Menu Close

Sài Gòn đang Tết

Chợ hoa
Chợ hoa

Với dân số mười một triệu người, có thể coi Sài Gòn là một chợ Tết khổng lồ, tập trung những hình ảnh đẹp nhất (hoặc xấu xí nhất), sắc mầu chói lọi nhất (cũng ảm đạm nhất), âm thanh sôi động nhất (cũng tăng động nhất), mùi vị hỗn độn nhất và cảm xúc đa chiều nhất. Nhưng về Sài Gòn những ngày cận Tết, ai cũng khiếp hãi nạn kẹt xe! Ngày kẹt. Đêm kẹt. Ngõ hẻm kẹt, chợ kẹt, nhà thương kẹt, chùa kẹt… đôi khi ngồi một chỗ cũng mắc… kẹt!

Xuân Hằng

Một tài xế taxi trên đường vào phi trường Tân Sơn Nhất đã tức cảnh thành thơ, rằng ‘Nửa giờ không nhúc nhích. Còi xe bóp điên đầu. Khói xe cay mù mắt. Ðã thế nắng gay gắt. Mặt người đều hiu hắt”. Hai bên đường Trường Sơn, Hoàng văn Thụ, Cách Mạng Tháng Tám, bảng quảng cáo nối nhau, cái nào cái nấy to ‘chà bá’. Cây xanh thấp, nhà lầu cao. Ðường Hồng Hà mới mở rộng thông ra đường Bạch Ðằng, Nguyễn Kiệm cũng toàn… xe. Nhìn cảnh kẹt xe ‘hoành tráng’, chị Thi Ðỗ, Việt kiều Bỉ lắc đầu: ‘Ngồi bên Châu Âu trắng tuyết, nhớ Tết, nhớ nắng ấm Sài Gòn, muốn về. Mà về thì như vầy…Chắc lại đi sớm!’. Bực thì nói vậy chứ đi sớm làm sao khi khắp nơi hoa mai, hoa cúc, vạn thọ, mào gà tưng bừng khoe sắc, mọi hoạt động đón Tết như trang hoàng đường hoa, chuẩn bị hội chợ, văn nghệ, tặng quà người nghèo, hỗ trợ bệnh nhân, công nhân, sinh viên xa nhà… đang diễn ra sôi nổi khắp Sài Gòn.

Khu phố lịch Chợ Lớn
Khu phố lịch Chợ Lớn

Tại trung tâm thành phố, hai tụ điểm nổi bật, năm nào cũng thu hút đông đảo người dân trong và ngoài nước dạo xem chụp ảnh là Ðường hoa Nguyễn Huệ và Phố Ông Ðồ. Ðường hoa Nguyễn Huệ dự định sẽ khai trương vào ngày 28 Tết, kéo dài tới Mùng Bốn Tết với hình đàn gà – linh vật đại diện năm mới – được dựng ở phố đi bộ nghìn tỷ giữa trung tâm thành phố. Còn Phố Ông Ðồ, nơi quy tụ những người thích thư pháp, muốn tìm lại hình ảnh “Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già”, năm nay vẫn hoạt động từ ngày Hăm Ba tháng Chạp tại nhà văn hóa Thanh Niên gần khu hồ con rùa. Mỗi ‘đồ’ muốn ngồi đó phải đăng ký với số tiền không nhỏ để được cấp một sạp, một chiếu, có điện nước. ‘Ðồ’ phải thủ sẵn áo dài khăn đóng, mặc cho có không khí họ nhà ‘Ðồ’ (hoặc có thể thuê gần đó với giá từ 100k-200k tùy loại vải, độ cũ mới và kiểu cách áo dài). Cũng như các chợ hoa, việc mua bán chữ ở Phố Ông Ðồ trông có vẻ khá “ăn nên làm ra”, nhưng thật tiếc, đa số “khách hàng” ghé qua chỉ để chụp hình!

