Menu Close

Đầu năm nhớ mười hai tháng

Nếu nhân loại không bất ngờ phát minh ra một cách tính lịch độc đáo nào khác, và (dĩ nhiên) nếu không có gì thay đổi thì ngày 1 tháng 1 vẫn là ngày đầu tiên của Dương Lịch. Khi tôi viết những giòng chữ này đồng hồ chỉ 6:25am ngày 31 tháng 12 năm 2016. Chỉ còn 17 giờ và 35 phút nữa tôi và toàn thể nhân loại cùng đếm ngược hát “Auld Lang Syne” đón chào Năm Mới 2017. Ðây cũng là lúc các nhà chép sử ghi lại từng cột mốc thời gian, từng dấu ấn quan trọng về chính trị-văn hóa-xã hội của năm cũ, đồng thời dự đoán những điều sắp đến cho năm mới. Chỉ có các chuyên gia mới thu thập tư liệu hay sao? Ồ không! Nếu thích tất cả mọi người, bất kể là nam hay nữ, từ cao niên cho đến thanh niên-thanh nữ-thiếu niên đều có thể ghi lại những gì cần cho bản thân, trong những giây phút cuối cùng của năm 2016. Những điều ghi chép này ở chừng mực nào đó như thể đóng đinh thời gian lại, không muốn năm tháng trôi xa trôi khuất vào miền quá khứ. Những chiếc đinh đóng mốc thời gian, có chiếc màu đen, có chiếc màu xám, có chiếc màu hồng, có chiếc màu tím, có chiếc nửa vàng nửa xanh như ngọn cỏ trong tiết thanh minh Thúy Kiều viếng mộ Ðạm Tiên, khiến bất cứ ai chợt ngoảnh mặt lại nhìn đều cảm thấy chạnh lòng.

dau-nam-nho-muoi-hai-thang

Giấy mực bút viết thậm chí laptop hay computer chỉ thuần túy là vật sở hữu nằm yên trên bàn làm việc, nếu như chủ nhân không sử dụng để ghi chép những gì họ nhìn thấy hay đã từng trải qua. Trong tận cùng đáy sâu nội ngã của mỗi một người, phải chăng lúc nào cũng nhận ra bóng sáng lung linh vi diệu của thời đại khoa học kỹ thuật. Trong bóng sáng lung linh bất tận này kể cả nhân văn, đạo đức và xã hội cũng đồng loạt phát triển theo biểu đồ thăng tiến Parabol. Phải chăng giờ đây nhìn đâu cũng chỉ thấy hình ảnh huy hoàng của văn minh tiến bộ, chẳng hề có điều gì khiến ai đó phải chép miệng than thầm. Không hẳn là như vậy. Tôi và chúng ta đều nhận biết: Bên cạnh sự bình yên ổn định, còn có “những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” Ðối với người Việt, không có câu chữ nào mô tả chính xác sự thê lương của cuộc đời cho bằng câu thơ kinh điển của Nguyễn Du trong Truyện Thúy Kiều. Khởi từ Ðoạn Trường Tân Thanh, vị ngọt thường chung chia thực đơn với chất đắng. Mỗi người nói chung, từng cá nhân nói riêng, không chỉ đăm đắm đi tìm hương vị ngọt bùi mà thôi, họ còn phải nhận ra chất đắng-chát- chua-cay, tập làm quen với thứ mùi khơi dậy sự đau đớn này để hiểu trọn vẹn thú đau thương và để biết rằng: Chất đắng-chát-chua-cay bấy lâu họ lẩn tránh mới đích thực là mùi hương tối cao của đời sống, mới đủ sức tôn vinh vị ngọt bùi của tháng năm an vui đã trôi xa trôi khuất giữa ngày tháng tàn phai. Ai cũng vậy khi quá quen với đời sống phẳng lặng, chúng ta cảm thấy hòa bình thật tầm thường. Bỗng nhiên nghe tin thời sự biết rằng khói lửa bom đạn vì nhiều nguyên do liên tục đổ ập xuống Syria, Yemen, Israel, Palestine, Ả Rập, Libya…; hay bỗng nhiên biết được nhiều vụ thảm sát xảy ra ở đâu đó trên 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, chúng ta mới bàng hoàng khi nhận ra dung mạo một đất nước hòa bình thật xinh đẹp, thật ngời sáng và quý hiếm biết dường nào.

Tự nhiên tôi muốn tìm hiểu xem mười hai tháng được khai sinh từ thời cổ đại La Mã với các tên gọi Ianuarius, Februarius, Martius, Aprilis, Maius, Junius, Quintilis, Sextilis, September, October, November, có ảnh hưởng gì đến định mệnh của nhân loại trên hành tinh Trái Ðất này hay không.

Tháng Một-January-Januarius có nguồn gốc từ tên gọi của Thần Janus, vị thần có hai khuôn mặt đối nhau để diễn tả sự kết thúc và sự bắt đầu. Januarius còn bắt nguồn từ chữ Janua có nghĩa là giới hạn, và cũng là cánh cửa của một năm. Người La Mã gọi Januarius là tháng“chuyển giao,” không phải là tháng “bắt đầu.”

