Menu Close

Ăn vặt bài hương ca xứ Quảng

Bốn kiểu ăn vặt

Nói về ăn vặt thì có thiên hình vạn trạng kiểu. Từ việc ngồi nhà buồn buồn, chuồn ra ngõ sau sang nhà bạn rủ nhau hái trái khế ngọt, trái ổi chấm muối, rồi mùa mận về lại hùa nhau làm rổ hái mận. Hoặc giả chạy ra khỏi nhà, ghé vào quán nước, mua miếng cóc dầm, gói kẹo, hoặc đôi khi tạt vào chợ ăn tô bún. Cũng có thể là lang thang Hội An chén đủ các món từ cao lầu, chè bắp, bánh chuối chiên, bánh tôm hay nem lụi nướng… Cơ hà là món!

Bánh kẹp kiểu Đà Lạt được bày bán ở Duy Xuyên, Quảng Nam
Bánh kẹp kiểu Đà Lạt được bày bán ở Duy Xuyên, Quảng Nam

Nói xứ Quảng ăn vặt thứ thiệt bởi hiếm có nơi nào mà quán ăn vặt mọc khắp mọi nơi. Như đất Quảng Nam tôi đang sinh sống chẳng hạn, muốn tìm quán ăn vặt, đi ba phút; muốn tìm quán nhậu, đi mười ba phút; muốn tìm quán ăn tạm gọi là đặc sản vùng miền, đi ba chục phút; muốn tìm nhà văn hóa thôn, trở lại thời lượng ba phút; muốn tìm trạm y tế, đi ba chục phút; tìm nhà sách, đi ba ngày…

Sở dĩ tôi phải nêu cả nhà sách, trạm y tế chung với việc tìm quán ăn vặt bởi vì ba thứ này có liên quan mật thiết với nhau. Xứ nghèo, thất nghiệp cũng nhiều, không biết làm gì, mà dân Quảng nếu không làm gì thì hoặc là đọc sách, hoặc là nhậu, hoặc là ăn vặt. Có vẻ như người ta ưu tiên chọn ăn vặt bởi nó vừa rẻ lại vừa… mau chết! Mau chết có cả vè:

H14

Vè vẻ vè ve

Cái vè ăn vặt

Chuyện nhà hục hặc

Chuyện học hanh he

Xỏ lá ba que

Quỵt tiền ăn vặt

Một lời ba mặt

Ông xã ông thôn

Ông chồn ông chó

Cùng ngồi to hó

Ăn vặt đầu làng

Nói năng sỗ sàng

Láo liên mắt mũi

Ăn xong rồi lủi

Bà quán tủi thân

Chửi mắng rần rần

Mẹ cha thằng khốn

Mày làm tao tốn

Mất buổi gạo cơm

Ăn xong rồi nơm

Mất tiêu tiền vốn

Mả cha lũ khốn

Ăn quỵt kinh niên

Ăn rồi qui tiên

Vì ông móc họng…

Quán Tồ lô bí đô
Quán Tồ lô bí đô

Bài vè còn khá dài và có vẻ như nó không có lối thoát bởi nhiều dị bản (vè mà!) mà bản nào cũng “ác khẩu” như nhau nhằm giải cơn tức cho bà chủ quán ăn vặt bị bọn quan xóm quan làng ăn xong rồi quỵt. Mà nghe đâu bài vè này cũng ác lắm, dân Quảng mà tụng nó như tụng kinh thì trước sau gì kẻ ăn quỵt cũng chết! Hàng này không đụng quà vặt Trung Quốc mới là chuyện lạ!

Nói về ăn vặt ở xứ Quảng, chắc phải để cho một người được mệnh danh là vua Tồ Lô Bí Ðô, đồng thời cũng là chủ quán tên Tồ Lô Bí Ðô ở Gò Nổi, Ðiện Bàn, Quảng Nam chia sẻ:

– Có thể phân ra làm mấy loại: Ăn vặt đứng; Ăn vặt ngồi; Ăn vặt nằm; Ăn vặt chạy.

