Giáng Sinh, thay vì đi chơi, mình dậy từ 5g sáng rồi sang Tu Viện cho kịp giờ cùng cha đi tới bệnh viện Tâm Thần.
Cha bảo: Đây chỉ tập trung những người lang thang ngoài đường thôi, nên họ cực lắm!
Đi dọc hành lang, nhìn những mảnh đời qua song cửa sắt cáu ố, lòng bỗng nhói đau. Vẫn có những nụ cười, vẫn có những câu chúc ‘Giáng Sinh an lành”…sao lòng mình buồn đến thế. Cũng là phận người mà sao họ khổ thế! Họ quên mất mình là ai, quên mất mình ở đâu đến, quên mất gia đình có ai, quên mất hôm nay là thứ mấy, năm nào…. Họ chỉ cười, khóc và nói vài câu không đầu không cuối, hồn nhiên mà cay đắng!
Có anh trai tóc vuốt ngược hết ra phía sau, quần áo chỉnh tề khen mình xinh gái rồi bảo: Anh tặng em bài Bài thánh ca buồn nha! Rồi cứ thế tay cầm song cửa miệng hát không sai một nhịp: “Noel năm nào chúng mình có nhau…”. Có lẽ người yêu ngày xưa của anh nghe thấy sẽ khóc chăng?
Có anh chẳng nói gì, chỉ đứng một góc nhìn mình bằng đôi mắt u buồn, rồi lâu lâu cười mỉm… Mình hỏi: Sao anh không nói chuyện với em? Ảnh bảo: Tại em đẹp, bồ anh ghen rồi sao?
Còn có chị, mặc váy đẹp thiệt đẹp, tóc cột đuôi ngựa, mặt trắng, môi hồng, giọng nằng nặng miền Trung: Biết mô được. Đang đi chơi thì bị cho vô đây. Chưa kịp báo cho mẹ biết nữa. Về mẹ đánh chết!
Cầm quà Giáng Sinh mà Cha và các Thầy mang tới phát, có người bóc ra ăn ngay, có người để dành, có người lui cui trèo lên bàn ăn một mình, có người cùng hai ba bạn thân rủ nhau ra một góc làm tiệc “lai rai”…
Khu sinh hoạt gồm toàn bộ cả ăn, ngủ, tắm rửa, tiểu tiện chung, có giường mà không ai chịu nằm, có bàn ăn mà toàn trèo lên ngồi vắt vẻo… Còn nhà vệ sinh thì không ai dùng đâu nên toàn bạ đâu làm đó. Cha bảo từ 1990 đến nay, hàng tuần Cha và các Thầy đều tới cắt tóc, tắm rửa, lau dọn cho các bệnh nhân. Nên mọi người có thể không nhớ cha nhớ mẹ, họ hàng nhưng Cha và các Thầy thì ai cũng nhớ.
Mình chỉ biết cúi đầu khâm phục Cha và các Thầy… Bởi chỉ có yêu thương và lòng quý mến đồng loại mới có thể hi sinh để làm được những điều như thế. Hai mươi mấy năm âm thầm bên cạnh các bệnh nhân tâm thần không phải vì trách nhiệm, tiền bạc thì không phải ai cũng có “gan” làm được!
Mỏi nhừ chân nên ngồi dựa vào cột nghe câu chuyện của một bà mẹ tóc bạc trắng với một cô con gái…mình mới hiểu: Đời này, khi tất cả quay lưng lại với bạn, thì Mẹ sẽ đưa tay ra đón bạn vào lòng!
Câu chuyện giữa hai mẹ con bà cụ không có bắt đầu và cũng chẳng có kết thúc. Bà lục tung giỏ xách đã bạc màu năm tháng lôi ra nào bánh, kẹo, chuối, chè… Bà đổ bịch chè ra ly nhựa cáu vết xước rồi múc từng muỗng đút cho cô con gái: “Ăn đi con, ăn cho no đi, cái này ngọt, ngon lắm. Chè đậu đen hồi bé mày thích đó con!”
Cứ thứ tự từng món, bà đều tự tay đút cho con, mỗi lần nghỉ tay, bà kéo áo cô con gái lên xoa xoa lỗ rốn đầy nốt ghẻ bong mủ: Ngứa lắm phải không? Mẹ đưa thuốc gia truyền với dầu xanh đây, lát ăn xong mẹ xức cho. Nhanh khỏi lắm. Mà mày phải cầm rồi hàng ngày xức vô nha. Đừng có vứt đi, mẹ tìm mấy ngày mới được lọ này đấy.
