên kia cửa sổ vẫn là vườn nhà ông và bên ngoài vườn có tường rào hẳn hoi), ném xong, sáng Mồng Một lại lẳng lặng ra vườn nhặt tiền vào và vuốt sạch sẽ, thẳng thớm để lì xì cho các con.

Hỏi vì sao ông làm kỳ cục như vậy thì ông nói: “Ném tiền qua cửa sổ là hành động của một trong ba kẻ này: hoặc là quá rộng lượng, hoặc là quá hợm hĩnh, hoặc là quá ngu ngốc. Kẻ rộng lượng biết bên kia cửa sổ căn nhà sang trọng của mình còn nhiều mảnh đời, nhiều số phận cay đắng, nghèo khó, họ ném tiền qua là để tặng một cách khéo léo. Kẻ hợm hĩnh muốn tỏ ra mình giàu đến độ xem tiền như cỏ rác và phung phí chẳng khác nào ném qua cửa sổ. Kẻ ngu ngốc thì chưa bao giờ biết xài tiền mặc dù hắn có hàng tấn tiền, hàng núi tiền, bởi hắn chưa bao giờ đủ thông minh để kiếm được một đồng tiền chân chính, những đồng tiền bất chính và vô vị là thứ hắn có thể ném qua cửa sổ một cách đơn giản như chơi. Khi tôi ném tiền qua cửa sổ, tôi tự nhắc rằng có cả ba con người đó trong tôi, và giờ Giao Thừa là giờ bắt đầu của năm mới, tôi tự nhắc mình phải biết rộng lượng và tránh những hành động ngu ngốc, bất chính”.

H5

“Còn sáng mai ông ra nhặt tiền vào lì xì thì mang ý nghĩa gì?”

“Có hai ý nghĩa, tôi là người xông đất đầu tiên cho gia đình tôi và tôi mang lộc đến cho gia đình tôi. Người xông đất đầu tiên là vì mới sáng Mồng Một, chưa có ai tới đạp đất thì tôi đi ra vườn, ra ngõ rồi vào nhà đầu tiên, chúc Tết, lì xì đầu tiên. Còn mang lộc đến nữa, vì mới sáng Mồng Một Tết, tôi nhặt được tiền, mang cái lộc đó vào nhà để lì xì lại cho vợ con. Như vậy thì có đủ mọi thứ, Giao Thừa tự nhắc mình phải sống như thế nào, Mồng Một Ðạp Ðất và lì xì, mà phải lì xì thật nhiều, chừa lại cho mình vài đồng thôi. Chứ nếu lì xì ít thì năm sau mấy thằng con nó phục kích, chờ mình ném thì nó nhặt luôn chứ không đợi mình nhặt đâu. Ðùa chút chứ thực ra tôi muốn xóa bỏ mọi thứ thói quen sáo rỗng theo kiểu âm dương ngũ hành mà ông bà mình đã ảnh hưởng quá nặng từ Trung Hoa, tôi muốn tự mình xông đất cho mình, theo quan niệm và niềm tin của mình. Chuyện tâm linh, quan niệm văn hóa ngay ngày đầu năm mà mình không thoát được thì đừng nói chi chuyện thoát Trung với thoát Tàu!”.

Câu chuyện nghe ra có chút gì đó buồn cười, thậm chí hơi nhảm nhí của ông bạn nhà thơ lại hoàn toàn có ý nghĩa với tôi, bởi đó là một thái độ Hậu Hiện Ðại. Nhưng có vẻ như câu chuyện của ông bạn không phải là chuyện duy nhất, hãn hữu mà có vẻ như càng ngày, cái quan niệm âm dương ngũ hành, tam hợp cục của việc xông đất trong dân gian đã được xóa gần sạch. Nhưng bù vào đó, vấn đề chọn người xông đất đầu năm ở giới quan chức, tư bản đỏ có vẻ như ngày càng nặng hơn, trầm trọng hơn.

