Theo Mayo Clinic, đau nhói ở cổ, có thể do những nguyên nhân sau đây:
- Bắp thịt ở cổ bị căng do cúi xuống khi dùng computer, điện thoại, hoặc đọc sách trên giường.
- Cổ bị viêm xương khớp (osteoarthritis).
- Dây thần kinh bị chèn ép.
- Do bị thương, như vì một tai nạn xe.
- Bị một số bệnh như viêm màng não, ung thư hoặc thấp khớp.
Khi ngủ dậy thấy cổ đau
Nếu nhiều buổi sáng thức dậy mà bạn cảm thấy đau nơi cổ, có thể phải coi lại chiếc gối bạn dùng mỗi đêm.
Trường Y khoa Harvard đề nghị cách cải tiến vị trí nằm ngủ và chọn đúng gối nằm:
- Chọn một chiếc gối mềm, nhưng phải thay mỗi năm một lần.
- Thử dùng loại gối “memory foam” nhớ được hình dạng cổ bạn.
- Ðừng dùng gối quá cứng và đừng kê gối quá cao.
- Nếu gối của bạn phẳng và xẹp, thử đặt một gối cao hơn dưới cổ để nâng đỡ.
- Khi nghỉ ngơi trên xe hơi, xe lửa hoặc máy bay, hãy dùng chiếc gối hình móng ngựa vừa vặn.
Đối phó với chứng đau cổ
American College of Rheumatology đề nghị những cách sau đây để bớt đau:
- Ðừng ngồi lỳ mà di chuyển, nếu có thể được. Tránh tập thể dục như thường ngày, nhưng cố chuyển động cổ từ từ và chậm rãi theo mọi phía.
- Cho nước chảy trên cổ và co duỗi bắp thịt cổ khi tắm bằng nước ấm.
- Trong vòng 48 tiếng đồng hồ từ khi thấy đau cổ, chườm nước đá cứ mỗi 10 phút một lần. Sau 48 tiếng, ngưng dùng nước đá mà dùng nhiệt.
- Dùng thuốc giảm đau bán tự do, như acetaminophen (Tylenol) hoặc NSAID (Motril, Advil).
- Nếu đau kinh niên, thử dùng liệu pháp xoa bóp (massage therapy).

Khi đau cổ cần đi bác sĩ
Thường thì đau cổ là dấu hiệu cho thấy bị thương nhẹ hoặc ngủ ở vị trí không thoải mái; nhưng đôi khi cũng là những trường hợp nghiêm trọng hơn. Theo American Academy of Orthopaedic Surgeons, bạn nên đến thăm bác sĩ nếu thấy đau cổ mà:
- Ðau dai dẳng, tuy không bị thương.
- Ðau dữ dội.
- Kèm theo cơn đau lan tỏa ra tay chân.
- Kèm theo cảm giác tê, ngứa ran, yếu ớt hoặc nhức đầu.
TM