Bài 2
“Người không còn trẻ” là chữ Dế Mèn tạm dùng để gọi thế hệ “Baby Boomer”. Ðây là những người sinh trong những năm 1946-1964. Sau thế chiến II, chiến binh Huê Kỳ trở về và con nít ra đời ào ào sau đó, hiện tượng sinh nở rầm rộ (booming) này là gốc gác của chữ “Baby Boomer”.
Nhóm người không còn trẻ đã chứng kiến nhiều biến cố vĩ đại trong lịch sử, nhất là cư dân Huê Kỳ. Họ chứng kiến việc con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng qua màn hình tivi đen trắng, việc người Mỹ tham gia cũng như bỏ chạy từ các cuộc chiến tranh trên thế giới, việc trái đất trở nên… phẳng lì trước các kỹ thuật truyền thông hiện đại qua mạng ảo. Nói một cách giản dị là khi so sánh với các thế hệ trước, thế hệ Boomer đã tham gia thay đổi khá nhiều bộ mặt xã hội, kinh tế, vị thế chính trị của quốc gia này trong khung cảnh quốc tế. Ra đời trong hoàn cảnh thiếu thốn của gia đình và sự khó khăn thóc cao gạo kém trong xã hội chung quanh, người không còn trẻ [đã] sẵn sàng dấn thân, chịu thương chịu khó làm lụng, xem trọng việc làm. Họ chịu thay đổi nếp sống để củng cố việc làm và không mấy khi đổi việc. Ðiều này dẫn đến sự thủy chung với hãng xưởng, công ty làm việc và nể trọng sếp. Thế hệ này cần kiệm, dành dụm tiền bạc phòng khi mưa bão vì họ chứng kiến các khó khăn của cha mẹ trong thời khủng hoảng kinh tế.
Thế hệ Boomer đang bước vào mùa thu của cuộc đời, nhịp độ lão hóa cũng ào ạt như nhịp độ ra đời! Theo thống kê của nha An Sinh Xã Hội, cứ mỗi bảy (7) giây đồng hồ là có một người đủ 50 tuổi. Nghĩa là số người bạc tóc gia tăng rầm rộ nên các nhà xã hội học đặt luôn cái tên “Sóng Bạc” (“Silver Tsunami”) cho hiện tượng lão hóa ồ ạt này!
Chính thế hệ này, trong thập niên 60 của thế kỷ trước, khi còn trẻ đã từng bảo nhau “Ðừng tin lời những người tuổi trên 30!”. Hình như có lần ông NCK bên ta đã tuyên bố “trên 30 [tuổi] là vứt đi” (để chiêu dụ người trẻ?)? Chiếm số đông trong xã hội nên các “Boomer” đã “đặt lại bàn cờ” xã hội từ cách làm việc, chăm sóc sức khỏe đến việc tiêu thụ. Người không còn trẻ xem ra chịu đựng và lạc quan (so với các thế hệ cha mẹ và con cháu). Rủng rỉnh tiền bạc và khỏe mạnh nên “Boomer” xông xáo hơn, dễ dàng chịu thử thách. Họ chế ra khái niệm “lần thứ nhì” (chuyển ý từ chữ “second act”) để khởi đầu một cách sinh sống thứ nhì, như làm một công việc mới hoàn toàn khác với việc làm trước đó, thay đổi chỗ ở như dọn nhà từ đông sang tây hoặc qua tuốt Âu châu, Á châu để tận hưởng một nếp sống mới. Họ quan niệm rằng việc trải nghiệm một sinh hoạt xa lạ là điều thú vị, đáng sống!
Không hài lòng với sự thay đổi trong xã hội, tham dự cũng như chứng kiến nhiều biến cố lịch sử nên người không còn trẻ không còn mấy tin tưởng vào chính khách, tình hình bất ổn, bất công trong xã hội cũng như việc buôn bán cạn tàu ráo máng của những đại công ty. Họ vẫn giữ được cái nhìn lạc quan, dễ dãi và khá lý tưởng, hình ảnh của dân Hippy và Woodstock ngày xa xưa.
“Boomer” vẫn duy trì một số sở thích thói quen [cũ], dù chấp nhận các thay đổi lớn trong xã hội; xem ra họ là một thế hệ ‘cấp tiến’ hơn các thế hệ khác. Người không còn trẻ phần lớn vẫn chưa chịu xăm mình, chỉ khoảng 15% có hình xăm trên thân thể so với 40% người trẻ (millennials) và 30% thế hệ “X” (sanh trong những năm 1965 – 1980).
Họ thích làm việc, phần lớn những người trong tuổi 50-61 đều muốn tiếp tục đi làm qua tuổi 65 nếu còn khỏe mạnh và tài năng còn được sử dụng. Không mấy ai chọn hưu trí dù đã bước vào tuổi 60. Rảnh rang, nhàn hạ xem ra đồng nghĩa với “nhàm chán” và là điều đáng sợ với những người “sống để làm việc”, hay “live to work” thay cho quan niệm “làm việc để sống” (work to live). Họ có thể làm một công việc khác với môi trường quen thuộc cũ, người dạy học chuyển qua việc nấu ăn, làm nhạc công… để tiêu xài thời giờ và để kiếm thêm tiền xài chơi.
Người không còn trẻ làm việc, hoạt động và sống lâu hơn các thế hệ trước, tuổi “già” ngày nay bắt đầu từ 74 khi sức khỏe có dấu hiệu suy thoái. Ðây là yếu tố khiến các công ty [còn] cung cấp lương hưu (pension) vô cùng lo âu, nhân viên về hưu sẽ lãnh hưu bổng lâu dài hơn, ước tính khoảng 24 năm, so với các thế hệ trước chỉ lãnh lương hưu khoảng 10-12 năm. Tất nhiên, công ty lo âu vì nhân viên lãnh lương hưu lâu như thế thì… tiền đâu mà trang trải? Họ chỉ tính toán hoạch định dựa trên các con số thống kê xưa cũ nên quỹ hưu bổng của nhiều công ty sẽ sạch bong rất sớm. Không lạ là nhiều công ty lớn không còn có mục lương hưu bổng nữa, với các “Boomer” cố cựu [đã có phần hưu bổng], công ty thường dụ khị những nhân viên về hưu lãnh hẳn một món tiền lớn cho xong!
Trước những kỹ thuật điện toán mới mẻ, “Boomer” xoay trở ra sao? Họ học hỏi và cập nhật khá nhanh, chữ đương thời là “tech-savvy”, để sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến. Số người không còn trẻ có điện thoại thông minh tương đương với số người trẻ; và hầu hết đều trang bị tận răng với các loại máy, bảng điện toán… 85% các “Boomer” sử dụng “text messaging”, mỗi tháng họ gửi khoảng 80 mẩu tin nhắn cho bạn bè thân nhân. Ðây là thế hệ sở hữu bảng điện toán rộng rãi nhất so với các thế hệ khác.
Những thần tượng của thế hệ “Boomer” bao gồm:
– Steven Spielberg, 68 tuổi, đạo diễn và sản xuất phim ảnh lừng lẫy một thời (Jaws, E.T., Indiana Jones, Schindler’s List và Jurassic Park…), tác phẩm của ông ấy có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến ngành giải trí, diễn viên điện ảnh và kỹ thuật “số”, digital technology, dùng cho màn ảnh “lớn”.

