Menu Close

Từ một chuyến tàu đến một chuyến xe

H7

Sáng cuối tuần xanh thẳm trong mắt con. Đứa trẻ bi bô câu chuyện, phát âm không rõ, đại khái là mong mẹ mua cho con cây bút vẽ, con muốn một bức vẽ về xe của bác Túc, được tô màu và xin cô treo ở góc tường.

Ðó là chuyến xe buýt của trường đón con vào mỗi sáng sớm và đưa con về vào mỗi chiều muộn. Người mẹ kể con nghe câu chuyện về một ga tàu ở đất nước Nhật Bản xa xôi, nhưng cũng ở gần ngay trước mắt, ga tàu Kami-Shirataki, phía cực Bắc đảo Hokkaido, một nhà ga chỉ để phục vụ đúng một hành khách duy nhất, một cô bé đang học trung học.

Ngày 27 tháng 3 vừa rồi, ga tàu này đã chính thức dừng hoạt động, lúc cô bé tốt nghiệp trung học phổ thông. Hơn ba năm trước, số lượng người sử dụng dịch vụ tàu hỏa tại ga Kami-Shirataki giảm mạnh do ga nằm ở khu vực quá hẻo lánh, tới nỗi các hãng hàng không cũng đã hủy chuyến bay tới khu vực này. Ðáng lẽ ra ga Kami-Shirataki cũng bị Doanh nghiệp đường sắt đóng cửa, dừng hoạt động vĩnh viễn, nhưng tới khi chính phủ Nhật nhận ra rằng vẫn còn một hành khách thường xuyên bắt chuyến đi tới trường, quyết định dừng hoạt động ga tàu của Kami-Shirataki phải hoãn lại ít lâu, cho đến khi cô bé tốt nghiệp trung học. Lịch trình từng chuyến tàu cũng được cân đối sao cho phù hợp với thời gian biểu của hành khách duy nhất này.

Một góc vui chơi ngoài trời của trẻ
Một góc vui chơi ngoài trời của trẻ

Nhưng đó là câu chuyện xứ người, còn xứ ta, há chăng có một câu chuyện như thế. Nhưng có lẽ là thật, khi tiếng chuông nhà thờ ngân lên chào Noel 2016, khi ngoài kia các nhà hàng, quán cà phê, công ty treo biển “Happy New Year”, khi đứa con bi bô xin hộp bút màu, người mẹ trẻ thầm tạ ơn Bề Trên đã ban phước lành cho con của mẹ, bởi nó có thật – một chuyến xe đến trường đầy yêu thương.

Giáo dục đến từ trái tim

Ðây là câu chuyện tôi muốn dành tặng cho con trai của mình, về ngôi trường mang tên “Ong Vàng” mà con đang theo học.

Thú thực với cái tuổi lên 4, khi con người ta đều đã đến trường được cả năm, khi có nhiều quan niệm cho rằng, con cần được đến trường để làm quen bạn bè, để hòa đồng vào xã hội, có vẻ như người làm cha mẹ như chúng tôi không khỏi lo lắng, cũng cuống cuồng tìm trường cho con. Gần nửa năm trời, con chuyển từ trường này sang trường kia và đều phải nghỉ học, có lúc tôi sợ con mình khó hòa nhập với bạn bè, nhưng sự linh hoạt, thông minh, rất biết quan tâm người khác của con làm tôi phải đặt câu hỏi khác: Ðiều mà con tôi đang cần ở một ngôi trường là gì? Là cơ sở vật chất, là khẩu phần ăn, là những bài học, những người chăm sóc hay là những cô giáo? Và mấu chốt của vấn đề đã được giải quyết, con người là nhân tố quyết định. Con trai tôi: một em bé bước vào tuổi mẫu giáo với những tiếng cười hồn nhiên, với bài học đầu đời, và những bức tranh, câu chuyện, những lúc nhớ trường, nhớ cô… bắt đầu bằng chuyến xe ấy.

H4

– Triết lý giáo dục của trường mình là gì cô? Tôi hỏi cô Diệp – quản lý trường.

– Tôi không dám gọi là triết lý gì cả. Nhưng theo quan niệm của tôi, giáo dục phải lấy học sinh làm gốc. Phải để các em phát triển tự nhiên và toàn diện, một ngày đến trường là một ngày khám phá của các em với sự khơi mở của các cô.

