Menu Close

Đức Quốc – Đêm có màu xanh thẫm

Vùng Wiesbaden

Tàu Thalys chạy xuyên Châu Âu từ Paris đến Kohn lúc 15h15 tôi xuống tàu tìm cổng số 7 để đổi tiếp chuyến tàu đến Mainz vào lúc 15h38. Tôi hỏi nhân viên ở phòng thông tin rồi vội vã tìm đường tàu chuyển tiếp của mình. Nhà ga Ðức cảnh sát đứng từng cặp. Hùng đã cẩn thận gửi sơ đồ nhà ga và hướng dẫn cách đổi tàu nhưng tôi vẫn lúng túng trước dòng người tấp nập. Cuối cùng tôi cũng đến được nơi mình phải đến. Vợ chồng Ðào đứng chờ trên sân ga, ơn trời tôi chưa bị lạc. Ðào đưa tôi về nhà ở Wiesbaden thủ phủ tiểu bang Hossen. Ðào là cô bạn học cùng lớp, năm 1979 gia đình bạn ấy vượt biển theo diện người Hoa, lênh đênh trên biển cả tuần rồi cập bến Hồng Kông, sau một thời gian ở trại tị nạn gia đình Ðào được bảo lãnh sang Ðức.

duc-quoc-dem-co-mau-xanh-tham4
Chiếc đồng hồ cúc cu lớn nhất thế giới ở tp Pforzheim

Buổi chiều chúng tôi đến nhà Hưng, em trai Ðào tổ chức gặp mặt. Má Ðào vẫn còn nhớ tôi, có lần dì về Việt Nam ăn Tết, tôi mời dì đến nhà dùng cơm, vậy mà cũng đã gần mười năm rồi. Không ngờ dì lại nhớ dai như vậy. Gia đình lớn của Ðào thật hạnh phúc vì con cháu đều quây quần bên nhau.

duc-quoc-dem-co-mau-xanh-tham5
Những tòa lâu đài cổ dọc bờ sông Rhein

Hôm sau, nhóm bạn ngày xưa của tôi hẹn gặp ở Pforzheim tại nhà của Tuấn. Lớp tôi có ba người bạn ra đi năm 1979 cùng sống tại Ðức, tụi nó hẹn gặp khi biết tôi sang. Thành phố của Tuấn tọa lạc tại cổng Rừng Ðen. Pforzheim nổi tiếng với nghề kim hoàn và sản xuất đồng hồ. Lần đầu tiên tôi thấy chiếc đồng hồ cúc cu lớn nhất thế giới đặt bên góc phố trước mặt cửa hàng, choáng ngợp trước những trang sức vàng bạc được chế tác tinh xảo trong tiệm kim hoàn cổ nhất thành phố, tụi tôi dạo phố rồi về nhà Tuấn ăn tối, ôn lại những kỷ niệm thời học sinh. Hùng kể lại những buổi cúp cua chen lấn xem phim “Ba hạt dẻ dành cho lọ lem” những hôm nhảy cửa sổ vì sợ cờ đỏ đến lớp kiểm tra tóc dài, báo hại thầy Thành bắt cả lớp làm kiểm điểm. Những góc phố đã qua, những con đường còn vang tiếng cười chớp mắt đã hơn 37 năm, không còn bao lâu nữa tất cả rồi cũng sẽ chìm trôi.

duc-quoc-dem-co-mau-xanh-tham3
Một góc phố ở Pforzheim

Thành phố Ðào ở nằm bên bờ sông Rhein, chúng tôi đi tàu từ Bingen đến Loreley ngắm những vườn nho xanh ngát nằm dọc con sông trên những ngọn đồi. Nơi này nổi tiếng rượu nho và hàng năm thường tổ chức lễ hội vào giữa tháng 8. Dọc bờ sông Rhein là những ngôi làng cổ, những lâu đài cổ đẹp như trong truyện cổ tích của anh em nhà Grim. Ði tàu dọc dòng sông bạn tha hồ chiêm ngưỡng hàng loạt tòa lâu đài kỳ bí, ẩn hiện trên vách núi. Gần cuối chuyến hành trình, chúng tôi được giới thiệu sẽ thấy bức tượng nàng tiên cá khi tàu xuyên qua hai vách núi. Tôi nhìn mãi mà không thấy nàng đâu. Thì ra bức tượng nàng Tiên cá ở Ðức rất khiêm tốn không nổi tiếng như nàng tiên cá Ðan Mạch, nàng nhỏ bé ẩn mình trong vòm lá, du khách phải chăm chú lắm mới nhìn thấy. Tương truyền giọng hát ngọt ngào của nàng đầy ma lực khiến các thủy thủ khi đến khúc sông này thường mất định hướng dẫn đến đắm thuyền khi va vào đá ngầm.

