Có lẽ, thơm như một thức quà khác của núi rừng mang lại cho lòng người chút thơm thảo khi mà mọi thứ đã mất đi vẻ ý vị của nó, mọi thứ đã rơi vào nửa giả nửa thật và hơn bao giờ, con người đang cố gắng tìm lại chút gì đó còn thật thà, quê kiểng trong tất tả vào Xuân…
Và như mọi năm, Tết, đứa con nhỏ đang học trong thành phố sẽ về nhà. Giờ là lúc bà nên cất những mẻ mứt thơm, thức quà quê ấm áp, giản dị, mà nó, anh nó, chị nó hay bất cứ ai ở vùng đất chịu thương chịu khó này cũng mê tù mê tít. Cái vị ngọt dịu, chua chua, cái dẻo ngon của miếng mứt thơm ngày Tết, đôi khi là cái gai góc làm người hái đứt tay, cái giống cây dập đâu mọc đó nhưng đôi khi chẳng chịu nổi một trận gió cuồng… Tiếng khụ khụ của con trâu già kéo thơm ra khỏi núi… tất cả như những thanh âm ăn sâu vào hồn người nơi đây để khi Tết về, nhìn những trái thơm mướt mờ, lòng người lại râm ran bao điều muốn nói.
Bắt đầu từ khoảng tháng 5 âm lịch đến Tết, dọc đường Trường Sơn từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, những người phụ nữ bốc vác thuê mừng như mở hội. Ðó là họ có thêm được đôi đồng thu nhập từ việc hái thơm thuê, bốc dỡ thơm cho những chủ vườn.
Vài năm trở lại đây, khi rừng chảy máu, Trường Sơn trở nên trơ trọi, bao nhiêu gỗ quý, đất rừng lọt vào những nhóm nhỏ nắm quyền sinh sát của một vùng đất, thì cạnh đó, có những con người len lỏi vào những vùng tối, sâu, hoặc thuê ngay những ngọn đồi ven đường để trồng thơm.
Không khỏi ngạc nhiên khi nhiều người cảm thấy gắn với trái thơm, như lời cô Liên, một phụ nữ có hơn 50,000 gốc thơm ở Nam Giang, Quảng Nam:
– Cũng nhờ trái thơm con à, năm năm nay rồi, cả nhà cô nhờ vào nó. Sáng 2 giờ là chồng cô dậy rồi, cột xe vào con trâu của nhà mình, rồi bắt đầu mang theo cơm vào núi để hái thơm. Ban đầu mình chưa quen, lá thơm chích chảy máu đầy, cũng vì thế mà chăm sóc cũng vất vả lắm. Lâu dần rồi quen, được cái trồng thơm ít tốn phân hơn trồng thứ khác.
– Ðường xa không cô, sao phải dùng trâu?
– Ðường cũng không xa lắm, khoảng vài cây số, nhưng khó đi, chủ yếu là mấy đồi núi, đôi khi là mấy hẻm núi, nơi người ta không thể làm gì khác thì mình trồng thơm. Trước cũng có nhiều người trồng bắp, trồng sắn nhưng sau mất mùa quá cũng chuyển qua trồng thơm. Ðược cái là cây thơm dễ trồng, chỉ cần con giâm xuống là nó sống liền nên mình trồng số lượng lớn, ai ít nhất cũng vài nghìn gốc, nhiều thì cả trăm nghìn gốc. Nhưng nghiệt nỗi là nơi mình trồng không có đường đi, chỉ có con trâu mới đủ sức kéo và đủ sức chịu cực để kéo thơm về con à. Dưới Ðại Lộc thì người ta còn dùng thuyền nhỏ đẩy qua hồ Khe Tân đưa về chứ trên này thì chịu.
– Con nghe năm nay thơm được giá phải không cô?

