Menu Close

Tomas Transtromer

Tomas Transtromer là nhà thơ lớn của Thụy Ðiển.  Ông đoạt giải Nobel văn chương 2011.

Sinh ngày 15 tháng Tư 1931 tại Stockholm trong một gia đình trí thức và có truyền thống văn học, Transtromer học cổ ngữ Latinh ngay từ trung học. Lên đại học, ông học về tâm lý học và lịch sử văn học, tôn giáo. Tốt nghiệp năm 1956, ông làm việc trong ngành tâm lý học. Năm 1990, sau một cơn đột quỵ, ông bị bán thân bất toại và hoàn toàn không nói được nữa. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục viết văn, làm thơ và xuất bản một số tác phẩm quan trọng. Ngoài ra, ông vẫn tiếp tục chơi piano chỉ với một bàn tay còn cử động được.

transtomer1

Ông viết về những vấn đề lớn: về cái chết, lịch sử, ký ức, thiên nhiên. Transtromer tự mô tả thơ ông là những tụ điểm (meeting places), “nơi ánh sáng và bóng tối, nội tâm và ngoại giới xung đột để tạo nên những nối kết bất ngờ với thế giới, lịch sử và với chính chúng ta.” Cái mới trong ngôn ngữ thơ của Transtromer thường nằm ở hình tượng. Nhiều nhà phê bình trên thế giới cho ông là một bậc thầy về ẩn dụ (a master of metaphor).

Sau đây là một vài bài thơ tiêu biểu của Tomas Transtromer. Bản dịch Cao Thu Cúc. Sao Khuê – Tổng hợp

 

Những đường ray

 

2 giờ khuya: trăng sáng. Ðoàn tàu dừng lại

ngay giữa bình nguyên. Từ xa, những chấm đèn

trong thành phố

nhấp nháy một cách lạnh lẽo ở cuối chân trời.

 

Như một người khi chìm quá sâu vào giấc mộng

anh ta sẽ không bao giờ nhớ mình đã ở đó

khi anh ta về lại căn phòng của mình.

 

Như khi một người rơi vào một cơn bịnh trầm kha

mọi thứ trong cuộc đời của anh ta trước kia giờ đây

trở thành vài đốm sáng hợp bầy

lạnh lẽo và nhỏ nhoi ở nơi chân trời.

 

Ðoàn tàu vẫn đứng yên lặng lẽ,

2 giờ sáng: ánh trăng sáng ngời, rải rác vài ngôi sao

 

Cảnh quan với những mặt trời

 

Mặt trời nhô lên từ phía sau ngôi nhà

đứng im ở giữa con lộ

và thở trên chúng ta

với ngọn gió đỏ của nó.

*Innsbruck ta phải rời xa ngươi .

Nhưng ngày mai

sẽ có một mặt trời rực rỡ

trong khu rừng xám đang lụi tàn

nơi chúng ta phải làm việc và sống.

 

*Innsbruck: Thủ phủ của tiểu bang Tyrol miền Tây nước Áo

 

Tháng tư và thinh lặng

 

Mùa xuân nằm hiu quạnh.

Hào nước màu nhung sẫm

trườn bên cạnh tôi không phản chiếu.

Tất cả những gì chiếu sáng

là những đóa hoa màu vàng.

Tôi được mang đi trong chiếc bóng của tôi

như chiếc vĩ cầm trong chiếc hộp đen của nó.

Ðiều duy nhất tôi muốn nói

sáng loáng bên ngoài tầm tay

giống như đồ bạc

trong một tiệm cầm đồ.

 

Tiếng chuông reo

 

Và con chim hét thổi điệu hát của nó lên bộ xương của thần chết.

Chúng tôi đứng dưới một tàn cây và cảm thấy thời gian đang

chìm xuống chìm xuống.

Nghĩa địa và sân trường gặp nhau hòa vào nhau như hai dòng

nước trong biển cả.

 

Tiếng chuông nhà thờ vang lên theo gió bốn phương được mang

đi bởi lực đẩy nhẹ nhàng của những chiếc

máy bay không động cơ.

Ðể lại đằng sau một sự im lặng mạnh mẽ hơn trên trái đất

và những bước đi thầm lặng của cây, những bước đi thầm lặng

của cây.

 

Giấc mơ của Balakirev *

 

Chiếc đàn dương cầm lớn màu đen, một con nhện

sáng bong

run rẩy ở nơi trung tâm của cái tổ âm nhạc của nó.

 

Trong hội trường hoà nhạc một vùng đất được gợi lên

ở đó những hòn đá không nặng hơn sương.

 

Nhưng Balakirev đã ngủ thiếp đi trong tiếng nhạc

và mơ giấc mơ về một chiếc xe ngựa của thời Nga Hoàng.

Chiếc xe rung rinh trên những hòn đá lát đường

tiến thẳng vào vùng đen tối của tiếng quạ kêu khô khốc.

 

Balakirev ngồi một mình trong xe và nhìn quanh

và đồng thời cũng chạy dọc theo con đường.

 

Ông biết cuộc hành trình này đã kéo dài lâu

và chiếc đồng hồ đeo tay của ông chỉ năm thay vì chỉ giờ.

 

Có một cánh đồng nơi đó có một chiếc cày đang phơi mình

và chiếc cày là một con chim gãy cánh.

 

Có một vịnh nước nơi một chiếc tàu đang neo đậu

với tuyết vây hãm, mọi ánh đèn đều tắt, và người ta lên

trên boong tàu.

 

Chiếc xe ngựa lướt ở đó xuyên qua băng giá

và bốn bánh xe quay nhanh với âm thanh như lụa xé.

 

Một chiếc tàu chiến nhỏ hơn: chiếc Sebastopol.

Ông đã lên tàu. Ðoàn thủy thủ vây quanh.

 

“Ông không chết nếu ông có thể chơi đàn.”

Họ đưa cho ông một nhạc cụ rất kỳ lạ.

 

* Balakirev: (1837- 1910) Là nhà soạn nhạc danh tiếng người Nga,

người đã ảnh hưởng đến Tchaikovsky( 1840-1893) khi nhà soạn

nhạc tài hoa này sáng tác nhạc kịch Romeo and Juliet.