Lịch xé sát đít, từng lỗ chân lông se lại theo tiếng thở của ông Trời. Dầu yêu thời trang đến đâu thì mỗi đợt gió qua cũng kéo cổ áo thị dân lên cao một nấc. Mùa này cũng được cho là mùa đẹp nhất trong năm. Ta nói thời tiết gì mà cứ “lai lai” một chút ui ui của Đà Lạt một chút khô khô của Đà… Nẵng nhưng vẫn ôm khư khư những buổi trưa nắng nôi, những buổi tối kẹt xe kéo dài hàng chục kilomet. Điều đó làm cái lạnh của Sài Gòn cũng đặc biệt hơn ở nơi khác. Lạnh… toát mồ hôi!
Sự nôn nao của lòng người dành cho Tết Tây so với Tết Ta cũng không kém bao nhiêu. Vì đa số với những người đã đi làm nhưng chưa nặng gánh gia đình riêng, đây là thời điểm rảnh rang ngồi lại kể với nhau những được mất trong năm vừa qua rồi tiếp tục cày để có một cái Tết Nguyên Ðán trọn vẹn đủ đầy hơn với gia đình chung hoặc với… ai kệ họ! Còn với những người đã nên gia thất, đây chính là thời điểm bắt đầu cho những tính toan. Nào là mua sắm, quà cáp, lì xì sắp nhỏ hai bên nội ngoại… Kể xong hết muốn lấy chồng!

2016 là năm để lại cho tôi rất nhiều thứ cần phải… quên nhất! Nhiều khi tôi ước gì mình có thể biến ký ức không vui thành một cái ly thủy tinh thật đẹp và nhiều màu sắc. Ðể khi đứng trước thềm tương lai, tôi sẽ trèo lên sân thượng tòa nhà cao nhất Sài Gòn, đặt cái ly đó xuống đất rồi dùng búa đập thật mạnh. Ðập nát, đập hết sức mình. Ðến khi cái ly chỉ còn là một nắm bột thủy tinh lấp lánh đủ màu. Sau đó tôi sẽ gom hết tất cả bột thủy tinh lại, đúng 12 giờ đêm rải xuống đoàn người tụ họp bắt đầu chương trình Countdown 2017 (chương trình đếm ngược trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo Dương lịch, được hãng bia Heineken tổ chức hàng năm tại trung tâm Sài Gòn) ở dưới chân mình. Thử tưởng tượng xem, những thứ mình cho là xấu xí bỗng nhiên lấp lánh đến lạ dưới ánh sáng đèn pha. Tuy không cao nhưng cả triệu con người lúc ấy sẽ đồng loạt nhìn lên phía bạn. Có người chửi khùng, có kẻ lo lắng bạn sẽ nhảy, chắc cũng có người kêu cảnh sát bắt bạn vì tội xả rác sai quy trình (thường sau Countdown người ta mới xả). Nói cho cùng, với bất cứ điều gì xảy ra sau đó đều thú vị hơn là cứ ôm khư khư một đống buồn.
Trừ những nỗi buồn cần quên đi thì mọi thứ khác đều đi qua cuộc đời tôi khá nhẹ nhàng thanh thản. Không thèm níu kéo. Không thèm ước thời gian ngừng lại (đã qua cái thời đu dây điện đó rồi). Không thèm khóc lóc tiếc thương cho một con số hư vô nhạt nhẽo vì sẽ nhanh thôi, một con số mới lại nhanh chóng tượng hình nảy mầm đóng dấu lên từ công văn đến cửa miệng, con số 2017. Tại sao cứ phải làm cô bé dỗi hờn ngồi bên cửa sổ mà không hòa vào dòng người để cùng đếm ngược thời gian đón chào một năm mới, khởi nguồn cho một trang đời (hẳn nhiên) tươi mới và ngọt ngào hơn!

Nói cho có vẻ… phong trào vậy thôi chớ ở Sài Gòn mà đua đòi ra đường ngày tư ngày tết thấy ngán gì đâu; nhắm mắt cũng tưởng tượng ra cảnh thiên hạ bu đen bu đỏ kín mít. Chưa hết, bên cạnh những háo hức và thích thú đón năm mới với thời tiết mát mẻ, thì trong mỗi bộ đồ lòng của những người yêu thành phố này đều có vài sự lo lắng và phẫn nộ khi nhìn thấy và nghĩ đến cái cảnh Sài Gòn bị người ta tô son dặm phấn gắn nơ cột bướm quá đà trên khắp nẻo đường mỗi khi Tết đến. Mấy người già ngồi với nhau cứ thở dài.
– Cái đất vài trăm năm tuổi bị tụi nó mổ xẻ thành đứa trẻ già!
Tôi nghe ngóng đâm ra lo, không dám ra đường luôn. Tự thân những hàng cây và những con đường đã đủ mang lại cái đẹp thi vị và ngọt ngào nhưng không sến súa cho thành phố này rồi! Cái sự xinh đẹp và nổi tiếng của Sài Gòn cũng đã được nói rất nhiều lần rồi và ai cũng biết nên chắc không cần nhắc lại. Tuy mỗi ngày nàng lại bị ai đó khoác thêm một lớp áo kệch cỡm biến thái lên tấm thân đang kiệt sức nhưng không làm bớt đi tình yêu của thị dân. (Bởi vậy cứ mỗi mùa xuân sang, ở đâu trăm hoa đua nở không biết chứ ở Sài Gòn thì trăm dân đua… chửi!)

