Menu Close

Lạ và quen

Hơn ba mươi năm trước bất cứ thiếu nữ nào có làn môi tím, đều được xếp vào danh sách con nhà danh giá. Chỉ cần nhìn làn môi tím, người ta có thể biết gia cảnh và xuất thân của họ. Môi tím trôi giạt trên biển đời mênh mông, hội tụ trong những lâu đài biệt thự cao sang quyền quý, mặc dù không phải ai cũng có thể ưa thích màu tím đậm. Thuở ấy tôi còn là học sinh trung học, đi ngoài đường thấy màu tím thời thượng hào hãnh ngự trị trên đôi môi của một số người sang trọng; đọc tạp chí nhìn hình ảnh những tiểu thư khuê các, những mệnh phụ phu nhân, những minh tinh trên thế giới đánh son màu tím, tôi hơi có cảm giác bất an. Tuy nhiên thấy và nhìn nhiều lần nên quen, tôi không còn sợ. Nhưng rất nhiều bạn hữu của tôi, đặc biệt là nam giới, hễ bắt gặp những thiếu nữ có làn môi “sốt rét rừng,” họ lại chau mày, chép miệng:“Tiếc quá! Uổng quá!” Tôi cũng chẳng hiểu vì sao họ lại thấy uổng, lại thấy tiếc. Chỉ là màu sắc được ưa chuộng theo thị hiếu, theo khuynh hướng thời trang do một nhóm nào đó khởi xướng, và những người có điều kiện chưng diện phát huy thành phong trào. Tôi tự nghĩ, ai thích tha hồ nhìn ngắm, tha hồ tô tím làn môi. Ai không thích đừng nhìn ngắm là được rồi. Ðâu cần chấm than cho đời thêm mỏi mệt.

Khi môi tím bị démoder, không còn xuất hiện trên trang bìa của các tạp chí thời trang, không còn được xem là thời thượng, lại đến lúc áo quần “thiếu hụt hở trước hở sau” lên ngôi. Nói cho chính xác thì gần như sự thiếu hụt hở trước hở sau này, được cố ý xếp đặt rất công phu. Bởi vì vải luôn luôn bị khuyết ở những vùng gợi cảm trên thân thể của đàn bà con gái, khiến cả nam lẫn nữ dù già hay trẻ, khi nhìn vào“vùng phi quân sự” bỗng dưng trống trải ấy, đều có cảm giác như bị thôi miên, như bị điện giật. Người nọ thì thầm to nhỏ với người kia, cuối cùng chợt“ngộ”: Nào phải đâu trần gian thiếu vải; cũng không phải vì cõi người ta ở khắp năm châu bốn bể cùng một lúc bị phá sản, cùng một lúc bị khánh tận, nên ngành may mặc phải cắt xén chỗ nọ chỗ kia, để có đủ y phục cung cấp cho cả tỷ tỷ cư dân của địa cầu. Chẳng qua các nhà thiết kế “lancer mode,” muốn tôn tạo đường nét quyến rũ của phái nữ, đã vẽ ra những bộ y phục thoải mái, để các cô các bà tha hồ khoe đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm, hay khoe eo thon, bụng nhỏ, chân dài… Bây giờ môi tím hoàn toàn bị quên lãng, mọi lời ong tiếng ve từng phải chịu như phấn viết trên bảng đã xóa sạch. Ðến lượt những đôi mắt mang hình viên đạn dòm ngó vào áo quần hở trước hở sau, dù rất thẩm mỹ, của một cô nàng nào đó. Họ nghiêm khắc bình luận:“Chẳng ra thể thống gì cả, tự nhiên lại khêu gợi dục tính của những gã háo sắc, khi phơi bày ngực bụng trước mặt bàn dân thiên hạ.” Có người còn khẳng khái tuyên bố: “Không thể nào tiêu hóa được kiểu thời thượng hở ngực, hở bụng, lòi rốn…!”

