Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa mới ban hành Bộ Luật Nhân Quyền Magnitsky Toàn Cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) vào ngày 9-12-2016 vừa qua.
Ðạo luật Magnitsky, trước tiên, là một công cụ mới của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới. Ðiều này xứng đáng với vai trò đàn anh của họ trên chính trường quốc tế, một trường thành của Tự do.
Hoa Kỳ đã từng áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Miến Ðiện, Nga…, nhưng đây là một phương cách thiếu linh hoạt. Trong khi nó có thể dằn mặt chế độ độc tài, không thể nói nó không ảnh hưởng đến người dân thường.
Lần này thì khác, các biện pháp trừng phạt, cấm nhập cảnh Hoa Kỳ và đóng băng tài sản của các cá nhân vi phạm nhân quyền, sẽ cụ thể nhắm vào từng giới chức trong các chế độ độc tài toàn cầu, khiến họ phải chịu trách nhiệm cá nhân cho chính hành động đàn áp nhân quyền của họ. Chỉ riêng điều này sẽ khiến các quan chức độc tài và tay sai của họ phải cân nhắc nhiều hơn trước khi muốn trấn áp tự do dân sự và nhân quyền.
Và cũng vì đạo luật này không áp dụng chung chung lên cả một chế độ, một nhà nước nên ít gây cản trở ngoại giao hơn. Nó chỉ bắt cá nhân lãnh đạo phải chịu trách nhiệm mà ít làm bẽ mặt cả một chế độ độc tài. Có thể đặc điểm này của đạo luật sẽ làm cho các quan chức các chế độ vi phạm nhân quyền phải cố gắng và tranh đua nhau để tạo dựng hình ảnh đẹp đẽ hơn cho cá nhân mình, bất chấp mình thuộc một chế độ bất hảo nào đi nữa. Ðó là điều thuận lợi cho nhân quyền, tất nhiên, nếu những người bảo vệ nhân quyền biết làm đúng cách để đạo luật này phát huy tác dụng.
Chính quyền Việt Nam cũng sẽ phản ứng “giẫy nả y” tương tự như mọi lần họ bị thế giới đả kích về thành tích nhân quyền tồi tệ của mình. Nhưng vì khá giỏi và linh động trong việc trấn áp nhân quyền, họ sẽ bình tĩnh lại để tìm cách cản trở các nỗ lực của các nhà hoạt động nhân quyền làm sao cho đạo luật này có mà cũng như không. Bởi vì, muốn nó phát huy tác dụng, chúng ta cần làm đầy đủ các công việc nhằm tạo hiệu lực cho nó. Hoa Kỳ và quốc tế không tự dưng nắm bắt và can thiệp vào tình hình nhân quyền Việt Nam được. Những bước đó như sau:
-Thu thập và phối kiểm thông tin vi phạm.
-Thực hiện bản báo cáo theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc.
-Vận động Lập Pháp Hoa Kỳ chuyển hồ sơ trực tiếp đến Tổng Thống hay qua Bộ Ngoại Giao.
-Vận động Hành Pháp Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chế tài tương thích với mỗi hồ sơ vi phạm.
Nếu các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam làm tốt và đầy đủ các công việc này thì chính quyền độc tài Việt Nam sẽ thực sự bị áp lực phải cải thiện hồ sơ nhân quyền của họ. Về phần mình, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không bỏ qua cơ hội nào nhằm phá hoại nỗ lực đó ở cả quốc nội lẫn hải ngoại, nhằm làm cho sự phối hợp trong ngoài khó khăn để các hồ sơ khó hoàn thành. Vì hơn bao giờ hết, công việc này yêu cầu sự liên kết trong ngoài thật chặt chẽ.
Riêng hội PNNQVN đã gởi một số thành viên của mình tham gia các khóa huấn luyện viết báo cáo vi phạm nhân quyền đúng quy chuẩn Liên Hiệp Quốc và liên kết với bên ngoài để đệ trình các hồ sơ. Theo chỗ tôi biết, nhiều nhóm đấu tranh cho nhân quyền khác cũng đang được huấn luyện về việc viết báo cáo vi phạm nhân quyền này.
Tuy nhiên, không phải là không có những khó khăn cần khắc phục về phía các nhà hoạt động trong nước, đó là, họ chưa thực sự chú tâm vào các công việc tẻ nhạt và thầm lặng này. Hơn nữa, đây là công việc cần nhiều kỹ năng và thời gian, nó đòi hỏi người viết báo cáo phải chuyên nghiệp, có kiến thức về nhân quyền và dành toàn thời gian cho công việc. Ðó là một chướng ngại cần vượt qua, vì thực tế các nhà hoạt động nhân quyền trong nước là những người không chuyên và họ cần dành nhiều thời gian cho việc mưu sinh trước các chiêu trò đánh phá kinh tế của cộng sản Việt Nam.
Nhưng tôi tin, ở đâu có ý chí, ở đó có cách giải quyết vấn đề, hy vọng ngày càng có nhiều tổ chức XHDS trong nước vận động quốc tế theo cách này.
HTV – Buôn Hô 12/1/2017