Nói hoa mỹ một chút chứ người dân làng Bhagatdih từ đời cha ông phải hứng chịu khói bụi nóng bức của mỏ than Jharia âm ỉ cháy cả trăm năm. Đây là một mỏ than lớn nhất ở Ấn Độ, rộng chừng 280 kilô mét vuông, hiện là một trong những mỏ than cháy lâu nhất trên thế giới và vẫn còn cháy. Người ta đã đổ xuống hàng chục ngàn khối cát để lấp các mỏ than tự dưng phát cháy kể từ khi khai thác vào đầu những năm 1800 để hy vọng dập tắt, nhưng lấp chỗ này thì nó lại sụp hầm cháy lan sang chỗ khác. Có khi tự nó bùng lên ngọn lửa sáng rực góc trời hoặc ngún âm ỉ khói mù đe dọa đến sức khoẻ dân làng.

Vợ chồng Mohammed Anirydih và Chirag cố gắng dùng cây xà beng nạy cục than to dưới cái lỗ mà sáng nay những người trong làng đi lấy than còn bỏ sót. Cục than dính chặt vào góc vỉa than chỗ những lỗ trống đang thoát ra từng cụm khói nóng. Anh chồng có vẻ mệt mỏi, bỏ xà beng ngồi xuống, gí điếu thuốc lá quấn tay vào bụi than cháy cạnh bên. Anh phì phà điếu thuốc, đôi mắt buồn buồn nhìn vợ đang lượm từng cục than nhỏ rơi vãi xung quanh bỏ vào cái rổ mây to. Chiều hôm nay, hai vợ chồng phải lấy đầy hai rổ than mang đi bán kiếm tiền cho bữa ăn ngày mai.

Ðấy là công việc thường nhật của vợ chồng Mohammed Anirydih và Chirag, cũng như của nhiều người dân trong làng Bhagatdih vào mỏ than cháy kiếm than bán lấy tiền. Chính quyền sở tại từ lâu đã cấm người dân trong làng vào khu mỏ than mót than vụn hoặc mạo hiểm hơn, phá những mạch than lớn còn chưa cháy lấy than. Lấy than ở mỏ là phạm pháp. Người dân biết rõ điều này, nhưng họ không còn cách nào hơn dù biết rằng, nguy hiểm khói độc và những vụ sụp đất do than âm ỉ cháy luồng bên dưới, đe dọa mạng sống của họ bất cứ lúc nào. Một tháng trước đó, cách nơi không xa chỗ vợ chồng Mohammed Anirydih và Chirag đang tìm than, bốn người đàn ông đang lượm những hòn than to bằng quả cam bỗng bị sụp xuống hố than hồng, may mà có mấy người trong làng gặp được cứu họ thoát chết cháy, chỉ phỏng nặng đôi chân mang tật suốt đời.
Khu mỏ than bị cháy từ phía dưới lòng đất từ năm 1916. Chính do các vỉa được các phu mỏ khai phá trước đó tạo những lỗ hổng, luồn chằng chịt như những đường hầm dưới đất, khí oxy tích tụ làm nóng than và chính sức nóng đó càng ngày càng tăng làm than ngún lửa. Hiện tượng này không lạ gì đối với các chuyên gia khai thác mỏ. Do mỏ than Jharia quá lớn và sâu nên hàng chục lỗ cháy phát lửa càng trở nên nguy hiểm. Trước năm 1973, các chủ mỏ còn cố gắng khai thác phần trên than chưa bị cháy, nhưng khi chạm đến tầng than cháy, họ bỏ chuyển sang khu vực khai thác khác. Và cứ như thế, ngày càng làm các tầng than cháy lộ thiên. Khói, bụi, sức nóng đã làm cho làng Bhagatdih có chừng hơn 80,000 dân sống trong môi trường ô nhiễm và độc hại.

Mỏ than Jharia rất lớn, có thể nói là lớn nhất vùng Nam Á với trữ lượng chừng gần 2 tỉ tấn than đá có giá trị hàng trăm tỷ đô la. Số than bị cháy trong suốt một thế kỷ qua làm mỏ mất đi 37 triệu tấn đã khiến 1.4 tỉ tấn than còn kẹt lại dưới lòng đất không được khai thác. Số than khai thác được từ những năm 1800 không nhiều vì thời đó kỹ thuật còn lạc hậu chủ yếu bằng sức người, rồi kể từ khi mỏ than phát lửa dưới lòng đất, công việc khai thác chỉ diễn ra trên bề mặt. Chính điều này đã làm nguồn tài nguyên của chính phủ mất đi một cách từ từ và nó trở thành nguồn mưu sinh cho cư dân trong làng cho dù chính quyền cấm người dân vào khu mỏ cháy vì sợ những tai nạn bất ngờ xảy ra.
Những giếng than sau khi khai thác bị bỏ hoang, lún sụp oxy ngấm vào lòng đất làm gia tăng những lỗ giếng cháy. Có những giếng sâu tới hàng trăm mét và luồn như những đường hầm xe điện, bên dưới đỏ rực như hỏa diệm sơn. Hiện nay người ta đếm được khoảng 70 lỗ cháy. Và mỏ than này tiếp tục lập vành đai lửa ngầm, mở rộng đến các khu dân cư thành phố lân cận, ước tính có chừng 1.2 triệu người dân đang bị lửa đe dọa mạng sống trong tương lai, ngoài dân làng Bhagatdih sống gần đó.

