Trẻ con đến năm 13 tuổi, được cha mẹ bán khoán cho nhà chùa, vào chùa tu tập để Trời Phật độ trì đến khi trưởng thành. Nghi thức làm lễ bán khoán, cắt tóc ba chòm (trái đào), để chính thức trở thành Phật tử quy y; hết một giáp (12 năm), nếu muốn trở về đời thường thì làm lễ tháo khoán. Lê Quý Đôn viết trong Kiến văn tiểu lục: “Thời nhà Trần, đàn ông trong nước đều cạo đầu, đàn bà cắt tóc để lại ba tấc tết ở trên đỉnh đầu, sau gáy không có tóc”.

Kiểu tóc của phụ nữ thời đó không biết đẹp như thế nào, chứ ngày nay, phía sau gáy không có tóc thì thật là thảm họa cho thời trang tóc tai, có thể làm cho quý bà khóc thét. Tuy vậy, thời trang có khi “than trời” một chút nếu ai đó muốn gây chú ý với đám đông, hoặc muốn cách tân một cách thái quá, khác người. Có lần tôi đi chợ, thấy một cô gái tóc tém một bên để dài hơn ba tấc, phía sau tóc cũng đầy ba tấc. Thế nhưng, hai bên thì lại tóc mai sợi vắn sợi dài. Một bên ngắn hết cỡ thợ mộc, giống như tóc húi cua của cánh đàn ông. Thấy lạ, tôi lén nhìn và thấy cô vẫn tự tin trước những ánh mắt tò mò.

Còn kiểu tóc trẻ con ba chòm, hay đàn ông đầu cạo trọc, thì tới nay vẫn ít người (ngoại trừ nhà sư) thích, để tỏ ra “hảo hán”, hay hợp với ngoại hình cho bắt mắt hơn. Tóc trái đào cho trẻ con chỉ có trong truyện cổ tích, hay các bà mẹ muốn tạo mốt tóc cho thằng bé chụp hình kỷ niệm chơi cho vui khi trong đầu nó chưa có khái niệm tóc tai thế nào cho giống số đông nhiều người. Hồi còn nhỏ khi tôi biết thế nào là kiểu tóc húi cua, hớt ngắn, hớt mái chải tém bảy ba thì tôi không còn chịu nghe lời má tôi húi cua như những lần trước nữa. Húi cua, trông giống như cái gáo dừa ụp lên đầu, thật là xấu xí. Má tôi muốn vậy là để tiết kiệm chút đỉnh trong thời buổi củi quế gạo châu đồng tiền mất giá, tóc húi cua hai ba tháng cắt là vừa. Còn tôi thì thích tóc chải tém bảy ba mỗi tháng hớt một lần.

Ðó là khoảng thời gian tôi học tiểu học. Chú Tư hớt tóc dạo cuối tháng nào cũng đạp xe ghé đến nhà theo yêu cầu của má tôi. Chú làm nghề phát thư ở khu vực Hòa Hưng, thỉnh thoảng mới đạp xe vào xóm nhỏ để phát thư cho vài nhà. Cuối tuần chú hớt tóc dạo, phần đông khách của chú là đám con nít cỡ tôi. Phía sau chiếc xe đạp của chú cột cái thùng gỗ nhỏ sơn nâu, bên trên xếp gọn gàng tấm vải trắng, bên dưới là đồ nghề tông đơ, hai ba cái kéo, lược, kiếng, vài con dao cạo, cái hộp thiếc phấn thơm và cái bình xịt nước. Sợi dây da bò bề ngang chừng năm sáu phân, một mặt láng o dùng để mài liếc dao cạo. Mỗi lần chú Tư ghé đến sân nhà tôi là hớt một lúc cả chục cái đầu, cả đám anh em nhà tôi và đám con nít mấy nhà hàng xóm. Công việc liền tay từ trưa cho đến chiều, hết đầu thằng này đến đầu thằng kia.
Tôi luôn là người đầu tiên ngồi lên chiếc ghế đẩu bằng gỗ mun đen chân cao chắc chắn của nhà tôi. Chú Tư khoái chiếc ghế này vì nó vừa tầm tay, không phải cúi lên cúi xuống. Sau khi tôi yên vị trên chiếc ghế, chú Tư mở hộp lấy tấm vải choàng lên người tôi rồi mới mở hộp phấn thơm, dùng cọ to chấm bột phấn thơm bôi quanh dưới gáy để khi hớt cạo tóc bụi vướng lại không làm ngứa. Cuối cùng, chú lấy trong thùng đồ nghề ra sợi dây da bò móc vô cái đinh ở cái cột hàng rào. Vừa hớt tóc chú vừa kể chuyện tiếu lâm cho nên mấy đứa chờ tới lượt mình khoái bu quanh ngóng lỗ tai nghe chơi. Ngoài chú Tư, thỉnh thoảng có mấy người hớt tóc dạo đạp xe chầm chậm qua xóm, vừa chạy vừa rao “hớt tóc, hớt tóc đây” mà không có khách.

