Hồi còn đi học, cứ gần tới Tết là bọn trong lớp lại huyên náo bàn bạc chuyện sắm đồ Tết, được lì xì bao nhiêu, ở đâu trong Sài Gòn có trang trí đẹp, nhà đứa nào coi bắn pháo bông rõ hơn hay cả gia đình chúng sẽ đi du lịch ở đâu rồi sẽ dùng tiền lì xì vào việc gì, vài đứa còn đem hột dưa hột bí vô lớp chia nhau cắn lách tách. Từng cái vỏ rớt xuống bàn học như làm đầy thêm sự háo hức về “ba ngày Tết bận rộn”. Để rồi khi cô chủ nhiệm áo dài, tóc dài, chân cũng dài mà bước từng bước… ngắn đi vào lớp, mỗi đứa trong nhóm bị phạt một tuần vệ sinh lớp vì tội xả rác. Mỗi lần như vậy tôi luôn ngồi yên một góc, không thèm tham gia nhưng cũng ráng “dảnh” tai lên nghe kế hoạch của chúng rồi trề môi, trợn mắt, lầm bầm: Đúng là bọn… nít ranh! Dĩ nhiên, dầu thấy cô dzô từ xa tôi cũng ngồi yên và… im như vậy.
Bây chừ, sự háo hức đó hầu như không còn nữa, cả ở mấy đứa nhỏ ngày xưa lẫn mấy đứa nhỏ ngày nay. Mỗi lần nghe nhóm nào đó bàn chuyện đi chơi, đi chúc Tết, đi coi bắn pháo bông… là tự nhiên tôi thấy mình lạc lõng. Vì chắc chắn đó sẽ là vài cụ già còn quen nếp cũ hoặc những người xa xứ mong đợi ngày về.

Tôi cũng từng có những cái Tết đầy củ kiệu, dưa món được xếp ngay ngắn trong mấy cái hũ xen kẽ với vài bông hoa tỉa từ cà rốt. Những cái Tết méo y như khoanh bánh tét tự tay chiên giòn nhân một nơi nếp nằm bẹp giòn rụm nằm một nẻo. Những cái Tết bâng quơ như từng câu chuyện nhỏ quanh mâm cơm sum họp với những người họ hàng “đại bác bắn không tới”. Những cái Tết rộn rã khúc ca xuân, câu chúc Tết, những bộ quần áo cũ mèm mà quen thuộc. Những cái Tết xưa như… diễm được cho là không “phù hợp” với sự hiện đại của xã hội đương thời. Giờ đồ ăn bên ngoài thứ gì cũng độc nhưng không nhiều người đủ thời gian nấu cho gia đình một mâm cỗ Tết. Thậm chí không đủ lý do để thuyết phục cả gia đình ngồi lại cùng nhau. Vẫn là câu nói cũ xì, xã hội phát triển càng mạnh thì tình người càng… suy thoái.
Tết thành thị bây giờ đối với con nít là kỳ nghỉ dài ngày, mặc quần áo mới, học thuộc vài ba câu chúc để đi theo ba mẹ “thu hồi vốn” sau khi ba mẹ lì xì “con nhà người ta”. Là trang sức để ba mẹ khoe với khách khứa bạn bè. Là lý do để giãi bày cho sự trễ hẹn, những tính toan. Còn đối với người lớn là gánh nặng xã giao, biếu xén. Là cơ hội để nịnh nọt cấp trên và “làm tiền”, thị uy với cấp dưới. Những phong bì là thứ không thể thiếu ở Việt Nam ngay cả khi người ta không còn viết thư tay. Bữa cơm sum họp cuối năm dần trở thành “hủ tục”. Mấy cụ già ngồi với nhau, hầu như đều than thở:
– Mạnh ai nấy đi. Ta nói Tết nó vắng như chùa bà đanh!

Tết chạy tới như một vị khách… không mời. Cứ từ từ té vào tờ lịch. Ai cũng biết ngày đó, tháng đó nhưng không ai thèm chờ mong. Có khi Mồng Một Tết, 10 giờ mở cửa bước ra ngoài nhìn xuống đường sẽ thấy… vắng tanh. Nhà nhà còn ngủ, người người còn ngủ, hàng quán đóng cửa, xe cộ xếp xó. Dân tỉnh về quê hết rồi, người đi làm cả năm thì tranh thủ nghỉ Tết đi du lịch, thăm ông bà. Chỉ lác đác vài nhà còn… ngủ. Sau cơn ngủ thì Tết sẽ được “khởi động” bằng hàng loạt tiếng cãi nhau trong mấy… sòng bài, tiếng dô dô trên các bàn nhậu và những giọng ca lẫn hét tràn ra từ các dàn karaoke “chính chủ”… và tiếng khóc thầm lặng của những người không gom đủ tiền hoặc không mua kịp vé về quê! Không ít thị dân khẳng định:
– Tới Mồng Một là… hết Tết!
