Vào khuya đêm trước Giáng sinh, chủ căn nhà kia mở mắt thức dậy vì anh nghe có tiếng động đâu đó trong nhà. Lắng nghe kỹ dường như đó là tiếng bước chân người đang đi dò dẫm. Anh lo lắng cho vợ con mình đang ngủ nơi căn phòng kế bên. Anh lặng lẽ ngồi dậy, mang đèn pin và cầm khẩu súng săn trong tay, tiến lại gần nơi phát ra tiếng động. Khi phát hiện ra bóng người, anh cất tiếng:
“Không được cử động. Nhúc nhích tôi bắn.”
Ðối phương đáp lại với giọng từ tốn:
“Chuyện gì thế? Là tôi đây mà.”
“Chuyện gì là chuyện gì? Ðêm hôm khuya khoắt đột nhập vào nhà người khác làm gì?”
“Thì như anh thấy đấy.”
“Như tôi thấy thì đúng là phường trộm cướp.”
“Làm gì có. Không phải vậy đâu.”
“Không vậy thì còn ai. Quần áo kỳ dị quá.”
Áo đỏ mũ đỏ, chòm râu trắng dài với ủng. Dáng vẻ của ông già Noel.
“Không được sao? Ðây là quần áo của tôi mà, làm sao khác được chứ?”
“Nói đi, ông là ai?”
“Ông già Noel chứ ai.”
“Chuyện đó tôi hiểu. Tôi hỏi tên ông cơ?”
“Thì là ông già Noel chứ còn gì nữa.”
“Có vẻ như ông không muốn trả lời nhỉ. Không cần hỏi thêm vô ích. Cứ áp tải ông đến cảnh sát đã.”
Chủ nhà cất tiếng gọi. Ðứa con trai nghe thấy chạy ra và kêu lớn:
“Á, cha ơi cha giỏi quá đi. Cha bắt được trộm rồi nè. Còn bày đặt mặc quần áo đỏ để lôi kéo sự chú ý nữa chứ. Chắc chắn là người xấu rồi. Cha phải cẩn thận mới được. Có lẽ cha cứ bắn một phát vào chân cho hắn khỏi chạy trốn đã.”
Chủ nhà hưng phấn ra lệnh cho cậu con trai nghịch ngợm gọi điện báo cảnh sát. Chẳng bao lâu xe cảnh sát hú còi chạy đến, áp tải ông già lên xe.
Tại sở cảnh sát, cuộc thẩm vấn lập tức được bắt đầu.
“Này, hãy ngoan ngoãn mà thú nhận đi. Cuối năm chúng tôi đều bận cả. Nào là trẻ em đi lạc, say xỉn quậy phá, móc túi, tai nạn giao thông, tranh chấp tiền bạc đủ kiểu. Chúng tôi thì lực lượng không đủ, phân tán ra nên yếu đi. Nếu ông hợp tác thì chúng tôi không đối xử tệ đâu. Nếu ông được thuê làm ông già Noel thì chỉ đêm nay là thất nghiệp. Hay là vì để kiếm tiền tiêu Tết mà lẻn vào nhà người ta chăng?”
“Không phải đâu. Tôi không có làm ba cái chuyện trộm cướp gì đâu mà.”
“Ông nói vậy là sao?”
“Thì tôi là ông già Noel đó.”
“Nói chuyện đứng đắn đi. Ông lẻn vào nhà người ta chỉ để đùa vui thôi ư? Hôm nay là ngày hai mươi bốn tháng mười hai chứ có phải ngày một tháng tư đâu. Thôi cứ nói tên và địa chỉ nhà đi đã.”
“Tôi là ông già Noel.”
Viên cảnh sát cau mày, suy nghĩ một chút rồi như chợt nhớ ra mà nói:
“À, chắc là đang say xỉn đây mà. Hãy thở vào đây xem.”
Ông già tuân lời. Nhưng không có một chút mùi rượu nào cả.
“Vậy anh đã tin tôi chưa?”
“Tôi tin là ông không say xỉn. Nhưng không có nghĩa là hết nghi vấn đâu.”
Viên cảnh sát trao đổi với cấp trên rồi đưa ông già đến bệnh viện. Bác sĩ khoa thần kinh lắng nghe sự tình xong rồi lẩm bẩm:
“Xã hội phức tạp nên càng ngày càng có nhiều người suy nghĩ kỳ quái. Nhiều bệnh nhân tự xưng mình là thần linh, là triệu phú rồi là thiên tài đủ kiểu. Nhưng hoang tưởng mình là ông già Noel thì hiếm thấy lắm đây. Căn bệnh này vốn chưa từng có tiền lệ.”
Rồi đưa ông già vào phòng khám, thực hiện các chẩn đoán cần thiết và hỏi:
“Thế từ bao giờ ông bắt đầu tin mình là ông già Noel vậy?”
“Từ khi tôi bắt đầu có ý thức.”
“Chà bệnh nặng lắm rồi đây. Nhưng mà thế này nhé. Nếu như ông là ông già Noel thì ông có thể phân phát quà cho mọi người đúng không nào?”
“Dĩ nhiên, vì thế mà tôi mới đến đây.”
“Nếu vậy thì ông hãy đưa quà ra đây xem nào. Nếu ông làm được, tôi sẽ công nhận ông đúng là ông già Noel”
“Không, bây giờ thì không được.”
“Phiền phức rồi đây. Lúc nói được, lúc lại nói không. Tự mình còn không nhận ra mâu thuẫn trong lời nói của mình nữa. Việc chữa trị có lẽ sẽ vô cùng vất vả. Nếu không dùng biện pháp mạnh như liệu pháp sốc điện thì không xong. Bây giờ tôi sẽ đi bàn bạc phương thức chữa trị. Ông hãy đợi đây nhé.”
Vị bác sĩ rời khỏi phòng. Tuy nhiên khi quay trở vào thì ông già Noel không còn ở đó nữa.
“Thế đã chạy trốn rồi à? Chà, cứ tưởng là một bệnh nhân ngoan ngoãn nên không quậy phá đến mức đó chứ…”
Lúc đó, ông già Noel đã leo lên mái nhà qua đường ống khói. Sau khi làm dấu hiệu, cỗ xe tám con tuần lộc từ trên không trung tiến đến. Ông già Noel trèo lên mà nói:
“Thôi, mình về sớm đi. Trong cái thế gian này chẳng làm sao khác được. Còn tâm trạng đâu mà đi phát quà nữa chứ. Trên đường về mình ném hết xuống biển còn hay hơn. Từ năm sau trở đi tuyệt đối không trở lại đây nữa.”
Ðoàn tuần lộc chạy đi. Tiếng chuông ngân lảnh lót nhỏ dần trong khung trời mùa đông tối tăm lạnh lẽo rồi cuối cùng biến đi không dấu vết, không biết về phương nào.

Hoàng Long
dịch từ nguyên tác Nhật ngữ