8

Trên phố lịch khu Chợ Lớn (chợ Bình Tây), giăng mắc rực rỡ những cuốn lịch- sứ giả của thời gian. Tấm bảng “Không chụp ảnh” được treo trang trọng chỗ dễ thấy để phòng ngừa các vị khách đến từ… Phố Ông Ðồ! Khách đủ lứa tuổi ghé xe, nhìn ngắm, chọn mua, nhưng số lượng khá vắng so với vài nơi khác. Mấy năm trước người ta mua ít thì hai ba cuốn lịch bàn, lịch tờ, lịch tháng. Nhiều thì vài chục cuốn, cho bạn bè thân hữu. Nhưng bây giờ vắng hẳn vì người ta phần đông mua số lượng lớn thường đặt công ty làm theo kiểu dáng mẫu thiết kế riêng, còn lại thì được tặng rồi xài không hết lại tặng cho nhau. Các cuốn lịch in tên công ty đều được thiết kế trang nhã hơn, phù hợp với nhu cầu sử dụng “mới”. Màu đỏ vẫn được “trọng dụng” nhưng không còn là “top” như mọi năm. Ðâm ra cũng khó cho những người buôn lịch truyền thống.

Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới

12

Khắp các chợ lớn chợ nhỏ, chợ truyền thống, chợ nét (internet) chợ siêu (supermarket) đâu đâu cũng ngồn ngộn hàng Tết, mầu Tết. Sặc sỡ nhất phải kể tới hàng hoa giả, tiệm đồ thờ, đồ điện, shop quần áo thời trang và hàng tạp hóa với những giỏ quà gói sẵn bắt mắt, phù hợp nhu cầu lễ nghĩa cuối năm. Tại chợ vỉa hè rau củ quả Ðà Lạt, Hà Nội đổ đống. Giầy dép xôn, chăn ra gối đệm xôn, sách tử vi, cà phê, canh bún, vé số, dịch vụ sửa đồ… bung ra mạnh mẽ. Giá trái cây, rau củ quả các loại cao hơn mọi năm (được đổ tại xăng tăng giá và thiên tai, nhân tai mấy tháng liền ở miền Trung, miền Nam). Có điều lạ là giá thịt heo tăng nhưng giá mua heo sống vẫn rớt mạnh, chỉ còn 26,000 đồng một ký khiến người nuôi heo công nghiệp hay nuôi dăm bảy con kiểu bỏ ống tiết kiệm đều chán nản ‘treo chuồng’.

7

Do lịch nghỉ Tết năm nay khá dài, bảy ngày, từ ngày 26/1 (29 Tết) tới hết 1/2 (Mùng Năm) nên nhu cầu đi du lịch, lễ bái, về quê của người dân tăng cao. Vì thế, ngoài lượng xe gắn máy cá nhân hùng hậu, Bến xe Miền Ðông, Ga xe lửa Hòa Hưng, Phi trường Tân Sơn Nhất đều trong tình trạng quá tải. Nhằm cảnh báo khách du xuân đề phòng trộm cướp, các tụ điểm công cộng đã phát loa nhắc nhở, cảnh báo. Theo bốn nạn nhân mới bị trộm cướp đến trình báo tại trụ sở công an Tân Bình, Phú Nhuận thì ‘Xe để có người trông, mất. Hàng Tết để trong phòng còn khóa nguyên vẹn, mất. Máy tính đang bấm tí tách, mất. Ba lô, túi xách đang đeo sau lưng, mất. Mất không kịp ú ớ, không nhớ mặt người, chỉ nhớ bị bóp cổ, bị xô ngã, bị dúi đầu, bị giằng sái cánh tay… Anh Nguyễn Tr, công an Tân Bình nhận xét: ‘Cướp trộm Sài Gòn, không đủ trình độ hành hiệp giang hồ kiểu Tầu hay băng nhóm găng tơ kiểu Mễ, Ý, phần lớn bỏ học lêu lổng, không nghề nghiệp ổn định, sa vào con đường hút hít, chích choác. Thủ đoạn cưa cửa sắt, chặt cửa kiếng, leo ban công, sân thượng, bẻ khóa xe, dụ chó, cắt điện… của chúng không mới mẻ, tinh vi nhưng rất dữ dằn, máu lạnh. Nhất là khi đang ‘ngáo’, hay bị truy đuổi quyết liệt…

Phố Ông Đồ
Phố Ông Đồ

Cưỡi ngựa xem hoa, ngắm Tết Sài Gòn muôn mầu tương phản, kẻ viết bài thấy mệt và sợ, chỉ muốn  cùng đoàn sinh viên, công nhân chở đôi, chở ba từ Sài Gòn chạy thành đoàn về quê nghỉ Tết.

Dù sao cũng phải gác lại mọi sự, vui ba ngày Tết cái đã!

9

 Đường hoa Nguyễn Huệ đang hoàn thiện
Đường hoa Nguyễn Huệ đang hoàn thiện

XH