Menu Close

Giáng Sinh nơi cơn lũ đi qua (Kỳ 1)

Nhà thờ Giáo xứ Diên Trường, Quảng Sơn, Ba Đồn, Quảng Bình
Nhà thờ Giáo xứ Diên Trường, Quảng Sơn, Ba Đồn, Quảng Bình

Giáng Sinh trên đất phù sa

Bao nhiêu em bé thơ, đang đùa vui, dưới mặt trời… Bên anh em có cha, hát về em tương lai xót xa… Những ca từ nhẹ, thấm sâu và day dứt ấy không biết ám vào tôi tự bao giờ. Hình như trong một lần duy nhất nghe băng cassette thời sinh viên trong ký túc xá, trong một đêm Giáng Sinh! Và có những điều khi chạm vào, nó sẽ dán chặt vào tâm hồn, đến một lúc, trong bối cảnh nào đó, nó thức dậy và thầm thì với con người.

Trong lúc này, lũ lụt do xả đập đã lan vào phía Nam miền Trung Việt Nam, phía Bắc miền Trung vẫn chưa nguôi ngoai cơn đau sau lũ. Những suất quà Giáng Sinh, những lời vỗ về, chia sẻ của Cha và một bữa cơm đạm bạc nhưng ấm áp hương vị phù sa.

 Giáng sinh trên đất phù sa
Giáng sinh trên đất phù sa

Diên Trường, những chiếc kẹo thơm thảo phù sa

Thực ra, nói về phù sa, tôi chưa bao giờ mường tượng rằng miền Trung là cái nôi phù sa, tôi luôn nghĩ rằng đồng bằng Sông Cửu Long, nơi phù sa thơm thảo tình người, tình đất, nơi lòng người khoáng đạt và đất đai bao dung, che chở con người, vạn vật mới là cái nôi phù sa. Nhưng rồi, câu chuyện cái nôi phù sa Tây Nam Bộ trong tôi đã khép lại chóng vánh khi Cửu Long cạn dòng, đất đai nhiễm mặn. Và tôi vẫn chưa bao giờ tin rằng miền Trung lại là chiếc nôi phù sa, mãi cho đến khi gặp Linh mục Nguyễn Văn Hùng, hỏi thăm Linh mục về chuyện tổ chức Giáng Sinh năm nay, ông nói:

“Giáng Sinh năm nay là một Giáng Sinh Phù Sa, Cha sẽ không tổ chức văn nghệ mà dành số tiền đó để phát quà cho trẻ em”.

Bao nhiêu em bé thơ, đang đùa vui, dưới mặt trời…
Bao nhiêu em bé thơ, đang đùa vui, dưới mặt trời…

“Cha dự tính sẽ trao bao nhiêu suất quà và quà gì vậy cha?”.

“À, ở đây có ba ngôi trường, trong đó chừng 70% là con chiên của Chúa, tổng cộng chừng 700 học sinh gồm cả trong và ngoài đạo, cha quyết định phát tất cả 700 suất quà. Mình không phân biệt ai theo tôn giáo nào, bởi dưới bầu trời này, tất cả đều là con của Lòng Yêu Thương. Và quà chủ yếu là kẹo, bánh và sách vở. Cha đã dành dụm suốt một năm nay, dự định sẽ tặng quà nhiều nhưng rồi gặp mưa lũ, phải chia sẻ, cứu trợ, đến giờ số tiền còn lại hơi ít. Vừa rồi có một ân nhân bên kia gửi về tặng Cha 200 đô la Mỹ, Cha thêm vào để suất quà phong phú một chút. Cũng qua đây, Cha xin thay mặt chị Thái và chị Luyên, mỗi người được vị ân nhân tặng 100 đô la cùng dịp với Cha, xin cám ơn tấm lòng của vị này và các ân nhân đã gửi tiền về cứu trợ trong thời gian lũ lụt!”.

“Vì sao Cha gọi Giáng Sinh này là Giáng Sinh Phù Sa vậy Cha?”.

Trường dạy giáo lý Giáo xứ Diên Trường
Trường dạy giáo lý Giáo xứ Diên Trường

“Phù Sa là đất núi trôi miên man trong cơn lũ và đậu xuống đồng bằng, tận hiến cuộc đời cho đồng bằng tươi tốt. Ở một chừng mực nào đó, phù sa và người Việt Nam có mối lân tình sâu xa, mặc dù lũ lụt đã gây tổn thất cho miền Trung rất nhiều, nhưng Cha nghĩ không nên vì thế mà rẻ rúng phù sa, bởi phù sa cũng là nạn nhân của lũ dữ, cuộc hẹn hò giữa người miền Trung và phù sa là một cuộc hẹn hò tiền kiếp của những thân phận đang bị bứng ra khỏi mảnh đất nguồn cội của mình. À, cái này là nói riêng với anh thôi, chứ Cha không dám đặt tên riêng cho Giáng Sinh đâu, Cha không dám đâu!” (cười).

Câu chuyện vẫn tiếp tục với những lời thăm hỏi của Cha về gia đình chúng tôi, về hai đứa con trai của tôi, hai đứa nhỏ đã chạy lon ton theo cha trong suốt quá trình đi cứu trợ lũ hồi đầu tháng 11. Tôi và Cha Hùng cũng tranh thủ ghé sang thăm gia đình chị Luyên, chị Thái và một số bà con trong thôn Diên Trường, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Ðồn, cũng là địa hạt của Giáo xứ Diên Trường.