Khách người lớn thường đến tiệm cắt tóc tại gia ở xóm bên. Tiệm là cái góc sân bên hông hàng ba, treo tấm kiếng trên vách và cái ghế có lưng dựa. Ðôi khi vì lý do nào đó, chú Tư không ghé nhà cắt tóc định kỳ, tôi đến đó, ngồi lọt thỏm trong cái ghế to mặc cho ông thợ gọt tóc mình. Ở đây, không có chuyện cười nên chẳng vui chút nào, ông thợ luôn nói toàn chuyện chiến sự sôi nổi đây đó với mấy người lớn đang chờ đến lượt.
Thế giới cắt tóc dạo và tiệm hớt tóc đơn sơ trong xóm tôi chỉ có vậy, cho đến một lần ba tôi dẫn đi chơi chợ Sài Gòn nhân dịp tôi lên đệ thất. Cuộc đi chơi bằng xe thổ mộ, ghé nhà ga xe lửa, ra chợ Bến Thành, lang thang đường Hàm Nghi xem người ta bán chim gà cá cảnh chó mèo. Rồi đến Chợ Cũ thăm người bà con xa của má tôi tản cư lên Sài Gòn làm nghề cắt tóc vỉa hè sinh sống. Tôi nhớ hình ảnh cả một hàng ghế khách ngồi cách nhau vài ba mét dọc theo vách tường trên đường Tôn Thất Ðạm. Ba tôi men theo dãy ghế tìm được người quen, tay bắt mặt mừng sau nhiều năm không gặp.
Ðây mới đúng là thế giới tóc tai và con người sang hèn ngồi đầy trên ghế giữa vỉa hè trung tâm Sài Gòn đô hội. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in bức tranh của dãy ghế hớt tóc vỉa hè giữa cái Chợ Cũ đông người và hàng quán sang trọng dọc trên con phố. Nó bình yên và sống động mặc dù bên lề đường con phố mua bán trung tâm này có nhiều xe Jeep quân sự và lính Mỹ thường xuyên ra vô những tiệm tắm hơi, massage và cả hiệu hớt tóc máy lạnh với giá cả thật bình dân. “Ở đây đông khách dễ kiếm sống và chẳng ai tranh giành nên việc làm ăn không đến nỗi khó khăn”, lời nói của ông chú bà con bên ngoại trò chuyện với ba tôi trong khi chờ hớt xong cái đầu của một ông khách, làm ba tôi vui ra mặt.

