Vào những ngày cuối đời, bố tôi kể tôi nghe nhiều điều về đời ông, một người sinh ra vào cuối thập niên ba mươi, thời lụi tàn của triều đại phong kiến, nhường chỗ cho một đất nước phân rẽ, tiến tới ba mươi năm nội chiến tả tơi và kết thúc bằng sự ra đời của một triều đại mới mà Người Buôn Gió, trong Đại Vệ Chí Dị, gọi là nhà Sản.
Một trong những lời bố nói khiến tôi nghĩ ngợi: «Bố ân hận đã không viết sách để lại.» Tôi xin bố cho tôi thâu thanh những gì ông kể suốt những ngày theo ông đến bệnh viện xạ trị, vào thuốc, cấp cứu… cho đến khi ông ra đi. Tôi cũng ghi chép khá nhiều. Bố tôi mất Tháng Tư năm 2006. Một trong những lời ông nói khiến tôi đau xót : «Bố đã chết từ 30 năm qua, sau ngày 30 Tháng Tư năm 75.»
Mười năm trôi qua. Ðã nhiều lần tôi mở các ghi chép về đời sống đại gia đình, tiểu gia đình, về hiện tình đất nước kể từ khi bố chào đời ở Huế cho đến 54, 75, và sau đó… Ðã nhiều lần tôi cho cuộn băng ghi âm vào máy, muốn nghe lại giọng nói thân yêu của bố… Rút cuộc, tôi chưa bao giờ đọc quá được một trang, nghe quá được một câu. Bất nhẫn. Cảm giác cầm trong tay một viên đá ẩn chứa không phải chỉ cuộc đời một con người mà cả một gia đình, nhiều thế hệ, một đất nước, một nền văn minh bị bức tử rồi dìm trôi.
Viên đá phát sáng, lôi cuốn lạ kỳ nhưng cũng nhọn lểu, và nặng trịch. Sau hai năm cứ lôi ra cất vào, cuối cùng, không chịu nổi thương động, tôi xếp tất cả các trang giấy lẫn cuộn băng, cho vào một chiếc hộp, cất đi cùng với túi tro của bố. Tôi đặt chiếc hộp này sau tấm ảnh Ðức Phật Di Lặc, xin Ngài giúp tôi quên đau và vui lên. Ðó là cách tôi tự chữa thương. Vết thương mồ côi. Vết thương của một đứa trẻ lỡ cầm trong tay viên đá thần bí, bị nó cuốn hút, thôi thúc phải chạm vào, nhìn vô sâu tận, tìm kiếm điều ẩn chứa bên trong. Việc mân mó viên đá này thật kỳ lạ. Trong tôi có hai tiếng nói. Tiếng nói thứ nhất xúi bảo : «Ðó chính là mình. Là xương thịt, máu mủ của mình. Là cuộc đời mình. Hãy nhập vào nó!» Tiếng nói thứ hai can gián: «Tìm hiểu ư? Nó có đem lại lợi lộc, cơm áo đâu nào! Mà cũng chẳng làm cho mình an vui! Trong đó toàn là máu và nước mắt, khổ nhục, tang thương, bất bình, hoài cảm. Sự đã rồi. Ða mang mà làm gì!»
Mười năm, hai tiếng nói không ngưng nhảy nhót, tiếng này tiến thì tiếng kia lùi và nhiều lần, chúng giẫm lên nhau khiến tôi đến khổ.
Giữa mùa thu năm ngoái, 2015, tôi bay từ Paris qua Bergen thăm chú Dương Kiền, người em kế của bố, sau khi hay tin ông bước vào trận chiến cuối của đời mình, chống lại căn bạo bệnh ung thư phổi. Tại đây, tôi gặp lại chú thím Dương Phục & Vũ Thanh Thủy. Tôi cũng gặp lại một số anh, em họ Dương đã nhiều năm đứt mạch liên lạc, đặc biệt là anh Dương Khuê, trưởng nam của bác cả Dương Lân – anh em đã hơn 30 năm không gặp kể từ ngày anh theo chú Dương Kiền vượt biển, đến được Na Uy.

Các em Dương Kim, Dương Khoa, Dương Khanh, Dương Khương cùng vợ con đổ về quây quần quanh chú Dương Kiền. Tôi cũng nghe được giọng nói thân thuộc của mẹ và em Dương Huy tôi từ Sài Gòn lẫn giọng nói bây giờ mới nghe của em Dương Vũ Thuận An, trưởng nữ của chú thím Dương Phục từ Houston gọi qua. Tại chỗ, tôi nghe các cháu nội của chú Kiền là Dương Khả, Dương Kính và Dương Khải đàn dương cầm và tây ban cầm mừng đại gia đình sum họp; Dương Tường Vi đọc thơ tỏ tình với ông nội. Ðiều này thật quý vì cháu sinh trưởng ở Na Uy, là nơi rất ít người Việt sinh sống, thế mà, không những nói tiếng Việt ngon lành, cháu còn làm được cả thơ. Bài thơ khá dài, tôi nhớ một câu : «Ông ơi, đời vô thường.»
