Vấn đề làm thế nào để con trẻ học và nói được tiếng Việt từ lâu đã là mối ưu tư cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Có bao nhiêu trường Việt ngữ đã được thành lập và những phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ khác nhau đã được áp dụng. Ngoài phương pháp tập đánh vần xưa cũ, một phương pháp “Dạy tiếng Việt bằng âm vị học” đã được thử nghiệm thành công ở một trung tâm Việt Ngữ tại California, Hoa Kỳ là Viện Việt Học.
Mới đây một cô bé tuổi teen là em Phạm Mê Linh, 16 tuổi, đã ra mắt và phát hành một CD có nhan đề là “Học Tiếng Việt Qua Bài Hát”, Tiếng Anh là “Sing and Learn Vietnamese With Ease!”, cũng liên quan tới việc học và dạy tiếng Việt.
Buổi Ra mắt CD được tổ chức tại Hội trường Nhật Báo Người Việt vào một chiều Thứ Bảy lúc 7 giờ. Tôi đến trước giờ khai mạc mà các em Hướng Ðạo đã đứng, ngồi, diễn tập thử trên sân khấu rất đông đảo nhưng lại rất thứ tự và ngăn nắp như câu châm ngôn “sắp sẵn” của phong trào Hướng Ðạo.

CD này xuất phát từ một dự án có tên gọi là Gold Award Project do em Mê Linh thực hiện. Sở dĩ dự án này có tên Gold Award Project là vì trước khi đạt được đẳng cấp cao nhất Gold Award (Hướng Ðạo Hoàng Kim) của Hướng Ðạo Hoa Kỳ bên Nữ Hướng Ðạo Sinh, em cần làm dự án này. Trong khi bên Nam Sinh thì có Eagle Scout (Hướng Ðạo Ðại Bàng) là đẳng cấp cao nhất. Danh hiệu cao quý này được trao tặng cho những hướng đạo sinh được đánh giá là xuất sắc, gương mẫu và thành công lớn trong việc áp dụng luật và đạt mục tiêu của Hướng Ðạo trong nhiều lãnh vực. Tiêu biểu như: chứng tỏ có khả năng lãnh đạo, tháo vát trong kỹ năng sống, kỹ năng quản lý thời gian, có tinh thần dấn thân và phục vụ xã hội và cộng đồng, biết sử dụng tầm nhìn để thay đổi xã hội, hay làm xã hội tốt đẹp hơn. Thử thách cuối cùng của danh hiệu này là phải thực hiện một dự án, trong đó nêu ra được một vấn đề xã hội cần được cải tiến, kế đó là tìm phương cách giải quyết hoặc thay đổi cho đời sống con người tốt đẹp hơn.
Dự án “Học Tiếng Việt Qua Bài Hát” này chính là dự án đầu tiên mà Mê Linh thực hiện cho danh hiệu trên. Em nêu ra một vấn đề cần bổ túc, cải tiến trong việc giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng.
Trong phần phát biểu, người đã hướng dẫn em làm dự án là Trưởng Trà Mi đã giải thích tường tận. Cô là liên đoàn trưởng Hướng Ðạo có tên Hướng Việt ở Irvine, California (Girl Scout Troop 1809), cũng là liên đoàn em Mê Linh đang sinh hoạt.

Cô nói, “Sở dĩ em Mê Linh chọn chủ đề này vì em nhận thấy, ngày nay rất nhiều trẻ em gốc Việt không nói được tiếng Việt. Trở ngại trên khiến các em ngại ngùng và không tạo được niềm cảm thông với gia đình, ông bà, cha mẹ. Nó còn làm mất đi tình cảm gia đình quý báu của người Việt Nam. Ngoài ra các em cũng không ca hát hay sinh hoạt được trong các buổi họp đoàn của người Việt nên không khí sinh hoạt trở nên tẻ nhạt. Riêng em Mê Linh rất thích hát, khi hát em thấy mình hăng hái và vui hơn. Vì vậy em ấy muốn dùng âm nhạc và bài hát làm động lực cho các em nhỏ thấy vui và dễ dàng khi học tiếng Việt. Ðây chính là mục tiêu của dự án. Dự án này quá lớn đối với một em mới 16 tuổi, sinh ra, lớn lên ở Mỹ mà tiếng Việt còn ngọng nghịu. Tuy nhiên trong tinh thần học hỏi em đã tìm đến những nhà chuyên môn, các nhạc sĩ, thầy cô Việt ngữ, huynh trưởng Hướng đạo, các phụ huynh nhờ giúp đỡ và hướng dẫn. Em rất may mắn được sự hỗ trợ tích cực từ tất cả mọi người. Sau 4 tháng áp dụng phương pháp “Học tiếng Việt qua bài hát” cho các Hướng Ðạo Sinh trong liên đoàn Hướng Việt và cuốn CD đã được ra mắt.”
Em Mê Linh may mắn được sinh hoạt trong một môi trường lành mạnh là Hướng Ðạo. Nó đã giúp em gần gũi nhiều hơn với các em nhỏ và thanh thiếu niên Việt. Trong các sinh hoạt hàng tuần, tiếng Việt được dùng nên các em có cơ hội thực tập học nói và hiểu tiếng Việt lưu loát hơn. Giai điệu và lời giản dị của những bài hát nho nhỏ bằng tiếng Việt, chắc chắn sẽ giúp các em dễ thuộc ngữ, nghĩa của chữ Quốc Ngữ. Các em thấy thêm vui vì các em vốn năng động và thích chơi nhiều hơn học.