Có phải ẩn đằng sau hình ảnh quyến rũ của người đàn bà thường là sự lôi cuốn dẫn đến chết người?

Berlin

Tôi đến Berlin vào một buổi sáng chuyển mùa, trời gió lắc rắc mưa. Thủ đô của nước Ðức, cái nôi của chiến tranh thế chiến thứ hai.

Sau đệ nhị thế chiến nước Ðức chia làm hai miền Nam-Bắc như đất nước tôi. Nhưng chúng tôi đã không may mắn như họ. Nước Ðức thống nhất không mất một giọt máu. Năm 1989 sau khi bức tường Berlin chia hai miền Ðông Tây sụp đổ, chủ nghĩa Cộng sản ở Ðông Ðức tan rã nhập cùng Tây Ðức. Người dân bờ Tây mở rộng vòng tay, gánh vác chia sẻ cuộc sống cho người dân Ðông Ðức đói nghèo. Không học tập cải tạo tư tưởng cộng sản, không chủ nghĩa lý lịch. Mọi người dân bờ Ðông đều được trợ cấp lương và hướng dẫn tìm việc làm. Họ cùng nhau đưa nước Ðức thống nhất phát triển theo chủ nghĩa tư bản tự do dân chủ. Một sự thống nhất đầy tính nhân văn không chia rẽ hận thù, thật đáng ngưỡng mộ.

duc-quoc-dem-co-mau-xanh-tham1
Khải hoàn môn ở Berlin

Bức tường Berlin sau khi dỡ bỏ chỉ giữ vài đoạn để làm di tích lịch sử cho du khách thăm viếng. Với người dân nước Ðức, Wall of Berlin là nỗi ô nhục cho một thời kỳ mông muội đã qua.

Trên đường Friedrich strasse còn lưu lại đồn canh của quân Ðồng minh Mỹ sau thế chiến thứ hai, có tên là Checkpoint Charlie. Nơi này là một trong những điểm dừng chân yêu thích của du khách vì được chụp hình chung với hai anh lính đẹp trai, passport được đóng dấu xuất cảnh nhiều nước Ðồng minh nếu du khách xin làm kỷ niệm, dĩ nhiên phải đóng 5 euro cho 6 con dấu.

duc-quoc-dem-co-mau-xanh-tham2
Đồn canh của quân đồng minh Mỹ trên đường Friedrichstrasse ở Berlin

Berlin nơi đâu cũng đầy dấu tích lịch sử:

Khải hoàn môn, tượng đài chiến thắng, khu tưởng niệm mồ chôn dân Do Thái… Sau chiến tranh Berlin đổ nát xây dựng nhiều công trình mới. Tuy nhiên nơi này vẫn còn giữ được những lâu đài cổ, những nhà thờ xưa. Nhưng tổng thể thành phố không đẹp bằng các nước Châu Âu khác.

Ðêm thượng tuần tháng 8 trời bắt đầu se lạnh. Tôi không nhớ hôm nay Lễ Vu Lan, chỉ nhận ra đêm rằm lúc đang ngơ ngác tìm phương hướng, chợt thấy ánh trăng tròn treo trên nóc nhà thờ. Tụi tôi đang đi lạc giữa đêm khuya.

duc-quoc-dem-co-mau-xanh-tham
Một góc bức tường Berlin làm di tích lịch sử

Ngày thơ khi đọc tiểu thuyết của Erich Maria Remarque với “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”, “Khải hoàn môn”, “Bia mộ đen và bầy diều hâu gãy cánh”, “Một thời để yêu và một thời để chết”… tôi đã mê tình yêu và tình bạn đẹp của những người lính trong “Chiến hữu” (Ba người bạn). Mê tình yêu của Pat và Robbly. Cảm phục cái cách mà Robbly săn sóc Pat trong những ngày cuối cùng trước khi nàng chết. Tôi vẫn còn nhớ những giai điệu du dương trong Waldstein Sonata của Beethoven Pat nghe lần cuối với nụ cười trên môi. Tình yêu của họ làm tôi buồn suốt tuần sau khi khép lại cuốn tiểu thuyết. Tôi cũng không ngờ có ngày tôi đứng trên đại lộ Berlin chạm tay mình với người lính Ðức, nghĩ đến Robbly, Antonio và những người bạn của chàng.

BM – 09/12/2016

Trích: Châu Âu lướt qua ngoài khung cửa