Sáng Giáng Sinh 25/12/2016 nghe tin Michael qua đời, lòng tôi gợn lên nỗi buồn khó tả. Tài hoa, bạc mệnh, George Michael chết trong ngày Giáng Sinh ở tuổi 53 làm tôi nhớ đến bài hát rất nổi đình nổi đám của anh: “Last Christmas”. Bài hát như là một thứ định mệnh oan nghiệt. Christmas 2016 là Giáng Sinh cuối cùng của anh. Ðêm Giáng Sinh, mọi người trên toàn cầu đang vui vẻ đón Giáng Sinh về một cách ấm áp, hạnh phúc, thì anh ở nhà riêng tại Oxfordshire, London đang bị cơn đau tim hành hạ khiến sáng hôm sau, người ta tìm thấy anh đã chết trên giường tại nhà riêng của mình (người quản lý Michael Lippman của anh nói anh chết vì cơn đau tim). Anh có biết đâu, trên nhiều quốc gia trên thế giới, vẫn có người đang trình bày ca khúc Last Christmas của anh với nỗi hân hoan, rộn ràng.
Michael được sinh ra ở East Finchley, London với tên đầy đủ là Georgios Kyriacos Panayiotou, nghệ danh sau này là George Michael. Cha anh là, Kyriacos Panayiotou, một người Hy Lạp di dân tới Anh vào thập niên 1950 và đổi tên là Jack Panos. Mẹ Michael là Lesley Angold (1937–1997), một người vũ công Anh Quốc.

Michael vừa là ca sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất. Anh có những nhạc phẩm bán chạy (best selling song) như “Last Christmas” và “Wake Me Up Before you Go-Go”. Anh sinh ngày 25/6/1963 và chết ngày 25/12/2016 tại Goring-on-Thames, Oxfordshire, Anh Quốc.
Những đĩa nhạc của anh đã bán được hơn 100 triệu bản trên toàn thế giới.

Năm 1981, anh và người bạn cùng năm sanh với anh là Andrew Ridgeley thành lập nhóm Wham!. Cuốn album đầu tiên của họ là “Fantastic”, 1983 được xếp hạng nhất tại Anh Quốc. Năm 1984, cuốn album thứ hai của họ là “Make It Big’ được đứng đầu trong bảng xếp hạng tại Anh và Hoa Kỳ, trong đó có ca khúc “Wake Me Up Before you Go-Go” được xếp hạng nhất ở Anh Quốc, bài “Freedom”, “Everything She Wants”, Careless Whisper” được xếp hạng nhất trong gần 25 quốc gia.
Sau đó (khoảng đầu năm 1987) anh bắt đầu sự nghiệp hát solo. Anh cũng dính dáng rất nhiều vào những chuyện tai tiếng. Anh có nhà riêng ở Dallas, và ngôi nhà trị giá hơn 8 triệu Anh Kim ở Highgate, phía Bắc London, vào thời điểm 2005. Anh từng trình diễn ở Dallas, và những fan hâm mộ anh (nhất là những cô gái trẻ) đã từng điên cuồng vì anh.

Chúng tôi có dịp qua London, ghé thăm Viện bảo tàng Madame Tussauds London, trong đó có những danh ca được nặn bằng sáp trông như người thật. Tôi rất mến mộ giọng ca của anh vào những thập niên 80 và 90. Nhất là bài “Careless Whisper”, với intro qua tiếng kèn saxophone của Steve Gregory nghe đến buốt lòng. Tôi ngắm nhìn pho tượng sáp như người thật của anh, lòng ham muốn được chụp chung một bức hình với nam ca sĩ tôi rất thích trong thời còn sinh viên. Bức tượng được làm tỉ mỉ từ chân tóc đến chân râu. Tôi chụp hình anh, nếu không nói là tượng bằng sáp chắc ai cũng nghĩ là hình được chụp từ người thật.

Nhớ năm 1984, đĩa nhạc “Wham! Make It Big” được tung ra thị trường, với đời sống của một sinh viên tị nạn, tôi cũng ráng dành dụm mua được đĩa nhạc của anh và gìn giữ đến bây giờ. Ðó là đĩa nhựa, cái máy nghe nhạc đã lưu lạc nơi nào qua bao nhiêu lần dọn nhà. Nhưng đĩa nhạc, tôi vẫn mang theo, vẫn cất giữ còn rất mới. Thế mới biết tôi trân quý giọng ca cùng những bản nhạc anh đã viết. Nó là một phần kỷ niệm, một phần đời. Mỗi khi nghe lại bài “Careless Whisper” tôi không thể nào không nhớ lại thời cơ hàn, cô đơn của mình trên xứ lạ quê người.

Ðã trên ba mươi năm, “Careless Whisper” vẫn thổi vào trong tôi nỗi nhức nhối của tiếng kèn, của giọng hát và những ngôn từ trong đó, mỗi khi nghe lại:
“I feel so unsure
As I take your hand
And lead you to the dance floor
As the music dies
Something in your eyes…”
George Michael đã về với đất. Tiếng hát của anh đã và vẫn theo đời sống tôi lớn lên, rồi sắp già. Một đời sống trôi lềnh bềnh chưa có một bến bờ quê hương.
VP – Sáng Giáng Sinh 2016