Menu Close

Kè không nhà & Mùa cho nhau

Mùa đông đến, lạnh về. Cái lạnh tưởng như đã quen sau bao năm viễn xứ. Vậy mà vẫn đón nhận nó trong run rẩy. Như cây đời ngày càng già cỗi trên năm tháng phong trần, ngọn Bắc phong làm tơi tả chiếc áo vàng của mùa thu, để chào đón mùa đông. Và mình như cành đời ngày càng vươn gầy trong gió rét. Lành thay mùa này là mùa lễ hội. Trong giá băng vẫn sáng lung linh ánh đèn. Trong lạnh lẽo vẫn ấm cúng tình thương yêu của ơn trên và con người. Hơn bao giờ hết mùa này người ta gọi là mùa cho nhau. Season of giving. 

ke-khong-nha-mua-cho-nhau

Lạnh càng ngày càng se sắt. Người ta nhắc nhở 4 chữ P vắn tắt cần chăm sóc: People, Pets, Pipes & Plant. Theo thứ tự ưu tiên Con người, Thú nuôi, Ống nước và Cây trồng. Cái lạnh khi ngồi trong xe đi làm mỗi ngày và lòng đầy cảm thương khi nhìn những ngã tư giao lộ đã vắng bóng những người homeless. Chẳng biết giờ này họ đã về trú trong các trại tế bần, trong các nhà thờ, hiên chùa, hay trong các góc khuất kín gió dưới gầm cầu xa lộ… Cũng biết bao nhiêu năm qua khi đi về trên khắp ngã đời, khi kinh tế trồi sụt lên xuống, thì vẫn thấp thoáng vài bóng người vô gia cư đứng ở ngã tư đường phố. Có vài người chỉ thấy ở đó một lần, có vài người đã thấy ở đó nhiều năm. Râu tóc bạc phơ và áo quần đầy bụi nhưng vẫn còn nhận ra, chính là anh chàng tưng tửng đó, bao năm rồi quanh quẩn vài ngã tư đường phố. Lòng tự hỏi những người ấy họ có sự chọn lựa không? Họ có chọn một đời sống như một kẻ không nhà đứng chờ lòng thương xót hay chia sẻ qua vài đồng tiền lẻ, trong nắng gió và rét lạnh.

Lắm khi trong ngày nắng, họ cầm một cái gạt nước và lau kính cho khách khi xe dừng lại ở ngã tư, đổi lại chút tiền công. Lắm khi họ mua sỉ một thùng nước, bán lại từng chai nhỏ cho khách. Nhưng đa phần là họ đứng trong gió bụi, cầm một vài tấm carton ghi vài chữ bắt mắt ngộ nghĩnh, để xin tiền. Trên TV, báo chí người ta gọi họ là panhandler. Nghĩa là người ăn mày, ăn xin. Tay họ không cầm soong chảo mà lòng bàn tay chìa ra như chìa cái soong (pan). Nơi lòng bàn tay ấy nhận những đồng tiền xu và lời chúc an. Họ luôn luôn cám ơn, đáp lại rằng Thượng đế sẽ phù hộ người. Có lẽ từ panhandler ấy nhẹ nhàng, tế nhị hơn là từ beggar, xin xỏ. Theo tiếng Việt thì gọi là ăn xin hay ăn mày. Mày là phần cám bọc ngoài của hạt gạo. Khi xay xát nghiền ra hạt gạo trắng thì lớp mày ấy thường bỏ đi. Những đồng tiền xu nhỏ nhoi cũng giống như các mày bụi cám ấy vậy. Trong tiếng Hán thì gọi là hành khất. Họ đi xin ăn lang thang. Nhớ chuyện chưởng năm xưa thì Cái Bang là bang phái của các người ăn xin. Bang có số hội viên đông nhất trong thiên hạ. Nước Tàu thời ấy nghèo tơi nghèo tả. Thú vị một điều là Cái Bang có cách truyền thông tin rất nhanh chóng qua cách gõ bát. Do hành khất có ở khắp nơi, nên tín hiệu được chuyền đi nhanh như điện tín qua dây thép. Lại nói thêm về võ nghệ của Cái Bang. Nổi tiếng nhất là Giáng Long Thập Bát Chưởng. 18 thế đánh như rồng giáng trần đầy uy vũ. Có lẽ bởi quân số đông bao vây kẻ địch ồ ạt tứ phương như rồng cuộn. Và chiêu thức tuyệt kỹ Ðả Cẩu Bổng Pháp. Phép đánh chó bằng gậy. Cái Bang danh trấn thiên hạ qua bao đời, nổi trội nhất là thời Hồng Thất Công Bắc Cái và Hoàng Dung sau này.

