Hầu như mỗi người tiêu dùng đều đã có lần trả lại một món đồ đã mua để được hoàn tiền, để lấy tín phiếu (store credit) hoặc đã đem đổi lấy món đồ khác. Tuy các tiệm không nhất thiết bị buộc phải nhận lại món đồ khách hàng đem trả – trừ phi bị hư, có khuyết điểm, thường được bảo đảm rõ rệt (warranty) – nhưng có một số luật lệ quy định về vấn đề trả hàng và hoàn tiền. Sau đây là những quy tắc chung:
Luật Tiểu bang về trả hàng và hoàn tiền
Nhiều tiểu bang có luật lệ về hoàn tiền cho người tiêu dùng, nhưng không phải tiểu bang nào cũng có hướng dẫn về các luật lệ áp dụng cho cư dân mua hàng từ người bán ở các tiểu bang khác hoặc mua trên Internet. Sau đây là một số thí dụ về luật tiểu bang quy định hoàn tiền:

– California: Nhà buôn phải niêm yết rõ ràng chính sách trả hàng, nếu không, khách hàng có thể trả đồ để được hoàn tiền đầy đủ trong thời hạn 30 ngày kể từ lúc mua.
– Florida: Nhà buôn không chấp nhận hoàn tiền phải niêm yết quyết định đó nơi khách hàng có thể thấy được, nếu không, khách hàng có thể trả đồ để được hoàn tiền đầy đủ trong thời hạn 20 ngày kể từ lúc mua.
– Illinois: Cư dân có thể hủy bỏ (và được hoàn tiền đầy đủ) trong vòng ba ngày thường (business day) các vụ mua bán tại nhà (door-to-door sales), mua thẻ hội viên (membership) phòng tập thể dục hoặc khu đất cắm trại. Trong đa số các trường hợp, policy phải được trình bày tại chỗ mua (kể cả trên websites) mới được coi là có hiệu lực.
Các tiệm buôn có thể tính lệ phí “restocking fee” là chi phí đóng gói lại món hàng để bán như hàng mới, nhưng buộc phải cho khách hàng biết điều này trước khi họ mua. Luật này áp dụng tại New York, nhưng lại không áp dụng tại New Hampshire.
Luật Liên bang về trả hàng và hoàn tiền
Tuy luật lệ tiểu bang quy định các vấn đề trả lại đồ đã mua, nhưng không có luật Liên bang buộc một chủ tiệm phải hoàn tiền. Theo đa số các luật lệ tiểu bang, việc hoàn tiền đều theo chính sách của tiệm áp dụng vào thời gian mua hàng, trừ khi sản phẩm mua không phù hợp với mục đích khi mua. Một khách hàng đổi ý sau khi mua món hàng, chẳng hạn muốn một TV màn hình lớn hơn, thì đó không phải là lỗi của tiệm buôn và tiệm có thể không chịu trách nhiệm.
Nói chung, đa số các tiệm đều hoàn tiền. Thường là theo chính sách của tiệm quy định để tạo và duy trì thiện chí trong cộng đồng, nên chỉ là policy của tiệm chứ không là luật Liên bang.
Gian lận khi trả hàng
Có nhiều cách khách hàng gian lận qua tiến trình trả hàng, nhiều khi khó phân biệt với cách trả hàng hợp lệ. Thí dụ: một người khó quyết định được thứ quần áo họ muốn mua nên trả lại nhiều lần, thì đó không phải là gian trá; nhưng một người mua chiếc áo dạ hội, mặc một lần rồi hôm sau đem trả lại thì là cách gian lận tiệm buôn.
Các tiệm bán lẻ ở Mỹ mỗi năm thiệt hại từ $9.6 tỷ đến $14.8 tỷ do gian lận khi trả hàng.
Sau đây là một số gian lận thường thấy:
– “Thuê” đồ (Wardrobing hoặc “renting”): Mua quần áo hoặc các vật dụng khác, dùng một lần rồi đem trả.
– Hàng ăn trộm: Trả lại hàng đã ăn cắp tại tiệm đó hoặc trộm nơi khác để lấy tiền.
– Hóa đơn gian: Dùng một hóa đơn (receipt) đã sử dụng rồi, hay lượm được, ăn cắp, hoặc sửa đổi để trả lại hàng; hoặc trả hàng lấy giá cao hơn.
– Gian lận do nhân viên: Vận dụng hoặc được sự trợ giúp từ bên trong công ty để hưởng lợi.
– Ðổi giá: Dán nhãn có giá cao hơn vào một đồ vật để trả lại lấy được tiền hoàn cao hơn.
Khách hàng bị phát hiện trong vấn đề gian lận khi trả đồ có thể bị kết tội trộm, nếu có bằng chứng rõ rệt. Wardrobing khó chứng minh, nhưng video giám sát đặt trong tiệm có thể phát hiện những trường hợp đổi nhãn ghi giá hàng.
HV