– Chị có thể cho biết vì sao người ta phong chị danh hiệu vua Tồ Lô Bí Ðô và vì sao lại có bốn loại ăn vặt trên? Chị chia như vậy căn cứ trên yếu tố nào?

 Khoai lang lắc, một trong những món ăn vặt vừa thịnh hành ở Quảng Nam thời gian gần đây
Khoai lang lắc, một trong những món ăn vặt vừa thịnh hành ở Quảng Nam thời gian gần đây

– Móa ơi! Hỏi một chủ quán Tồ Lô Bí Ðô mà dùng mấy câu nghiêm túc quá khó trả lời lắm. Nói chung, chị muốn giới thiệu thêm ngoài Tồ Lô Bí Ðô (tức tào lao bí đao) ra còn có các quán Tồ Lô Mí Lô (tào lao mía lau), rồi Bái Bai Xin Chồ (bye bye xin chào), Xin Chồ Em Là Cồ Cồ (xin chào em là cào cào), Tình Iu Ngọt Ngồ (tình yêu ngọt ngào)… Nói chung là còn nhiều quán như vậy lắm, kể không hết. Người ta lấy tên quán theo giọng đọc, theo cách phát âm cho nó ra chất Quảng, cho có chất riêng í mà. Còn bốn loại ăn vặt hả? Vì sao chị được mệnh danh là vua hả, chờ chút!”.

Nói xong, chủ quán Tồ Lô Bí Ðô thò tay vào túi áo khoác, rút ra một miếng bánh tráng dẻo bỏ vào miệng nhai ngon lành, nhai xong nói tiếp:

– Ông bà mình có câu ‘lao động là vinh quang mà ăn hàng là bồi dưỡng’, ăn hàng tốt lắm. Nhất là với chị em phụ nữ nhà nghèo, không đủ chất, làm một chút là mệt, phải có thứ gì đó bỏ vào miệng cho đỡ buồn và đỡ đói. Có lẽ do vậy mà dân nghèo ưa ăn vặt hơn dân giàu.

H7

– Ăn vặt đứng cũng giống như các ông uống rượu đứng vậy, chủ yếu là dân lao động, ví dụ như cuốc đất, nửa buổi mệt quá, không có chi bỏ bụng, chạy vào quán làm miếng kẹo đậu phụng hai ngàn đồng, uống ngụm nước lại tiếp tục làm việc. Ăn vặt ngồi thì phần lớn là các cô cậu học trò, tan lớp, rủ nhau vào quán ăn vặt, thường thì các cô cậu chọn bánh tráng kẹp, ốc hút, khoai lang chiên, bánh tráng trộn, mít trộn…

Chị chủ quán lại nhai bánh tráng dẻo (đoạn này đương nhiên tôi đợi rồi, dễ gì gặp vua Tồ Lô Bí Ðô), xong nói tiếp:

– Món nào cũng có giá từ 3 ngàn đồng tới 5 ngàn đồng, cao nhất cũng 10 ngàn đồng là cùng. Sinh viên cũng thuộc diện ăn vặt ngồi, gần đây có thêm giới văn phòng cũng ưa loại này, nói là văn phòng chứ thực ra mấy ông bà cán bộ xã hay ngồi quán ăn vặt lắm vì họ ăn quán sang hoài cũng đổ chán đó.

Chè mùa xuân
Chè mùa xuân

Uống ngụm nước, xong tiếp lời:

– Nhưng giới văn phòng và cán bộ lại ưa ăn vặt nằm, nghĩa nào cũng đúng, họ rủ nhau hát karaoke rồi ăn vặt trong phòng hát, ăn dầm nằm dề thành ra gọi là ăn vặt nằm. Nhiều bà dòm bảnh bao chứ nợ quán như chúa chổm, quán không dám đòi vì sợ mấy bả làm căng, lâu lâu kiểm tra, hù dọa. Còn ăn vặt chạy là ám chỉ những đứa ăn vặt ghi sổ, ăn xong chạy mất dép. Vụ này chỉ có giới cán bộ thôn, xã là dám chơi hoặc lâu lâu đen lắm là gặp anh rượu đứng, thèm quá, bốc quả cóc dầm rồi chạy, cười huề, mình cũng chịu thua.