– Steve Jobs, sếp cũ đã quá vãng của công ty Trái Táo Sứt, là một nhân vật nhìn xa trông rộng nổi tiếng nhất của Silicon Valley, Thung Lũng Ðiện Tử. Từ máy điện toán Apple đến iPad, phim ảnh 3 chiều đến âm nhạc [trên] mạng ảo, ông Jobs đã thay đổi toàn diện cách con người liên lạc với nhau, đã biến hệ thống máy móc, dụng cụ điện tử thành những món gia dụng, nhà nhà đều phải sắm ít nhất vài thứ.

– Bill, 70 tuổi, và Hillary Clinton, 68 tuổi, tai tiếng là thế nhưng đôi vợ chồng này, ông chồng là vị tổng thống đầu tiên của thế hệ “Boomer” và bà vợ nắm giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ, đã trở thành hình ảnh của “power couple”, cả đôi đều là chính khách, giữ vị thế lãnh đạo. Hình ảnh này hiếm có trong lịch sử cận kim.

– Oprah Winfrey, 62 tuổi, phụ nữ da màu đầu tiên trên thế giới kiếm bạc tỷ qua ngành giải trí. Bà ấy kiếm bạc ào ào từ các chương trình giải trí,xướng ngôn, điều khiển chương trình, đóng phim, viết sách… Nổi tiếng quá nên bà Winfrey đã dẫn dắt và trợ giúp các tay ăn nói khác như Rachael Ray và Bác Sĩ Mehmet Oz cũng thành danh trong nghề “nói ra bạc” như bà ấy.

Một số dữ kiện đáng kể khác về thế hệ “Boomer”:
– 4.3 triệu đứa trẻ ra đời năm 1957 tại Huê Kỳ, cao điểm của thế hệ “Boomer”, khoảng 8 đứa trẻ chào đời mỗi phút đồng hồ!
– 24.3% dân số Huê Kỳ thuộc thế hệ “Boomer” là những người thừa hưởng khoảng 8.4 ức (trillion) Mỹ kim từ cha mẹ và thân nhân.
– 50% “Boomer” trẻ (tuổi <55) sử dụng các môi trường truyền thông xã hội, social networks, đây là nhóm người lên mạng ảo mỗi ngày một đông, đông nhất so với các nhóm tuổi khác. Diễn nôm na là các tay buôn bán trong ngành truyền thông sẽ cần o bế nhóm người này để quảng cáo các hàng hóa, dịch vụ rao bán.
Những người không còn trẻ đang chuyển giao di sản tinh thần cũng như vật chất cho thế hệ con cháu, tre già măng mọc là điều hiển nhiên. Rút chân từ từ khỏi chính trường dù vẫn tiếp tục đóng góp với xã hội là việc cần thiết. Các căn bản này hẳn sẽ giúp người trẻ tiếp tục gầy dựng một thế giới tử tế, bình đẳng cho thế hệ tương lai.
TLL