Tháng Hai-February-Februarius là tên gọi của Thần Februus, hay còn gọi là Thần Pluto cai quản địa ngục theo thần thoại La Mã. Februus cũng là Thần Hades theo thần thoại Hy Lạp. Nếu Tháng Một-January-Januarius dành riêng cho các vị thần trên trời cư ngụ tại Ðỉnh Olympus, thì Tháng Hai-February-Februarius thuộc về các vị thần ở dưới lòng đất do Thần Februus đứng đầu.

Tháng Ba-March-Martius có nguồn gốc từ Thần Mars, được cho là tổ phụ khai sinh ra đất nước La Mã. Còn một cách hiểu khác về nguồn gốc tháng này dựa trên từ ngữ Maris –  thời điểm muôn loài giao phối; riêng với con người đây là giây phút tận hưởng niềm vui xác thịt theo quan niệm của người La Mã. Tháng này mới đúng là tháng đầu tiên của năm mới theo Dương Lịch. Chính điều này dẫn đến sự sai lệch trong cách đặt tên đối với một số tháng còn lại trong năm.

Tháng Tư-April-Aprilis bắt nguồn từ Thần Venus, còn được người Hy Lạp gọi là Thần Aphrodis. Ðây là thời điểm vạn vật sinh sôi nảy nở phổ biến nhất là hoa, bởi vì “aperie” có nghĩa là “mở ra, nở ra.” Tháng này liên quan đến việc trồng cấy của người La Mã.

Tháng Năm-May-Maius bắt nguồn từ tên của Thần Maia là Mẹ Ðất, hay còn được gọi là Thần Maior – Trưởng Lão. Người La Mã dành Tháng Năm để tôn vinh các vị trưởng lão, những người cao niên trong xã hội.

Tháng Sáu-June-Junius thuộc về Thần Juno, nữ thần đại diện cho phụ nữ và hôn nhân. Tháng này dành riêng cho giới trẻ. Junius bắt nguồn từ Juvenis có nghĩa là thanh niên. Tiếng Anh có từ vựng “Junior” đồng nghĩa với “Juvenis.”

Tháng Bảy-July-JuliusTháng Tám-August-Augustus đi liền với nhau, và cũng có liên quan về ý nghĩa. Julius được đặt theo tên của Ðại Ðế Julius Caesar, còn Augustus được đặt tên theo Ðại Ðế Augustus Caesar. Trước thời của hai vị hoàng đế này, Tháng Bảy được gọi là Quintilis, Tháng Tám là Sextilis.

Tháng Chín-Mười-Mười Một-Mười Hai theo tiếng La Mã là September-October-November-December đều có một điểm chung, đó là lấy số thứ tự đi kèm với đuôi -imber (có nghĩa là mưa). September = Septimus = thứ bảy, cộng với -imber. Cũng giống như vậy, October = Octavius = thứ tám ; November = Novus = thứ chín; December = Decimus = thứ mười.

Người La Mã tính Tháng Ba-March-Martius là tháng đầu tiên của năm, nên cách đặt tên của các tháng tiếp theo bị sai lệch hai đơn vị. Bây giờ chúng ta gọi October là Tháng Mười không có gì sai. Nhưng sống cách đây 2000 năm ở La Mã, nếu gọi như vậy chúng ta sẽ bị coi là người… mù chữ, không có học.

Tên gọi của mười hai tháng, nhìn ngược nhìn xuôi ngó nghiêng ngó thẳng hình như chẳng dính dáng gì đến số phận hay định mệnh của Trái Ðất này. Tự cõi người ta bày ra những chiêu hiểm độc, hại ngầm, hại gián tiếp, hại trực tiếp, hại từ xa, hại đường dài, hại truyền kiếp, hại kiểu ném đá giấu tay, v.v…; khiến cái ác trở thành trò chơi đầy hiểm họa, từng bước dẫn dắt thế giới đi vào khúc quanh co điêu tàn hoang phế, không có chỗ cho điều thiện dung thân. Suy cho cùng chiến tranh, sự chết, cái ác thời nào cũng có, lục địa nào cũng dư đầy. Nhưng chưa thời nào chiến tranh-sự chết-cái ác lại phổ biến một cách có hệ thống có kế hoạch, như  trong thời đại hiện nay.

Tôi không mộng mị cũng không hề đặt câu hỏi: Bao giờ cho đến ngày xưa. Bởi vì tôi biết rõ những gì đã qua không còn nữa. Nhưng bằng niềm tin bất tận vào Chân-Thiện-Mỹ vào tính nhân bản của con người, tôi hy vọng thế giới sẽ nhanh chóng nhận ra vết thương bi hoan ly hợp của cuộc đời, sẽ nhanh chóng biết rằng năm châu bốn bể bị du vào bước đường cùng của chiến tranh và tội ác, cũng chỉ vì tham vọng muốn thống trị hoàn cầu của một tầng lớp đầy quyền lực nào đó. Hiểm họa này sẽ kết thúc khi thế giới cùng nắm tay nhau hát bài ca nhân ái, đập tan bạo quyền, xóa sạch mây mù thế kỷ.

Nguyện chúc bình an-hạnh phúc-may lành đến với chúng ta và tôi khi bước vào Năm 2017.

HV – 6:25am Thứ Bảy ngày 31 tháng 12 năm 2016