Nhiều người xa quê kể Tết đôi khi chỉ gửi tiền chớ không dám về. Tại nhiều khi bà con dưới quê thấy họ trên Sài Gòn về ăn Tết cứ tưởng kiếm được nhiều tiền lắm, hè nhau… bắt sắm cái này tặng cái kia, nội tiền lì xì “mấy đứa cháu” thôi cũng đi toong lương thưởng cả năm. Có nhiều người đợi tới mồng 4, mồng 5 Tết mới dám về. Họ ngồi nhìn dân Sài Gòn “ăn tết” hát hò, sát phạt mà rớm nước mắt:
– Dìa sớm hết sớm, dìa trễ chơi được lâu hơn mấy bữa với gia đình!

Trước Tết thì từng hàng dài người “sắp lớp” trong ga xe lửa, bến xe miền Đông, xa cảng miền Tây, sân bay. Đông nghẹt, chen lấn xô đẩy nhau để bị… móc túi, chờ mua cho bằng được cái vé về quê ăn Tết với gia đình. Muốn khỏe phải đặt vé trước từ nửa năm hoặc phải có quen biết chút đỉnh để nhờ vả, hỏi han. Còn không thì cứ chen bán sống bán chết, hên thì mua được vé xui thì ra mua vé chợ đen gấp mấy lần tiền (Hình như tỷ lệ xui luôn luôn… hên). Đến hẹn lại lên, tổng công ty đường sắt năm nào cũng leo lên báo đài, truyền thông mà thề thốt không bán vé cho cái đám buôn vé chợ đen. Rồi các phóng viên lại mò ra các bến xe, nhà ga để xào lại mấy bài “vạch mặt”, “vạch trần” chuyện vé chỉ bán cho… người nhà trong ngành gây ra tình trạng kẻ cần thì xếp hàng mấy ngày mấy đêm rồi phải chạy ra năn nỉ mấy anh, mấy chị cò mồi bán cho cái vé đắt gấp đôi gấp ba lần. Tổng công ty đường sắt không bán vé cho mấy vị cò mồi, “người nhà” của họ mới bán! Các xe đò mấy chục chỗ ngồi chạy tuyến Nam Bắc ở các bến xe miền Đông, miền Tây lại được dịp nhồi nhét người với người gấp đôi số ghế. Ta nói đứng từ xa nhìn đã thấy khó thở, chật cứng, chen chúc. Mạnh ai nấy xô đẩy, chửi bới, mắng nhiếc, thậm chí đạp nhau xuống xe để có một cái ghế nệm hay ghế súp hoặc một chỗ đứng cũng được. Mặc kệ phải mượn thêm tiền, mặc kệ xe cộ chen lấn, đường sá nguy hiểm, chỗ ngồi chật chội khó chịu, chờ đợi mòn mỏi giữa đêm hôm khuya khoắt hay giá vé cao cắt cổ gấp chục lần ngày thường. Những người xa quê chấp nhận hết để được về với gia đình. Ăn xong mấy bữa Tết, áng chừng mấy cái bóp mập mạp, căng phồng trở nên suy dinh dưỡng, lép kẹp thì người ta lại quẩy khăn gói quả mướp, đặt vé. Đặt không được thì lại xếp hàng mua vé, chờ đợi, xô đẩy, chen lấn, hồi hộp quay trở lại Sài Gòn. Nơi có “căn gác trọ đơn lẻ, chỗ làm việc căng thẳng, hàng giờ kẹt xe giữa cái nắng chói chang nóng chảy từng thớ thịt.”
