Menu Close

Vượt lên trên nỗi đau

Bạn hiền có bao giờ tự hỏi làm sao có một số người có thể vượt qua giới hạn của thể xác cũng như tinh thần của họ, những người như biệt đội người nhái Mỹ (Navy Seals), nhảy dù (Army Rangers), vận động viên, lãnh đạo doanh nghiệp, vân vân. Những con người có cá tính cạnh tranh cao này có được tinh thần thép, thích chơi NGU (viết tắt của chữ Never Give Up) có nghĩa là không biết bỏ cuộc vì họ biết vượt lên nỗi đau. Vậy nỗi đau này thuộc về thể xác hay tinh thần? Và chúng ta có thể tập luyện cho mình có được kỹ năng vượt lên trên nỗi đau không?

Suốt mấy năm qua, tôi đã bỏ ra rất nhiều thời giờ để nghiên cứu về đề tài này, cộng thêm những trải nghiệm bản thân cho nên tôi cũng có chút ít kiến thức để chia sẻ với bạn hiền.

Trước tiên, luyện tập cho mình khả năng chịu đựng cơn đau thể xác và tinh thần sẽ giúp bạn hiền làm chủ tình hình, từ đó giúp giảm đi mức độ căng thẳng trong mọi tình huống. Cụ thể là ở trong những tình huống khẩn cấp hay trầm trọng bạn hiền sẽ điềm tĩnh hơn để giải quyết vấn đề. Bạn sẽ biết rõ hơn về con người bạn ở sức chịu đựng của thể xác, tinh thần và cảm xúc bản thân. Từ đó bạn hiền sẽ có thái độ tích cực hơn về đời sống này, bạn hiền sẽ là một con người lạc quan thay vì lúc nào cũng càm ràm, than thở.

vuot-len-tren-noi-dau
Bảo Huân

Ở một cuộc họp kéo dài, trong khi đồng nghiệp ngủ gà ngủ gật, ngáp ngắn ngáp dài thì bạn hiền vẫn khỏe khoắn và tỉnh táo lắng nghe. Ở cây số thứ 35 của cuộc đua Marathon, trong khi đa số cảm thấy đuối sức thì bạn hiền lại càng thấy khỏe hơn để sẵn sàng bứt tốc ở những kilomet cuối cùng và cán đích một cách mạnh mẽ. Vượt lên nỗi đau đòi hỏi sức bền thể lực cũng như tâm lý. Về thể lực chúng ta cần phải đầu tư nhiều thời gian tập luyện để các tế bào trong cơ thể làm quen với những căng thẳng kéo dài. Về tâm lý, chúng ta cần phải dựa vào cơn đau và chấp nhận sự hiện hữu của nó. Nếu chúng ta không rèn luyện thể xác và tinh thần để đối phó với nỗi đau thì giải pháp tốt nhất là giơ tay đầu hàng.

Vậy thì làm sao để luyện tập vượt qua nỗi đau? Sau đây là 6 phương pháp được các chuyên gia tâm lý cũng như thể thao đề nghị:

1. Chuẩn bị thể xác: Bạn hiền sẽ ngồi qua hết buổi họp và tiếp thu được nhiều thông tin nhất nếu bạn có một thể lực tốt. Ðiều đó cũng đúng ở ngoài sân chơi, chẳng hạn ở các trận bóng đá những cầu thủ có thể trạng tốt thường là những cầu thủ có tập trung cao và tăng tốc nhanh hơn ai hết. Bạn hiền có thể luyện tập cho mình có một ý chí thép nhưng thể lực không có thì cũng chịu thua thôi. Bạn hiền có thể có đầy tự tin và trí óc của bạn bảo rằng bạn có thể chạy hết 42km dưới 4 giờ, tuy nhiên nếu bạn chưa luyện tập sức bền để chạy xa hơn 30km thì lo hoàn tất FM chưa xong, khoan nói đến thời gian hoàn tất. Cái này gọi là “lực bất tòng tâm”.