Ở đây cũng chỉ là những kiểu tóc húi cua, mái tém bảy ba như kiểu tóc bọn con nít chúng tôi chứ không uốn, ép sấy, nhuộm như vài tiệm hớt tóc có vài ba người thợ treo bảng quảng cáo hình mẫu tóc dợn sóng của các nghệ sĩ tân nhạc, cải lương đang ăn khách thời đó. Nhưng ở đây có thêm phục vụ ngoáy lỗ tai, tỉa chân mày, cạo râu xem ra hấp dẫn mọi người. Việc lấy ráy tai, nghe ba tôi nói là dễ lây bệnh nấm tai vì mấy ông thợ hớt tóc dùng chung một dụng cụ, ráy tai người này xong rồi lại qua người khác.
Nghe vậy biết vậy, tôi vẫn thích ông thợ hớt tóc có thêm phục vụ ráy tai miễn phí. Mãi đến khi lên học đệ tứ, tôi mới ra tiệm hớt tóc ngoài phố ngồi trên ghế da đàng hoàng như mấy ông người lớn. Ông thợ hớt xong là tôi yêu cầu thêm phần ráy tai cho đủ bộ. Thú nhất là lúc sau khi lấy ráy tai, ông thợ ngoáy tai bằng chiếc tăm bông tròn, nghe xèn xẹt xèn xẹt, rồi rùng mình một cái mà sau này khi nhìn tấm hình bưu thiếp cách nay hơn một thế kỷ tôi mới biết rằng đâu phải bây giờ người ta mới có cái thú ngoáy tai.

Trong bài viết “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” trong cuốn sổ tay ghi chép của một bác sĩ người Pháp tên là Hocquard theo quân viễn chinh vào Hà Nội và sống tại đây từ năm 1884 đến 1886, ông viết: “Thú vị nhất trong các nghề ngoài trời đó là những chú thợ cạo – ngoáy tai và những người tẩm quất”. Hocquard mô tả những người làm nghề này như nhân vật của nhà văn Pháp Beaumarchais: “Người thợ cạo thành Seville và khách hàng của mình ngồi trên một chiếc ghế dài để hai chân hai bên, mỗi người một đầu. Họ ngồi đối diện với nhau trong khi dao cạo lướt trên mặt… Anh ta bắt đầu ngoáy tai một cách tỉ mẩn… và kết thúc bằng cách đưa cái hạt tròn cắm đầu que vào tận màng nhĩ rồi xoay tròn một cách nhẹ nhàng; đây là giai đoạn thú vị nhất, nếu ta nhìn nét mặt của khách hàng, hai mắt lim dim và bày tỏ khoái cảm tột độ”.
Và thế là tôi ghiền ngoáy tai mỗi khi đi hớt tóc. Hồi đó tiệm hớt tóc tôi thường đến nằm gần một tiệm uốn tóc cho mấy bà. Tiệm hớt tóc hầu hết là thợ đàn ông, còn tiệm uốn tóc đều là thợ phụ nữ, cũng có nơi có thợ nam nhưng rất hiếm. Có tiệm uốn tóc nữ kiêm luôn hớt tóc đàn ông, tuy nhiên tôi ít thấy bóng dáng đàn ông nào vào chắc sợ nghe mùi thuốc uốn tóc nồng nặc khó chịu chớ không phải sợ bàn tay mấy cô thợ tóc. Mỗi lần đi ngang qua tiệm uốn tóc là tôi phải nín thở nhưng tôi nhìn vô tiệm không hiểu sao mấy cô mấy bà lại có thể chịu được cái mùi khai hăng hắc đến vài chục phút đồng hồ để bước ra với khuôn mặt cười tươi và mái tóc quăn xoăn tít.
Chuyện cũ lan man về nghề hớt tóc ngày trước đem ra ôn lại cho vơi bao kỷ niệm ngày còn thơ. Bây giờ, đầu hai thứ tóc rồi thế mà tôi vẫn khoái ngoáy tai mỗi khi đi hớt tóc, nhưng ở xứ này chả lấy đâu ra ông thợ, cô thợ nào chịu ngoáy tai mà chỉ gội đầu, cạo râu là hết.
TPT