Sao tôi vòng vòng lại than trời trách đất hoài không bỏ tật! Tết nhứt đến nơi sao cứ kể lể chuyện buồn? Nói nào ngay, rằng thì mà là cái chuyện xấu xí thường niên kia cũng không có gì lạ, nhìn riết quen mắt. Nhiều khi đi con đường nào còn nhiều cây lại thấy lạ, ủa có phải đang ở Sài Gòn không đây? Quả thật không muốn ra đường những ngày này, không nỡ nhìn mảnh đất mình thương yêu, con đường làng ngập lụt kỷ niệm bị giày xéo từng ngày mà không làm gì được. Nhưng, lại nhưng (cuộc đời tôi mỗi phút có cả chục cái nhưng thì phải?!) cuối cùng, cái máu tò mò ngày càng đậm đặc bủa vây tôi sau những “complain” của bạn bè về sự “kinh khủng, sến rện” của những khung trang trí kia khiến tôi vẫn phải quyết định xuống đường!
Thời nay mất gì mất chứ tuyệt đối không được mất… mạng. Chuyện đầu tiên phải làm khi muốn xuống đường thời “loạn lạc” này là phải book taxi hoặc xe ôm qua mạng nếu bạn không muốn toát mồ hôi khi phải tự lèo lái đời mình vượt qua dòng người tràn như thác đổ ngoài kia. Nói tới chuyện xe cộ là lòi ra tỷ chuyện liên quan, mà thôi để tránh bị “rầy” là lan man tôi nói tiếp về chuyến “du xuân” của mình. À, lưu ý là trước khi có… mạng, có xe, bạn phải có tiền! Thời giờ ở Sài Gòn không có tiền coi như không có… mạng, không có mạng thì không có xe. Không có xe chỉ có nước ở nhà. Nói chung muốn ra đường phải có tiền! (Tôi lại lan man rồi!)
Ðường đông, xe kẹt, mọi người vẫn đổ về trung tâm dẫu không có bắn pháo bông. Thiệt là tình, đường đông nhích từng nấc tâm trí đâu mà ngó nghiêng đông tây thưởng thức phố xá khi lên đèn. Những cái bông mai bằng mủ được quấn đèn sáng choang lẻ loi vì bị ghét bỏ. Ngoài bông còn có cả kẹo mút phát sáng. Sài Gòn giờ chắc lướt qua con số 11 triệu dân lâu rồi.
Dầu ở địa vị nào, vai vế xã hội ra sao, khi kẹt xe tất cả đều… bình đẳng. Quanh tôi, ai cũng đổ mồ hôi. Như bác tài chở tôi bằng chiếc xe đời mới, như những người bán hàng rong, những mảnh đời “trôi sông lạc chợ” chạy chiếc xe đạp cà tàng, như mấy chiếc xe biển xanh đường kẹt cứng vẫn bóp kèn tin tin (dĩ nhiên vẫn phải kẹt cứng tại chỗ trong ánh nhìn ghét bỏ của thiên hạ), như chiếc xe cấp cứu la inh ỏi giữa dòng người… Chưa bao giờ tôi thấy cuộc đời công bằng như lúc này, xe công xe tư đều bình đẳng. Sau một hồi lúc lắc cái đầu đầy… tóc, tôi nhận được một nụ cười của một chàng Tây “so cute”, tôi cười lại, ánh mắt dừng trên mấy giọt mồ hôi trên cổ chàng.

Nhìn quanh, tôi thấy tội cho mấy người… Tây nhất! Nói cho cùng họ cũng chỉ là những người tha hương khi xuân về. Trong khi hầu hết đồng hương về nước nghỉ lễ từ ngày 14 – 15 tây tháng 12, theo lịch thì đến tuần đầu tiên tháng 1/2017 mới trở lại thì vẫn còn số ít “mắc kẹt” lại Sài Gòn. Người vì phải làm việc theo hợp đồng, người thì vì hết tiền, người thì vì… thích! Ðược cái, tôi thấy người phương Tây họ hòa đồng, những người lạ với nhau vẫn có thể ngồi chung hoặc tràn ra đường ca hát, nhảy múa mừng năm mới.

Suy nghĩ một hồi lâu cũng khô cổ, khát nước. Tôi quyết định… năn nỉ bác tài để được trả tiền rồi xuống đi bộ tìm nước uống. Vì cũng gần tới khu trung tâm và tôi tin đi bộ sẽ nhanh hơn. Sau một hồi luồn lách tôi cũng leo lên được lề đường, gặp ngay một gánh nước di động với hai cái ghế đẩu bắt phía trước rất bụi, đậm chất Sài Gòn đêm. Tôi kêu chai nước ngọt, thứ nước đầy hương liệu và đường hóa học tôi từng ghiền nhưng vài năm gần đây rất ít khi uống. Tôi nhấp từng ngụm rất hạnh phúc, nhất là ngồi bên lề dòng thác xe cộ và người lúc nào cũng vội vã. Vội vã tiễn năm Tây cũ. Vội vã đón năm Tây mới trong cái lành lạnh sương đêm cũng sẽ… vội vã tan nhanh.
Tôi rồi cũng sẽ chen lấn để vào được trung tâm thành phố chờ countdown.

DU