Menu Close

Mùa hát đình

Hát đình là tập quán lâu đời ở miền Nam Việt Nam. Năm nào cũng vậy, từ Rằm Tháng Giêng cho đến hết Tháng Tư âm lịch là vào mùa hát đình. Các đình đua nhau mời ghe hát bội về hát để đón năm mới, coi như một cái “lễ” dâng lên Thần Thánh tạ ơn “cõi trên” đã phù hộ trong năm qua dân xã được cơm no áo ấm, cầu mong một năm mới được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình vui vẻ.

mua-hat-dinh1
nguồn Panoramio

Ðình ở xứ tôi thờ Ðức Thánh Trần (Hưng Ðạo Vương), ông Quan Công (kêu tắt là chùa Ông, miễu Ông), Ông Tề (tôi không biết ông Tề là ông nào, nghe người lớn gọi vậy thì biết vậy thôi), Bà Cố, Bà Chúa xứ, Bà Cửu Thiên Huyền Nữ… Quan niệm của dân quê, sau khi dâng xôi chè rượu thịt cúng đình xong thì nhất định phải có hát xướng suốt ba đêm liền cho Ông, Bà coi. Ông, Bà “vui” thì “phù hộ” cho dân mình suốt năm. Vì vậy, sân khấu hát đình không quay mặt ra ngoài mà được dựng quay mặt vào trong đình để… Thánh Thần coi.

Hát cho Thần coi phải là hát bội (ngoài Bắc gọi là hát tuồng), không hát cải lương. Thánh Thần có coi hát được hay không tôi không biết, chớ mỗi dịp này từ đầu trên đến xóm dưới dân chúng vui vẻ, rộn ràng lắm. Ai cũng cố gắng làm cho xong công việc trong ngày sớm, để cỡ 5 giờ chiều là cơm nước, tắm rửa sạch sẽ rồi bận quần áo đẹp kéo nhau đi coi hát. Ðứa con nít nào không ngoan sẽ bị dọa: “Lì (hoặc “ở dơ”, “vọc đất”) nói không nghe lời tối nay không cho đi coi hát đình” là đứa đó lo ngay ngáy, người lớn trong nhà kêu làm cái gì nó cũng làm rối rít.

Các đoàn hát đến xã tôi bằng chiếc ghe bầu thiệt bự. Tất cả đào kép, phông màn đều chất hết trên ghe. Ghe cặp bến sông, người ta lên bờ báo cho mấy ông xã biết để kêu người phụ khiêng đồ lên dựng sân khấu, còn đào kép được xếp chỗ cho ăn ở luôn trong mấy gian nhà hậu liêu đàng sau đình.

Thông thường, đoàn hay hát những vở tuồng cổ kinh điển như: San Hậu, Triệu Tử phò Ấu chúa, Lưu Bị cầu hôn Giang Tả, Ðào Tam Xuân báo phu cừu, Phụng Nghi Ðình, Phụng Kiều Lý Ðáng,v.v…Ðêm chót bao giờ cũng hát tuồng Phụng Kiều Lý Ðáng để cảnh cuối cùng Lý Ðáng lên làm vua (kêu là “tôn vương”) rất rầm rộ, tất cả đào kép trong đoàn đều ra chào lạy Thần rồi mới lãnh tiền thưởng đi về.

Hát đình ở quê, những hàng ghế đầu gần sân khấu dành riêng cho hàng Hương thân phụ lão hoặc quan viên chức sắc trong xã ngồi. Một vị có uy tín nhất được mời cầm cái trống nhỏ, kêu là “cầm chầu”. Trên sân khấu hát đoạn nào hay, ông ta phải gõ trống “tung tung”, tức thì thằng nhỏ (người giúp việc của ông ta) cầm sẵn tiền thưởng liệng lên sân khấu thưởng cho đào kép, và đào kép phải hát lại đoạn đó. Ðây là người “oai” nhất mà cũng là người mệt nhất, bởi ai cũng có thể coi hát đến chán, đến mệt thì có quyền tự nhiên đi về nhà ngủ, còn ông này phải ngồi suốt ở đó mà cầm trống. Hát hay mà không “tung tung” thì đào kép chửi, “tung tung” nhiều quá “lủng” túi tiền của xã thì dân xã chửi, trên sân khấu đang hát mà không có người “tung tung” bên dưới cũng bị cả đào kép lẫn dân xã chửi, đàng nào cũng khổ. Cho nên, dân miền Tây có câu: “Ở đời có bốn cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” là vậy đó.

Ðầu năm, dân chúng kéo nhau lũ lượt đi coi hát đình, ngoài chuyện thưởng thức văn nghệ vui vẻ, giải trí còn là để “bói tuồng”. Người muốn bói tuồng thì nhất định không được lân la ra sân khấu để tìm hiểu coi tối nay hát tuồng gì, mấy giờ hát, mà bất thần muốn ra coi giờ nào cũng được vì đoàn hát suốt từ đầu hôm cho đến sáng. Nếu người “bói” vừa ra mà gặp ngay cảnh những nhân vật gian như Ðổng Trác, Hàn Phụng… đang cười kha kha thì cho rằng “hên” (gian nịnh đắc thời), mà gặp nhân vật trung như Ðổng Kim Lân, Trịnh Ân… thì coi như “xui”, bị “thúi hẻo” cả năm vì người trung hay mắc nạn.