– Ừ con, năm nay được giá, một chục thơm tức mười hai trái mình bán được từ 80 đến 100 ngàn đồng. Nhưng cũng năm nắng mười mưa lắm con à. Cây thơm cũng giống ông trời vậy, ai biết được lúc nào mưa lúc nào nắng. Mình cũng không biết được năm nào trúng, năm nào không. Cứ trồng, cứ chăm sóc, nhưng nhiều khi đến mùa thu hoạch, được mùa quá cũng đâm ra rớt giá, có năm chất đống đầy rồi đổ.
– Mình vận chuyển đi các chợ bán hay sao cô?
– Không con, mình mang thơm về tập trung ở một góc bên đường. Bữa nay đường Trường Sơn cũng tấp nập lắm. Mình bỏ mối chẵn cho những chủ nhà ven đường, họ bán lại cho khách qua đường. Nhưng đa phần thì chờ thương lái tới mua, sau đó họ chở đi các chợ.
– Con thấy ở đây chủ yếu là mấy cô, mấy chị làm?
Thơm vừa được trâu kéo ra khỏi núi
– Ừ, mấy bả mừng lắm. Ở đây con thấy đó, có việc gì làm đâu. Quanh năm lo miếng ăn không đủ. Từ tháng Năm, tháng Sáu là chủ vườn bắt đầu thuê họ thu hoạch thơm, hoặc vận chuyển lên xe. Những đồi thơm ven đường thì mình thuê nhân công vận chuyển hết, không cần dùng trâu. Ráng làm thì được ngày gần 200 ngàn. Ở đây vậy là dua (vua) rồi. Tết còn được tặng ít quà, gói bột ngọt, vài gói mì tôm gì nữa, nhưng được khoảng chục thơm là mấy bả mừng lắm…
Tôi chưa khỏi ngạc nhiên vì ở xứ thơm mà người ta mừng vì được tặng khoảng chục thơm thì đã thấy mấy đứa nhỏ cười theo cô Liên. Hỏi thăm thì được biết:
– Làm mứt thơm đó chị, hì hì, tụi em đứa nào cũng thích.
– Mấy đứa biết làm không.
– Dạ không, nhưng đứa nào ăn cũng giỏi, vài ba ngày là mấy bì mứt thơm mẹ em cất hết sạch, có năm chị em đi học về ngồi khóc vì chẳng còn miếng nào.
– Thế sao em ăn hết nè, vậy mẹ có làm lại cho chị không?
Tụi nhỏ líu ríu đứa bảo có đứa bảo không…
***
Trời tháng Chạp lãng đãng mưa. Mưa không lớn nhưng cũng đủ để du khách nhún vai vì lạnh mà chạy vào nhà người khác xin trú chân.
Có duyên hay không mà vừa nhắc mứt đã thấy mứt ngay bên bếp lửa. Giữa không gian này, giữa núi rừng vi vu tiếng gió, bên căn bếp nhỏ với ông kiềng 3 chân thuở nào, dáng hom hem của người mẹ ngồi sên nồi mứt, hỏi thăm ra bởi đứa con sắp về:
– Khoảng một hai ngày nữa là nó về rồi. Giỏi, mà tội nó lắm con à. Ở làng này dễ gì có ai học lên được đại học như nó đâu. Cô chú cũng vay mượn xung quanh mới đủ tiền để nó nhập học. Vất vả lắm, nó làm đủ thứ, đi bồi bàn, dạy thêm, lau dọn, miễn được học con à. Nó thích món mứt thơm này lắm. Nó bảo mấy đứa cùng phòng của nó mỗi dịp nghỉ Tết xong là mang theo đủ thứ, đứa ở Thanh Hóa thì mang bánh đa, đứa ở Huế thì mang bánh Chưng, bánh Tét, có đứa còn mang cả sô-cô-la. Ðủ thứ, có năm cô làm mứt này cho nó mang ra ăn cùng với bạn, đứa nào cũng thích.
– Vậy giờ cô làm cho em à?
