Có thể nói rằng hiếm có nơi nào trên đất nước này mà đời sống của người dân lại “cơ cực hai chiều” như vùng Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Sở dĩ tôi dùng chữ “cơ cực hai chiều” bởi đây là vùng đất mà người dân phải sống trong một sinh quyển hết sức kỳ cục. Sự kỳ cục đầu tiên phải nói đến cái chuẩn “xứ phát triển” và sự kỳ cục thứ hai phải nói đến sự trả giá của người dân nơi đây với những trận cuồng lốc mang tên Trung Quốc. Một mùa Giáng Sinh nữa lại về trên xứ cơ cực hai chiều – Xuân Sơn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Gánh nặng “xứ phát triển”
Có lẽ, câu chuyện về Giáng Sinh trên Giáo xứ Xuân Sơn, Hà Tĩnh sẽ không có gì để bàn vì Linh mục Cao Ðình Hải cũng không tổ chức văn nghệ đón mừng Giáng Sinh và để dành số tiền đó cho việc phát quà tặng trẻ em nghèo, điều này cũng giống như Linh mục Nguyễn Văn Hùng ở Giáo xứ Diên Trường, Ba Ðồn, Quảng Bình. Câu chuyện đáng bàn ở đây là đời sống của người dân. Có thể nói rằng hiếm có nơi nào mà đời sống cực khổ một cách kỳ lạ giống như Xuân Sơn.
Như lời Linh mục Cao Ðình Hải: “Tôi về đây quản xứ cũng ngót nghét 5 năm, mà thú thực với mấy anh chị, nghĩ đến cái nghèo, cái khó của người dân là tôi chưa bao giờ ngủ cho ngon giấc được một đêm!”.
“Nghe nói trước đây cha nặng 70 ký và là một linh mục rất giỏi võ. Hiện tại, cha nặng chưa đầy 60 ký, có phải do ngủ không được?”.
“Có lẽ đúng vậy, có lúc tôi sụt xuống còn 50 ký, thậm chí bốn mươi mấy ký vì mất ngủ. Tôi không đau ốm gì, chỉ do suy nghĩ làm việc là tụt ký thôi. Mấy anh chị biết không? Ở đây không có nguồn nước sạch, mà nước là máu huyết sự sống. Cứ mùa hè tới thì bà con chỉ loay hoay trong một cái giếng tự đào nơi đám ruộng thấp nhất, phân trâu, phân bò và các loại rác đều tấp hết vào đấy. Cứ nằm đêm, nghĩ đến chuyện sáng mai bà con nấu ăn bằng nước từ cái giếng tự đào đó thì không sao mà ngủ được!”.
“Hiện tại Giáo xứ của mình đã có được bao nhiêu giếng đạt tiêu chuẩn vậy thưa Cha? Và hình như Cha đã hy sinh cho một gia đình phía sau lưng nhà thờ, điều này làm Cha rất tốn kém?”.

“Hiện tại, trong xã Xuân Sơn này có 3 giếng tạm gọi là đủ tiêu chuẩn. Một giếng của nhà thờ, đào dưới lòng sông và chuyển nước về nhà thờ. Bởi mùa nắng thì sông không có nước, toàn là cát thôi. Mùa mưa thì nước dâng lên gần hai mươi mét so với mùa nắng, có lúc dâng cao hơn, ngập tới tận nóc nhà của những gia đình ở ven đồi. Riêng về chuyện hy sinh thì mấy anh chị nói hơi quá. Ðơn giản là có một gia đình đã làm nhà phía sau khuôn viên nhà thờ. Mà đường vào nhà của họ quá hẹp bởi một bên là bờ sông sâu thăm thẳm, một bên là tường rào của nhà thờ đã tồn tại trước đó vài mươi năm. Như vậy, họ chỉ có con đường vào nhà rộng chừng 8 tấc, xe đạp vào cũng khó nữa, loay hoay là rơi xuống vực. Tôi phải kêu gọi họ mở đường và đập bỏ tường rào nhà thờ. Khổ nỗi tường rào làm rất chắc và bao bọc thêm một móng đất cao gần 2 mét nên khi đập xong tường rào lại phải ủi đất dọn đường. Tôi cũng có chung tay làm với gia đình họ. Có người hỏi tôi tại sao lại ưu tiên cho một gia đình không phải là Giáo dân, tôi đã nói với họ là tôi chưa bao giờ có sự phân biệt này, bởi Thiên Chúa là Yêu Thương!”.
“Người dân nơi đây chủ yếu làm nghề gì và đời sống của họ ra sao thưa Cha? Vì Cha là người rất quan tâm đến đời sống người dân nên chúng con xin phép hỏi Cha câu này!”.