Trưởng Phạm Thiên Hương đã giới thiệu thêm về CD có những bài hát rất đặc biệt. Qua các bài hát các em có thể học từ từ, đi từ lớp vỡ lòng cho đến cấp cao hơn. Ðối với các em nhỏ, thì các bài hát có vần khiến các em dễ thuộc. Các em lớn sẽ hát các bài phức tạp hơn. Có những bài dạy về tình yêu quê hương đất nước và nhân loại, các em sẽ học thêm về ngữ vựng hoặc dạy về đức dục, các em học cách cư xử, lễ phép như bài ‘Em là người Việt Nam.’ “Ði thưa về trình, học câu lễ phép ấy mới là người Việt Nam…”
Chương trình được bắt đầu bằng một bài hợp ca “Hát lên tuổi thơ” của Trầm Tử Thiêng. Kế tiếp là bài “Thời Gian” cũng cùng tác giả do Katlyn (Chim Non Hướng Ðạo) ca và làm MC giới thiệu. Trong cuộc đối đáp với cô Phạm Ðỗ Thiên Hương là Liên Ðoàn Trưởng Hướng Ðạo về văn phạm tiếng Việt, Kathlyn Trương nói tiếng Việt rất rõ và sõi. Em được học về thói quen của người Việt ở thôn quê thức dậy bằng tiếng gà gáy. Em còn phân biệt được, con gà thì gáy, con chó thì sủa, con chim hót và em thì hát:
Tock tick tock tick tock, thời gian đi quá mau không ngờ
Gà mới gáy bình minh, giờ đã chiều chim bay về tối
Tock tick tock tick tock, thời gian đi quá mau không ngờ
Em mới hết nằm nôi, giờ đây em biết đọc i tờ…
Tiếng đàn và tiếng hát vui nhộn kích thích mọi người vỗ tay theo thật sôi động. Hát để học tiếng Việt đòi hỏi phải có bài ca, phải có nhạc sĩ. Không ai ngờ nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng ngoài sở trường loại nhạc tình ca, ông còn viết nhạc cho thiếu nhi nữa. Lời nghe thật dễ thương và dễ hiểu. Sau đó là một loạt những bài hát tập đánh vần của nhạc sĩ Nguyễn Ðình Hiếu được các em thay phiên nhau lên giới thiệu và hát như Bài vần A, O, U, Ư, I … Thiên Hương đã hướng dẫn mọi người trong phòng hội cùng hát và đánh vần trong sự phụ hoạ của các em. Mục đích của cô để các phụ huynh có thể mang về dạy lại cho con cháu mình. Bài vần A, “A bờ a ba; á mờ á má; à nhờ à nhà; đều vần A. Ba má và cả nhà, thường khuyên ta, đi đâu chớ nên hối hả, coi chừng vấp ngã… bé nghe lời khoanh tay cúi đầu” hay Bài vần e “Em lắng nghe tiếng ve, kêu ré re, trên cành me…”, Vần U “Má được gọi là u, Em cha thì gọi là chú, đi mưa đi nắng che dù, ăn đòn đau khóc hu hu … u ú ù ….”
Cô Thiên Hương thêm “Từ một bài hát nhỏ như thế lại nảy sinh ra các từ ngữ mà chúng ta có thể dạy cho các em như cành me, mùa hè v.v.. rồi chúng ta dạy đến thời tiết, mùa màng chẳng hạn”. Sự liên kết rất tự nhiên.

Những bài hát giản dị, dễ hiểu, dí dỏm kèm theo các động tác mô phỏng của các Chim Non, Sói Con trông vừa dễ thương vừa buồn cười, khiến mọi người đều thích thú. Tiếng cười khúc khích nho nhỏ, lẫn trong tiếng cười ha hả, thả ga, của tất cả mọi người ngồi dưới, tạo nên một bầu không khí thú vị không ngờ. Vui nhất là bài hát vần I do các Sói Già (Trưởng và cha mẹ của các em) hát bài đánh vần I “I, tờ i ti, em bé khóc ti ti, ti sắc tí, em bé đòi bú tí, ti huyền tì, em bé khóc tì tì …”Nhìn các Sói già mà Thiên Hương gọi là “Big boy” mặc đồng phục Hướng Ðạo, ngực đeo yếm dãi, ca đến câu “em bé đòi bú tí” giơ chai sữa lên bú, cả hội trường cùng cười nghiêng ngả.
Lẫn lộn trong chương trình là những bài hát chúng ta đã từng được nghe từ lâu được lưu truyền như, Cái nhà, 15 phút đồng hồ, Tôi Yêu, 10 ngón tay, và các bài hát thường được Hướng Ðạo dùng để sinh hoạt. Ngoài ra còn các bài ca của các nhạc sĩ khác như Lê Văn Khoa, Nhật Ngân, Hồng Trang, Hồng Thuận, Nguyễn Quyết Thắng v.v..

Chương trình được kết thúc với phần trao tặng quan khách CD “Học Tiếng Việt Qua Bài Hát”. Tôi ra về mà lòng còn lưu luyến và mang theo hình ảnh những em Hướng Ðạo Sinh, những tinh hoa của người Việt hải ngoại. Các em sinh ra, lớn lên ở xứ người, được rèn luyện kỹ lưỡng bằng ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam để sau này trưởng thành đẹp đẽ vẫn không quên cội nguồn.
Các trung tâm Việt ngữ, các hội đoàn, thầy cô giáo xin liên lạc qua địa chỉ này để có được CD miễn phí. Ðộc giả cũng có thể đến nhận miễn phí CD này tại:
Euclid Optometry, 14251 Euclid St, #101, Garden Grove, CA 92843
Link để xem toàn bộ chương trình.
https://www.youtube.com/watch?v=CQ4uB0_HEqg
https://www.youtube.com/watch?v=07C-OZwk95Y
https://www.youtube.com/watch?v=nR3ENEVF6Iw
https://www.youtube.com/watch?v=lzfZhHODgX0
TT