Chính phủ Ấn Ðộ cũng đã có chương trình dời cư dân làng Bhagatdih vì mối nguy hiểm và ảnh hưởng sức khoẻ trong môi trường đầy khói độc hại. Thế nhưng, cho đến nay, chỉ một số ít gia đình ra đi, số đông còn lại vẫn tiếp tục bám làng vì kế sinh nhai, chỉ việc lượm than đem bán kiếm tiền nuôi sống gia đình, tuy ít ỏi nhưng tồn tại mỗi ngày, còn hơn di chuyển nơi khác, không kiếm được công việc nuôi sống bản thân. Vì cuộc sống, người ta bất chấp mọi nguy hiểm. Ngay cả những nguy hiểm xảy ra tại nơi cư trú cũng đành chấp nhận. Ðã từng có những địa chấn không phải do động đất mà sụp hầm lở đất xảy ra thường xuyên. Mặt đất chuyển động, những vết nứt xuất hiện trong nhà. Khí Oxyd Carbon bốc lên từ nền đất. Người ta dùng cát để lấp những khe nứt ấy lại nhưng chẳng nhằm nhò gì. Có chỗ mặt đất tự dưng mở toang hoác, nuốt chửng những ngôi nhà trong khi người ta đang ngủ say sưa sau một ngày vất vả kiếm than ở mỏ.
Từ năm 1996, Ngân hàng Thế giới đã thông báo với chính phủ Ấn Ðộ có khoảng 22,000 gia đình sống quanh vỉa than cháy có nguy cơ bị chôn vùi bất kỳ lúc nào. Không chỉ vậy, Ấn Ðộ là đất nước có nhiều nguy hiểm gây ra bởi tai nạn đường sắt, nhất là hàng trăm đường tàu đông người băng qua khu vực mỏ Jharia từ Dehli đến Calcutta và ngược lại. Trong khi đó, tình hình ô nhiễm khói bụi khiến người dân bị bệnh đường hô hấp và ngoài da gần như không thể kiểm soát được.

Than vẫn cứ tiếp tục cháy. Làm sao để ngăn chặn nạn cháy lây lan âm ỉ kéo dài trăm năm để cứu vãn giá trị tài sản của số than còn lại. Số than còn lại rất nhiều, khai thác một trăm năm nữa vẫn chưa hết. Các nhà khoa học Ấn Ðộ và thế giới đã chế tạo ra một loại bọt để bảo vệ than chưa cháy. Nhưng cho đến nay, ngay cả Công ty Bharat Coal chủ sở hữu khu mỏ Jharia cũng chỉ sử dụng khi cần thiết để hạn chế đám cháy chứ không phải để phòng ngừa do vấn đề chi phí bảo vệ than chưa cháy không khả thi.
Khi một vỉa bị cháy, các công nhân sẽ chuyển sang khu vực khác để khai thác. Họ dùng xe ủi đang tống than cháy xuống các lỗ rồi dùng cát lấp lên. Nhiều chuyên gia Canada đã xây dựng kế hoạch trợ giúp cho chính phủ Ấn Ðộ giải quyết nạn cháy âm ỉ của mỏ than Bjaria nhưng cho đến nay mọi kế hoạch đều còn nằm trong ngăn kéo.

Trên thế giới có hàng ngàn mỏ than cháy nhưng chỉ riêng mỏ Jharia lại lớn hơn cả ngàn mỏ than kia cộng lại. Chôn vùi luôn mỏ Jharia là cách tốt nhất mà chuyên gia môi trường nghĩ ra kế hoạch nhưng sẽ làm thiệt hại hàng trăm triệu đô la khai thác than của Ấn Ðộ, bởi Ấn Ðộ là quốc gia sử dụng than đá để phát triển kinh tế còn nhiều hơn cả Trung Quốc. Mỏ than Jharia vẫn là ưu tiên và quan trọng cung cấp năng lượng cho việc phát triển nền kinh tế Ấn Ðộ, cho dù quốc gia này rất giàu khoáng sản than đá nhưng vẫn là quốc gia nhập cảng nhiều than đá không thua Trung Quốc. Ước tính, Ấn Ðộ mỗi năm phải bỏ ra 15 tỉ đô la để nhập than đá do sản lượng than trong nước không đủ cung cấp.
Cuối cùng những kế hoạch bảo vệ than chưa cháy, hoặc giảm sử dụng năng lượng than đá tại Ấn Ðộ không thành hiện thực. Chính phủ cần than đá, người dân sống quanh khu mỏ Bjaria cũng cần than đá. Và nhà nước Ấn Ðộ cũng không thể lo cho cuộc sống của dân làng Bhagatdih vốn đã gắn chặt cuộc đời của mình vào mỏ than hồng âm ỉ trăm năm.
Sau mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng vợ chồng Mohammed Anirydih và Chirag cũng kiếm đầy hai rổ than. Hai vợ chồng đội than trên đầu đi về nhà. Anh chồng bỏ rổ than xuống bên hông căn nhà vách đất. Anh cùng vài người bạn trong xóm cũng vừa đi kiếm than về, ra giếng nước công cộng tắm mát để xua đi cái nóng còn vương trên các tấm lưng trần đen lấm chấm muội than. Dòng nước cuốn trôi những vết bụi dơ trên thân thể khẳng khiu nhưng xà phòng và nước không thể tẩy được làn da đen bóng.
NL