Ngày xưa trong chuyện cưới hỏi, con cái ở trong trường hợp thụ động, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.” Ông bà chúng ta nhiều lúc, pháo nổ, rước dâu về mới biết mặt vợ, mặt chồng, không hạp nhãn hay hạp tính, ăn ở riết rồi cũng con cái đầy đàn.
Ngày nay thì “con đặt đâu cha mẹ ngồi đó,” con trai yêu cô nào thì cha mẹ lo chuyện cưới về, con gái thương chàng trai nào thì cha mẹ phải chịu gật đầu. Gặp nhiều trường hợp vì chủng tộc, màu da, cha mẹ dầu khó chịu bất mãn trong lòng, cũng ráng vui vẻ cho qua chuyện, nếu không chịu phải cảnh mất con, rồi đến khi có cháu thì mọi sự cũng an bài.
Mặt khác chuyện chọn ngày lành tháng tốt để kết hợp cho đôi trẻ, đôi khi là chuyện bất đồng của hai họ, nếu đằng trai, đằng gái vấn kế hai vị xem giờ ngày khác biệt nhau. Vì việc cưới xin là sự kiện trọng đại của hai bên, nên ai cũng mong cuộc hôn nhân sẽ tốt đẹp bền lâu, mà ngày cưới cần thiết phải là ngày lành tháng tốt có ảnh hưởng đến đời người.

Không tin thầy bói toán, thầy tử vi, ngày nay nhiều gia đình chọn cách đến chùa, nhờ đến những vị sư định cho một ngày tốt để cử hành hôn lễ.
Ngày xưa ở thôn quê, gia đình thường tránh những ngày mùa gặt hái, hay mưa gió bão bùng, tháng Giêng, Hai trời khô ráo, dựng rạp ngoài sân, giết heo làm gà để đãi tiệc bà con, có khi đến hàng trăm lượt người. Làng trên xóm dưới, thường khi bà con đưa cả nhà đi ăn. Ai đến trước ăn trước, đến sau ăn sau, tổ chức đàn ca, hát xướng thâu đêm. Ngày nay thời xã hội chủ nghĩa, người ta chủ trương hưởng thụ tối đa, phô trương sự giàu có, bằng cưới hỏi với những dàn xe limousine, khách mời lên đến 3,000 người, phụ diễn có dàn hoa hậu, ca sĩ từ thành phố về. Nhưng ở Việt Nam, người ta có thể chọn ngày tốt, không cần quan tâm chuyện liên hệ tới công ăn việc làm, ngày nào cũng là ngày nghỉ, đóng cửa cơ quan đi ăn cưới là chuyện thường tình.
Ở đất Mỹ này, ngày tốt phải là thứ Bảy, tối thứ Sáu, khách còn miễn cưỡng đi, nhưng qua tối Chủ Nhật, vì sáng mai, ai cũng phải đi làm, coi như lỗ vốn! Ðám cưới không thể nào tổ chức vào những “working day” hay đúng vào những ngày lễ lớn như Thanksgiving, Christmas hay New Year hay quá cận ngày Tết Nguyên Ðán, vì những ngày này, mọi người còn phải sum họp với gia đình. Cũng không thể tổ chức đám cưới vào ngày Halloween, và cũng chưa thấy cô cậu nào “chịu chơi,” tổ chức một ngày cưới hoá trang, mà khách mời ăn mặc như Hoàng Tử, Công Chúa hay giả dạng ma quỷ, phù thủy…
Vậy thì ngày nào là ngày lành tháng tốt để có thể cử hành hôn lễ cho đôi trẻ?
Ngày nay ở Hoa Kỳ, cha mẹ không quan tâm đi tìm người giở sổ sách kiếm ngày lành tháng tốt cho đôi trẻ, mà tự chúng chọn ngày, vì tất cả đều lệ thuộc vào cái nhà hàng mà hai họ sẽ mời bạn bè, bà con dự tiệc cưới. Tất cả nghi lễ đều cử hành trong một ngày, sáng nạp lễ, trưa đưa dâu, chiều tối ra nhà hàng dự tiệc.