“Dạ, ở đây chủ yếu sống bằng nghề bóc vỏ cây rừng và trồng rừng. Nói thì nghe sang lắm bởi nghề trồng rừng, liên quan đến lâm nghiệp thì phải nhiều tiền, thực ra rừng chẳng có bao nhiêu đâu. Nhà nước đã lấy rừng của dân rất là nhiều. Và diện tích rừng của dân bị thu hẹp một cách thê thảm! Mỗi lần bán cây rừng tự trồng, trung bình một gia đình ở đây kiếm được chừng ba chục triệu đồng, cao lắm thì năm chục triệu đồng. Và nếu khấu trừ mọi thứ, tiền lãi chưa tới hai chục triệu đồng. Người ta phải tốn cả ba đến năm năm trời chăm sóc rừng. Anh chị thấy đó, ngay cả những khoảnh đất bé tẹo sát bờ sông, người ta cũng tranh thủ trồng vài cây hoặc vài chục cây tràm, bán ra chỉ được vài trăm ngàn đồng hoặc một triệu đồng nhưng người ta phải trồng vì cái nghèo luôn thôi thúc, luôn làm người ta thấy tiếc bất cứ thứ gì bỏ hoang. Ngược lại, có những kẻ con nhà quan chức, gia đình của họ có đến vài chục hecta rừng, tệ nhất, thấp nhất cũng vài hecta. Mỗi năm họ ngồi không cũng bán kiếm được vài tỉ đồng. Và chưa dừng ở đó, vấn đề cho Trung Quốc thuê đất, rồi xây dựng khu nghỉ dưỡng, khu resort trên đất rừng vẫn đang là vấn nạn… Trong khi đó, người làm nghề bóc vỏ cây, mỗi ngày chỉ kiếm được chưa đầy 120 ngàn đồng, một con số nhỏ nhoi phải gánh cả tiền điện, tiền nước, tiền thuế trong từng lít xăng và cả tiền góp vào thùng mỗi khi đi xem lễ. Tôi nhìn thấy vậy mà không đau sao được!”.
“Thưa Cha, nghe nói Cha đang kêu gọi, vận động một số nơi trả lại đất rừng cho bà con nông dân?”.

“Dạ đúng rồi, chúng tôi đang kêu gọi nhà nước trả lại đất rừng lâu năm mà người dân đã dày công canh tác, chăm sóc. Không thể cứ ngang nhiên lấy đất của dân như vậy được!”.
“Mùa Giáng Sinh này Cha tặng quà cho các cháu nhỏ thay cho văn nghệ. Vậy Cha tặng quà gì thưa cha?”.
“Mùa Giáng Sinh này tôi sẽ tặng một số quần áo ấm, quần áo học sinh, sách vở và bánh kẹo cho các cháu trong và ngoài Giáo Xứ, Giáo họ… Vì hiện tại, thứ mà các cháu, các em cần nhất vẫn là quần áo, sách vở, thức ăn”.
Nghiệt một điều là nơi đây đời sống rất nghèo nhưng không bao giờ được nhà nước quan tâm đúng mức bởi nó cấn cái việc được xếp loại “xứ phát triển” bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đây (thực tế thì chỉ có người Trung Quốc đến đây làm ăn là nhiều). Ðiều này Linh mục Hải không nói ra nhưng chúng tôi hiểu được.

Trận cuồng lốc mang tên Trung Quốc
Có thể nói rằng chưa bao giờ đời sống người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh bị đảo lộn như hiện tại. Vấn nạn do người Trung Quốc mang sang xứ này, có lẽ đã có nhiều báo loan tải. Và khi chúng tôi đến xã Xuân Sơn, có một câu chuyện đau lòng ở một gia đình mà Linh mục Cao Ðình Hải đưa chúng tôi đến thăm. Một đôi vợ chồng đã có với nhau 4 đứa con. Người chồng làm rừng, đi đánh lưới. Ðùng một cái, biển chết, nghề lưới của anh bị treo, rừng thì thu hẹp bởi dự án, kinh tế gia đình anh trở nên khó khăn. Anh này đâm ra chán nản, rượu chè. Chị vợ thì trốn sang Trung Quốc làm thuê.
Chị này đi được một năm thì dắt tay bạn trai người Trung Quốc về nhà và ngang nhiên sinh hoạt giống như vợ chồng ngay trước mặt người chồng và các con. Anh chồng nổi giận, mắng chị vợ một trận. Tay người Trung Quốc xông ra đấm anh túi bụi và bỏ trốn vào Formosa, rồi sau đó lặn luôn. Sau đó vài ngày chị vợ cũng trốn sang Trung Quốc theo tình nhân.
Lúc chúng tôi đến, người đàn ông có vợ bỏ theo Trung Quốc với gương mặt buồn rười rượi, nói rằng anh đã bị hỏng một mắt trái, thị lực của mắt trái xuống còn chưa đầy 30% so với trước đây. Anh cảm thấy cuộc đời chẳng còn gì để nói. Anh trở thành một người mang phận gà trống nuôi con với bốn đứa con gái, đứa đầu chuẩn bị vào cấp ba nhưng quyết bỏ học để đi làm, ba đứa còn lại, đứa học cấp hai, hai đứa học tiểu học. Căn nhà tuy có người nhưng cảm giác lạnh lẽo, cô quạnh khôn tả!

Trường hợp của ông H. tên người đàn ông vừa kể không phải là trường hợp duy nhất ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ngoài ra, một số bà mẹ phải khóc ngày khóc đêm bởi đứa con yêu dấu của họ bỏ theo đám thanh niên hư hỏng, suốt ngày đàn đúm, rượu chè, cờ bạc, xì ke ma túy… Ðầu mối của vấn nạn này, lại là do Trung Quốc. Bởi tất cả những đứa trẻ hư hỏng đều theo một đường dây xã hội đen chuyên đòi nợ thuê do một tay trùm người Trung Quốc đứng đầu và thế lực của y rất mạnh, đường dây này mới chỉ xuất hiện tại Hà Tĩnh trong ba năm nay.
Lại một mùa Giáng Sinh về trên đất Hà Tĩnh, Quảng Bình. Và giữa cái lạnh, cái đói sau lũ, còn có những cái lạnh, cái đói khác giữa tâm hồn của một bộ phận không nhỏ thanh niên nơi đây. Ðiều này làm cho các Linh mục mất ăn mất ngủ. Chuyện Linh mục Cao Ðình Hải sụt ký, xanh xao mà không có bệnh tật nào cũng không phải là chuyện cá biệt khi cơn lốc mang tên Trung Quốc kéo qua một Giáo Phận giữa miền Trung này!

HL