Menu Close

Hà Nội treo quang gánh hàng rong

H10

Sáng mùa đông với khăn quàng kín cổ, người phụ nữ quang gánh trên lưng lang thang vào phố. Cuối tuần, người ta sẽ mua nhiều thức hàng hơn, từ ít đậu phụ đến nải chuối, ít củ đậu hoặc một vài lạng thịt, lạng tôm… Quang gánh của chị có đủ, kể cả vài lá thì là cho chả cá Lã Vọng hay hũ mắm để người nội trợ đãi cả nhà đậu hủ mắm tôm.

Năm năm, quãng thời gian đủ để một cặp đôi yêu nhau, xây dựng một gia đình và chào đón một đứa trẻ. Ðứa trẻ cũng đã có thể chạy long nhong theo cha mẹ lang thang đây đó. Năm năm, một quãng thời gian dài đủ để một ai đó thay đổi nhưng đôi khi cũng quá ngắn để lấy lại một thứ gì đó thuộc về mình. Nhưng năm năm, đôi khi cũng chỉ để quang gánh quanh bờ hồ Gươm, và nhận ra rằng, mình vừa bị tước mất một thứ gì…

Dân oan 3 miền ở Vườn Hoa Mai Xuân Thưởng trong giờ nghỉ trưa. Hình chụp cuối năm 2012.
Dân oan 3 miền ở Vườn Hoa Mai Xuân Thưởng trong giờ nghỉ trưa. Hình chụp cuối năm 2012.
Cận cảnh một trong những băng rôn của bà con
Cận cảnh một trong những băng rôn của bà con

Chị nói với tôi nhiều về những điều đôi khi chị chiêm nghiệm được trên bước chân lững thững của gánh hàng ế, không ai mua lấy một món hàng.

Chị, một cô gái Hòa Bình lớn lên với ruộng đồng bao la, cây đa đầu làng, giếng nước trong sân. Chị từng nghĩ mình sẽ thi vào ngành sư phạm khi đang học lớp 10. Thế rồi gia đình nhỏ của chị không còn khi ông qua đời, bà cũng ra đi ít lâu sau đó. Một mình lang thang ra Hà Nội, trải qua bao thăng trầm. Chị bỏ ý nghĩ xin vào làm các nhà hàng và theo gánh hàng rong từ khi bán giúp một người bà trong xóm trọ lúc bà bị ốm. Gánh hàng rong theo chị từ đó.

– Họ đông lắm, có ngày cả ngàn người, đa số họ ở luôn đó, dưới những gốc cây, hoặc tìm một góc nào đó và trú qua đêm, bên vườn hoa Mai Xuân Thưởng đó.

– Ai chị, những người bán hàng rong à?

– Không, dân oan. Những dân oan đến từ khắp nơi trên đất nước này. Bắc có, Trung có, Nam có, nhiều người Tây Nam Bộ nữa. Họ căng băng rôn, biểu ngữ đòi trị quan tham, đòi được trả lại đất, đòi lấy lại nhà.

H3 H8

– Lâu chưa chị?

– Mười mấy năm rồi, nghe đâu vậy. Hồi chị bắt đầu bán bên đó, 5 năm trước, họ vẫn ở đó. Không đông lắm, dần rồi đông, nhưng rồi lại thưa. Họ ăn ở đó, ngủ ở đó, bị đánh đập cũng ở đó.

– Ai đánh chị?

– Thì công an, dân phòng chứ ai. Dạo chị đi bán ở đó, từng chứng kiến công an đánh đập bắt họ lên xe giữa đêm. Ðồ đạc, mà nói là đồ đạc chứ cũng chẳng có gì ngoài mấy cái áo mưa, đôi khi là ít thức ăn những người Hà Nội khác mang đến cho, rồi mấy cái chén bát với một chai nước rửa chén, một cái can nhựa loại 5 lít để múc nước hồ… bị họ tịch thu hết hoặc cho xe rác tới chở. Khổ lắm nhưng oan lắm, chị nghĩ thế. Họ vẫn bám trụ, vẫn kêu oan nhưng ai nghe đâu nào. Mấy ông lớn từ thủ tướng rồi bộ trưởng này nọ, tổng bí thư, rồi các đoàn nước ngoài… xe cảnh sát giao thông hụ còi inh ỏi mà có ai giải quyết cho họ đâu.