Nhân vật có thể quyết định cho cái ngày trọng đại của đời người này chính là ông người Việt, gốc Hoa, bây giờ là người Mỹ gốc Hoa, chủ nhân những nhà hàng mang tên Royal Seafood Restaurant, Panda Seafood, China Dragon Restaurant, Seafood Palace Restaurant… Người Việt chúng ta cho rằng mình bao giờ cũng giữ bản sắc dân tộc, một “nghìn năm nô lệ giặc Tàu” mà vẫn mặc cái áo dài kết nút phía tay mặt, nói thuần tiếng Việt, và thích ăn phở hơn ăn mì. Bây giờ chống Tàu, cho rằng Trung Cộng đầu độc cả thế giới mà hễ đám cưới là phải đãi nhà hàng Tàu mới sang! Tiệc cưới ở nhà hàng Mỹ thì quý vị cao niên kêu là không quen món Mỹ, ăn thì chỉ một món chính với một dĩa rau, “thà tao ở nhà ăn mì gói còn hơn!” Nếu đãi ăn ở nhà hàng Việt Nam, thì không tránh khỏi mang tiếng là “kẹo” hay “nhà quê!” Mấy ai đã có can đảm làm một cuộc cách mạng, tổ chức tiệc cưới của mình bằng những món ngon như chả giò, nem nướng, chạo tôm, bánh ướt thịt nướng, gà bóp rau răm, bún bò hay bò bún!
Bây giờ chẳng cần bói toán, chẳng cần chùa chiền nào ấn định cho một ngày cưới mà là do quyết định của ông chủ “Seafood Restaurant.” Ông chủ nhà hàng mở sổ “Nam Tào,” rê ngòi bút kiếm cho đôi trẻ một ngày thứ Bảy hay Chủ Nhật nào đó. Gặp mùa cưới, lại nhà hàng lớn, phải từ 40 bàn trở lên may ra, còn cỡ 15 bàn thì xin chọn ngày thứ Năm hay “đi chỗ khác chơi.” Thành ra phải “vơ bèo gạt tép,” ráng mời khách kha khá một tí, sau này có đi đóng hụi chết thì âu cũng là lẽ đời vay trả mà thôi!
Chuyện nhà hàng xong rồi, mới về thưa với cha mẹ hai bên, rồi mới tính chuyện in thiệp mời, mua nhẫn cưới… Do vậy, nhiều lúc phải chờ sáu tháng hay một năm mới tìm ra một cái nhà hàng cho… đặt tiền cọc, nên không dễ gì áp dụng cái câu “có cưới thì cưới liền tay…!”
Nói chuyện nhà hàng xong, bây giờ nói đến chuyện nhà… quàn!
Nhà hàng đắt khách thì nhà quàn cũng xếp hàng… nằm đợi. Ðám cưới nào mà lại không ăn uống, đãi đằng. Ðám tang nào mà không quàn một hai hôm cho bạn bè, thân thuộc thăm viếng. Nhiều người muốn giản tiện, từ phòng lạnh đem thẳng ra lò thiêu, nhưng “quan trên trông xuống, người ta trông vào,” sao tiện. Ðời người chỉ có một lần, dấm dúi quá sao tránh khỏi chuyện đàm tiếu của thiên hạ.
Ở Hoa Kỳ, theo luật liên bang, người chết sau 24 tiếng đồng hồ, phải đưa vào phòng lạnh (còn gọi là tủ lạnh), chuyện chôn cất phải có nơi, có chỗ như nghĩa địa là nơi có giấy phép chôn người, và nghi thức tang lễ phải cử hành tại nhà quàn (Funeral Home) là những dịch vụ có giấy phép, nên khi có thân nhân qua đời, phải nghĩ đến chuyện tốn kém là điều tất nhiên. Nhưng nhu cầu… nhà quàn cũng như nhà hàng đôi khi không đủ “cung.” Cũng như tiệc cưới, ngày cử hành tang lễ phải chọn ngày Thứ Bảy, Chủ nhật cho thuận tiện giờ giấc thăm viếng, rồi cũng phải tránh những ngày Lễ Tết, những ngày lễ lớn trong năm. Thành ra vui buồn cũng như nhau, có những quy ước, định lệ bất thành văn trong cuộc đời thường này mà chúng ta phải tuân thủ.