la-va-quen

Suy cho cùng nghĩ cho cạn, môi tím hay y phục tươi mát chẳng có tội tình gì. Tất cả chỉ là hình thức thay đổi thời trang, như hằng hà sa số điều thiên biến vạn biến trên cõi đời nhị nguyên này. Nếu không như thế thì làm sao nhân loại có thể bỏ qua thời kỳ ăn lông ở lỗ, bước vào xã hội văn  minh tiến bộ. Nếu không như thế làm sao thế gian được nhìn ngắm những siêu người mẫu tuyệt đẹp như Gisele Bundchen, Adriana Lima, Kate Moss, Miranda Kerr, Alessandra Ambrosio, Candice Swanepoe, Doutzen Kroes, Natalia Vodianova, Karlie Kloss, Naomi Campbell, Heidi Klum, Cindy Crawford, Hilary Rhoda, Claudia Schiffer, v.v…Trước những điều mới lạ cứ như mưa sao băng liên tục rơi, có người nhanh chóng làm quen với sự tân tiến về mọi lãnh vực trong thời đại này; nhưng cũng có người không thể dung nạp những điều tân tiến ấy. Một người bạn của tôi rất dị ứng với những điều mới lạ. Tôi từng hỏi vì sao, nhưng anh không trả lời. Sau nhiều năm kín tiếng, mới đây anh thật thà chia sẻ: Kể ra cũng chẳng nên khó chịu làm chi cho mệt. Mốt miếc thời trang các kiểu cũng giống như văn hóa chung cư thuở cơ hàn đói khổ. Nói nôm na, nhà chật, người đông, thường xuyên cúp điện thiếu nước, leo cầu thang mệt đứt hơi…Cứ ngỡ sống không nổi vài ngày, thế mà đã sống gần nửa đời người. Ở chung cư chật hẹp, tối om, đêm đêm vẫn cứ chong đèn mơ mộng, vẫn cứ như ở kinh đô ánh sáng. Hóa ra con người là tạo vật dễ thích nghi nhất. Sống chung với lũ có lẽ cũng khởi từ triết lý liên quan đến lạ và quen.

Tôi bắt đầu suy nghĩ về triết lý lạ và quen này.

Ông hàng xóm ở sát nhà tôi là nhạc sĩ bậc thầy. Hàng ngày tôi lắng nghe đôi bàn tay của ông nhẹ lướt trên dương cầm, nhận biết sự rung cảm trong trái tim của người nghệ sĩ hòa nhập vào từng phím đen phím trắng, sáng tạo thành giai điệu huyền siêu ca ngợi cuộc đời. Tiếng đàn thánh thót vang trong đêm khuya, ở chừng mực nào đó, đã giúp tôi nhận biết: Ðời sống vô thường, liên lỉ biến động. Bên trong không có cái để được, bên ngoài không có chỗ để cầu. Sự mới lạ, sự thay đổi là điều hiển nhiên, bởi vì bản chất đích thực của cuộc đời chính là sự thay đổi. Tôi cho rằng nghệ sĩ là mẫu người không hề gặp trắc trở giữa lạ và quen. Nhưng có dịp trao đổi với ông, tôi mới biết những gì tôi nghĩ chưa hẳn là đúng. Ông nhạc sĩ nhận xét: Rất nhiều thứ khiến người ta ngay lập tức thân quen, thí dụ như sự thận trọng, biết nâng niu giá trị tâm hồn dù chỉ là một nốt nhạc. Nhưng có những thứ sống mãi cũng chẳng thể nào quen. Chẳng hạn như thói quen khen ngợi một điều chẳng đáng khen, thói quen cứ chuộng người mới của lạ…Ông đã chung sống cùng những thói quen như vậy rất lâu, nhưng đối với ông chúng mãi mãi là những điều xa lạ.

Lúc ấy nhìn vào mắt người nhạc sĩ tài hoa, tôi tưởng như mưa sao băng hóa hiện giòng lệ âm thầm chảy ngược vào lòng ông.

HV – 1:30am Thứ Năm ngày 1 tháng 12 năm 2016