Để mô tả một người Tây phương, người Việt bình dân thường nói họ mắt xanh mũi lõ, khác với đa số người Á Đông chúng ta thường mũi tẹt, mắt nâu.
Nhưng theo Bác sĩ Gary Heiting, một bác sĩ nhãn khoa và chủ biên tạp chí All About Vision, thì mắt tất cả mọi người đều là màu nâu cả.
Bạn đã biết là melanin (hắc tố) quyết định màu tóc và màu da của chúng ta, nhưng những tế bào melanin nhỏ – gọi là melanocytes – cũng có ở trong tròng đen (mống mắt) chúng ta nữa.
Ông Heiting nói với CNN: Ai cũng có melanin trong tròng đen cả, và số lượng chất này quyết định màu mắt ra sao. Mà thực ra thì chỉ có một “sắc thái” của melanin thôi – đó là màu nâu!
Tròng mắt càng có nhiều melanocytes, mắt càng có màu đậm. Ánh sáng cũng là một yếu tố: Melanin hấp thu ánh sáng, vì thế càng có nhiều melanin, càng ít ánh sáng được hấp thu. Người mắt nâu có nhiều melanin hơn, ít ánh sáng hơn.
Người mắt xanh thì ngược lại. Họ có ít melanocytes hơn nên không thể hấp thu nhiều ánh sáng, do đó nhiều ánh sáng hơn phản chiếu tới phía sau mắt của họ. Tác động này gọi là tán xạ (scattering) – và khi ánh sáng bị tán xạ, nó phản chiếu lại bằng những bước sóng ngắn hơn. Trên quang phổ màu sắc, bước sóng ngắn tương đương với màu xanh dương.
Còn những người mắt màu xanh lục (green) và nâu lục nhạt (hazel) thì sao? Họ không có nhiều melanin, cũng không có ít, họ ở mức giữa. Dường như mắt của họ có thể đổi màu. Ðó là vì màu mắt dễ đáp ứng với môi trường “ánh sáng” chung quanh, có thể thấy màu mắt khác biệt khi ở ngoài nắng hoặc ở trong bóng mát hay trời âm u.
Ðiều này giải thích tại sao mắt mấy bé sơ sinh dường như nhiều màu xanh: melanin còn đang hình thành và có thể đậm hơn theo với thời gian. Khi bé phát triển, nhiều melanin hơn sẽ tích tụ trong tròng mắt. Tuy nhiên, màu mắt còn có đặc tính polygenic, nghĩa là được xác định bằng nhiều gene hợp lại. Ðó là lý do tại sao cha mẹ màu mắt đậm có thể sinh con màu mắt trong.
PN
Trong truyện Kiều, có một câu thơ nói đến mắt xanh:
Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh, chẳng để ai vào, có không?
Do sự tích Nguyên Tịch đời nhà Tấn bên Tầu, khi gặp người mình ưa thì lộ tròng mắt xanh, nhưng khi gặp người mình ghét thì lộ tròng mắt trắng. “Mắt xanh” dùng để chỉ thái độ ân cần đặc biệt đối với người mình quý mến, do đó mới có thành ngữ như: “lọt vào mắt xanh” của người này, người khác…
Trong câu thơ trích từ Truyện Kiều nói trên, Từ Hải hỏi Kiều, xưa nay nàng chưa hề xem trọng ai có phải không?
Và hẳn chúng ta cũng không quên câu thơ của Ðinh Hùng được Phạm Ðình Chương phổ nhạc: Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại…