Sau biến cố tháng Tư, 1975, anh bạn của tôi, một công dân Cộng Hòa chính hiệu, đang thất cơ lỡ vận vì cuộc đổi trắng thay đen, “buồn chết mẹ”, anh lại cắc cớ ưa dùng những từ ngữ rất lạ tai, đôi khi rườm rà vô nghĩa, gây ra nhiều bực mình đối với người Miền Nam.
Mớ từ ngữ mới này, rất ư lỉnh kỉnh vừa được du nhập từ miền Bắc vào miền Nam sau hai mươi mốt năm đất nước bị chia đôi qua dòng sông Bến Hải. Sự cách biệt, đối kháng bên này và bên kia cây cầu Ly biệt mang tên Hiền Lương, có thể chữ nghĩa, lời ăn tiếng nói bao năm bị cưỡng chế, bị vo tròn bóp méo theo nhu cầu ý thức hệ, mỗi hoàn cảnh xã hội đối nghịch nhau. Cũng có thể nó là hậu thân của những ngữ từ được mệnh danh là Kách mệnh, như “bức xúc”“bổ sung”, “nắm bắt”…
Ðể “hạn chế” thằng Cu nhỏ ăn hỗn, nuốt chưa hết miếng ăn này liền tộng miếng khác vào mồm, anh bạn “bức xúc”, bèn khuyên con:
– “Tranh thủ bồi dưỡng” chừng chừng thôi con !.
Một hôm vợ bị cảm cúm anh dặn dò:
– Hãy “Triệt để đấu tranh chống lạnh”.
– Ðấu tranh chống lạnh là cái gì?
– Là mặc áo ấm, xoa dầu nóng, tránh xa chỗ mưa gió.
Nhìn trời mây có phần u ám, anh dự báo thời tiết:
– Em ạ, ông trời sắp “bổ sung” thêm mưa, ngày mai độ lạnh sẽ được “tăng cường”.
– Ăn nói nghe mà xanh dờn, như mấy cha nón cối.
***
Buổi tối trăng sáng ngàn ngàn ngoài hiên nhà, con gái anh bên ngọn đèn dầu tù mù vì Sàigòn liên miên cúp điện, đọc mấy câu ca dao. Ca dao thuộc hệ văn chương bình dân, ngôn ngữ hiền hòa dễ hiểu, ý tứ gần gũi, thơ mộng chỗ nhân gian.
“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay…”
Bốn câu trên là đoạn mở đầu của bài Nụ Tầm Xuân, đẹp như thơ, toàn bộ là thuần nôm, trừ hai từ Tầm Xuân là âm Hán Việt.
Anh bạn bèn lên gân, ra điều dạy dỗ, cho rằng chữ nghĩa như thế là xưa quá rồi. Phải “canh tân văn chương” bằng ngôn ngữ mới. Anh chữa lại cho hợp thể trạng đương thời, một thể trạng xưa kia cơm trắng cá tươi nay trường kỳ khoai lang chấm muối trắng. Con gái nể nang cha, vừa nhăn mặt vừa lắng nghe. Lại vừa kinh hoàng cái não trạng trắng nõn của cha.
“Trèo lên cây bưởi nghiệm thu hoa
Đổ bộ vườn cà thu hoạch nụ tầm xuân
Cá thể tầm xuân triển khai xanh biếc
Em tuyên hôn rồi anh bức xúc lắm thay”
Tương truyền bài ca dao Nụ Tầm Xuân – cũng có thể gọi là một bài thơ – gồm hai phần. Phần trên bốn câu, và dưới tám câu, của hai tác giả.
Bốn câu trên là của Thanh Ðô Vương Trịnh Tráng [1577-1657] Chúa thứ ba đời Lê Trung Hưng, nhắn gởi tới Ðào Duy Từ, với niềm hối tiếc đã bỏ quên một bậc hiền tài.
Ðào Duy Từ [1572-1634] sống vào thời Vua Lê Chúa Trịnh trên đất Bắc, có người cha là một kép hát. Luật thi cử thời Hán học quá khắt khe. Con nhà “xướng ca”, dù học giỏi, văn hay chữ tốt, thuộc loại xuất chúng, vẫn không được vào trường thi. Ðào Duy Từ đã từ biệt đất Bắc của Chúa Trịnh, vào phương Nam phò Chúa Nguyễn, tìm đường tiến thân. Ông giúp Chúa Nguyễn rất nhiều trong thời khởi nghiệp khó khăn ở Ðàng Trong, được xem như một bậc khai quốc công thần.
