Suốt đời mình, Christa lúc nào cũng mơ ước được tới thăm cánh đồng ngô ở Dyersville, Iowa, nơi cuốn phim nổi tiếng “Field of Dreams” (cánh đồng của những ước mơ) được quay. Cô đã chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi nhưng bất ngờ một khối u trong óc đã lấy mất đời cô ở tuổi hai mươi ba. Thương em, người anh là Greg đã lên đường quyết chinh phục đỉnh núi cao vào hàng thứ hai thế giới ở Pakistan. Thế nhưng Greg bị kiệt sức phải xuống núi, tìm tới một khu làng nhỏ hẻo lánh, xác xơ. Tại đây, anh đã gặp lũ trẻ nghèo khổ khốn cùng và tạo ra được một “cánh đồng của những ước mơ” cho chúng, cũng như cho Christa, và cho cả chính mình. Mời bạn đọc theo dõi cuộc hành trình theo lời kể của Greg.
NS
Cả gia đình tôi suy sụp vì cái chết của Christa. Ðể tưởng niệm em, tôi quyết định chinh phục ngọn K2 của xứ Pakistan. Vượt qua muôn vàn khó khăn nguy hiểm tới tháng 9 năm 1993, sau 78 ngày bầm giập, tôi vẫn chưa lên tới đỉnh. Thể xác tôi mệt nhừ, tinh thần kiệt quệ. Hai người dân địa phương phải mất hết năm ngày ròng rã giúp đưa tôi về ngôi làng gần nhất, làng Korphe. Ở đó, những người dân theo Hồi giáo đã chia sẻ mọi thứ họ có với tôi. Họ phủ lên người tôi những tấm chăn len ấm áp, xoa bóp chân tôi, và đem cho tôi những cái trứng cuối cùng họ có cùng với những thức ăn quý giá. Dân làng Korphe kể cho tôi nghe rằng ở thung lũng Braldu xa xôi, cứ một trong ba trẻ sơ sinh chết trước khi lên một tuổi, và tỉ lệ những người biết đọc chữ chỉ có 2%.
Tôi phải mất một tuần lễ để phục hồi sức khỏe. Tự trong thâm tâm, tôi muốn làm cái gì đó để đền đáp công ơn của dân làng đối với tôi. Không đòi hỏi gì cả, họ đưa tôi đi thăm ngôi trường làng nằm ẩn trong lùm cây bụi bám trên một ngọn đồi. Ở đó, trước mắt tôi, tám mươi bốn đứa trẻ ngồi thành vòng tròn trên đất. Chúng sát gần lại với nhau để giữ hơi ấm. Phần lớn các em đi chân đất, và hàng ngày chúng viết chữ trên những cái bảng đá bằng những cái que nhúng vào chất bùn màu xám tro. Một tấm bảng đen được dựng lên bằng những tảng đá dưới bầu trời lồng lộng gió thu buốt lạnh. Ðiều ngạc nhiên là không có thầy giáo. Ông Hussein ngày hôm đó đang dạy ở làng bên cạnh bởi vì làng Korphe không có đủ một đô la trả lương ông và ông tạm sống bằng cách chia thời gian ra dạy cho cả hai bên.

Những đôi mắt trẻ thơ cứ xoáy vào tôi suốt ngày. Mặc dù nghèo đến cùng cực, tinh thần nhẫn nhục của lũ trẻ vươn cao, và tôi nhìn thấy ở chúng quyết tâm muốn được học hành. Với lòng hoài vọng mênh mông, bọn trẻ xin tôi giúp đỡ chúng xây dựng một ngôi trường. Ở đây, tại một nơi nghèo nhất, xa khuất nhất, ở ngoài biên địa mọi nền văn minh, tôi hiểu tại sao tôi đến Pakistan -chẳng phải để leo lên đỉnh núi cao đâu, mà để giúp lũ trẻ làng Korphe thực hiện giấc mơ của chúng, là xây dựng một ngôi trường. Và tôi đã hứa với các em như thế.