2. Cơn đau luôn luôn hữu hạn: Cơn đau rồi sẽ qua đi, hãy khắc ghi điều đó. Ðiều tất nhiên mà bạn hiền cần phải hiểu là bạn làm chủ được cơn đau, quan điểm tâm lý này rất quan trọng vì chúng ta biết cơn đau có hồi kết thúc, chẳng hạn như cuộc họp kéo dài rồi cũng bế mạc, trận đấu rồi cũng phải kết thúc. Những kẻ biết tạo cho mình một tâm lý vững vàng là những kẻ biết xé lẻ cơn đau, họ có thể lặp đi lặp lại trong đầu của họ câu khích lệ như “kết thúc mạnh mẽ”, “sức lực dồi dào”, “chân cứng đá mềm”, “chắc như bắp”, từ đó họ có thể tập trung tốt hơn mặc dù kiệt sức.

3. Chia để trị: Hai giờ họp nghe như dài vô tận, bạn hiền có thể cứ mỗi 30 phút đứng dậy và thay đổi chỗ ngồi. Trong cuộc đua FM, chỉ nghĩ đến 42km cũng đủ thấy ngán, vậy thì tại sao không chia nó ra làm hai cái HM. Sau 21km đầu tiên hãy chuẩn bị thể lực và tinh thần để làm lại từ đầu.

4. Luyện tập: Cứ tiếp tục đặt mình vào các tình huống khó khăn sẽ giúp bạn hiền có một thể lực tốt và một tinh thần đầy tự tin. Quá trình lặp đi lặp lại sẽ giúp bạn hiền có một sức bền và khả năng chịu đựng cơn đau cao hơn. Thể xác và tinh thần của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn để đối phó với cơn đau.

5. Ðủ trí khôn: Biết khi nào cần phải điều chỉnh. Chìa khóa thành công là luyện tập thể lực cũng như tâm lý ngày này qua tháng nọ để biết rõ hơn về cơ thể và tâm trí của mình và tìm ra ngưỡng chịu đựng. Chúng ta không bao giờ bỏ cuộc, tuy nhiên khi cảm thấy cơn đau gay gắt và càng lúc càng trở nên tồi tệ hơn là lúc chúng ta cần điều chỉnh. Cơn đau thể xác thường thì sẽ mất đi sau khi hoàn tất buổi tập luyện hay sau cuộc đua. Tuy nhiên, cơn đau kéo dài và tồi tệ hơn cần phải được chăm sóc.

6. Dựa vào cơn đau: Khi cảm thấy đau, phản ứng bình thường là chúng ta hoặc là ngưng hoặc là tránh. Ðối với cơn đau tâm lý thì chúng ta không chấp nhận hoặc đè nén nó. Cơn đau cũng giống như sự phân tán, trong khi chúng ta ngồi thiền, những ý nghĩ lộn xộn hay các tiếng động xung quanh có thể làm chúng ta mất tập trung, chúng ta có khuynh hướng ngăn chặn hoặc gạt nó ra khỏi đầu. Thay vì làm vậy, chúng ta nên tựa vào nó. Chúng ta không nên ngăn chặn, đè nén, hay xua đuổi cơn đau. Chúng ta cần phải cảm giác và trải nghiệm tất cả các cơn đau thể xác, tinh thần, và tâm lý. Chúng ta muốn làm chủ tình hình bằng cách gạt bỏ cơn đau. Ngược lại, đó là lúc chúng ta mất kiểm soát tình hình. Chúng ta cần phải cảm nhận cơn đau, tiếp tục chiến đấu và hiểu rõ rằng nó sẽ tan biến và chúng ta cần phải điều chỉnh chứ không phải bỏ cuộc nếu cơn đau trở nên cấp tính.

Chúc bạn hiền vượt qua nỗi đau và chiến thắng bản thân!

BTL