Tôi chỉ ở Bergen hai ngày, nhưng đó là hai ngày đậm đặc yêu thương. Chú Dương Kiền, mặc dù mệt mỏi, vẫn thức cùng cả nhà đến nửa khuya. Chuyện không dứt được. Khóc, cười, cười, khóc miên man… Tất cả ba thế hệ đều tham dự. Chúng tôi chia sẻ với nhau những gì mình biết về ông bà nội, về gia đình các bác Dương Lân, Dương Hùng, Dương Bào, Dương Cự (bố tôi), các chú thím đã ra đi hay vẫn còn, các con các cháu tản mác khắp nơi, về làng Ðồng Dụ, huyện Phượng Dực, tỉnh Hà Ðông quê cha đất tổ, rồi Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Cần Thơ, Nha Trang, Biên Hòa đất lành chim đậu, để rồi Suối Máu, Trảng Bom, Côn Ðảo, Koh Kra… đày đọa tội tình, cuối cùng là Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Na Uy, Pháp… quê người đất khách.
Trong giấc ngủ gục trên máy bay trở về Pháp, tôi mơ thấy mình cầm viên đá trên tay, nhìn nó, miết vào nó, và cảm thấy nhộn nhạo, khó thở.
Ðầu hè năm nay, 2016, chồng tôi cho hay chú thím Phục sắp ra mắt cuốn hồi ký viết về đời mình ở Houston. Anh được tin từ một người bạn ở Houston, vốn sinh hoạt Công giáo và thân thiết với chú thím Phục báo cho. Tôi đón tin bằng sự im lặng. Như tôi đã im lặng sáu tháng trước đó, khi mẹ tôi và em Huy từ Sài Gòn kể với tôi qua đường dây viễn liên là họ đã được đọc bản thảo cuốn hồi ký rất hay này. Như tôi đã đáp lời thím tôi bằng thái độ khá cầm chừng khi thím chìa cho tôi xem tập bản thảo lẫn một số hình ảnh chú thím đang thu thập để chuẩn bị đưa đi in, khi chúng tôi gặp nhau ở Bergen. Cảm giác phải đụng vào viên đá gồ ghề kia khiến tôi ngại, dù tiếng nói thứ nhất «Ðó chính là gia đình mình! Là mình!» chưa bao giờ im vắng hẳn.
Chú thím út tôi, Dương Phục & Vũ Thanh Thủy, tôi chỉ gặp bằng xương bằng thịt được có đôi lần, khi gặp cả hai cùng lúc, khi chỉ một trong hai người. Lý do là vì khi tôi lớn lên, gia đình tôi cũng như muôn vạn gia đình Việt Nam khác, bị ly tán khắp nơi. Các chú, các bác và bố tôi người di tản khỏi Sàigòn trước 75, người ngồi tù cải tạo mục xương, người vượt biển tìm đường sống. Cho nên, tôi chỉ gặp được chú thím Dương Phục kể từ 90 trở đi, sau khi chú thím đã trải qua các cửa ải tù đày, vượt ngục, vượt biển, rơi vào tay hải tặc, lưu vong để rồi trở lại Việt Nam hay đến Pháp, Na Uy… tìm thăm gia đình.
Gặp chung, gia đình sum họp, không khí bao giờ cũng rôm rả, nhất là trong bàn ăn, khi cả bố tôi lẫn chú Kiền, chú Phục cùng ngồi. Chất giọng của anh em họ Dương rất lạ, nhất là của bố tôi và chú Kiền. Ðó là âm thanh của bảy phần Hà Nội pha với ba phần Huế do trong nhà, bố và chú Kiền sinh trưởng ở Huế, còn các bác Dương Lân, Dương Hùng, Dương Bào và chú Dương Phục đều chào đời ở Bắc Việt, chỉ sống một thời gian ở Huế khi ông nội được bổ nhiệm làm quan Thượng Thư Bộ Lại tại đây. Giọng bố vang dội như Ðại Hồng Chung, giọng chú Kiền khoan hòa, từ ái, giọng chú Phục ấm áp, truyền cảm. Chúng tôi mà ngồi với nhau thì không bao giờ có temps mort. Người này nói, người kia tiếp, chuyện tuôn có khi sôi nổi, hùng mạnh, nghe sướng cả người, cảm giác như đang nghe bồi thẩm đoàn tranh biện, có khi thiết tha, quấn quít dù là lời ra từ miệng đàn ông. Khi bác cả Dương Lân còn sống, cũng y như vậy, mà lại còn vui hơn vì bác vừa thoải mái vừa rất tiếu lâm. Giữa các anh em họ Dương với nhau là thế, trò chuyện bình đẳng, nhưng hết sức tương kính. Các chú thím lễ nghĩa với người trên, phép tắc trong ý tứ lẫn ngôn từ nhưng với người dưới thì thân ái như bạn bè. Chú Kiền, chú Phục thường vỗ vai chồng tôi và em Huy, rủ rê đi tìm thịt chó, lá mơ. Chú Kiền vẫy gọi tôi, bảo đi chợ Tết chọn hoa với chú. Thím Phục (trong nhà, các cháu gọi thím Vũ Thanh Thủy như thế) khều tôi đi chợ Sài Gòn ăn hàng. Thím trò chuyện với người chị họ thân nhất nhà của tôi là Dương Diễm Diễm – con gái út của bác Dương Lân – và tôi như bạn gái đồng trang lứa, đến độ chú Phục phải thắc mắc: «Nói chuyện với cháu chồng mà cứ như với bạn!»
