Menu Close

Tết ở phía bên kia

1.

Mẹ vẫn loay hoay bên nồi bánh tét. Tóc mẹ bết vào trán do mồ hôi tuôn ra không ngớt dù cuối năm ở quê tôi lạnh run người. Mẹ xoay như con chong chóng, hết đun củi cho nồi bánh lại quay qua xem chừng nồi thịt nấu nước mắm, sợ sôi quá già, nước tràn ra ngoài. Cách mẹ không xa là ba tôi đang cố sức vần mấy gốc củi tre để chăm nồi bánh tổ. Trước đây, nhà tôi chỉ đổ chừng 5-7 cái bánh tổ để cúng giao thừa và thờ; dần dà, hàng xóm khen ngon nên nhờ mẹ làm thêm. Cứ thế, mỗi năm số lượng bánh tổ càng nhiều. Thấy mẹ làm không xuể, ba xung phong phụ giúp.

Chị tôi mỗi người một việc. Chị Hai vừa đi giao bánh về. Chị Ba lui cui dọn dẹp từ nhà trước ra nhà sau. Tức cười nhất là chị Ba, vừa dọn dẹp vừa càu nhàu, thỉnh thoảng, chị vẫy vẫy cán chổi về phía tôi, đe: “Lần sau coi chừng tau! Ðồ đạc để lung tung, chẳng thứ tự chi hết!”. Tôi cười vì biết chị chỉ dọa thôi và chưa bao giờ chị đánh được tôi một roi nào cả. Tiếng mẹ tôi từ sau nhà vọng lên: “Con dẫn em ra tắm đi. Nước mẹ mới nấu đó, con pha thêm nước lạnh vào, coi chừng phỏng em. Hôm nay tắm một lần, mai tắm lần nữa là sạch sẽ, ăn Tết được rồi”. Tiếng chị Hai tôi kêu lớn: “Ra tắm mau, thằng giặc!”. Thằng giặc là tôi. Nghịch ngợm, lười tắm có tiếng không chỉ trong nhà mà còn “vang” ra tới hàng xóm, láng giềng. Cuối cùng, tôi cũng phải tắm lần một. Không phải sợ cây roi của chị Ba hay những nạt nộ của chị Hai mà là vì câu nói của mẹ: “Không tắm sạch sẽ thì không được mặc áo quần mới!”.

Ðèn trong nhà sáng trưng. Mọi việc đã ổn. Ba mẹ tôi ngồi kiểm lại chuyện bánh trái, xem còn ai chưa giao bánh không. Rồi, mẹ lên gác, kiểm tra lại bàn thờ tổ tiên, ông bà. Khi chiều, cúng tất niên và rước ông bà đã xong nhưng vốn cẩn thận, mẹ thắp nén nhang, luôn thể xem còn gì thiếu sót. Mẹ biểu chị Hai lấy áo quần ra ủi để ngày mai mồng Một, khỏi lụi bụi. Mẹ lấy bộ đồ mới, mang sandal cho tôi và dặn dò đủ thứ. Mẹ cứ nhắc đi, nhắc lại: “Sáng mai dậy sớm, đánh răng sạch sẽ, ăn uống đàng hoàng rồi mới được đi chơi. Ði chơi nhưng không được vào nhà ai hết, nghe chưa con? Ðạp đất nhà người ta, mai mốt lỡ có chuyện gì, họ trách cho.”. Sau khi ngắm đi ngắm lại bộ quần áo mới của tôi, mẹ tỏ vẻ hài lòng: “Con mặc vừa lắm. Nhà mình nghèo, sắm bộ đồ mặc Tết và qua Tết, con mặc đi học luôn. Thôi, cởi ra để chị Hai ủi cho thẳng, sáng mai mặc.”. Tôi giãy nảy: “Ðể con mặc luôn đến giao thừa cúng với mẹ.”. Mặc cho mẹ nói, tôi nhất quyết không chịu và cứ để nguyên áo quần, giày dép, tôi đi qua đi lại trên giường vì sợ xuống đất, làm bẩn giày. Cuối cùng mẹ cũng chiều tôi.