Có thể nói rằng nhà thờ Diên Trường là một trong những nhà thờ đẹp và cổ kính bậc nhất Việt Nam. Tọa lạc ở trung tâm thôn Diên Trường, chung quanh là nhà của bà con Giáo dân với nếp nhà ngói ba gian và nhà tranh quen thuộc, nhà nào cũng có một khu vườn nhỏ trồng cam, quýt, chuối, rau, củ, quả… Thánh đường Diên Trường cao vòi vọi với nét kiến trúc Gothic pha lẫn Pagoda (kiến trúc chùa chiền Phương Ðông), vừa uy nghiêm lại vừa gần gũi, thân thiện.

Hàng Noel vẫn ngồi trong siêu thị
Hàng Noel vẫn ngồi trong siêu thị

Một chút rêu phong, một chút tường vôi cũ bong tróc theo thời gian, những con chim sẻ cô đơn đứng rũ lông trên nóc chuông nhà thờ, thỉnh thoảng một cơn gió kéo qua khiến cho mọi thứ trở nên quạnh quẽ, lạnh lùng. Nhất là khi chúng tôi cùng đến thăm trường giáo lý, nơi mà các Cha và các Sơ mỗi ngày dạy cho con em Giáo dân về lòng yêu thương, dạy kỹ năng tin học, dạy lịch sử và triết học, toán học, ngoại ngữ.

Thử xem qua giáo trình của trường Giáo lý, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thán phục Cha Hùng và các Cha, các Sơ. Bởi những giáo trình này quá đặc biệt, hoàn toàn không mang dấu vết của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mà chúng tôi từng “kéo bừa qua chợ” với nó. Những giáo trình mà khi đọc vào, chúng tôi vỡ lẽ nhiều điều và ước ao mình trở lại thời học sinh để cắp sách đến trường một lần nữa.

Giáng Sinh với trường làng

Và đặc biệt, những giáo trình này lại dạy trong một môi trường hết sức khắc nghiệt, ở đây chúng tôi muốn nói đến môi trường dột nát, cũ kỹ và thiếu mọi phương tiện của trường Giáo lý. Mái tôn lâu năm đã bị thủng lỗ chỗ, chỉ cần một trận mưa nhẹ thì cả thầy và trò co cụm lại trong một góc lớp, vách ván lâu ngày đã bong tróc, có nơi che bằng phên liếp tre, gió lộng bốn bề.

Chứng kiến cái nghèo về vật chất của trường, và sau khi biết được là toàn bộ chi phí xây dựng một ngôi trường Giáo lý tốn chưa đến 50 triệu đồng cho 10 lớp học mà học sinh vẫn đến đông, đặc biệt có cả các học sinh theo Phật Giáo hoặc không có tôn giáo… Chúng tôi mới nghiệm ra được sức hấp dẫn của tri thức và sự minh triết. Ðúng vậy, con em dân nghèo không cần những ngôi trường giàu có mà một cái nhà vệ sinh của nó không thôi đã ngốn hết vài tỉ đồng, trường xây xong tốn hàng chục tỉ đồng, nhưng lại rỗng tuếch, lại trở thành những cái lò chặt chém tương lai.

H2

Suy cho cùng, giáo dục, như lời của một vị Mục Vụ, chia sẻ: “Các Cha nói rằng giáo dục là lấy sức hấp dẫn của tri thức và sự thật để dạy cho thế hệ tương lai. Một ngôi trường quá tốn kém giữa lúc học sinh còn nghèo khổ, đồng loại còn đói kém, đã là sự phản giáo dục đầu tiên, một ngôi trường mà trong quá trình xây dựng, người ta chấm mút, xơ múi và tham nhũng, rút ruột đã là sự phản giáo dục, không thể nào dạy và học tốt được”.

“Giáo xứ và Cha đã có dự tính nào cho việc tu bổ ngôi trường này chưa anh?”.

“Dạ chưa, vì hiện tại, không còn khoản kinh phí nào nữa. Năm 2010, chúng tôi đã dự định sẽ sửa chữa và nâng cấp trường thành tường xây, lợp ngói, nhưng rồi đùng một cái lụt ngập, chúng tôi phải dành tài chính để cứu trợ gia đình gặp nạn bên giáo họ Chay, bên bờ sông Nan và một số gia đình nghèo khổ ở Diên Trường. Rồi thiếu tiền, cũng che tạm bợ vậy thôi. Năm nay cũng vậy, định đầu năm 2017 xây dựng trường thì lại gặp lũ lụt, lại nấn ná chờ đợi. Mọi việc còn khó khăn lắm…!”.

Tạm biệt giáo xứ Diên Trường, Ba Ðồn, Quảng Bình với tâm trạng vừa buồn vừa vui. Buồn vì cái nghèo, cái lạnh vẫn còn bao phủ nơi đây, vui vì năm nay, Giáng Sinh Phù Sa sẽ mang lại niềm vui ấm áp và một triết lý sống, một thái độ sống để mở tâm hồn, trải lòng mình ra với vạn vật, cỏ cây và thế giới. Chúng tôi tiếp tục đến thăm Giáo xứ Xuân Sơn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nơi mà trong chuyến đi cứu trợ hồi tháng 11, chúng tôi đã chứng kiến những cây xương rồng và những giếng nước kỳ lạ nhất thế giới.

Chuông sẽ ngân để em được nhận quà
Chuông sẽ ngân để em được nhận quà

(Còn tiếp…)