Nói chuyện với chú thím, hay đúng hơn là được nghe chú thím nói thích thú vô cùng vì chú thím là nhà báo, thông tin nhiều vô kể. Mỗi một chuyện được đưa ra, chú nói thì thím tiếp vợ, thím nói thì chú bồi chồng… Thông tin lẫn ý kiến đều được đưa ra một cách tương hỗ, nhịp nhàng. Cả những chuyện kể chỉ để cười xòa rồi quên mà chú thím vẫn cho tôi cảm giác họ là hai chiếc cánh của một cây kéo, chẳng lìa được nhau.
Trò chuyện với gia đình thế nào thì viết sách thế đó. Từng chương, từng mục, đều hiển lộ sự bình đẳng, tôn trọng và phò trợ nhau của hai người đồng nghiệp tốt. Tuy nhiên, ngoài cái nồng nàn của luyến ái nam nữ, tỉ lệ 50-50, cái sâu dày của tình nghĩa vợ chồng chung chia đủ mọi mùi vị, tỉ lệ cũng 50-50 thì trong sách hay ngoài đời, tôi vẫn cảm thấy chú tôi nể vợ hơn người và thím tôi nhường nhịn chồng không ít.
Tôi cứ lưỡng lự mãi để rồi lại ôm lấy, đọc ngấu nghiến Tình Yêu – Ngục Tù và Vượt Biển, hồi ký của hai phóng viên chiến trường Dương Phục và Vũ Thanh Thủy dày gần bảy trăm trang do chú thím tôi gửi bưu điện chuyển nhanh qua cho.
Hành trình đọc không êm ái. Ðiều này tôi đã biết trước. Nhưng cuối cùng thì, bị tiếng nói thứ nhất chinh phục, tôi đã cầm viên đá lên, cùng với hai người đục đá can đảm soi rọi không phải chỉ cuộc đời riêng tư của một người đàn ông tên Phục, một người đàn bà tên Thủy, một đôi lứa sinh ra, lớn lên, yêu nhau trên mảnh đất ròng rã khổ đau mà là bao nhiêu riềng mối, liên hệ giữa Phục, giữa Thủy, giữa Phục và Thủy với mẹ cha, anh chị em, con cháu, bạn bè, đồng nghiệp, đồng ngũ và… giặc dữ. Tôi đã xuyên qua từng phiến đá, có khi vời vợi ánh sáng tâm linh, có khi long lanh nghĩa tình, lại có khi tối đen cặn bã mà nhìn rõ hơn nhiều điều liên quan đến đại gia đình, rộng lớn hơn nữa, một đất nước trong giai đoạn miền Nam xấu xí vì miền Bắc xấu xa.
Hành trình đọc không êm ái. Bảy trăm trang sách là bảy trăm trang lắng nghe tiếng nói của không chỉ chú Phục, thím Phục mà cả tiếng nói của bố mà tôi vẫn giữ nguyên trong cuộn băng thâu thanh lẫn trên những trang giấy ghi chép. Càng nghĩ đến câu «Bố ân hận đã không viết sách để lại» tôi càng thấy quý cuốn hồi ký này. Dẫu mỗi con người có một cuộc đời riêng, những người cùng thời lại cùng nhà vẫn có nhiều điểm chung, từ sự thụ hưởng huyết thống, giáo dục, văn hoá đến sự nếm chịu thời thế đảo điên, gia cảnh tiêu điều. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể viết lại được điều từng trải. Không phải ai cũng đủ duyên lực để làm được điều ấy. Khó nhọc như đục đá! Nhưng vẫn kiên tâm đẽo tới cùng, cho lòi ra cái thực mới thôi.
Ðã lâu tôi không đọc gì. Mấy ngày thu này, ngồi nhìn lá rụng sau mưa, rồi nhìn cái tủ sách bỏ không của mình, buồn không chịu nổi. Tôi đứng dậy lau chùi bụi đóng dày các kệ. Trên cao, nơi có chân dung bố, tôi đặt cuốn Việt Nam Thế Kỷ 20 của chú Dương Kiền, Tình Yêu – Ngục Tù và Vượt Biển của chú thím Dương Phục & Vũ Thanh Thủy bên sách của em Dương Kim, của anh, của tôi, và của con trai chúng tôi. Bố không viết sách để lại, nhưng mắt bố nhìn tới, hẳn đã đọc tất cả và cảm thấy an ủi.
Thắp một nén hương, thì thầm câu thơ bố viết năm xưa :
Con sẽ hiểu nhiều khi lớn thêm
Vàng bay như lá rụng bên thềm
Lúc trang sử máu không còn máu
Là lúc hiện chân sáng ngời lên
MN – Giữa thu 2016. Thương kính dâng chú Dương Kiền, giỗ đầu.