Và khi tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng. Ba mẹ tôi đang ngồi ở phòng khách. Hai chị tôi không biết ở đâu. Tôi giật mình khi thấy bộ quần áo và đôi giày mới không còn trên người. Tôi vừa mếu máo thì mẹ tôi đã lên tiếng: “Dậy súc miệng, rửa mặt rồi ăn sáng con trai! Quần áo mới và chị Hai ủi lại rồi, để trên ghế kia kìa. Ðêm qua, một hai đòi thức cúng giao thừa với ba mẹ mà chỉ một chút đã lăn ra ngủ, làm áo quần nhàu hết”. Tôi vùng dậy thật nhanh…

2.

“Mọi chuyện dọn dẹp, chùi rửa nhà cửa, bàn ghế mấy chị em con đã làm hết rồi. Phần con là sửa soạn bàn thờ ông bà. Bộ lư đồng con chùi cho sáng. Thay hết bông trong bình và để sẵn một bình khác để cắm hoa tươi, cúng tất niên và rước ông bà…”. Năm nay, ba tôi quét vôi lại nhà nên nhìn nhà sáng rực cả lên. Không khí Tết đã tràn ngập cả nhà. Tôi lên gác để dọn bàn thờ ông bà như lời mẹ dặn nhưng bàn thờ đã có ai dọn dẹp, lau chùi cả rồi. Mọi thứ đã được bày biện đẹp đẽ. Tôi thắp hương lạy ông bà rồi quay xuống, nói với mẹ: “Bàn thờ dọn sạch sẽ rồi mà mẹ. Con đi gặp mấy đứa bạn và rủ tụi nó trưa về nhà mình ăn tất niên được không mẹ?”. Mẹ tôi gật đầu, dặn thêm: “Nhớ về sớm để lo cúng nghe con”.

Chúng tôi gồm 5 đứa, chơi với nhau đã lâu. Gia đình của đứa này cũng là gia đình của những đứa khác. Do hoàn cảnh, bọn tôi chia nhau ra nhiều ngả sống nhưng giao hẹn cứ mỗi năm, Tết đến thì dù bận bịu thế nào cũng rủ nhau về quê để gặp nhau một lần.  Năm nay, Xịnh và Huế về trước, Heo và Cò không biết xin được phép hay “dù” đơn vị, sáng 30 tháng Chạp mới về tới. Còn tôi thì gần hơn nhưng ham chơi, mãi chiều 29 mới về tới nhà. Trước khi gặp mấy đứa bạn thân thiết, tôi ghé nhà cô bạn gái, rủ: “Ði uống cà phê, em!”. Em lắc đầu: “Nhà chuẩn bị cúng, để tối nay đi xem thiên hạ chuẩn bị Tết luôn nghe anh.”. Cái thị xã nhỏ bé này, cứ ra đường là gặp. Tôi vừa quay xe ra thì mấy đứa bạn đã chặn đầu xe tôi, la lớn: “Biết ngay mà! Chỉ cần đến đây là gặp mầy rồi!”. Tôi cũng cười thật tươi: “Tao tính ghé đây rồi ra tụi mầy, kéo nhau đi uống cà phê rồi trưa về nhà tao ăn tất niên.”. Thế là cả bọn xuống quán cà phê quen thuộc.

Tối hôm đó, thị xã tấp nập người. Chúng tôi chạy xe chầm chậm qua các phố nhỏ, hẹp. Trời se lạnh và rất may mắn là không mưa. Ai nấy đều vội vàng chỉ riêng hai đứa tôi là cứ thủng thẳng, nhẩn nha xem mọi người mua sắm. Tôi đưa em qua cầu Kỳ Phú, đi về hướng đồi. Ngọn đồi thấp nhưng từ trên đỉnh có thể nhìn thấy biển Tam Thanh. Ðây là nơi chúng tôi thường lui tới vào những buổi chiều. Ðường lên đồi vắng vẻ và khá lạnh. Chúng tôi chạy một vòng đồi rồi quay về phố. Bây giờ đường phố bắt đầu thưa người, tôi đưa em về nhà: “Mai xuất hành, đi ngang qua nhà anh, nhớ mặc chiếc áo dài vàng nghe em. Anh đợi đó!”. Em gật đầu, tôi nghe lòng mình ấm áp và rộn rã…

3.