– Thế họ về đâu rồi chị?

– Nghe đâu tứ tán rồi em. Trước Tết năm kia chị chuyển qua bên này bán nên cũng không rõ. Mới đầu năm này, chị gặp một dân oan đang đi lượm ve chai. Chị ấy bảo mọi người tứ tán hết, công an họ đàn áp dữ quá, giờ lâu lâu bà con tụ lại, đến số 1 Ngô Thì Nhậm hoặc vẫn vườn hoa Mai Xuân Thưởng, công viên Lý Tự Trọng, bên đường Thanh Niên đó, cũng kêu oan nhưng tiếng kêu thấp cổ bé miệng đến đâu được em. Trước bà con thương tình, lâu lâu người ghé cho ký gạo, dúi ít chục, có người còn cho mấy trăm nhưng cũng lây lất lắm. Thương mấy đứa nhỏ, chẳng đứa nào biết được cái trường là gì…

Củ đậu, một trong những thức hàng được nhiều người bán hàng rong Hà Nội chọn để bán. Hiện tại, một vài nhóm thanh niên ở Hà Nội đang bán củ đậu từ Quảng Ngãi chuyển ra để giúp bà con tiêu thụ nhanh nông sản sau những đợt lũ vừa qua.
Củ đậu, một trong những thức hàng được nhiều người bán hàng rong Hà Nội chọn để bán. Hiện tại, một vài nhóm thanh niên ở Hà Nội đang bán củ đậu từ Quảng Ngãi chuyển ra để giúp bà con tiêu thụ nhanh nông sản sau những đợt lũ vừa qua.

Chị ngậm ngùi rồi nói tiếp:

– Em biết không, nhìn tụi nhỏ, chị nhớ chị hồi xưa, tung tăng tới trường rồi đùng một cú như trời giáng, thế này đây. Một thân chị còn đỡ, cũng trầy vi tróc vẩy nhưng vì gửi tiền về nhờ bà con nuôi đứa em bị thiểu năng nên phải gắng. Nhớ buổi cuối chị bán đoạn bên đó, có bao nhiêu hàng chị trút hết cho bà con dân oan. Chỉ mong họ sớm tìm được công lý, ít nhất cũng để an ủi cho tương lai con cái họ, nhưng có vẻ như…

Câu chuyện của chị tạm dừng khi tiếng kêu mua củ đậu của ai đó vang lên từ cuối ngõ…

o O o

Mùa đông, có vẻ không nơi nào lạnh như xứ Bắc. Cái lạnh làm người ta co ro nơi những bốt điện, cái lạnh làm người ta co ro nơi gầm cầu, hành lang, hiên nhà và đâu đó giữa lòng thành phố. Cái lạnh đôi khi làm người ta nhíu mày suy nghĩ về một nơi xa hoa chỉ cách họ vài trăm mét, nơi có những chiếc lò sưởi, những máy điều hòa hay cả những chiếc ghế tựa lưng từ gỗ sưa đỏ (tức gỗ huỳnh đàn) hay những cơn say bí tỉ sau những chầu tiếp khách.

Mùa đông, rủ nhau dạo bờ hồ dắt theo con chó cảnh, mặc sức mày cứ thỏa bước trên đường, cần gì rọ mõm giữa đám đông náo nhiệt. Mùa đông, đôi khi đi hàng cây số để tìm cho con cây kem đã vị. Mùa đông, nhờ người nhà lồng tay trong áo, chạy vội ra mang theo vé đưa xe vào nhà mình trong phố đi bộ vì lỡ quên. Mùa đông, thi thoảng bắt gặp những ban nhạc đường phố trong phố đi bộ.