Công trình quân sự mang tính lịch sử của Ðào Duy Từ là Lũy Thầy, quần thể gọi chung ba lũy Trường Dục, Ðông Hải và lũy Trường Sa. Ðào Duy Từ là “kiến trúc sư” thiết kế, kiêm chỉ huy xây dựng. Lũy được khởi công năm 1630 theo lệnh Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Mục đích là bảo vệ lãnh thổ của Ðàng Trong trước các cuộc tấn công nhằm thôn tính của thế lực Ðàng Ngoài. Khu vực Lũy Thầy ngày nay thuộc Ðồng Hới, Quảng Bình.
Chính Chúa Trịnh Tráng [về sau là Chúa Trịnh Tạc] đã nhiều lần xua đại binh tấn công để chiếm đoạt phương Nam, nhưng không thể nào vượt qua được tuyến phòng ngự Lũy Thầy, Chúa Trịnh đành ngậm ngùi kéo quân trở lại Bắc Hà, với nỗi hận đại bại, xác phơi đầy lũy.
Thanh Ðô Vương Trịnh Tráng hối tiếc đã bỏ lỡ một bậc hiền tài, nên gởi đến Ðào Duy Từ lời tâm sự [qua bốn câu thơ trên]. Ðào Duy Từ cảm thông tấm lòng Trịnh Tráng, nhưng ông giữ danh phận của kẻ sĩ, một lòng trung với Chúa Nguyễn, theo đúng đạo làm tôi. Tám câu dưới đây là của Ðào Duy Từ phúc đáp Thanh Ðô Vương Trịnh Tráng.
Tiếc gì một mớ trầu cay,
Sao không ướm hỏi từ ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng
Như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra.
Sử lịch, phảng phất như một huyền thoại, được ẩn dụ trong một mối tình buông lỡ. Ở đây, chiến tranh, binh đao, sự thù hận đã vắng bóng.
Ác nhơn, tuyệt tác Nụ Tầm Xuân được anh bạn tôi nhẫn tâm gia công, “Kách mệnh hóa”. Cái tâm tình lồng lộng nhân văn trên đã hóa ra, nghe nó rờn rợn cái màu nghị quyết, như thế này:
Hạn chế gì một tem phiếu trầu cay,
Sao không tuyên bố từ ngày còn “đơn phương”
Bây giờ em “tồn tại” bên chồng
Như chim “bảo quản” trong lồng
Như cá “tiếp thu” cái … lưỡi câu
Cá cắn câu biết đâu mà “giải phóng”
Chim vào lồng biết thuở nào “tự do”.
***
Lại nói về anh chàng đắm chìm trong nghịch nhĩ, nạn nhân của ngôn ngữ đầy gai nhọn lẫn côn trùng ngọ nguậy.
Vợ anh là người làm ăn chân chất. Mỗi tối chị thường bàn bạc cùng chồng về những công việc cho ngày hôm sau. Một tối, ăn cơm xong, anh bạn hỏi vợ:
– Này, em rảnh chưa?
– Dạ, rảnh việc rồi.
– Vậy lại đây tôi vạch ra cho mà nắm.
Vợ anh bạn ngơ ngác vừa thẹn thùng, hỏi:
– Ăn nói cái gì mà ghê vậy?
– Thì tôi “vạch” chương trình, em “nắm” những chi tiết chính để “quán triệt” mà “thực thi”!
***
Bao là gió mưa đời. Chúng tôi xiêu lạc. Người vào trại tù. Kẻ vượt biên quá hải. Thời gian thấm thoắt hơn mười lăm năm trôi qua, vừa đây tôi tình cờ gặp lại anh. Anh gầy nhiều, điềm tĩnh và giản dị hơn.
Quán chiều Sàigòn. Nắng vàng phai. Gió tháng Bảy vừa qua cơn mưa, lá rụng và những giọt mưa sót rụng theo. Chúng tôi ngồi vỉa hè. Tất thảy vỉa hè Sàigòn dù ngắn hay dài, rộng hay hẹp, thường là quán cà phê, là bãi rượu trưa chiều. Nơi đây, là cái lỗ “hồ trường” để trút cho nhau tâm sự, cả trút linh hồn.
Chợt thấy anh thong dong đi bộ tới. Bàn ghế nghễnh ngãng, chen chúc hàng hiên. Tôi mời anh ngồi. Gọi thêm chai bia. Và vui hỏi:
– Ði đâu vậy bạn?
– Tà tà.
– Dạo này làm ăn ra sao?
– Lè phè.
– Còn nhậu nhẹt chi không?
– Lai rai.
– Con cái học hành khá không?
– Tành tành.
Quá ngạc nhiên. Hỏi:
– Ủa, sao ngày trước cậu nổ toàn “ra phanh” như súng tiểu liên, những “hồ hởi, năng nổ, đảm bảo, còn bây giờ thì tỉa phát một vậy?
Với một nụ cười khả ái trên môi, anh bạn tâm sự:
– Lấy cái điên rồ để xóa bớt niềm đau. Là vậy thôi. Nói như Bùi Giáng “Vui thôi mà”.

HNH