Ông Cụ mất vào ngày Thứ Hai, nếu gặp mùa thư thả, nhà quàn sẽ sắp xếp cho bà con viếng vào hai ngày cuối tuần. Nếu ông mất vào ngày Thứ Năm, xin khất Cụ tuần sau, vì gia đình không thể nào xoay trở kịp. Vả lại “book” nhà quàn cũng như đặt khách sạn, đâu phải lúc nào cũng có.
Ở Việt Nam, đám cưới tổ chức tại nhà thì đám tang cũng che rạp quàn linh cữu, trống kèn inh ỏi, đôi khi có ca sĩ trình diễn hay vũ sexy, topless cho ông cụ “ngậm cười chín suối”, mà bà con được phen giải trí, lũ nhỏ học thêm bài học “giới tính,” để chúng biết đàn ông khác đàn bà ở cái chỗ nào.
Ở Mỹ này, người giải quyết chuyện kẹt nhà quàn bằng cách đưa linh cữu vào nhà thờ hay chùa, nhưng hình như chuyện này cũng không mấy khi xảy ra, vì những quy định khắt khe của sở y tế. Ở vùng Nam California, thì chuyện nhà quàn tương đối còn dễ giải quyết, những nơi như San José, có khi phải đợi ba tuần. Trời mùa Ðông như hôm nay, cứ nghĩ người thân nằm trong phòng lạnh giá băng cô đơn tới một hai tuần, cũng xót xa. Nhưng xác để càng lâu thì chi phí càng tăng, không khác gì tiền thuê khách sạn hay chi phí bệnh viện mỗi ngày!
Cách đây vài năm, trên NB Người Việt chúng tôi đã viết một bài phóng sự “Cái chết không rẻ như ta tưởng” để năn nỉ Quý Vị khoan chết. Trong bài này chúng tôi chỉ nói riêng chuyện “quàn” rồi đem đi thiêu.
Dịch vụ quàn và hỏa táng có 4 hạng theo thứ tự từ đắt đến rẻ: Legacy, Heritage, Honor và Tribute. Ðắt rẻ là tùy theo giá trị của quan tài, số lượng hoa và các dụng cụ linh tinh như đèn, nhang, vải khâm liệm, sổ ký tên, thiệp cảm tạ… còn các phần khác hoàn toàn giống nhau. Nếu có những dụng cụ hay dịch vụ không cần đến, nhà quàn sẽ không tính tiền.
– Dịch vụ tối thiểu (tính chung một tang lễ) phải trả cho người phụ trách tang lễ và nhân viên của nhà quàn: $1,075.00.
– Ðể xác trong phòng lạnh: $895.00 (gồm tắm rửa, chải tóc, tiền phòng lạnh).
– Mặc áo quần và để người chết vào quan tài: $400.00
– Dịch vụ quàn và thăm viếng: $500.00 mỗi ngày. Thêm một ngày $500.00. Quàn vào ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật: Thêm $475.00 mỗi ngày.
– Tiền phục vụ của nhà quàn: $700.00 mỗi ngày.
– Di chuyển thi hài đến nhà quàn $495.00 (trong vòng 50 miles).
– Hoa tang, từ $370 đến $520.00 (1 tràng hoa trên quan tài, 2 bó hoa, 40 cánh hoa như huệ, “glaieul” (gladiolus) hay 20 cánh ở ngoài và một để trong quan tài).
– Vật dụng linh tinh: $395.00 gồm có 8 cây đèn cầy, 2 bình nhang, 1 ống đựng nhang, hay 1 thánh giá, sổ viếng tang, 75 tập sách nhỏ về người chết và 75 thiệp cảm tạ, hay 100 holy cards.
Nhưng giá cả này là giá cả “trung bình” cách đây 5 năm, bây giờ vật giá leo thang, dịch vụ nhà quàn cũng leo theo.
Ðời người hữu hạn, mà phải lệ thuộc vào ba cái linh tinh, không có không được.
Thôi cứ “hai khoan” kiểu VC, yêu nhau khoan cưới vì nhà hàng đang kẹt, bệnh tật, già nua khoan chết, vì tìm nhà quàn chưa ra, hay vì nhà quàn quá đắt!

HP