
Thời của quán nhậu “hát với nhau”
Hiện nay, dân ở các địa phương khác đổ về Sài Gòn làm ăn sinh sống ngày càng đông, trở thành cơ hội làm ăn béo bở cho các quán nhậu bình dân có tiết mục hát với nhau. Ban đầu khi mới xuất hiện kiểu kinh doanh này, các chủ quán nhậu thường phải bỏ tiền thuê mướn nhạc công đến đánh đàn để “câu like”. Dần dà, thấy nhiều khách nhậu sẵn sàng tặng hoa cho người hát, “boa” tiền cho nhạc công, các chủ quán nhận ra rằng có thể tận dụng số tiền “boa” này trả công cho ban nhạc, thế là hình thức tặng hoa kèm tiền (giới nhạc công gọi là “lên bông”) chính thức ra đời và phong trào quán nhậu có hát với nhau thịnh hành từ đó.
… “Dốc hết tình này ta trả nợ đời…”, tiếng “gào” nghe quá thảm của cô “ca sĩ” Nguyệt Hà làm “rung động” bao thực khách đang hiện diện tại quán nhậu Ngọc Anh (Thủ Ðức, Sài Gòn). Nhiều ông khách dung nhan đỏ gay vì… bia, gật gù vỗ tay tán thưởng. Hát xong, Nguyệt Hà trao lại chiếc micro cho anh MC, sau đó đi thẳng xuống một bàn nhậu nơi có mấy vị khách đang vẫy tay. Sau khi “dzô 50%” ly bia chào xã giao, Nguyệt Hà ngồi xuống bật quẹt gaz châm một điếu thuốc.
Theo vài người biết chuyện, “ca sĩ” Nguyệt Hà năm nay 30 tuổi, có hai con. Anh chồng có lẽ vì không chịu nổi cảnh cô này quá mê ca hát, thường bỏ bê gia đình nên hai người “đường ai nấy đi” cách nay hơn năm. Hiện thời Nguyệt Hà đưa hai con nhỏ về sống nhà cha mẹ ruột rồi tối tối đi hát kiếm tiền mang về nuôi con.
Mỗi đêm, số tiền mà Nguyệt Hà được chủ quán “trả trọn gói” trung bình khoảng 200 nghìn đồng. Dĩ nhiên với số tiền ấy chưa đủ mua phấn son, quần áo, làm tóc, “ma-ki-dê” đi hát chứ huống chi nuôi con. Và nhằm “tự cứu mình trước khi…Trời cứu”, cô đành chấp nhận những cái bẹo má, bá vai, vỗ mông thậm chí là… hôn hít, xoa nắn, rờ rẫm của mấy ông khách nhậu để kiếm thêm tiền “boa”. Rồi vì chạy theo đồng tiền, Nguyệt Hà sẵn sàng chấp nhận những lời mời mọc “overnight” nếu khách cần!
Tại quán nhậu Thảo Quỳnh, quận 12, cũng như ở quán nhậu Ngọc Anh trên Thủ Ðức, quán này cũng có sẵn “đội quân” là những chàng, nàng “ca sĩ” miệt vườn. Trong số này, Mai Hường (quê Hốc Môn) thì ngoài ca nhạc, cô còn “chuyên trị” cả những bài tân cổ giao duyên hay những bài bản Phụng Hoàng, Nam Ai… Chính vì vậy cô hay được những ông khách đề nghị cùng song ca, hay “hát kèm” vọng cổ và lấy đó làm niềm vui cho đời “ca sĩ” của mình. Thời gian đầu đến với quán, Mai Hường khá nghiêm trang và thường tỏ vẻ khó chịu khi có vị khách nào đó tranh thủ giở trò…dê ba lăm. Nhưng dần dà, bản lĩnh của cô đành phải xiêu lòng trước cơn lốc đồng tiền của bậc “đại gia”, dù chỉ là “đại gia” cấp … huyện, cấp ngoại thành!.

Ranh giới không rõ ràng!
Lúc này đã 23 giờ khuya nhưng quán Kiệt (Gò Vấp) vẫn nườm nượp khách ra vào. Bảo Trang, năm nay 36 tuổi nhưng vẫn mệnh danh là “hoa khôi quán nhậu hát với nhau” – tới chào bàn chúng tôi khá ấn tượng: ngửa cổ uống gọn chai Heineken ướp lạnh. Vài phút sau chuông điện thoại của cô reo vang. Cô xoay qua chúng tôi, nói:
– Có hai đứa bạn ở Gò Vấp muốn ghé đây, mấy anh ok thì em bảo nó tới chơi. Tụi nó xinh gái lắm!