Mình không ngăn được nước mắt, kéo ghế ngồi cạnh bà, lòng cuộn lên nỗi niềm khó tả khi bắt gặp giây phút bà vén vài sợi tóc xoã xuống gò má, bám chặt mớ chân chim nhàu nát. “Bà tên Nguyễn Thị Của. Tên vậy mà đời bà 85 tuoi không có gì ngoài 4 đứa con, 1 chết, 1 đi tu. 2 tâm thần đều ở đây hết. Thằng anh hai ở khu nặng, con em út hồi nhỏ giỏi lắm, đùng cái tụi nó dở dở điên điên hết… Bà sống có mình, hàng xóm thương cho ve chai bán kiếm tiền đặng mua bánh trái mang vào cho tụi nhỏ. Tuần bà bắt xe bus một lần ra đây… Nhìn con út vầy chớ khôn lắm, thằng anh hai đẹp trai…! Bà lặp lại mấy câu đó miết… Mình hiểu, mẹ nào cũng muốn khoe con!
Nhìn người mẹ già với ngổn ngang bánh kẹo, chè, chuối…những món ăn của mấy đứa trẻ con thường đòi mẹ mua khi đi chợ, mình ứa nước mắt mà sợ bà thấy nên cười cười. Bà cười theo bảo: ôi! Tụi nhỏ lớn vậy thôi chứ như trẻ con ấy con ạ. Nếu được như người ta thì giờ bà chắc được nhờ, có cháu chắt cho vui rồi!
“Ông trời có thương thì cho bà khoẻ, nhặt ve chai nuôi thân thăm con. Đôi khi không ngủ được, nằm nghĩ nếu được đổi bà điên còn cho tụi nhỏ tỉnh, bà cũng bằng lòng. Chứ giờ như thế này, bà tỉnh cũng như tâm thần cháu ạ!”
Mình cứ ám ảnh mãi chữ “tụi nhỏ” của bà!
Mình lấy hai bịch bánh (bữa sáng của mình) và một ít tiền dúi vào tay bà: con biếu bà mua bánh kẹo cho anh chị, bà ráng khoẻ mạnh, bình an. Bà cầm chặt lấy tay mình, cảm ơn rồi lúi húi cuộn tròn tiền lại bỏ vào một cái túi con màu nâu cũ, ghim chặt vào lưng quần bằng kim băng. Bà bảo già rồi lẫn. Có lần đi bán ve chài được 11 ngàn, về tới nhà tìm không ra, ngồi tiếc đứt ruột vì chẳng nhớ để đâu…
Lúc mình đi phát quà từ thiện cùng Cha, quay lại vẫn thấy người đàn bà tóc bạc trắng vẫn cầm chai dầu xanh xức rốn cho cô con gái út! Mỗi lần ngang qua, bà lại cúi xuống cảm ơn mình…
Đem kể câu chuyện cho Cha nghe, Cha thở dài: Đời người có mấy ai sung sướng đâu con. Chỉ có sống thiện tâm, yêu thương và không thù hận, ghen ghét nhau thì cuộc đời mới nhẹ nhàng được!
Ngày hôm nay, Cha và các Thầy Tu Viện Phanxico tới phát quà Giáng Sinh cho tất cả bệnh nhân với mong muốn chia sẻ và yêu thương. Lúc làm thánh lễ, một kẻ ngoại đạo như mình thấy lòng thanh thản vô cùng khi nghe Cha giảng: Ngày Noel là để con người giao hoà với nhau bằng tình yêu thương, nhờ nó mà những người xa lạ gặp nhau, thương quý nhau, cầu chúc bình an cho nhau…
Trở về Tu Viện ăn bữa cơm với Cha và các Thầy… Mình có đủ thời gian để nhìn thầy Minh- ông già Noel, thầy Chung- đầu bếp hiền khô, thầy Tín- miền Tây… Thấy các Thầy còn trẻ quá, mới chỉ mười chín đôi mươi thôi mà sao tâm hồn lại lớn quá! Bữa cơm chỉ có mỗi mình là kẻ ngoại đạo, mình gọi đó là bữa tiệc của Chúa! Cám ơn các Thầy và Cha!
Ngồi trên xe trở về nhà, mới nhận ra: Hãy thử một lần bạn giúp đỡ ai đó mà không mưu cầu ơn nghĩa, bạn sẽ nhận ra cuộc đời còn đáng yêu vô cùng! Hôm nay, mình thực sự thấy yêu đời!
Cám ơn Cha và các Thầy ở Tu Viện Phanxico thật nhiều…
P/s: Nay có it nhất 5 anh to cao đẹp trai xin cưới mình. Hihi thật dã man 😉
Các anh cứ đòi chụp ảnh chung với cô gái xinh đẹp 😉 Hỏi các anh có thích đọc thơ không? Có anh cười ngất ra: Vì anh làm nhiều thơ quá nên công an bắt vào đây. Ahuhu
Giáng Sinh an lành ạ!
Tối nay Ý được Cha và các Thầy mời qua Tu Viện dự Thánh lễ rồi coi kịch các Thầy đóng. Có ai đi cùng ko ạ?
Nguồn Facebook Phạm Thiên Ý
Phạm Thiên Ý là nhà thơ, hiện sống ở Sài Gòn