– Nguồn cảm hứng nào khiến cô thành lập trường này, trường mầm non Ong Vàng?

– Trước đây, tôi nhận thấy rằng nhiều trẻ vốn dĩ rất thông minh, gần gũi nhưng từ lúc bắt đầu đi nhà trẻ, nhiều cháu không còn được như vậy nữa. Nhà trẻ, hoặc trường mẫu giáo giống như nơi để các em đến ăn, ngủ, và được “giữ” ở đó. Tôi nghĩ rằng cần phải xây dựng nên một ngôi trường mà ở đó có tình yêu thương, có sự tự do của con trẻ. Ở đây, các em được tạo điều kiện để khám phá thế giới một cách tốt nhất, qua những buổi dã ngoại nhà trường tổ chức, những bài học, những câu chuyện, sự tương tác của giáo viên với trẻ nhỏ. Ở trường cũng đưa việc dạy vẽ và dạy tiếng Anh vào chương trình. Sắp tới đây, các em có năng khiếu sẽ tham gia thi vẽ với những bức tranh ngộ nghĩnh. Riêng tiếng Anh, các em được học với giáo viên nước ngoài, phong cách dạy, những câu chuyện của các thầy, cô truyền cảm hứng cho trẻ. Quan trọng nhất vẫn là tình yêu thương, phải biết yêu thương và hạnh phúc rằng mình đang được chăm sóc và dạy dỗ các em, những mầm xanh. Trong quá trình tuyển thêm giáo viên, mình cũng phải thổi được điều này vào các cô…

Bé tập vẽ và tô màu
Bé tập vẽ và tô màu

– Vậy là ngôi trường được lập nên từ đó.

– Ban đầu chỉ là một nhóm trẻ, vào năm 2010. Cũng là trường nhưng chỉ có hai lớp và chúng tôi phải thuê cơ sở. Vào năm 2013, trường bắt đầu chuyển về đây, và chúng tôi bắt tay vào việc xây dựng cơ sở mới. Dần dần, trường được hoàn thiện như bây giờ.

Cám ơn cô Diệp và tiếp tục dạo quanh trường, một ngôi trường nhìn rất đơn giản nhưng đẹp, thoáng gió vào mùa hè, an toàn cho con trẻ, và hôm nay, khi gió đông đang thổi, các bé vẫn mãi tự nhiên nô đùa, không có chút gì se lạnh. Hỏi ra mới biết, kiến trúc sư thiết kế ngôi trường này là ông xã của cô Diệp. Tôi chia vui cùng cô:

– Vậy là tâm huyết của cả hai vợ chồng cô rồi, chắc cô vui và hạnh phúc lắm!

Và cô mỉm cười.

Và trở về bằng tình yêu thương

Trở lại câu chuyện về chuyến xe, còn nhớ ngày hôm sau, sau ngày đầu tiên lạ lẫm và khóc thét đòi ba mẹ của cu cậu, tôi lại đưa con lên xe đi học, cu cậu cười chào tạm biệt ba mẹ và chẳng còn thấy lạ lẫm hay sợ hãi. Không còn khóc bảo nhớ mẹ, đòi mẹ đi cùng hay bảo mẹ ở lại, cu cậu tươi cười chào cô giáo đưa đón trẻ theo xe, và “bác Túc” – tài xế của chuyến xe lúc xe đưa bé về.

Từ một chuyến tàu đến một chuyến xe...!
Từ một chuyến tàu đến một chuyến xe…!

Nhưng có lẽ câu chuyện cũng sẽ dừng lại nếu đó chỉ là một chuyến xe đưa đón bình thường. Bởi nhà tôi ở cách nơi trường Ong Vàng hơn 15km, như vậy, nếu đưa và đón con về như những trường khác, sẽ mất ít nhất 300 ngàn đồng tiền xăng nếu đi bằng xe máy, và ít nhất là 1 triệu đồng tiền xăng nếu sử dụng xe hơi. (Ở thành phố đây sẽ không là vấn đề, nhưng ở những vùng ngoại ô như tôi đang sống, với con đường dài quanh co uốn lượn, những bãi bồi với hoa cải triền đê, vạt đậu tây hay hoa ngò trổ muộn, đôi khi là cánh đồng bắp bất tận hay những bác nông dân lam lũ nắng mưa bên hạt đậu phụng giống quanh nhà, đó là cả một vấn đề, bởi 15km đường làng là cả một quãng đường dài đủ để một đứa trẻ mệt mỏi và ngán ngẩm việc đến trường).

