Menu Close

Ngày “Careless Whisper” vào Sài Gòn

Trong khi trước 1975, nhạc phản chiến được phép sáng tác và lưu hành thoải mái, Sài Gòn sau 1975 gần như chỉ được phép hát nhạc chiến tranh, được gọi là “dòng nhạc cách mạng”. Ðại loại như “những đôi mắt hình viên đạn”. Sinh hoạt văn nghệ được giới hạn trong cái gọi là “hội diễn văn nghệ quần chúng”, nơi khán giả thường được yêu cầu vỗ tay nhịp theo bài hát. Với người Sài Gòn lúc đó, hình ảnh ấy rất quái lạ và buồn cười. Thậm chí kỳ quặc.

Ban nhạc được gọi là “nhóm ca khúc chính trị”. “Sân khấu ca nhạc” thật ra là quán café nhạc sống (“tụ điểm ca nhạc”) và có lúc chỉ được phép chơi hòa tấu. “Nhạc nước ngoài không lời”. Ðể được trình diễn thật ra không đơn giản. Nhạc sĩ Bảo Chấn có lần kể rằng ông phải đưa chiếc đĩa than nhạc Mỹ do Tiệp Khắc sản xuất, với tên ca khúc và bìa đĩa in chữ Tiệp, để “chứng minh” với “các ông văn hóa” rằng đây là nhạc của “phe XHCN anh em”! Ờ hèn gì, “nhạc phe ta” thật là xuất sắc!

ngay-careless-whisper-vao-sai-gon3
Nhóm The Dreamers (Duy Quang ngoài cùng bên phải) cùng nhạc sĩ Phạm Duy trên sân khấu Sài Gòn. Ảnh: TT & VH

Cái gọi là “tình ca” lúc đó là “gặp em, trên cao lộng gió”. “Táo bạo” hơn thì cũng chỉ “cao cao bên cửa sổ, có hai người hôn nhau”. “Tình ca cách mạng”! Tuy nhiên, người Sài Gòn không hát nhạc ấy. Họ hát nhạc riêng của họ. Thanh niên Sài Gòn độ tuổi 20 vào thời điểm 1980 vẫn còn là chiếc gạch nối liền mạch với thế hệ đàn anh thập niên 1970. Họ hát nhạc Lê Hựu Hà. Tình ca Phạm Duy. Nhạc Pháp xưa. “Khi xưa ta bé, bang bang”… Hát với nhau, trong tiếng đàn thùng, ở những con hẻm nhỏ, những đêm dài dằng dặc…

ngay-careless-whisper-vao-sai-gon1
Đoàn văn nghệ quần chúng Vũng Tàu sau 1975 – nguồn Báo Bà Rịa

“Như con nai hiền vui đôi chân mềm trên từng gót êm đềm

Em buông lơi tóc, nhón trên giòng nước trinh đầy

Ðôi chân suôn ấy đã theo ngày tháng cuốn theo tình yêu

Xa xôi nơi ấy để cho tình cũ chết trong buồn hiu”…

(“Uống nước bên bờ suối”, Lê Uyên Phương)

Thứ nhạc tình với ngôn từ êm đềm và lộng lẫy này đã giúp nhiều người thuộc thế hệ “đi lạc”, “bơ vơ” và “sống trong buồn hiu” thời hậu chiến tìm lại được chút gì để níu kéo đời mình. Người Sài Gòn vẫn nghe nhạc ấy. Cho đến nửa sau thập niên 1980, khi “đất nước mở cửa”, một dòng nhạc tình khác từ nước ngoài mới dần thay thế “nhạc xưa”. Quán café được phép để nhạc nước ngoài. Thanh niên được phép để tóc dài lại. Một Sài Gòn hippie ngày nào sống dậy, cùng với những Beatles, Bee Gees, Santana, Eagles… Thậm chí cả hard-rock của Guns N’ Roses. Nhạc Anh-Mỹ, một cách chính thức, trở lại Sài Gòn.

ngay-careless-whisper-vao-sai-gon2
Đoàn văn công giải phóng Khu 5 – nguồn vanhien.vn

Trong dòng nhạc ngoại ào ạt tràn vào thời điểm ấy, “Careless Whisper” xuất hiện như một ly nước mát, ngọt ngào và trong lành. Sài Gòn tràn ngập “Careless Whisper”! Giới trẻ Sài Gòn được tắm mát bằng “Careless Whisper”. Từ quán café đến các giảng đường. Không như những “Viens M’Embrasser” của Julio Iglesias hay “Bố Già” của Nino Rota vốn là loại nhạc tình thuộc thế hệ ca khúc vàng thập niên 1970 mà Sài Gòn từng vỗ về như ôm chặt tình nhân trong lòng, “Careless Whisper” là một thứ “tình ca hiện đại”. “Hiện đại tính” của “Careless Whisper” còn thể hiện ở băng video tape mà lần đầu tiên Sài Gòn được xem.

ngay-careless-whisper-vao-sai-gon
George Michael và Careless Whisper – nguồn vanhien.vn

“Careless Whisper” đã mang lại ly giải khát cho một Sài Gòn đang khát nhạc tình, khát văn hóa, và có thể đang khát cả yêu. Cùng với hình ảnh từ loại video music thời còn “sơ khai”, giai điệu và ngôn từ “Careless Whisper” đã làm sung sướng lẫn thốn đau nhiều con tim trẻ. “Careless Whisper” còn mang lại cảm hứng sáng tác cho không ít nhạc sĩ Việt. Sáng nay, nhạc sĩ Bảo Chấn gọi và kể rằng “Careless Whisper” và George Michael đã ảnh hưởng rất mạnh đến các sáng tác tình ca của mình. Ông nói: “Nhạc George Michael như một thứ sương lành tắm mát cho vườn hoa âm nhạc”.

ngay-careless-whisper-vao-sai-gon4
George Michael và Wham – nguồn The Boston Globe

Ờ, sương mát. “Careless Whisper” cũng còn là làn gió dịu nhẹ nhưng đủ thổi bùng một ngọn lửa yêu. Một cô bạn kể, khi lần đầu tiên nghe “Careless Whisper”, cô ấy như muốn “đi chết đi cho rồi”. Cô ấy không “đi chết”. Cô ấy chép lời tặng bạn trai. Gói trong một phong bì, in cặp môi đỏ, bằng son. Và hàng chữ nắn nót: “Careless Whisper”!

Môi đỏ. “Careless Whisper”.

MK