Menu Close

Một năm nhìn lại di dân Việt Nam

Theo thống kê mới nhất của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn tiếp tục đứng hàng thứ tư trong danh sách những quốc gia có đông người di dân nhất đang chờ đợi để sang Hoa Kỳ theo các diện bảo lãnh thân nhân gia đình. Ba nước luôn đứng đầu là Mễ Tây Cơ, Phi Luật Tân và Ấn Ðộ.

Hiện tổng cộng có 282,375 đang chờ đợi duyệt xét theo diện bảo lãnh di dân. Trong số này có 7,495 người thuộc diện con độc thân trên 21 tuổi của công dân HoaKỳ; 12,906 người thuộc diện con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân; 57, 607 người thuộc diện con đã có gia đình của các công dân Mỹ, và 195,000 anh chị em của các công dân Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có 245 người đang chờ đợi duyệt xét đơn xin làm việc tại Hoa Kỳ.

Ðể nhìn lại một năm vấn đề di dân của người Việt Nam, chúng ta sẽ duyệt lại những thay đổi trong những điều luật di trú đã xảy ra trong năm 2016 và ảnh hưởng đến cộng đồng Việt Nam ra sao.

Số phận của hai chương trình DAPA và DACA

Vào ngày 23-6-2016, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã tuyên bố chính thức quyết định về hai chương trình di trú DAPA và DACA Mở Rộng. Chương trình DACA Mở Rộng [tức Deferred Action for Childhood Arrivals – chương trình Tạm Hoãn (Trục Xuất) Những Người Ðến (Hoa Kỳ Bất Hợp Pháp) Từ Thơ Ấu] nhằm xóa bỏ số tuổi giới hạn, cho phép những đương đơn hợp lệ dù ở bất cứ tuổi nào cũng có thể nộp đơn. Chương trình DAPA [tức Deferred Action for Parents of Americans – chương trình Tạm Hoãn (Trục Xuất) Những Cha Mẹ Của Công Dân Hoa Kỳ], là chương trình mới dành cho những cha mẹ là người ngoại quốc cư ngụ bất hợp pháp nhưng có con là công dân hoặc thường trú nhân Hoa Kỳ.

Theo các chuyên gia về di trú, hai chương trình DACA Mở Rộng và DAPA khó có thể được cứu xét dưới nhiệm kỳ của tân Tổng thống Donald Trump.

Xin lưu ý, các đương đơn hợp lệ chương trình DACA bình thường vẫn có thể nộp đơn nếu hội đủ những điều luật của chương trình DACA năm 2012.

Chương trình đầu tư EB-5

Ngày 14 tháng 6 năm 2016, một bản thông tin ngắn về di trú cho biết chương trình đầu tư trực tiếp EB-5 không hết hạn, chỉ có chương trình đầu tư Trung Tâm Vùng cần gia hạn.

Chương trình Trung Tâm Vùng hết hạn ngày 9-12-2016 và quốc hội đã gia hạn đến tháng 4 năm 2017.

Có ba vấn đề chính cần quan tâm đến việc đầu tư vào Trung Tâm Vùng: 1- Chứng minh nguồn tiền hợp lệ. 2- Chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng có biên lai tương đương với số tiền đầu tư, sau ngày gia hạn vẫn giữ nguyên trạng 500 ngàn cho vùng trọng tâm công việc (TEA) và 1 triệu Mỹ kim cho những khu vực tỷ lệ thất nghiệp thấp (non-TEA), và 3- Cần tìm hiểu cặn kẽ để chọn một trung tâm Vùng có quá trình hoạt động uy tín, từng xây dựng những công trình danh tiếng và hoàn trả vốn và tiền lời cho nhà đầu tư  đúng như cam kết.

Số đơn chấp thuận chiếu khán EB-5 cũng tăng đáng kể, mặc dù thời gian duyệt xét lâu hơn thời gian bình thường là 13.8-16 tháng do Sở di trú quy định. Năm 2015 đã có trên 11,000 hồ sơ EB-5 nộp với sở di trú, bằng ¼ tổng số hồ sơ EB-5 từ khi chương trình được bắt đầu năm 1990. Ngoài ra cũng trong năm 2015, Sở di trú đã nhận 2,500 đơn xin thẻ xanh dài hạn 10 năm (I-829), và trên 270 đơn xin thành lập trung tâm Vùng (I-924).  Sở di trú có kế hoạch xét 1,000 hồ sơ EB-5 một tháng kể từ đầu năm 2015.

Văn phòng Robert Mullins International (RMI) hiện là đại diện chính thức cho một số Trung Tâm Vùng uy tín có dự án xây dựng khu thương mại, chung cư, khách sạn và trường học tại hai tiểu bang California và Florida. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa văn phòng RMI, những dự án trên đã đem lại kết quả tốt đẹp cho các thân chủ của văn phòng. Văn phòng xin lưu ý quý vị nên thận trọng và tham khảo kỹ lưỡng trước khi có quyết định đầu tư vào một Trung Tâm Vùng.

Ðơn I-601A và Ðơn I-601 nới rộng

Trước đây, người ngoại quốc sống bất hợp pháp tại Hoa Kỳ, và với đơn bảo lãnh xin chiếu khán di dân được chấp thuận, chỉ có thể nộp đơn I-601A xin miễn áp dụng việc trục xuất nếu họ là vợ-chồng hoặc cha-mẹ của công dân Hoa Kỳ.

Tương tự, những đương đơn ở Việt Nam bị Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ từ chối cấp chiếu khán (visa) và yêu cầu nộp đơn I-601 để xin miễn áp dụng việc cấm nhập cảnh vì những vi phạm luật di trú hoặc hình sự xảy ra khi đương đơn từng ở Hoa Kỳ hoặc xảy ra ở Việt Nam – nếu họ là vợ chồng hoặc cha mẹ của công dân Hoa Kỳ. Nhưng luật mới về hai loại đơn kể trên đã được nới rộng và sẽ cho phép cha-mẹ và vợ-chồng của Thường Trú Nhân cũng được nộp đơn I-601A và I-601.

Vấn đề con nuôi

Hiệp Ðịnh Con Nuôi mới giữa Hoa Kỳ và nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục dưới sự giám sát chặt chẽ của Tòa Ðại sứ và Lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam. Hiệp định con nuôi mới này được gọi là Chương Trình Con Nuôi Ðặc Biệt và cho phép việc nhận con nuôi theo ba loại trẻ em sau đây:

– Trẻ em với tình trạng y tế không tốt, chẳng hạn như bị bệnh liệt kháng HIV, và những trẻ em bị tàn tật,

– Trẻ em ít nhất từ 5 tuổi và đến 15 tuổi,

– Trẻ em trong nhóm có nhiều anh em ruột, từ hai em trở lên, và ít nhất trong số này phải có em dưới 16 tuổi.

Sự thay đổi quan trọng thứ hai trong Chương Trình Con Nuôi Ðặc Biệt là những em này sẽ được  nhà nước Việt Nam chọn, tức là các cơ quan của nhà nước Việt Nam sẽ cung cấp cho những cha mẹ muốn nhận con nuôi những thông tin về một hoặc nhiều trẻ em hợp lệ để được nhận làm con nuôi. Cha mẹ nuôi có thể chọn một trong những em này hoặc từ chối tất cả.

Thay đổi quan trọng thứ ba là chỉ có hai văn phòng con nuôi ở Hoa Kỳ có thể tham dự Chương Trình Con Nuôi Ðặc Biệt, đó là Dillon International và Holt International Children’s Services. Chỉ có hai văn phòng này có thể làm việc trực tiếp với nhà nước Việt Nam trong việc duyệt xét những hồ sơ con nuôi.

Lịch cấp chiếu khán di dân diện F2A/B tiến nhanh

Diện bảo lãnh F2A dành cho vợ-chồng và con độc thân dưới 21 tuổi của các Thường trú nhân tiếp tục tiến nhanh với thời gian chờ đợi khoảng một năm rưỡi đến 2 năm để hồ sơ đáo hạn.

Diện bảo lãnh F2B dành cho các con độc thân và trên 21 tuổi của các Thường trú nhân vẫn phải đợi trên 5 năm, nhưng ngày đáo hạn của diện này hiện cũng tiến rất nhanh.

Lịch chuyển diện di dân sớm

Bản Thông Báo Chiếu Khán hàng tháng từ Bộ Ngoại Giao hiện có hai bảng ngày đáo hạn. Nếu đang ở Hoa Kỳ hợp lệ và ngày ưu tiên của quý vị sớm hơn ngày đáo hạn được liệt kê trong “Ngày Nộp Ðơn”, quý vị sẽ có thể nộp đơn xin chuyển diện sớm, nhưng sẽ không thể nhận được Thẻ Xanh cho đến khi đơn bảo lãnh đáo hạn. Lợi điểm của việc này là quý vị có thể nhận được Giấy Phép Làm Việc và Giấy Du Hành Tạm Thời trong khi chờ đợi đơn bảo lãnh đáo hạn. Sở di trú sẽ không bắt đầu duyệt xét những đơn xin Thẻ Xanh này cho đến khi đơn bảo lãnh đáo hạn.  Một thí dụ cụ thể cho những đương đơn diện F1 đang ở Mỹ hợp lệ, được nộp đơn chuyển diện, nếu hồ sơ có ngày ưu tiên trước ngày 01 tháng 01, 2011, tức 13 tháng sớm hơn đương đơn vẫn còn ở Việt Nam.