Trở về lại Mỹ, tôi phấn đấu để quyên góp mười hai ngàn đô la cho kế hoạch của mình, và tôi đã gặp nhiều thử thách suốt quá trình ấy. Nhiều người tỏ ý thắc mắc về động cơ thúc đẩy tôi. Nhưng tôi đã nhất quyết thực hiện điều đã hứa với lũ trẻ làng Korphe. Ba năm sau, vào năm 1996, ngôi trường vẫn chưa thành hình. Tôi đã muốn nản lòng buông lơi. Thật sự tôi còn nhiều điều phải học.
Haji Ali, vị trưởng làng râu bạc trắng, theo dõi sát tiến trình việc dựng trường. Ông là một người hiền minh, đã trải qua ròng rã bảy thập niên để mang thêm sự sống đến cho một vùng đất khốn cùng. Nhận thấy sự nôn nóng của tôi, ông không quản ngại đôi chân phong thấp tìm đến bàn thảo. Haji Ali dẫn tôi lên một con dốc đứng trên ngọn đồi nhìn xuống bao quát vùng núi Karakoram. Ông nói: “Ðấng Cao Xanh đã ban ơn phước cho dân làng chúng tôi khi anh đến đây với ước mơ xây dựng một ngôi trường cho lũ trẻ làng này. Tuy nhiên, bây giờ anh chỉ cần làm một điều thôi, là để cho chúng tôi bắt tay vào việc dựng trường. Chúng tôi đã sống trên mảnh đất tổ tiên của mình tám thế kỷ nay và biết mình đang làm gì. Bây giờ, anh hãy ngồi xuống, im lặng và chấm dứt mọi tính toán. Tôi hứa với anh là mình sẽ thành công.”
Tôi nghĩ, thật chẳng dễ gì, nhưng cứ để mặc cho mọi việc tiến triển. Và rồi, trước mắt tôi, điều kỳ diệu đã xảy ra. Trẻ con, người già, phụ nữ… tất cả đều giúp sức, khuân cát đá từ dưới sông lên, đồng thời kéo nhau đi tìm các vật liệu khác. Trong vòng tám tuần lễ, đúng vào ngày trận tuyết đầu tiên của mùa đông năm 1996 đổ xuống, ngôi trường được xây cất xong.
Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn thường xuyên đến thăm Haji Ali. Chúng tôi thường ôm lấy nhau, và trong nỗi buồn ảm đạm, cùng nhau đi thăm khu nghĩa địa làng. Haji Ali thường chỉ cho tôi xem ngôi mộ của những trẻ đã chết trong thời gian tôi vắng mặt. Ðây là cái cách ông nhận chân ra những biến thiên trong ngôi làng. Một hôm, ông nói với tôi: “Tôi già rồi, và cái thời khắc tôi phải ra đi cũng đã gần kề. Chẳng bao lâu nữa, anh sẽ đứng ở đây, bên ngôi mộ của tôi, và anh sẽ buồn bã. Nhưng hãy ghi nhớ lấy một điều: im lặng lắng nghe gió thổi.” Ba tháng sau, Haji nhắm mắt bình yên trên chiếc giường ọp ẹp của ông.
Tháng Mười năm 2001, tôi trở lại làng Korphe, đứng lặng buồn bã cạnh ngôi mộ của Haji. Và tôi nhớ lời ông dặn, là hãy bình tâm nghe gió thổi. Trong gió, vọng về tiếng trẻ con êm đềm ở ngôi trường bên cạnh. Và rồi, hốt nhiên tôi hiểu ra rằng gần một thập niên sau khi Christa qua đời, một lời hứa đã được thực hiện. Christa đã được tưởng niệm trên cánh đồng của những ước mơ, không phải ở những bãi ngô vùng Iowa, mà ở cách xa quê nhà khoảng nửa vòng trái đất, tại một sơn thôn nghèo khó của xứ Pakistan. Và tôi cũng hiểu ra rằng vùng đất thiêng liêng này cũng đã trở thành “cánh đồng của những ước mơ” cho riêng tôi.
NS
(theo Greg Mortenson, trong Chicken Soup for the Soul)