Thế rồi, ngày qua ngày, khoảng 7 giờ sáng, chuông điện thoại của tôi lại reo lên, phía bên kia đầu dây là giọng cô Mai quen thuộc:

– Dạ, xe gần đến rồi nha chị!

– Dạ, cám ơn cô!

Những câu chào tạm biệt, những câu chúc ngày mới tốt lành, con trai bé bỏng của tôi bước lên xe để đến trường học.

Từ điểm dừng cuối của chuyến xe trước đây ra nhà tôi đi thêm 10km nữa, từ khi con tôi theo học, hằng ngày, bác tài và cô giáo đều chạy ra đón và trả cháu về, khi tôi ngỏ ý muốn muốn đưa cháu đến điểm dừng xe trước đây hoặc trả thêm chi phí xe, nhưng trường không đồng ý và nói rằng đó là trách nhiệm của trường. Sẽ chẳng là gì với việc thêm 10 km mỗi chuyến đi, nhưng với tôi, điều đó là quá đủ, bởi đó là tình thương, là trách nhiệm, là động lực giục con tôi mỗi sáng ngủ dậy đúng giờ để được theo xe đến trường.

Và khi bé đã tô màu
Và khi bé đã tô màu

Nhìn nụ cười của cô Mai, cô giáo đưa đón trẻ trên xe vào lúc 5 giờ 30 tối, tôi có cảm giác gì đó xốn xang. Một ngày với các bé ở trường đã vất vả rồi, chiều muộn, cô còn phải chăm, trả các bé tận nhà, dỗ dành nếu bé nhỏ khóc, chăm ấm từng đứa trẻ trên xe, phải yêu trẻ lắm cô mới làm được như vậy, tôi nghĩ.

Rồi tối đến, khi con vẽ lên giấy chiếc xe của bác Túc, vẽ nụ cười của cô Mai có pha thêm chút son lúc cô mệt, bảo cô Hiền dạy con đọc thơ, viết chữ, hôn con vì con ngoan, bảo con đọc ba mẹ nghe nhé, lắc mông bài xúc xắc xúc xẻ cô Trúc dạy con, vẽ con cá heo tốt bụng cô mới kể con nghe, rồi hát những bài hát hồn nhiên con trẻ, tôi mới hiểu được sao con yêu trường đến thế, sao con không muốn ba mẹ chở đi học mà chỉ muốn đợi xe bác Túc. Dường như mọi bài học ở trường đều như cô Diệp từng tâm sự: lấy trẻ em làm gốc, để các em vui chơi, phát triển tự nhiên nhất. Có vẻ như những bài học đó đã bứt thoát được những nề nếp cũ, bỏ qua được “phong trào” hiện tại của giáo dục xã hội chủ nghĩa.

H3

Ngẫm nghĩ, giáo dục cũng giống như con ong kiếm từng giọt mật trên hoa để tích thành mật ngọt. Ðứa trẻ rời vòng tay cha mẹ, chập chững bước vào đời, tích cóp cho mình những kinh nghiệm, tích lũy cho mình những kiến thức để làm nên những giọt mật tri thức và nhân cách.

Có thể nói rằng giữa đoàn tàu bên Nhật và chuyến xe xứ Việt có những điểm rất khác nhau, từ đoạn đường cho đến mức độ đầu tư, kinh phí. Nhưng, tôi muốn nói rằng có một điểm rất chung, đó là khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh trên chuyến tàu và của con trai tôi trên chuyến xe không chỉ đơn thuần được đưa và đón bằng động cơ, bằng phương tiện, mà sự di chuyển này được hình thành từ một điều gì đó thiêng liêng và cao cả, vượt ra ngoài những toan tính tầm thường vốn dễ bắt gặp trong môi trường giáo dục đậm đặc chất thị trường. Tôi xin gọi đây là khoảng cách của Tri Ðức.

Cô giáo trong nét vẽ của con!
Cô giáo trong nét vẽ của con!

UC