Lớp trung niên trở lên mới hay “bói tuồng”, chớ đám con nít như tụi tôi hay thanh niên đến coi hát nhằm mục đích “vui là chính” chớ không quan tâm, và cũng không tin lắm cái sự “bói tuồng” đúng hay sai.

Hồi tôi sáu, bảy tuổi, nói như người xứ tôi là “đứng mới tới háng” mà tôi mê coi hát đình lắm. Sau hàng ghế của Hương thân phụ lão là hàng người lớn khỏe mạnh lực lưỡng (có sức tranh chỗ) trải chiếu ngồi từ lúc mới chạng vạng, dù phải đến khi trời tối mịt khoảng 8 giờ mới mở màn. Thấp bé nhẹ cân như tôi đâu có chen lên trên được, thành ra phải leo lên mái nhà hay leo hàng rào, cây cối xung quanh đình coi. Dàn âm thanh cổ lỗ sĩ thời đó lúc hát thì nghe tiếng được tiếng mất, tiếng loa ẹc ẹc nhiều hơn là tiếng ca, mà ở xa sân khấu quá nhìn thấy đào kép trên sân khấu nhỏ như con búp bê, có thấy rõ mặt mũi gì đâu, vậy mà cũng ráng trèo lên cao để coi. Ðến khuya buồn ngủ quá thì leo xuống về nhà ngủ, ngủ một hồi nghe tiếng trống, tiếng đờn, tiếng hát “Ứ… ứ…” lại giật mình thức dậy ra đình coi tiếp.

Thấy tôi đi coi hát “cực khổ” quá, mà bắt tôi ở nhà thì tôi kêu gào khóc lóc inh ỏi không ai chịu nổi nên bà ngoại tôi dụ khị tôi ở nhà: “Bữa nay đình hát tuồng San Hậu, đứa nào họ Tạ đừng có coi. Ra đó nó chửi cả dòng họ cho mà nghe”. “Ủa! Sao vậy ngoại?”. Ngoại tôi nói: “Thì cái đoạn Tạ Ôn Ðình nó bắt bà mẹ Ðổng Kim Lân trói lại, kêu bả dụ Ðổng Kim Lân đầu hàng đó. Bà Ðổng mẫu bả chửi như vầy nè”. Ngoại tôi bèn bỏ bộ hát vai Ðổng mẫu: “Mồ cha cái dòng họ Tạ nhà bây! Bây tưởng đâu mụ già này dễ gạt, bây có tài thì ra đấu sức với con ta…”. Tôi trố mắt coi ngoại diễn tuồng, xong rồi lại lè nhè gào: “Ạ.. ạ.. ạ.. ạ.. ạ.. ạ.. ạ.. ạ…” cho đến khi có người quát: “Mày ra đó thấy háng người ta chớ thấy cái gì. Muốn đi đâu kệ cha mày. Bị chúng đạp dẹp lép đừng có kêu tao”.

mua-hat-dinh
Một gánh hát bộ xưa – nguồn rfa.org

Sau ngày 30/4/1975, cái sự hát đình ở quê tôi không còn xôm tụ nữa. Hương thân phụ lão đã bị “chính quyền mới” dẹp mất tiêu, đình làng bị “nhà nước quản lý” dẹp bàn thờ Thần co cụm vào một chỗ, lấy khoảng trống cho Hợp tác xã “mần việc” hay làm thành những lớp học dã chiến cho học trò vô học, dù trường học xã tôi được xây kế bên đình và không hề thiếu chỗ cũng như thiếu đất cất phòng học mới. Ðình miễu hết còn là chốn linh thiêng, bọn học trò con nít có dịp leo lên “đè đầu cỡi cổ” lũ lân, ly, quy, phụng, hạc bự bằng người thật đứng trong chánh điện.

Bây giờ, tục hát đình ở quê tôi đã duy trì lại, nhưng không phải cứ cố định là hát bội, mà hát cải lương tuồng cổ cũng được luôn. Nếu như ngày xưa chúng tôi chỉ được coi hát bội các gánh “bồ tèo” thì bây giờ dân quê đường hoàng mời cả nghệ sĩ cải lương ngôi sao “thứ dữ” như Vũ Linh, Kim Tử Long, Lệ Thủy, Minh Vương, Thoại Mỹ… đến hát đình.

Hát đình ở quê tôi khác với hát đình ở Sài Gòn (còn gọi là hát chầu) ở chỗ người dân quê cho rằng chùa chiền (thờ Phật) là nơi thanh tịnh, cần sự tĩnh mịch, yên lặng, không phù hợp với chuyện hát hò ầm ĩ thâu đêm suốt sáng, nên chùa quê tôi không mời đoàn hát đến hát bao giờ. Các chùa Sài Gòn hiện nay thường mời nghệ sĩ cải lương đến hát lắm. Có lẽ Phật cũng “đổi gu” coi hát hay sao á?

TPT