Rượu được cho là món quà chất lỏng của Thượng đế tặng cho nhân loại, được nhiều người thuộc mọi thành phần xã hội thưởng thức từ bao thế kỷ nay. Nhưng rượu cũng là con dao hai lưỡi: Nó có thể làm cho người nhát đảm thêm hăng hái, cho người thiếu sáng kiến được thêm tính sáng tạo, mà cũng làm hủy hoại cuộc đời một con người. Sau đây là một số dữ kiện về rượu có thể bạn chưa biết:
‘Beer Day’
Iceland là quốc gia tiêu thụ rượu tăng tới 35% trong thời gian từ 1992 đến 2012, và có một ngày lễ chính thức vào đầu Tháng Ba gọi là Beer Day.
Ngày này có nguồn gốc lịch sử. Bắt đầu là năm 1915, Iceland có luật cấm rượu. Không lâu sau đó, Tây Ban Nha dọa rằng nếu Iceland không bắt đầu tái nhập cảng rượu của Tây Ban Nha thì họ sẽ ngưng nhập cảng cá tuyết muối của Iceland. Đây là cú tát mạnh vào nền kinh tế Iceland.
Iceland phải nhượng bộ, và tới năm 1921, lệnh cấm rượu vang đỏ từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được bãi bỏ. Tuy nhiên bia vẫn còn cấm cho mãi tới ngày 1 tháng 3 năm 1989, ngày mà Iceland tuyên bố dân chúng được mua bia trở lại. Hôm đó, dân chúng lũ lượt đổ ra đường phố ăn mừng, và từ đó ngày này trở thành hội bia cả nước.
Tuổi uống rượu hợp pháp
Tuổi được uống rượu ở Mỹ đã có thay đổi: từ 18 tuổi trước kia đến quy định hiện nay là 21. So với nhiều nước khác trên thế giới, giới hạn tuổi như thế là vô lý: Có tới 19 nước không giới hạn tuổi, trong đó có Sierra Leone và Campuchia; một số nước như Antigua, Barbuda và Cộng hòa Trung Phi khắt khe hơn đôi chút: tuổi được uống rượu là từ 10 và 15 tuổi.
Tuy nhiên, không có đâu khe khắt hơn 16 nước, như Afghanistan, Somalia, và Pakistan, không cho uống rượu ở bất cứ tuổi nào. Còn ở Iran, lệnh cấm rượu được thiết đặt sau cuộc cách mạng 1979, có hai người uống rượu đã bị kết án tử hình năm 2012, trước đó họ đã bị đánh 80 hèo cũng vì uống rượu.
Rượu ở bữa điểm tâm
Một số nước trên thế giới có truyền thống say sưa ngay từ bữa ăn sáng.
Xưởng rượu Black Isle Brewery ở Scotland mới cho xuất xưởng Cold Turkey, một thứ bia đậm dành cho dân uống khi ăn sáng. Tuy độ rượu chỉ là 2.8%, nhưng nhiều người Scotland lo ngại là với chiều hướng này, dân nhậu càng được khuyến khích thêm, mà mức độ tiêu thụ rượu rất cao đã xếp Scotland vào hạng uống nhiều thứ 8 trên cả thế giới.
Còn dân Đan Mạch thì thích uống một ly Gammel Dansk cùng với cà phê vào buổi sáng.
Kế đến là bữa điểm tâm của nhiều người xứ Bavaria – một bang ở phía đông nam nước Đức – thế nào cũng có một chai lớn bia lạnh. Họ có riêng một thuật ngữ để chỉ chuyện đó: fruhschoppen có nghĩa “uống rượu trước buổi trưa”.
Nước Mỹ thời thuộc địa
Thói quen uống rượu của người Mỹ có lẽ bắt nguồn từ thời Hoa Kỳ còn là thuộc địa của nước Anh. Thời đó, trung bình mỗi người Mỹ uống 8 ounces rượu một ngày. Uống bia hoặc rượu táo trong bữa ăn sáng là chuyện thường. Và cả trẻ con cũng có lúc uống rượu.
Vào thời gian đó, các sông ngòi ở Âu châu thường bị ô nhiễm, gây ra nhiều bệnh tật, có khi là bệnh nặng. Vì lẽ đó, họ dùng rượu thay nước, và truyền thống này lan sang cả vùng Tân Thế giới. Whiskey thường được dùng để “chữa” bệnh viêm thanh quản và đau bụng; rượu brandy nóng để trị bệnh tả; còn đàn bà có thai muốn cho bớt khó chịu thì làm một shot rượu mạnh.
John Adam, quốc phụ dựng nước, mỗi sáng đều làm một ly rượu táo nặng, còn John Hancock được biết là đã buôn lậu rượu. Trước đó cả trăm năm, vào năm 1622, công ty Virginia Company ở London đã viết cho Thống đốc Francis Wyatt ở Jamestown, phàn nàn rằng thuộc địa bị thiệt hại vì thói say sưa.
(còn tiếp)