Gần chục năm rồi Dế Mèn mới trở lại đây. Bangkok đang chuyển mình thay đổi, phố xá sầm uất hơn, đông đảo hơn. Lần này Dế Mèn chọn nhà trọ ở phố Tàu của Bangkok, gần trạm metro Hualamphong. Ngoài những con đường ngoằn ngoèo nhiều biệt thự xưa cũ khuất sau các tòa nhà lớn, đây là khu phố ít mở mang nhất so với các khu phố khác. Đất biệt thự, giá hơi đắt nên Dế Mèn không thấy những quán rượu, nhà tắm hơi hay tẩm quất rầm rộ như những con đường khác.

Văn hóa Thái khá gần gũi với văn hóa Ấn Ðộ. Ðể chào hỏi (tỏ lòng kính trọng) người ta chắp tay trước ngực, “wai”, in hệt người Ấn trước thần linh. Chữ viết từa tựa hình dạng chữ Hindi hẳn có cùng nguồn gốc Sanskrit (?) pha trộn với Pali (từ Tích Lan, trước đó là một phần của Ấn Ðộ?). Ðền chùa có kiến trúc rất gần với đền thờ Ấn Ðộ. Nhưng ở phố Tàu thì hình như dấu vết Ấn Ðộ biến mất. Nếu không thấy những tấm biển chỉ đường chữ Thái, ta có thể nghĩ rằng đây là một phố Tàu tại những thành phố lớn bên Hoa Kỳ!
Buổi sáng ra đường, hai bên phố chính là tiệm vải, tiệm thuốc Bắc bán… thuốc Bắc và cả những tổ yến, hải sâm phơi khô. Nhìn chung, phố Tàu Bangkok không khác chi mấy phố Tàu New York hay phố Tàu San Francisco, cũng nhiều màu sắc và ồn ào như nhau. Nhưng ở đây ngôi chùa, Wat Traimit, có tượng Phật bằng vàng rất lớn, hình như là pho tượng vàng lớn nhất thế giới, nặng cỡ 5 tấn và trị giá trên dưới 40 triệu Mỹ kim!

Bên ngoài chánh điện là bàn thờ vua Bhumibol Adulyadej. Hai bên lối đi có bảng chỉ đường đàng hoàng, không biết ai là người đã giúp ban trị sự chùa thông dịch tiếng Việt, Dế Mèn chụp được hai tấm hình, phía đi lên có tấm bảng ghi chữ “hơn” (chắc từ chữ “lên” nói trại thành “lơn” và viết ra như thế?). Nhưng khi bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt thì Dế Mèn hiểu rằng người Việt viếng chùa khá đông.
Vô chùa là phải tháo giày dép để lại ngoài cửa chánh điện, bá tánh đi chân đất. Dế Mèn không biết pho tượng được đúc từ hồi nào, chỉ nghe nói rằng từ thế kỷ XVII (?) khi chiến tranh Miến – Thái đến hồi quyết liệt, quân Xiêm thua trận chạy dài, bị người Miến kéo quân đến Bangkok cướp phá, khuân đi mọi thứ quý giá. Pho tượng cao trên ba thước kia to quá, khó lòng giấu giếm nên cư dân hè nhau trát xi măng lên pho tượng để che mắt kẻ cướp. Thấy pho tượng to kềnh lại xấu xí nằm lăn lóc trong khu đất trống nên quân Miến Ðiện… bỏ qua!? Pho tượng được khiêng đến phố Tàu (?) để thờ phượng tại Wat Traimit, chùa lợp tôn vách lá. Hẳn là chùa vách lá nên dễ cơi nới mà chứa tượng? Mãi đến thập niên 50 của thế kỷ trước, lúc xây chùa, pho tượng được di chuyển và đánh rơi nên vỏ xi măng bị nứt, và lúc ấy người ta mới biết bên trong là… vàng ròng! Pho tượng đúc theo kiểu Sukhothai. Kiểu đúc tượng của người Thái (Tai) mô phỏng theo kiểu tượng Phật Tích Lan khi môn sinh Thái qua xứ này tu học trong thế kỷ XII. Pho tượng có khuôn mặt dài, lông mày, mắt, mũi và miệng là những đường cong nổi bật. Ðỉnh đầu là gò nổi theo dạng ngọn lửa, tín đồ tin rằng gò nổi là một phần của não bộ, “extra brain”.

