Menu Close

Thủ tục “Probate” là gì?

Một bà cụ gọi điện thoại đến văn phòng chúng tôi thắc mắc nếu bà tự viết di chúc thì luật pháp có cho phép không. Người thứ hai là một vị bác sĩ cao tuổi đến văn phòng tham khảo về giấy tờ di chúc mà ông đã nhờ một luật sư khác làm trong quá khứ, ông bối rối phân bua: “Tôi đã viết di chúc rồi thì tại sao sau khi tôi chết, người nhà vẫn phải ra tòa để phân chia tài sản trong khi con cái tôi không hề có tranh chấp?”  Sau buổi nói chuyện với người khách hàng là bác sĩ này, tôi nhận ra rằng kiến thức về thủ tục di chúc không phải ai cũng có điều kiện cập nhật.

Thủ tục di chúc là gì? 

Tờ di chúc sau khi được hoàn tất theo đúng luật pháp mới chỉ là phần đầu của thủ tục phân chia tài sản của người qua đời.  Tuy nhiên tờ di chúc chưa thực sự chứng minh chủ quyền của người được quyền thừa kế cho đến khi thủ tục di chúc (probate process) được hoàn tất.  Vậy thì thủ tục di chúc là gì?  Thủ tục di chúc là một thủ tục hành chánh mà tòa án chính thức công nhận 3 điều:

  1. Người viết di chúc đã qua đời.
  2. Tờ di chúc người chết hoàn tất là hợp lệ.
  3. Tòa chính thức cho phép việc quản lý/phân chia tài sản của người chết.

Mục đích của thủ tục di chúc là chuyển tài sản của người chết qua người còn sống có quyền thừa hưởng.

Do đó  có thể phải nộp tờ di chúc lên tòa án để xin hoàn tất thủ tục hành chánh.

Ai có thể xin tòa làm thủ tục di chúc?

Người thi hành (executor) được chỉ định trong giấy di chúc hoặc bất cứ người nào có quyền lợi thừa hưởng đều có thể nhờ luật sư trợ giúp để đứng tên nộp hồ sơ với tòa. Có 2 cách mà tòa có thể giải quyết một vụ (case) liên quan đến thủ tục di chúc. Tòa có thể giám sát (dependent administration) và không giám sát (independent administration) tùy theo từng trường hợp. Thông thường khi người chết có một tờ di chúc hợp pháp và trong tờ di chúc chỉ định cụ thể người thi hành ý định của người chết thì người thi hành có thể hoàn tất trách nhiệm của mình một cách uyển chuyển mà không bị tòa án giám sát một cách quá chặt chẽ và đó gọi là independent administration mà người thi hành không phải bị bắt đóng tiền bảo đảm (post surety bond) hay mua bảo hiểm (insurance) để bảo vệ tài sản của người chết. Còn khi người chết không có di chúc hoặc di chúc không đầy đủ, hợp pháp thì tòa án bắt phải đóng tiền surety bond, người thi hành phải xin phép tòa khi làm bất cứ chuyện gì liên quan đến việc phân chia tài sản, và phải nộp cho tòa báo cáo hằng năm về tài sản, nợ nần của người chết.

Tuy nhiên khi người chết đã viết di chúc hợp pháp và đầy đủ, nhưng người chết có tài sản quá ít, không thiếu nợ gì ai và người chết đã không dùng Medicaid để trả phí tổn y tế, thì một dạng thủ tục probate ít phức tạp hơn mà luật sư có thể giúp gia đình hoàn tất là Muniment of Title (giấy bằng chứng chủ quyền tài sản). Tuy nhiên cách này chỉ áp dụng ở Texas và chỉ hữu dụng cho việc giải quyết chủ quyền liên quan đến bất động sản. Những tài sản khác, chẳng hạn ngân khoản trong nhà băng, có thể sẽ không giải quyết được qua cách này, hoặc bất động sản ở ngoài tiểu bang Texas cũng có thể gặp trở ngại trong việc chuyển đổi chủ quyền.

Ngoài ra theo luật Texas, thủ tục hành chánh liên quan đến phân chia tài sản của người chết cũng có cách giải quyết khác khi người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, và tổng giá trị của tài sản người chết là $50 ngàn đô la trở lại thì những người có quyền thừa hưởng có thể nộp đăng ký giấy chứng nhận quyền thừa kế để lấy chủ quyền tài sản được thừa hưởng mà không phải thông qua thủ tục hành chánh phức tạp của tòa án.

Nộp di chúc cho tòa án ở đâu?

Một vấn đề mà nhiều người thắc mắc rằng khi người thân qua đời thì chính quyền/tòa án nơi đâu là nơi gia đình có thể nộp giấy tờ để hoàn tất thủ tục hành chánh của di chúc. Thường đó là nơi cư trú của người qua đời.  Theo luật Texas, nếu người qua đời khi còn sống không có một nơi ở cố định thì hồ sơ hành chánh di chúc có thể được nộp ở nơi người đó qua đời, hoặc nơi mà người qua đời có đa số tài sản, hoặc nơi người cùng huyết thống gần nhất với người qua đời sinh sống.  Luật Texas cũng giới hạn thời gian để hoàn tất thủ tục hành chánh về vấn đề di chúc chỉ có thể làm trong vòng 4 năm từ ngày người viết di chúc qua đời.

Ðáng tiếc rằng đôi khi chúng ta không nghĩ đến việc hoàn tất di chúc, hoặc vì tiếc tiền mà chúng ta tự làm để rồi khi có chuyện bất trắc xảy ra để giải quyết vấn đề phân chia tài sản còn phức tạp hơn và tốn kém hơn nhiều.

AT