Chúng tôi đồng ý. Khoảng 10 phút sau, hai cô gái cùng đi một chiếc tay ga tiến vào. Không cần ai hỏi, các cô tự giới thiệu cho biết một người tên Trúc Chi, quê Cần Thơ, 26 tuổi và người còn lại là Diễm Quỳnh, 25 tuổi, quê Bình Dương. Cả hai ngồi chưa nóng đít, uống mỗi người chưa được ngụm bia đã nghe anh chàng MC mời Bảo Trang lên sân khấu. Hóa ra ông khách trung niên ngồi một mình ở bàn kế bên vừa gởi lời mời.
Trong khi Bảo Trang lên hát bài “Giọt lệ đài trang” theo lời yêu cầu của ông khách kia, Trúc Chi nói cho chúng tôi biết Bảo Trang là một trong những “ngôi sao” trong làng hát với nhau, rất được mọi người ái mộ. Rằng cô ta nhậu không bao giờ phải tốn tiền mà còn được tiền “boa”. Bài hát ruột cùng những bước rumba lả lướt đã khiến mọi cặp mắt đều đổ dồn về sân khấu. Chân dài chuẩn người mẫu, gương mặt khá Tây, ăn nói lưu loát nên Bảo Trang luôn khiến nhiều người ngưỡng mộ, dù cô đã ở lứa 40

Thực ra, nghề chính của Bảo Trang là làm móng tay, móng chân dạo. Nhưng so với những cư dân xóm trọ trong con hẻm đường Quang Trung, Gò Vấp thì cô rất nhàn. Từ lúc có người bạn mới là ông Nguyễn Thái Giang, nghe đâu là một phó giám đốc Công ty TNHH ở tận quận 1, căn nhà trọ của cô không xập xệ như trước mà được “lên đời” với nhiều tiện nghi đắt tiền. Cô cũng không còn ngày ngày đi làm móng dạo nữa mà thường xuyên có mặt ở các quán nhậu hát với nhau vừa ca hát cho đỡ buồn, vừa được nhậu miễn phí và có khi còn được tiền “bo”! Riêng hai người bạn Trúc Chi và Diễm Quỳnh của Bảo Trang cũng tranh thủ cho biết gần đây họ về đầu quân quán cơm bình dân ở Gò Vấp, than: “Lương tháng chỉ hơn 3 triệu đồng nhưng tụi em làm chúi mũi luôn. Nào chạy bàn, nhặt rau, rửa chén, quét dọn… Tiếc là tụi em không biết hát hò gì, nếu biết thì xin vào đây làm là sướng rồi!”.
… Lại chuyện khác, có lẽ ai cũng rõ, các quán nhậu có thêm màn mục hát với nhau thường mọc lên ở những khu có đông dân cư lao động. Song cũng vì tọa lạc tại những khu thế này, nếu đêm nào các quán xá cũng tổ chức hát với nhau thì quả sướng miệng những người hát nhưng vô cùng cực tai cho người nghe. Hát với nhau trong quán nhậu không thuần túy chỉ là tiếng ồn, vì đôi khi tiếng động xe cộ còn dễ nghe hơn là tiếng của mấy ông say xỉn, chất giọng thì thuốc lá đá thuốc lào, khiến cư dân chung quanh bị tra tấn không chỉ “ngất ngư con tàu đi” mà còn chỉ muốn… phát khùng. Sự phấn khích của dân nhậu khi “tới bến” thì không còn đo độ ồn bằng decibel mà đôi khi còn đo bằng… mã tấu. Ðó là khi mấy vị “con Ngọc Hoàng” giành hát với nhau không xong bèn chuyển qua dùng… nắm đấm, gậy gộc, dao phay hay có gì xài nấy. Lại tiếp tục nói về cường độ âm thanh của mấy quán nhậu có hát với nhau thì cũng chỉ là phỏng đoán vì ngay các cơ quan chức năng cũng chưa trang bị máy móc chuyên dùng để đo cường độ decibel. Nhưng bằng lỗ tai thường ai cũng biết là những âm thanh trong quán nhậu chắc chắn là hơi bị lố, hơn nữa không chỉ tiếng ồn, mà còn là việc hát dở, hát sai, hát dai như… đỉa gây khó chịu cho người nghe. Do vậy, muốn hát với nhau chỉ có cách là phải dùng cách âm, chứ điều chỉnh âm thanh cũng chưa đủ! Nếu như phòng ốc cách âm không tốt, thì cư dân gần nơi hát với nhau nghe hoài chẳng những bị điếc lỗ tai mà còn có thể bị tâm thần, những hành vi gây hấn, đánh nhau đều do là lỗ tai bị “chọc tức” quá nhiều, thần kinh bị căng thẳng đến mức phải “xả” tức… Nếu cứ vì lý do kinh tế mà bỏ qua thì chỉ tội cho những cư dân vô tội, quán xá kinh doanh “tiền thầy bỏ túi” còn chuyện ô nhiễm tiếng ồn thì trút hết lên đầu những người dân, mà trong đó nhiều người lao động buộc phải thức khuya dậy sớm nhọc nhằn đi kiếm sống!
NS