Dạo chơi phố hoa
Dạo chơi phố hoa

Xông đất mướn

Không phải tự dưng mà tôi nói ứng lên như vậy, thử coi lại các dịch vụ xông đất đầu năm ở các thành phố lớn, từ Sài Gòn đến Hà Nội, Ðà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Huế, Hải Phòng. Ở những thành phố này, vào dịp Tháng Chạp, các dịch vụ cho thuê người xông đất tha hồ hốt bạc. Mà giá cả ở các dịch vụ này nếu người nghèo mới nghe qua là muốn xỉu. Một người đến xông đất theo yêu cầu của gia chủ giàu có lên đến vài chục triệu đồng, không ngoại trừ những trường hợp chủ nhà cho hậu hỉ, lên đến cả trăm triệu đồng. Số tiền hơn cả ba năm tích lũy của người nông dân vừa chăn nuôi vừa làm vườn vừa tranh thủ đi làm thuê. Và các sinh viên, những nhân viên văn phòng (hầu hết là nam giới, người ta không để nữ giới đến xông đất đầu năm vì sợ những vấn đề tế nhị của chị em, trong đó có cả quan niệm coi rẻ đàn bà, trọng nam khinh nữ) ghi danh vào các dịch vụ này và chủ nhà chỉ cần đến xem hình, xem tuổi tác theo hướng dẫn của thầy địa lý, chiêm tinh, thầy bói… Sau đó nếu có tuổi và gương mặt phù hợp thì cho gọi tới để xem tướng, xem tính cách, xem tướng đi có thẳng thớm hay không, nói chung là chọn người xông đất cũng chẳng khác gì chọn heo, gà mấy.

Và khi hợp đồng được ký kết, người được chọn sẽ đến xông đất cho chủ nhà đúng giờ, đúng ngày, thường thì dao động từ 6h sáng cho đến 9h sáng, hiếm có trường hợp vượt qua mốc giờ này. Và cũng có nhiều trường hợp đi xông đất chạy sô, ngày Mồng Một kiếm được cả trăm triệu. Thực ra, chuyện xông đất đúng sai, hay dở như thế nào không rõ nhưng rõ ràng vung tiền để thuê người và chọn người như chọn gà vịt như vậy thì chẳng đẹp đẽ, chẳng có tí gì là văn hóa, nếu không muốn nói đây là biểu hiện của một thứ gì đó tựa như suy thoái về nhân phẩm!

Viết thư pháp trong hội chợ xuân
Viết thư pháp trong hội chợ xuân

Song hành với phong trào chọn người thuê xông đất của giới nhà giàu thì một thành phần không nhỏ người lao động, giới văn nghệ, trí thức Việt lại chọn cách xông đất rất “Hậu Hiện Ðại”. Ví dụ như tục xin lộc đầu năm, vì không muốn bẻ cành vô tội vạ, chủ nhà tìm một nhành cây nào đó giấu ngoài ngõ vào tối Ba Mươi, sau đó giấu thêm một chai nước suối (thay vì đến giếng, ra sông hay ra bờ ao để múc trong đêm tối), sau đó chủ nhà đi đón Giao Thừa về, mang cả lộc và nước vào nhà, chúc Tết cả nhà vui vẻ. Cách làm này vừa giữ không khí xưa, xông đất và cầu lộc cầu tài đầu năm cho có không khí Tết mà chẳng động chạm tới ai, tôn trọng thiên nhiên, vạn vật.

Hoặc có nhiều người cũng thuê xông đất nhưng lại thuê những người nghèo, người lang thang cơ nhỡ, người quanh năm thiếu ăn để họ tới chúc Tết, cùng đón năm mới với gia đình mình. Ðương nhiên, Tháng Chạp phải lo cho người này một bộ áo quần tươm tất với lý do “anh/chị đến xông đất nhà tôi phải mặc đồ mới”. Mà lý do này thì rất dễ thương, người ta mặc đồ mới của mình tặng cũng không thấy áy náy, khi nhận tiền lì xì đầu năm cũng hoan hỉ. Gia đình tôi chọn cách xông đất như thế này, hoặc chính ông xã tôi ra đường trước giờ Giao Thừa rồi về nhà sau Giao Thừa, chúc Tết cho Bà và Mẹ tôi… Ðã nhiều năm như vậy, thấy Tết vẫn vui và ấm áp, cả năm làm ăn hanh thông, mạnh khỏe, con cái tôi lại được nhiều người (nhà nghèo) thương yêu, che chở.

Và, tôi gọi đó là xông đất Hậu Hiện Ðại. Và, rõ ràng, “xông đất Hậu Hiện Ðại” chứa cả lòng trắc ẩn, tình yêu thương và cả quan niệm tâm linh, cả sự thành thật, không cần đãi bôi hay chạy đua về giá cả, mọi thứ rất tự nhiên. Mà tôi nghĩ, văn hóa hay tâm linh thì đều phải có lòng yêu thương, chứ chỉ đơn thuần lấy tiền ra nói chuyện thì chẳng còn gì là văn hóa nữa. Cũng may, giờ có thêm một thói quen, rồi sẽ thành tập quán “xông đất Hậu Hiện Ðại”!

UC