Nói rằng hoa Tết hết hy vọng thì hơi quá, nhưng thực tế là hầu hết nhà vườn trồng hoa Tết ở miền Trung gần như trắng tay trong vụ Tết Đinh Dậu 2017 này. Theo một số nông dân trồng hoa thì nguyên nhân tai họa là 40% do thiên tai và có đến 60% do nhân họa. Và còn một yếu tố khác: Trung Quốc, đây cũng là vấn đề khá “lạ” trong chuyện hoa Tết.

Thiên tai, nhân họa, phù sa độc
Hiện tại, các làng hoa Tết ở khắp các tỉnh miền Trung, từ Bình Ðịnh ra Quảng Ngãi, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đều bị ảnh hưởng nặng bởi thời tiết và lũ lụt. Những gia đình trồng hoa đều kết luận là hầu hết hoa bị ảnh hưởng thời tiết sẽ dẫn đến trổ muộn, có thể khắc phục được bằng nhiều cách tuy tốn kém, nhưng hoa bị thiệt hại do lũ lụt thì hết đường cứu vãn.
Ông Tú, người trồng hoa cúc ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, chua chát:
– Hoa mà bị ảnh hưởng thời tiết, không khí lạnh thôi đã làm mình mất ăn mất ngủ, đằng này ảnh hưởng lũ lụt thì khỏi phải bàn!
– Sự khác nhau dễ nhận biết nhất giữa thiệt hại do thiên tai với thiệt hại do nhân họa khi trồng hoa nằm ở chỗ nào vậy ông? – Tôi hỏi.

– Khác nhau rất cơ bản, nếu thiệt hại do thời tiết lạnh chẳng hạn, thì hoa sẽ bị trổ muộn. Ðể khắc phục chuyện đó thì mình dùng thuốc kích thích, dùng nước vôi trong và chong đèn sưởi ấm cho hoa phát triển, mà phải chong đèn ánh sáng vàng chứ không được chong đèn ánh sáng trắng. Bởi ánh sáng trắng khiến cho hoa ngậm búp và trổ chậm hơn bình thường. Còn do lũ lụt, do nhân họa thì hết thuốc chữa. Hoa mình trồng đang phát triển ngon lành, mấy ổng xả đập, mà mình trồng cả ngàn chậu, làm sao mà di dời cho kịp, lúc đó phần ai lo dọn dẹp phần nấy, chẳng ai giúp cho mình được cả. Như vậy thì hoa mình bị ngập nước, mà cây hoa bị ngập nước rồi thì từ từ thối rễ, chết queo! Trước đây không đến nỗi như vậy, cũng bị ngập lụt mà không như bây giờ!
– Tôi chưa hiểu chỗ này, tại sao trước đây cũng bị ngập lụt nhưng không giống như bây giờ? Nghĩa là sao thưa ông?

– Nghĩa là trước đây chừng năm năm chẳng hạn, nếu lụt ngập chừng hai ngày, lút chậu hoa, khi nước rút, mình dùng tro ủ ấm cho gốc hoa thì cây vẫn sống được, cùng lắm thì thối lá chân, hơi lộ gốc, khi bán bị chê là hoa ‘ở truồng’, khó bán một chút. Nhưng nếu mình khéo khắc phục, cho kích thích mọc chồi ở phần gốc thì chậu hoa vẫn kín, vẫn đẹp. Còn bây giờ, lụt ngập thì đi toi. Vì sao? Vì trước đây nước lụt và phù sa không có độc như bây giờ. Bây giờ mọi chất thải công nghiệp, chất độc đều thải xuống sông, tới khi lụt về là biết bao nhiêu thứ chất độc theo con nước, bất kỳ loại cây nào khi gặp nguồn nước độc cũng phải héo rụi. Lụt năm nay, đến cây cỏ cũng chết chứ đừng nói tới hoa. Vì phù sa nhiều độc tố quá. Không tin thì hỏi nông dân là biết ngay, chưa có năm nào mà móng chân, móng tay của nhà nông bị lở loét vì lội bùn non như năm nay. Vì bùn chứa toàn chất độc!
– Theo ông thấy thì tổn thất của người nông dân trồng hoa Tết nặng cỡ nào và có gỡ gạc gì được không?