Tầng lầu hai là viện bảo tàng trưng bày hình ảnh và tài liệu về chương trình xây cất ngôi chùa cũng như đúc tượng. Lầu ba là phòng triển lãm về lịch sử của phố Tàu Bangkok. Ngày xửa ngày xưa, người Tàu đến Thái Lan để buôn bán rồi…ở luôn, sinh con đẻ cái và làm ăn sinh sống. Họ “cắm dùi” trên những miếng đất hai bên sông Chao Phraya, đông đảo nhất là bờ đông của con sông uốn khúc. Phía tây sông Chao Phraya là hòn đảo Rattanakosin, bao bọc bởi các hào sâu / lạch nước, nơi vua Phutthayotfa Chulalok, vua Rama I của triều đại Chakri, xây hoàng thành vào năm 1782. Khi hoàng thành được phát triển, cư dân (Tàu và Việt) bị xua đến vùng Phra Nakhon hay Yaowarat ngày nay. Sách vở ghi chép rằng chính vua Rama I đã cung cấp chiến thuyền và 50 ngàn quân cho Chúa Nguyễn Ánh nhằm tấn công Gia Ðịnh nhưng bị quân đội Tây Sơn đánh tan trong trận Xoài Mút. Hẳn những di dân gốc Việt thủa ấy là những người theo chân Chúa Nguyễn sang Xiêm (Siam) rồi ở lại?
Phố Tàu được xem là phố cổ của Bangkok, người Hoa sinh sống và buôn bán với nhau cũng như buôn bán với dân bản xứ mà làm giàu. Kinh tế Thái nằm trong tay các người Thái gốc Hoa; ngay cả dòng dõi vua Rama cũng lai Tàu ít nhiều. Vua Bhumibol là vua Rama IX, ông được dân Thái tôn thờ như thánh thần, họ chiêm bái đốt nhang dâng hoa trước tượng vua khi ông qua đời. Thế tử sinh sống tại Ðức về Bangkok chịu tang và sửa soạn lên ngôi thế vì nhưng không được lòng dân như vua cha lúc sinh tiền. Trong suốt 70 năm, triều đại vua Bhumibol Adulyadej trải qua trên dưới 20 vị thủ tướng, cả chục chuyến “cách mạng” và mấy mươi lần thay đổi hiến pháp. Người Thái nhìn vị vua như hình tượng của sự ổn định, lâu dài và kính ngưỡng ông dù hoàng gia cũng nhiều điều tai tiếng nên khi ông qua đời, cả nước để tang. Ði đến đâu cũng thấy người ta mặc quần áo đen thui.

Từ Wat Traimit, đi bộ một quãng ngắn trên đường Charoen Krung là đến Wat Mangkon Kamalawat. Ðây là ngôi chùa của người Hoa trong phố Tàu Bangkok, được xây từ năm 1871 để thờ tự theo giáo phái Mahayana. Kiểu kiến trúc giữ được các bản sắc Trung Hoa, cũng hai con rồng trên nóc chùa mái cong. Tượng Phật cũng có những nét Trung Hoa, khuôn mặt tròn, tay bắt quyết. Trước cổng chùa cũng bày bài vị của vua Bhumibol Adulyadej. Trong chùa là những hình tượng La Hán, Quan Âm… và có mục xin xăm khác hẳn với các ngôi chùa Thái.
Nhìn ngắm cách bài trí trong chùa, Dế Mèn nhận ra vài điều, mấy trăm năm rồi nhưng người Tàu di dân vẫn giữ được khá nhiều bản sắc riêng, văn hóa riêng dù con cái họ ít nhiều đã hòa nhập với xã hội chung quanh. Ðây hẳn là một điểm son của di dân Tàu. Dù ở đâu họ cũng chóng vánh tạo ra một môi trường riêng tư gần gũi với cố quốc. Chùa Mangkon có cả một tu viện nơi các chú tiểu tu tập, họ học kinh kệ và học cả các môn kiến thức tổng quát. Dế Mèn vãn cảnh chùa và được mấy chú tiểu mở bảng điện toán cho xem các bài hóa học! Những đứa bé trai được gia đình đưa vào chùa trong tuổi 8-12 để học làm người. Ðứa trẻ nào có duyên thì tiếp tục tu, bằng không trở về đời sống xã hội. Tập tục này còn được giữ đến ngày nay nhưng phe ta không biết có phổ thông như bên Miên, bên Miến, Lào hay không.
Chiều xuống, Dế Mèn đi ăn tối ở quán bên sông, Café Samsara nằm tuốt trong hẻm, được khá nhiều người giới thiệu nên phe ta xông pha tìm kiếm trên những con đường quanh co từ quán trọ.

Samsara có món cà ri xanh, green curry, thịt gà nấu với nước dừa tươi, cà (aubergine) Thái trái nhỏ cỡ hai đốt ngón tay và rất nhiều rau quế địa phương. Húng quế Thái khác khá xa với láng giềng basil. Lá nhỏ, cành cứng và vị cay nhưng không nồng, không gắt. Món Laab, thịt heo bằm nhỏ rang với thính và gia vị khá ngon. Nhưng có lẽ nổi bật nhất là món canh Tom Yum, nước trong có vị chua của me và mùi riềng mùi sả rất thơm. Cô em Dế Mèn biểu rằng đáng công đi tìm lòng vòng!
Quán ăn nằm trên bờ sông, ta tha hồ ngó thuyền đi lui tới trên dòng nước đen thẫm. Chủ quán nuôi một bầy mèo chừng mươi con nên chúng chạy lăng quăng khắp nơi, có con mèo trèo lên lòng Dế Mèn đòi ăn. May quá, phe ta không bị dị ứng với chó mèo.
Ðường về quán trọ tối thui, trên đường phố nhá nhem vẫn có những chiếc xe bán dạo, từ đậu phụng rang đến phá lấu, đá bào si rô… Cống rãnh dù không thấy rác nhưng vẫn nặng mùi hôi hám của lưu huỳnh. Lạ quá, Bangkok giàu có, to lớn như thế mà sao chuyện cống rãnh vẫn chưa xong?
TLL