Những lúc này tự dưng sẽ có vài thị dân “dại dột” ước được có quê. Để tận hưởng cảm giác xa quê cả năm, Tết chạy về trong vòng tay rộng mở của gia đình. Nghĩ thầm chắc hạnh phúc lắm! Nên cứ năm hết Tết đến lại có cái cảnh người ta thi nhau thở phào nhẹ nhõm, bô bô thét gào:
– Bái bai Sài Gòn đông đúc mệt mỏi đua chen dơ dáy bẩn thỉu đắt đỏ em về với miền quê thanh bình, yên ả ngọt ngào của em đây…
Nhưng không hiểu sao, sau Tết cũng những cái miệng bô bô đó lại nỉ non:
– Chào Sài Gòn phồn hoa đô hội ta trở về với nàng đây. Ôi nhớ nàng quá…
Ứa gan hông? Tôi yêu mảnh đất này nhưng bắt đầu nản với cảnh mỗi sáng Mồng Ba, Mồng Bốn ra đại lộ Nguyễn Văn Linh ngồi đếm dòng xe lũ lượt mà toàn những bảng số lạ hoắc đổ ào ào vào Sài Gòn. Ngán những cái giọng nói, những cách cư xử dù cố gắng đến đâu cũng không thể lấp liếm được nơi họ sinh ra và lớn lên. Không phải kỳ thị mà là sợ hãi.
Sài Gòn trong mắt tôi là quê hương nhưng hình như trong mắt họ chỉ là cái phao cứu hộ cuộc đời, là nơi để họ kiếm ăn và phá hoại.
Nhiều người còn nói:
– Dzô Sài Gòn chỉ để mưu sinh, dành dụm rồi về quê sống chứ không muốn ở cái đất này chút nào!
Họ coi mảnh đất này như trái chanh, vắt kiệt nước rồi quăng trong ghê tởm. Thật ra suy nghĩ hay sống ở đâu là quyền mỗi người. Không ai quan tâm hay can thiệp được. Nhưng, phải chi, những người như họ đi luôn thì tốt biết mấy! (Tánh cà nanh lại nổi lên rồi!). Nói chứ tôi cũng hổng dám phân bì với họ, vì mỗi bận lỡ đi đâu xa, nhắn về cho lũ bạn ở Sài Gòn:
– Xuân này tao không về…
Chúng bèn “hồ hởi”:
– Sài Gòn đang yên ổn Duyên đừng về!

Hầu như Sài Gòn lúc nào cũng ồn, cũng đông đúc nên không có cái sự chộn rộn, vui vẻ của những buổi tiệc gia đình, tiệc sum họp, tiệc làng tiệc xã ba ngày Tết cũng… không sao. Cái đặc biệt của Tết Sài Gòn nó nằm ở chỗ im ắng hơn ngày thường. Ra đường không sợ kẹt xe, không cần tránh nia né thúng, tai cũng được “thanh lọc” bởi những tiếng kèn xe, hò hét, chửi rủa cũng không còn. Không có nhiều xe thì cũng sẽ “vắng vẻ” khói bụi và tai nạn. Nhiều khi mấy ngày Tết tôi chạy xe giữa đường mà tưởng đang chạy xe trong… game không hà! Nhưng mà nhiều khi “khổ quen sướng không quen”, không ít thị dân quởn quởn lại bày đặt ngồi chống cằm than:
– Tết chán bỏ mẹ!
Đôi khi đó là câu nói quen miệng nhưng thật ra nhiều khi cũng thấy… chán thiệt. Vì cái Tết cổ truyền dần không còn được con người giữ nguyên ý nghĩa nữa. Ai cũng thờ ơ với nó. Ngay cả bà tổ trưởng mấy năm gần đây không thèm đến từng nhà phổ biến chuyên mục “toàn dân bị ép treo cờ” luôn! Tết tới ngoài cái giao thông tiện lợi ra thì quanh xóm vẫn ồn như thường! Đôi khi tôi thấy ở Việt Nam, không biết phân biệt đâu là đám cưới, đám ma, đám giỗ hay các ngày Lễ, Tết bằng cách nào. Đám nào cũng ăn nhậu xập xình, kéo dài lê thê, hò reo múa hát. Dường như họ đang cố tạo những dịp họp mặt để ăn uống nhậu nhẹt đình đám chứ chẳng ai cần biết là ngày gì! Từ đó tạo ra nhiều ý kiến đòi xóa bỏ Tết cổ truyền, ăn theo Tết Tây… Nhưng theo tôi vấn đề cần phải nghĩ là làm thế nào để ăn Tết, tổ chức đám tiệc hội hè một cách hợp tình hợp lý nhất chứ không phải tìm cách để xóa bỏ cái mà mình không quản lý được. Nếu không, người lớn còn sẽ nghe hai đứa trẻ con ngồi khoe với nhau:
– Đám ma nhà tao vui như… Tết!