– Tôi nghĩ là không gỡ gạc được gì đâu! May lắm thì bán được một số ít ỏi với giá cao hơn một chút do hiếm hoa để mua gạo. Nhưng chuyện này hy hữu vì cả miền Trung bị thiên tai nhân họa như thế này thì gạo ăn Tết còn phải chờ cứu trợ chứ đừng nói chi tới chơi hoa. Còn nhà giàu, nhà quan chức thì họ chơi hoa cao cấp, nhập từ nước ngoài hoặc mấy cây mai giá khủng nuôi trong các vườn hoa cao cấp. Mà tôi chẳng có hy vọng gì đâu, các làng hoa… sẽ chết như con mực vì nếu như hoa đột ngột tăng giá thì nhất định hoa Trung Quốc sẽ ngập tràn ở đây, coi như nông dân mình ngáp gió đón Tết luôn!
Nói đến đây ông Tú cười buồn, nụ cười chua chát, chịu đựng của ông khiến tôi nhớ đến nụ cười của nhiều người chủ vườn hoa khác. Họ vừa im lặng chăm sóc những cây hoa còn lại sau lũ lụt, vừa mỉm cười khi nhìn tôi rồi lại tiếp tục làm việc khiến tôi hết dám mở miệng hỏi họ câu nào, thậm chí cũng hết dám đưa máy lên để chụp hình. Dường như có một ngọn gió lạnh nào đó khó tả đang kéo qua những vườn hoa, những cánh đồng miền Trung thì phải?!
Yếu tố Trung Quốc?
Một nông dân trồng hoa vào vụ cuối năm và trồng dưa vào vụ đầu năm ở Mộ Ðức, Quảng Ngãi, tên Thiệp, đã chia sẻ với chúng tôi rằng nghề nông của Việt Nam bị chi phối quá nặng bởi yếu tố Trung Quốc và có vẻ như không có đường lui. Nghĩa là hiện tại, nghề nông Việt Nam bị rớt vào bát trận đồ của Trung Quốc, chỉ có một nước là đi tới, nếu không may thì chết, không có đường lui.

Lấy làm lạ về nhận xét này, chúng tôi gặng hỏi, được ông cho biết:
– Nói về đường lui thì không có mà đường tới thì cũng chẳng an toàn, chỉ có đường chết!.
– Cụ thể là chết như thế nào thưa ông?
– Chết về giống má và chết về kỹ thuật nữa. Nói cho nghiêm thì hầu hết các loại giống hoa đều được nhập từ Trung Quốc, hiếm họa lắm mới có giống hoa Ðà Lạt nhưng giá của nó quá cao nên muốn có lãi thì chọn nguồn giống Trung Quốc. Mà đã trồng nguồn giống của Trung Quốc thì bắt buộc phải dùng các loại thuốc của nó, từ thuốc dưỡng cây cho đến thuốc kích thích sinh trưởng, rồi thuốc kích thích trổ hoa, thuốc ép cho hoa nở hoặc thuốc cầm cho hoa chậm nở đều là của Trung Quốc. Tôi nói chẳng may, vào mùa hoa nở, mà lạnh quá, nó không nhập thuốc kích thích hoa nở cho mình thì mình chết đứng. Cuối cùng nó đưa hoa sang bán thì mình làm chi nó?

– Nhà nước không có chính sách gì để can thiệp chuyện này sao thưa ông?
– Chính sách gì! Có là có cho vui vậy thôi chứ có thứ gì mạnh hơn phong bì, nó chỉ cần vài cái phong bì là mọi thứ đều êm xuôi. Chỉ có nông dân mình là khổ thôi, vừa bị trên đe lại vừa nhận dưới búa, chẳng có đường thoát đâu ông ơi! Tôi nói ông để rồi coi, Tết năm nay rau củ quả và hoa của Trung Quốc sẽ có mặt tại Việt Nam nhiều hơn vì nó được miễn thuế, nó được ưu tiên, hơn nữa nó trồng cũng chuyên hơn nông dân mình, nghe đâu nông dân nó được khuyến khích, hỗ trợ để xuất nông sản sang Việt Nam nữa là đằng khác! Như vậy thì mình chỉ có nước thua chứ không có nước thắng đâu!
Tạm biệt ông Thiệp, chúng tôi tiếp tục lang thang các vườn hoa ở Quảng Nam và Huế. Có một điểm chung là hoa mai của các nông dân trồng đại trà (bán cho người có thu nhập trung bình với giá từ 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng mỗi chậu) ở các vườn đều có nguy cơ trổ muộn, các vườn quất đều chín rộ, như vậy sẽ khó giữ được sắc tươi cho đến lúc bán. Hoa cúc, thược dược, vạn thọ thì chưa lên búp, khó mà trổ kịp Tết. Ðó là chưa muốn nhắc đến số lượng khá lớn các vườn hoa bị lũ ngập, lũ nhúng làm thối rễ, bị xóa sạch chỉ còn đất trắng.
E rằng một cái Tết ảm đạm đang đến với người nông dân trồng hoa và trồng rau củ quả ở miền Trung. Và cũng xin nói thêm, năm nay, do lũ lụt nên nông dân miền Trung gieo sạ rất muộn. Ðã bước qua giữa Tháng Chạp mà ruộng đồng, bãi biền vẫn còn trơ đất với bùn non. Nguy cơ thiếu lương thực vào mùa giáp hạt rất có thể xảy ra trên dải đất miền Trung. Chuyện này xưa nay hiếm, nhưng lại có thể xảy ra trong thời “hiện đại hóa nông nghiệp xã hội chủ nghĩa” này!
HL