H6

Mùa đông, đôi khi chỉ hai chữ cũng làm chị chạnh lòng khi nghĩ rằng giờ mình cũng là một dân oan. Một đôi quang gánh với đủ thứ hàng bị cấm vào phố đi bộ vào những ngày cuối tuần.

o O o

Chị trở lại với nét buồn. “Sáng giờ bán được có hai miếng đậu phụ, một ký củ đậu và một bó rau em à. Cuối tuần mà cứ vậy hoài thì chị cũng không biết tính sao. Người ta cấm chị đi bộ vào phố đi bộ với lý do là mất mỹ quan.”

– Không có cách nào khác hả chị. – Tôi hỏi.

– Không em, đã mấy tháng nay vậy rồi. Trước đây dễ gì có thời gian ngồi tâm sự với ai, giờ nhiều khi chị chỉ ngồi đây, chờ người ta chạy vội ra mua thứ gì đó rồi về. Chị cũng thử gánh hàng đi qua phố khác rồi nhưng không ăn, ở đâu cũng có những người bán như mình. Cũng lao động nghèo với nhau cả, chẳng ai thích tranh giành gì nên chị quay lại đây. Quanh hồ Gươm này… Vậy cơ đấy! Mà có phải chỉ mình chị không bán được đâu, người ở trong phố họ cũng kêu giời. Vây kín đường trong đó, nhiều khi họ phải đi bộ cả cây số để mua một mớ rau hay gia vị gì đó. Trước đây chỉ cần mình đi ngang, họ kêu lại là xong.

– Em nghe người ta thí điểm rồi nghiên cứu này nọ mới ra phố đi bộ này mà.

– Ôi giời, nghiên cứu gì em. Chị hỏi em nhé, Hà Nội thiếu gì hồ, người ta thích đi bộ quanh hồ, ăn cây kem Tràng Tiền. Nhiều khi lang lang trong phố cổ, ngắm cuộc sống 36 phố phường. Ðời sống là thế. Mấy ông nghiên cứu này nọ. Ừ thì vẫn có những người thích phố đi bộ đó, nhưng bao người được lợi nào. Em cứ ngồi đó mà xem, lát nữa thôi ngoài này ì xèo, kẹt xe loạn xạ, trong phố thì cứ nhởn nhơ ra đấy!

Nhà cầm quyền Hà Nội huy động số lượng lớn công an dân phòng, cảnh sát giao thông, cơ động để chặn các tuyến đường, mở phố đi bộ.
Nhà cầm quyền Hà Nội huy động số lượng lớn công an dân phòng, cảnh sát giao thông, cơ động để chặn các tuyến đường, mở phố đi bộ.

Như trấn tĩnh lại, chị trầm ngâm một hồi rồi nói tiếp:

– Mình là dân thấp cổ bé miệng mà, bao giờ cũng vậy thôi, bán củ rau củ đậu, còn hơi thì còn rao, hết hơi thì cứ dắt xe hoặc gánh rong đi vậy thôi, ai thấy thì mua, miễn sao các ông ấy đừng thấy, đừng xốn mắt rồi lại tước luôn cái quyền đi bộ của mình là được. Cơm áo cả thôi!

Câu nói của chị làm tôi thấy chạnh lòng, chỉ biết an ủi chị rằng lát nữa thôi sẽ có người ra mua hàng giùm chị. Rằng con phố vẫn ở đó và đón chân chị vào sáng đầu tuần. Ðôi quang gánh kia sẽ lắc lư theo bước đi của chị cùng những trái sấu rụng muộn…

Một mùa đông nữa lại về, với chị, với bao người lây lất giữa thủ đô ngàn năm văn (chật) vật này, ánh sáng sẽ chẳng bao giờ đủ đầy khi người ta có thể biến thành dân oan chỉ một vài chợp mắt từ khuya đến sáng hoặc đơn giản là một tờ lệnh của nhà cầm quyền.

UC