Menu Close

Sing

Phim hoạt họa “Sing” được trình chiếu hôm 21 tháng 12 năm 2016, sử dụng trên 80 bài hát nổi tiếng xưa và nay: “Hallelujah”, “Shake It Off”, “I’m Still Standing”,  “Set It All Free”, “My Way”, “Don’t You Worry ‘Bout a Thing”… đem lại một không khí âm nhạc liên hoàn đầy thú vị…

Câu chuyện của “Sing”

Có thể ví bối cảnh của “Sing” như một cuộc thi “America Idol” trong thế giới động vật (nhân cách hóa). Một sự lặp lại dễ thương của “Zootopia”. Ở đây, mỗi hình dạng của một con thú khá gần với “nghề nghiệp” của mình: cảnh sát được biểu tượng bằng hình ảnh tê giác dềnh dàng, cứng rắn; một gã (khỉ) bụi bặm, lang bang; hay một nàng (voi) vụng về, béo ị v.v…

Ý tưởng phim bắt đầu cách đây 5 năm, khi nhà đạo diễn kiêm viết kịch bản Garth Jennings  gặp nhà sản xuất Chris Meledandri (người đã cho ra lò “Despicable Me” và “The Secret Life of Pets”).

Câu chuyện như sau:

Chủ nhân Buster Moon (Matthew McConaughey lồng tiếng) được thừa kế rạp hát của bố, mà nghề show từ lúc nào đã ngấm vào máu khi chú lần đầu cùng ông xem ca nhạc lúc còn thơ ấu.

Không may, rạp ngày càng vắng tanh vắng ngắt, tài chánh cạn kiệt. Ðể cứu vãn tình hình, Buster quyết định tổ chức một cuộc thi hát có thưởng.

Bà trợ tá nhiệt tình và lọm cọm Ms. Crawley vô tình “biến” giải thưởng từ $1,000 thành $100,000. Bản in phát tán khắp thành phố tạo nên một cơn sốt trong giới hát ca tài tử.

Dẫu biết có sự nhầm lẫn, nhưng chủ rạp Buster quyết định không thay đổi mà cố gắng vận động tài chánh để bù cho sai sót này.

Chương trình thi với giải thưởng khổng lồ làm rúng động nàng lợn 25 đứa con Rosita (Reese Witherspoon lồng tiếng) và chàng nhạc sĩ đường phố: chuột Mike (Seth MacFarlane) và cả chàng trai mê hát: khỉ đột Johnny (Taron Egerton), nàng voi rụt rè Meena (Tori Kelly)…

Buster tìm đến Nana Noodleman một nữ tài tử, ca sĩ opéra nổi tiếng và giàu có mong được bảo trợ nhưng gặp phải sự lạnh nhạt, khó chịu của bà, an ủi cho Buster, bà không nhận lời bảo trợ nhưng hứa sẽ đến xem buổi tổng dợt chương trình “Giọng ca vàng: Sing”.

Buster cố gắng hết sức để chuẩn bị một sân khấu “hoành tráng”, đẹp mắt kể cả phải… câu điện và nước trộm vì chưa tiền trả. Dẫu vậy, công việc diễn ra khá suôn sẻ và sân khấu trở nên lộng lẫy hơn bao giờ hết.

Nhưng cuộc đời không như là mơ, hôm tổng dợt với sự hiện diện quý báu của Nana là hôm xảy ra thảm họa cho Buster. Hàng loạt diễn biến không may khiến sân khấu sụp đổ, nước tuôn lênh láng cuốn trôi toàn bộ khán giả, ca sĩ và… chủ rạp. May không ai thiệt mạng.

Nhà băng xiết luôn rạp hát dẫu bây giờ chỉ còn là mảnh đất ngổn ngang đá sỏi.

Lúc  này Buster thật sự ngã gục. Ông giã từ sự nghiệp, chấp nhận một sống xa rời ánh đèn màu, làm nghề rửa xe. Những thí sinh với lòng đam mê trình diễn đã cố gắng thuyết phục Buster tổ chức chương trình như đã thông báo, bất kể giải thưởng có hay không.

Buster từ chối quyết liệt nhưng cuối cùng bị chinh phục khi tình cờ nghe giọng ca tuyệt diệu của nàng voi rụt rè Meena. Họ cùng bắt tay dựng tạm sân khấu từ đống hoang tàn, đổ nát.

Ðêm nhạc diễn ra, trên gạch vụn, một rạp hát không trần, trống trải chỉ thu hút vài khán giả và dăm chú nhóc là thân nhân của ca sĩ, không làm mọi người giảm đi hứng thú. Tất cả đều say sưa trình diễn bằng cả tấm lòng. Ðặc biệt, cô voi Meena vượt qua sự nhút nhát thường lệ để cất lên giọng ca thiên phú tuyệt vời.

Tình cờ chứng kiến, Nana Noodleman, nữ ca sĩ opéra giàu có đã mua lại rạp hát và giao cho Buster tiếp tục điều hành.

Rạp được xây dựng đẹp đẽ hơn xưa và những show trình diễn lại diễn ra tưng bừng, đông nghẹt người xem.

Thông điệp của phim

Nhân vật chính, chủ rạp hát Buster Moon là một chú gấu túi (koala) nhỏ tí nhưng nhiệt huyết ngập tràn. Với lòng yêu nghề vô hạn, Buster nỗ lực gầy dựng một rạp hát đã lụi tàn, thưa thớt. Buster truyền cảm hứng đến cho tất cả mọi người, từ ca sĩ đến cộng sự.

Nhưng cuộc sống không đáp lại những hy sinh của Buster, tai họa liên miên ập xuống, qua mỗi lần “thiên tai”, Buster lại bật dậy, ngửng đầu đi tiếp và không hề run sợ hay nghi hoặc.

Cuối cùng, nhiệt tình và lòng yêu nghề của Buster được đáp trả.

Với trẻ em, hẳn sẽ thích thú với các nhân vật được tạo hình ngộ nghĩnh, xinh xắn. Trong rạp, nhiều em bé đứng hẳn lên nhún nhảy khi nghe những bài nhạc quen thuộc, trong khi bố mẹ lắc lư trên ghế.  Không chỉ nhạc, các em sẽ thấy được giá trị của gia đình, khi ông bà cô voi Meena khuyến khích cô vượt qua tính nhút nhát, hay bố của Johnny trong tù tỉnh ngộ khi thấy con trai trình diễn trên ti vi…

Người lớn, ngoài việc… nhún nhảy trên ghế, sẽ thấy cuộc đời cần phải tạo ra cơ hội, tự thay đổi nếp sống, tự tin vào mình và tin vào người thiện tâm.

Kết

Có những “lời ong tiếng ve” về “Sing” qua những nhà bình luận nhan nhản trên mạng, nhưng với tôi, “Sing” là một phim đáng xem, thích hợp cho cả trẻ em lẫn người lớn. Khoan nghĩ đến những gì “cao siêu” nhưng ít nhất, “Sing” sẽ khiến bạn sẽ nhịp chân, lẩm nhẩm ngân nga, đôi khi mỉm cười hoặc sặc sụa, cũng có lúc rơi nước mắt để sau đó, nhận thấy rằng đời sống đáng yêu hơn.

HS