Rượu được cho là món quà chất lỏng của Thượng đế tặng cho nhân loại, được nhiều người thuộc mọi thành phần xã hội thưởng thức từ bao thế kỷ nay. Nhưng rượu cũng là con dao hai lưỡi: có thể làm người nhát đảm thêm hăng hái, cho người thiếu sáng kiến được thêm tính sáng tạo, mà cũng làm hủy hoại cuộc đời một con người. Sau đây là một số dữ kiện về rượu có thể bạn chưa biết:
Yếu tố di truyền
Nghiên cứu cho thấy chứng ghiền rượu bị chi phối do các yếu tố vừa môi trường vừa di truyền. Một nhóm đặc biệt có mức độ tiêu thụ rượu cao là người Mỹ bản địa, ta quen gọi là mọi da đỏ. Theo Bác sĩ Ting-Kai Li, giáo sư y khoa và sinh hóa, thì tình trạng đó là do sự biến đổi gene được di truyền: họ không có các gene bảo vệ cho phép sự hấp thụ chất acetaldehyde.
Nếu acetaldehyde không được phân hóa khi hấp thụ, sẽ tích tụ và đưa tới các hậu quả xấu về sinh lý. Sự tích tụ acetaldehyde cũng có thể kích thích việc uống rượu.
Dĩ nhiên còn có yếu tố môi trường, nhưng dù do bất cứ yếu tố nào thì người da đỏ cũng là nhóm có số tử vong vì rượu cao nhất so với các nhóm dân tộc ở Mỹ.
Hậu quả của say rượu
Ai cũng biết rằng lạm dụng rượu là có hại. Về y học, khi ta nói đến bệnh xơ gan là ta nghĩ đến rượu, nhưng thực tế, xơ gan chỉ là một trong những bệnh tật do lạm dụng rượu mà ra. Chẳng hạn, ghiền rượu có thể làm giảm thiểu khả năng của cơ thể không hấp thụ được vitamin B1 (thiamine), do đó lượng vitamin này trong cơ thể giảm đi.
Vì thiếu B1 nên tạo ra hậu quả trầm trọng trên hệ thống thần kinh gọi là triệu chứng Wernicke-Korsakoff syndrome. Đây là căn bệnh thần kinh có thể làm cho cơ thể không phối hợp được các động tác như đi, đứng…, làm lệch lạc thị giác (như nhìn ra hai hình, mắt không theo kịp chuyển động). Triệu chứng nói trên còn có thể gây ra lẫn lộn và mất trí nhớ.
Có lẽ bệnh đe dọa đến mạng sống nhất khi ghiền rượu là chứng suy tim sung huyết (congestive heart failure) do cardiomyopathy bị dãn nở, tức là trái tim bị dãn ra quá mức, trông giống như một trái banh khi chụp X-quang, làm ảnh hưởng đến khả năng bơm máu đi khắp thân thể.
Kế hoạch “đầu độc” của Liên bang
Trong những ngày từ 25 đến 27 tháng 12 năm 1926, thành phố New York có 31 người chết vì rượu và vô số người khác bị bệnh nặng. Lúc đầu người ta tưởng chỉ là vì ngộ độc do rượu, nhưng hóa ra là do nhà nước.
Khi luật cấm rượu có hiệu lực năm 1920, giới thi hành luật bắt đầu làm biến thái rượu kỹ nghệ bằng cách thêm vào những hóa chất độc hại. Kế hoạch này nhằm ngăn chặn dân không tinh chế lại chất lỏng đó để uống. Sau một thời gian, các bar bí mật nở rộ, nên lực lượng chống rượu của chính phủ phát triển một thể thức biến thái mới làm cho rượu thuộc loại kỹ nghệ có mức độc hại tăng gấp đôi.
Tạp chí Time trong một bài báo năm 1927 nói rằng chỉ cần uống 3 drinks thứ rượu do nhà nước chế tạo cũng đủ gây mù lòa. Chính phủ tuyên bố người nào uống rượu là tự do ý thích, chính phủ không nhận trách nhiệm.
Việc cấm rượu kết thúc 5 năm sau, và tính tới lúc đó, việc này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 10 ngàn người do tranh chấp băng đảng và uống rượu lậu.