Nói đến người hành khất chạnh nghĩ tới những tu sĩ Phật giáo đi khất thực. Từ buổi sáng, họ chân trần khoác áo cà sa vá nhiều mảnh vuông như thửa ruộng, màu vàng sẫm như bụi trần, như hoại sắc. Họ từng bước đi chậm rãi, tay bưng bình bát bằng đất, nhìn xuống trầm mặc trong suy niệm, mỗi nhịp thở là một niệm sắc không, không phân biệt nhà nào giàu nghèo, không phân biệt thức ngon hay dở. Các thí chủ bỏ vào bình bát các thức ăn nấu sẵn. Thấy đủ ăn trong bình bát thì trở về tịnh xá trước ngọ. Ðó là bữa ăn duy nhất trong ngày. Họ khất thực ăn xin nhưng đã gieo trồng hạt giống từ bi đến nhân gian. Cho đi chút vật chất, mà nhận lại muôn phần tình thương, đó cũng chính là hạnh bố thí. Lại nhớ chuyện Lazarus và Phú ông, một dụ ngôn trong Phúc âm Lu-ca (Gospel of Luke). Lazarus là kẻ ăn mày khốn khó. Cái chết không từ một ai, cả phú ông và Lazarus. Khi chết đi phú ông thì vào địa ngục, Lazarus đi vào thiên đàng. Của cải vật chất không đem đến đời sống hạnh phúc viên mãn cho kiếp sau của phú ông ích kỷ. Lazarus một đời khổ cực nên lại được an ủi sau này. Lòng lại nhói đau khi nhớ lại những hình ảnh những người vô gia cư trong thập niên của cuộc đại khủng hoảng 1930s, khi nhớ về ngõ ăn mày của Hà Nội trước 1954.

Bạn hẳn nhớ những thước phim đen trắng The Tramp – Kẻ lang thang của Charlie Chaplin. Charlie cũng đã có một tuổi ấu thơ nghèo khó cha mất sớm, mẹ bịnh nặng, phải sớm chịu cảnh vô gia cư. Vậy mà sau này trở thành nhân vật độc đáo, nổi tiếng vua hề trong lịch sử phim ảnh qua những cuốn phim câm làm rung động tình người, đem những tiếng cười thấm đẫm nước mắt và nỗi hoan ca nhân ái từ đáy lòng trần bằng những câu chuyện có hậu đẹp đẽ. Dù bên trong nội tâm của Charlie vẫn mang nặng nỗi buồn. Như khi ông tâm sự: “Tôi thích đi trong mưa, bởi không ai biết được tôi đang khóc.”

Dẫu có nhiều nguyên nhân dẫn đến cảnh không nhà. Có người là cựu chiến binh, nạn nhân của những hậu chấn sau chiến tranh; có người mang tâm bệnh, thất học; có người nghiện ngập, rượu thuốc tàn phá tan hoang; đa phần là những kẻ thất cơ lỡ vận, khi trên đầu không còn một mái nhà che thân, bỏ nhà đi hoang khi hạnh phúc gia đình đổ vỡ… Không ai chọn lựa cuộc sống ăn xin. Có chăng chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi tạm thời trong cuộc đời trắc trở.

Mùa đông lại về cùng giá rét. Trong ánh sáng lung linh và tiếng nhạc vui hân hoan đón chào một năm mới, các ngõ phố ngập tràn quà tặng mua sắm, vang vang những tiếng kêu lanh canh vui tươi từ cái chuông nhỏ của Ðội quân cứu tế (Salvation Army). Bạn có biết rằng một đêm cuối năm 1891, Ðại úy Joseph McFee của Ðội quân cứu tế ở San Francisco đã trăn trở ước nguyện, tìm cách quyên góp giúp 1,000 bữa ăn tối cho người nghèo khó trong thành phố. Ông nhớ lại thời làm thủy thủ ở Liverpool, Anh Quốc. Những chiếc nồi lớn gọi là Simpsons Pot để cho khách đi ngang qua ủng hộ đóng góp. Qua ngày sau ông lấy một cái ấm sắt sơn màu đỏ treo trên giá 3 chân, đứng ở bến phà Oakland, góc đường đông đúc Market Street. Bên cạnh ấm có dòng chữ “Xin giữ cho ấm nóng sôi”. Những đồng tiền lẻ từ thiện dồn lại, sẽ làm đầy ấm màu đỏ, và ấm sôi lên cho ngàn bữa cơm ấm áp nghĩa tình. Ông thỏa mãn ước nguyện. Và từ đó hơn 150 năm qua, tiếng chuông leng keng, cái ấm sắt màu đỏ, mang ấm áp hạnh bố thí, mang đầy tình thương yêu con người cho mùa ân sủng lại trở về khi cuối đông và chào đón năm mới…

Trời càng lúc càng lạnh. Người homeless quen thuộc không còn đứng đó. Hẳn anh ta đang trú ở một nơi nào ấm áp. Gió vẫn rét căm căm ngoài xa lộ. Thành phố ngập trong ánh sáng hân hoan và tiếng hát của Bạch Yến chừng như xa xăm:

“Ðêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương…

Có ai thấu tình cô lữ,

đêm đông không nhà.”

Ðêm đông – Nguyễn Văn Thương

SB