– Ừ con, năm nào em nó gần về nghỉ Tết là cô làm. Cô làm cho nó mà cũng là làm cho thơm. Nó bảo, trước ở xứ thơm nhưng không biết vị ngon của thơm, nhiều khi cứ thấy người ta chất đống rồi chở đi, biết là có thu nhập đó nhưng cũng chẳng nghĩ đến việc ăn thơm. Như nhiều người ở đây cũng vậy, họ trồng thơm nhưng cũng ít khi ăn lắm. Lúc cần cũng chẳng có mà ăn. Từ ngày người ta bày nhau cách làm mấy món mứt thơm đến giờ thì khác, Tết nhà nào cũng vui. Tháng Năm trở đi là có thơm rồi nhưng ít ai làm lắm, vì lúc đó không có vị ngon của Tết. Nhưng tháng Chạp thì nhiều người làm. Như cô đây, cô làm vì con gái mà cũng làm vì thơm nữa con à. Trái thơm cho mình thu nhập nhưng nhiều khi mình không biết hết vị ngon của nó.
***
Nồi mứt vừa keo lại, nhìn những miếng mứt thơm như những bông hoa mai xinh xắn, tôi nằng nặc nhờ cô bày bằng được cách làm.
– Này nhé, thơm mình làm được nhiều loại mứt lắm, nhưng cô chỉ rành 3 loại, mứt thơm hoa mai, kẹo thơm dẻo ngày Tết và mứt thơm nghiền kẹp khoai. Cô bày con làm ba loại này. Trước tiên, con chọn những trái thơm ngon, chín tới, không bị úng, sâu. Gọt sạch vỏ, sạch mắt thơm. Sau đó tùy từng loại mà con làm. Thơm nghiền kẹp khoai là dễ làm nhất. Con chỉ cần băm nhỏ thơm, cho vào nồi và thêm vào khoảng hai tách nước cho mỗi trái. Sau đó đun sôi lên, vừa sôi thì con cho thêm đường vào, tùy vào con thích ngọt ít hay ngọt nhiều. Sau đó hạ lửa, con đun từ từ cho đường ngấm vào thơm, sau đó mình dùng đũa đảo đi đảo lại nhiều lần, cho đến khi thơm quẹo lại, tạo thành mứt sên đặc là được. Nhưng đoạn cuối con phải khéo, kẻo lửa lớn quá thì nó sẽ khét ngay. Xong con cất vào hũ, để ăn dần dần. Khoai lang con luộc lên hoặc hấp, quét mứt thơm lên trên và ăn cùng, hoặc ăn chung với bánh mì cũng được, loại này con nít thích lắm.
– Vậy còn mứt hoa mai này thì sao cô, sao miếng thơm có thể khô lại được ạ?
– Loại này thì hơi khó hơn, con phải cắt từng khoanh thơm tròn khéo léo, rồi phải chần thơm qua nước sôi có pha chút phèn chua, sau đó rửa thật sạch và ướp với đường trước. Ðường ngấm thì mình đem sên, lửa vừa vừa, đến khi đường kết tinh ở miếng thơm là được. Cái này nhờ có phèn chua nên miếng thơm cứng hơn, không bị gãy. Riêng loại thứ ba thì cũng dễ làm, giống thơm ăn cùng khoai lang thôi, nhưng có một điều là con phải chiết bớt nước thơm sau khi băm nhỏ và khi sên thơm keo lại thì con viên từng viên nhỏ, sau đó lăn qua đường cát, con sẽ có những viên kẹo thơm ngon lành, cứ cất vào hũ, để dành ăn.
Trời đã chuyển qua chiều, tạm biệt và không quên cám ơn vì những chia sẻ về thơm cũng như mứt thơm của cô chủ nhà. Chúng tôi xuôi xe về lại Vĩnh Ðiện. Trên đường đi, nhìn đâu cũng thấy thơm và đồi thơm.

UC