Đôi khi ăn vặt cũng ‘bùn bùn’

Cũng như đầu tuần này, khi mà các tỉnh từ Bình Ðịnh ra tới Thừa Thiên Huế bị ngập lụt, ông xã tôi đánh chiếc xe hơi cũ, rủ cả nhà cùng đi Quảng Ngãi. Ðường không xa nhưng ổ voi lúc nhúc, xe hai bên đường chạy loạn xạ, thôi thì thủ thỉ rủ rê chàng tìm quán ăn vặt, trước đỡ ‘bùn miệng’ sau còn hỏi được tình hình, chứ nước lụt đang lên mà đi tiếp cũng có vẻ liều.

Lúc chúng tôi vào quán, trời đang mưa tầm tã, chẳng có ai ngoài một bà cụ chừng 80 tuổi đang lọ mọ vừa ngồi ăn khoai lang chiên vừa tự đánh cờ tướng.

Chè Hội An, Quảng Nam
Chè Hội An, Quảng Nam

Quá lạ đối với tôi, nhưng chúng tôi chỉ dám ngồi nhìn lén chứ không dám hỏi vì gương mặt tập trung cao độ và có chút gì đó buồn thảm, đau khổ của bà khiến chúng tôi không dám bắt chuyện làm quen.

Tạnh mưa, bà cụ cũng vừa xong ván cờ, lặng lẽ đứng dậy trả tiền đi về. Tôi không thể nín được tò mò thêm, hỏi chị chủ quán:

– Chị ơi, bà cụ lạ quá, cụ hay sang quán mình không chị?

– Thỉnh thoảng thôi em, có khi vài lần trong năm. Bà lần nào sang cũng gọi một dĩa khoai lang chiên vừa ăn vừa đánh cờ tướng một mình, khi mình thân quen rồi hỏi thì bà nói là bà nhớ ông vì có hai vợ chồng già hú hí với nhau, giờ ông đi bỏ mình bà, con cái cũng không có nên bà buồn.

H9

– Vậy bà sống một mình, lấy chi mà sống vậy chị?

– Hằng ngày bà đi bán vé số để kiếm tiền mua gạo. Bữa nào không bán được tờ nào thì bà ghé đây ăn khoai lang chiên. Món này mềm, chị luôn chiên cho bà một dĩa thật ngon và đầy, giá thì hai ngàn đồng thôi. Mình không lấy tiền sợ bà buồn.

Câu chuyện tạm dừng, cả hai cùng im lặng và mấy đứa nhỏ nhà tôi lại mạnh tay với trận chiến khoai lang chiên của chúng. Trời lại mưa lây rây ngoài kia. Không khí lạnh thoáng qua, nhưng tôi lại thấy quán ăn vặt này có chút gì đó ấm áp, khó nói. Cái ấm áp của một người vừa mới tìm thấy vị ngon trong bữa ăn vặt giữa xứ Quảng nghèo khổ này, chắc là vậy rồi!

Sợ nhất là lãng mạn chiều đông, đôi bạn đèo nhau đi xe đạp, ghé xe trứng nướng, xúc xích chiên hay thử cảm giác lạnh với ly thạch dừa, mà không coi chừng hàng Trung Quốc hoặc hàng chế bằng hóa chất chợ Kim Biên, Sài Gòn.

Ông Kiến Tơ với kẹo kiến tơ kéo từ đường, thức hàng khó cưỡng của trẻ nhỏ
Ông Kiến Tơ với kẹo kiến tơ kéo từ đường, thức hàng khó cưỡng của trẻ nhỏ

UC