Mẹ ở dưới bếp, bắc ấm nước pha trà. Ba lo sửa soạn cúng giao thừa ở nhà trước. Tôi thắp nhang trên bàn thờ ông bà. Còn hơn 10 phút nữa là đúng thời điểm giao thừa. Chuông chùa ở gần nhà đã gióng vang. Ðã khá lâu, tôi mới có dịp đón giao thừa cùng ba mẹ. Lâu nay, chị em tôi ai cũng có gia đình riêng nên giao thừa chỉ có ba mẹ. Năm nay tôi quyết định về quê đón năm mới nên ngay từ 25 tháng Chạp, tôi đã có mặt ở nhà. Lâu ngày mới trở về, mọi thứ, từ trong nhà đến đường phố, có vẻ lạ lẫm với tôi. Giếng nước ngày xưa múc bằng gàu, nay được gắn máy bơm, tiện lợi hơn nhưng lại mất đi cảm giác vung tay kéo sợi dây dừa và sau cùng là nắm lấy thanh gỗ trên chiếc gàu, nghiêng cho nước đổ xuống. Chuyện  bình thường, đơn giản lắm nhưng ai đã một lần chạm tay vào gàu nước mát rượi sẽ nhớ mãi cảm giác sướng đến tê người, nhất là trong những ngày hè nắng nóng.

Có lẽ do có tôi về nên mẹ làm bánh mứt nhiều hơn; đặc biệt là những món ngày xưa tôi rất thích. Ðó là mứt sen. Gọi là mứt sen nhưng thực ra là đậu xanh nấu mềm, giã nhuyễn, ngào với đường rồi vo thành từng viên, lớn cỡ đầu ngón tay, xong sấy trên bếp than cho cứng rồi gói lại bằng giấy kiếng xanh, đỏ, cắt tua hai đầu. Mùi đậu xanh thơm nồng, tan trong miệng béo béo, ngọt ngọt rất được trẻ em và những người già ưa thích. Riêng tôi, thích nhất là cạo nồi đậu xanh cháy sém; vừa thơm, vừa nóng. Cạo đến đâu, bỏ vào miệng đến đó; nếu không sẽ có đứa giành mất. Năm nay, tôi nhận trông chừng lửa và cố tình để lửa già làm đậu cháy sém nhiều hơn. Mẹ biết tôi đang quay về thời tuổi nhỏ nên chỉ cười cười, không nói gì.

Cúng giao thừa xong. Ba mẹ và tôi ngồi nhâm nhi mấy lát mứt gừng. Vị gừng cay, hương trà nồng. Ba mẹ tôi không nói gì và tôi cũng yên lặng. Thời gian mỗi ngày mỗi ngắn đi nên chẳng ai muốn nhắc đến. Với tôi, có thể đây là cái Tết sau cùng có đầy đủ ba mẹ. Ông bà đã già, còn tôi thì cứ mãi xứ người. Cuối cùng, mẹ tôi ngập ngừng, hỏi: “Con có tính quay về đây sống với ba mẹ không?”. Tôi suy nghĩ, đắn đo rất nhiều. Nửa muốn về lại căn nhà cũ của ba mẹ; nửa không nỡ rời nơi đã nuôi dưỡng gia đình riêng của tôi. Nhưng, có lẽ…

4.

“Anh! anh! Dậy đi làm! Mơ gì mà ú ớ, quơ tay quơ chân quá trời vậy!”. Tôi giật mình, ngơ ngác: “Mấy giờ rồi em?”. “Chuông báo thức reo nãy giờ rồi!”. Tôi vùng dậy thật nhanh, chụp lấy điện thoại xem dự báo thời tiết. Ngoài kia, nhiệt độ báo 150F. Lạnh nhưng may mắn không có tuyết. Hôm nay, Mồng Một Tết Nguyên đán nhưng tôi vẫn phải đi làm. Ở đây, không có khái niệm giao thừa, đón năm mới. Một ngày giống như mọi ngày. Tôi biết, Tết chỉ ở phía bên kia! Bên kia là bên nào? Có phải, ở phía tuổi thơ tôi?

LVB – OKC