Hệ thống mới này không áp dụng cho những đương đơn đang chờ đợi ở ngoài Hoa Kỳ vì họ sẽ phải nộp đơn xin chiếu khán di dân hơn là được chuyển diện. Nhưng hệ thống mới này cũng không hề làm phương hại đến các đương đơn ở nước ngoài. Hồ sơ của họ sẽ không bị chậm lại vì hệ thống mới này.

Du học sinh tại Hoa Kỳ gia tăng

Thống kê mới nhất cho thấy Hoa Kỳ đã thu nhận số sinh viên quốc tế du học cao nhất trong lịch sử, đã đón nhận 819,644 sinh viên chưa tốt nghiệp và sinh viên hậu đại học vào các trường đại học khắp nơi đến đất Mỹ. Sinh viên đến từ ngoại quốc đã thêm vào gần 24 tỷ Mỹ kim cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Số sinh viên du học từ Trung cộng xin học tại các trường đại học ở Hoa Kỳ đã tăng gần 235,000 người.

Tóm lại, đến Hoa Kỳ vẫn là cách chọn lựa hàng đầu của hầu hết di dân, kể cả di dân người Việt Nam.


Hỏi Ðáp Di Trú

Hỏi: Trong cộng đồng Việt Nam, nhiều người hoang mang không biết chương trình bảo lãnh thân nhân ở Việt Nam có bị ảnh hưởng trầm trọng trong nhiệm kỳ ông Donald Trump làm tổng thống không?

Ðáp: Trong thời gian vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, ông Trump nhiều lần lên tiếng cho biết sẽ trục xuất từ 1 triệu đến 2 triệu di dân bất hợp pháp vi phạm luật hình sự, và sẽ không cấp chiếu khán (visa) cho những chính phủ nào không nhận lại những công dân của họ bị Hoa Kỳ trục xuất.  Nếu ông Trump cương quyết thực hiện điều này, và nhà nước Cộng sản Việt Nam không nhận một số người Việt phạm pháp ở Hoa Kỳ thì tất cả chiếu khán dành cho Việt Nam sẽ bị hủy bỏ. Tuy nhiên, điều này cũng không dễ thực hiện được khi chính phủ của một nước cho biết họ không thể nhận lại những người được cho là công dân của nước họ nhưng không thể sưu tra lý lịch được.

Hỏi: Chiếu khán đầu tư EB-5 sẽ bị ảnh hưởng ra sao sau khi ông Trump làm tổng thống Hoa Kỳ?

Ðáp: Hiện nay, chính sách kinh tế của ông Trump là ngăn trở những công ty Hoa Kỳ muốn thực hiện sản phẩm của họ ở nước ngòai, làm cho tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở Hoa Kỳ, đặc biệt là hai nước Trung cộng và Mễ Tây Cơ. Chính vì thế, những nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư vào Hoa Kỳ chắc chắn sẽ được hoan nghênh hơn là bị gây khó khăn. Một số nguồn tin đáng tin cậy nói rằng chính ông Trump cũng từng huy động vốn EB5 xây dựng các công trình của ông trước đây.

Hỏi: Liên quan đến việc bảo lãnh thân nhân, ông Trump từng tuyên bố là sẽ bắt thử di truyền huyết thống (DNA) những hồ sơ bảo lãnh thân nhân nào có khai sinh đăng ký quá trễ hạn. Lý do nào ông Trump muốn thực hiện điều này và hậu quả ra sao?

– Ðáp: Ông Trump thường tuyên bố rất nhiều điều liên quan đến việc bảo vệ an ninh quốc gia Hoa Kỳ, trong số này là ý kiến bắt buộc những hồ sơ bảo lãnh thân nhân nào có giấy khai sinh được đăng ký quá trễ hạn đều phải thử DNA. Dù không nói rõ chi tiết, nhưng điều này có thể suy luận rằng các thành viên khủng bố có thể giả mạo giấy khai sinh, trà trộn vào làm thành viên trong gia đình được bảo lãnh để dễ dàng nhập cảnh Hoa Kỳ một cách an toàn. Sở di trú Hoa Kỳ trước nay cũng đã từng yêu cầu những hồ sơ bảo lãnh ở trong trường hợp kể trên phải nộp thêm những bằng chứng quan hệ ruột thịt, và có thể sẽ phải thử DNA. Nhưng nếu ý kiến của ông Trump được Sở di trú thực hiện trong tương lai thì những gia đình nào ở trong trường hợp này sẽ tốn thêm tiền để thực hiện việc thử DNA.