Menu Close

Ngoại

Không hiểu sao, mỗi lần nhắc đến chữ “ngoại” là tôi liên tưởng ngay đến bài hát của Đinh Miên Vũ, người bạn đồng hương và cũng đồng trại tù cải tạo sau 1975, “Sương trắng miền quê ngoại”:

Mẹ biết bây giờ con ngồi hố nhỏ
Gió hẹn mưa thề một khi con về quê ngoại xưa
Để mẹ nhắn lời thăm
Đường làng cũ năm nào khi con còn bé nhỏ
Theo mẹ đến trường

Giờ đây con đường xưa còn đó
Tóc liễu vờn gió ru buồn …

Một bài hát rất lính (miền Nam), rất tình cảm, rất chân thành, bùi ngùi mà không bi lụy. Tác giả “bận hành quân”, đang ngồi canh giặc dưới một “hố nhỏ”, nhớ về những ngày tuổi thơ ở quê ngoại. Một quê ngoại thanh bình và ấm áp.

Tôi không ở bên ngoại như trong bài hát, nhưng hai chữ quê ngoại gợi cho tôi nhiều cảm giác lẫn lộn. Tôi ở bên nội ngay từ lúc mới ra đời. Bởi thế, với tôi, ngoại là cái gì khá xa cách. Lý do đơn giản chỉ là vì quê ngoại quá xa, lại ở vùng nông thôn hẻo lánh. Trước đây, vì sinh kế và vì chiến tranh, họ hàng bên nội tôi bồng bế nhau về sống như những kẻ ngụ cư ở một thành phố khác. Phương tiện giao thông còn khó khăn, nên hiếm khi đi đâu. Mỗi lần “về ngoại” là mỗi lần phải chuẩn bị cả một thời gian dài. Đi xe ngựa rồi đi xe đò rồi đi đò rồi đi bộ. Chuẩn bị dài nhưng cuộc thăm bao giờ cũng ngắn ngủi, chỉ một đôi ngày, qua rất mau. Không hiểu sao, cảm giác về quê ngoại bao giờ cũng đượm vẻ bùi ngùi. Có lẽ vì nó ngắn quá. Mà cũng có lẽ vì “ngoại” là một cái gì có vẻ “ngoại”, có vẻ không mấy ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của mình, nhưng lại là nơi ghi dấu nơi ra đời của một người đáng yêu nhất: mẹ.

Trong cái ngắn ngủi này, mẹ lúc nào cũng vội vội vàng vàng, đi lui đi tới lăng xăng, chưa xong người này đã qua người khác, chưa xong nhà này vội qua nhà khác, chưa xong chuyện này đã sang chuyện khác. Mẹ như muốn làm tất cả mọi điều trong cùng một lúc. Đi thắp nhang nhà thờ họ, rồi về thắp nhang nhà ông ngoại, bà ngoại, rồi hấp tấp, bươn bả đi thăm mộ ông cố, bà cố, mộ ông chú bà dì. Rồi thăm dì, thăm cậu, thăm anh, thăm chị, thăm bà con họ hàng bên nội, bên ngoại. Thăm những người đầu xóm, cuối xóm. Thăm những người ơn nghĩa ngày nào xa xưa. Thăm bà bạn hồi còn nhảy dây, nhảy cò cò , thăm một “ông” già ngày xưa đã từng mê mẹ nhưng duyên nợ không thành. Đâu đâu cũng mừng mừng rỡ rỡ, tíu ta tíu tít. Thằng bé theo mẹ phải chào, phải thưa, phải gọi, phải vâng vâng dạ dạ suốt ngày. Được vuốt đầu, được khen, được cho tiền, cho kẹo. Ngồi nghe mẹ, nghe cậu, nghe dì kể chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện ma, chuyện bắt ốc, mò cua, chuyện linh tinh lỉnh kỉnh. Thăm cầu ao, thăm góc vườn thuở nhỏ, thăm cây đa đầu làng mà bom đạn đã xén mất một nửa. Chao ôi, từ thành phố về nhà quê, từ nội về ngoại như đến một xứ lạ, đầy dẫy những điều mới mẻ, lạ lùng y như thể đến một thế giới khác.

Thành thử, thằng nhỏ năm nào cũng đòi về. Và ước ao lớn nhất là được một lần ăn Tết ở quê ngoại. Năn nỉ mẹ mãi. Mẹ tôi hứa, hứa, hứa rồi lại hứa. Và thất hứa vì việc bên nội bề bộn quá. Rốt cuộc, cả thời tuổi thơ, tôi chỉ được về ngoại có hai lần. Thời gian qua đi, ăn Tết quê ngoại vẫn chỉ là ước mơ. Trong tôi, quê ngoại cứ xa dần theo tuổi. Mà quê ngoại đối với mẹ tôi dường như cũng xa dần. Nhớ lại, mỗi lần về thăm, mẹ tôi vừa như người nhà lại vừa như khách. Vội vàng thăm vội vàng viếng vội vàng đi. Trong cái gần gũi lại có cái gì khá xa cách. Ấn tượng đó đeo đẳng mãi trong tôi.

Đúng là “ngoại”! Ngoại là ngoài, là một bên, là – nói theo tiếng Mỹ- “outsider”. Giống như trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, người ta vẫn gọi Trump là người “outsider”, kẻ đứng ngoài, ở ngoài, không thuộc hàng ngũ chuyên nghiệp, không thuộc người của định chế. “Ngoài” thì khác với “trong”. Trong là “nội”. Chả thế mà ta có cháu nội cháu ngoại, bà nội bà ngoại, họ nội họ ngoại. Có thể đó chỉ là cách định danh, là cách để phân biệt bên cha, bên mẹ. Nhưng cũng là một quan niệm, một định chế. Lâu ngày, nó trở thành truyền thống. Không những thế, quy luật; thậm chí, quy luật tự nhiên. Chả thế mà khi nghe tin cậu con trai duy nhất của tôi sắp có con, lại là con trai, cô con gái đầu tôi gọi điện thoại chúc mừng: “Mừng ba sắp có cháu đích tôn.” Một vài người bà con cũng như một vài người bạn khi nghe tin cũng có lời chúc mừng tương tự.

Đích tôn! Tôi hỏi cô con gái, vậy thì mấy đứa con của con chẳng phải là cháu của ba hay sao? Đó là cháu ngoại, cô trả lời. Ừ, thì cháu ngoại, cháu ngoại không phải là cháu hay sao, tôi hỏi. “Cháu ngoại là cháu ngoại, chưa phải là đích tôn,” cô quả quyết. Đại khái là cha con tôi trao đổi nhau như thế. Thú thật, tôi có hơi dị ứng với hai chữ “đích tôn”. Đích có nghĩa là chính, là thực. Vậy đích tôn là cháu chính, cháu thật. Do hiểu như thế, những cháu khác đều không phải là cháu thật, nhất là cháu ngoại. Thực ra, tìm hiểu chữ Hán, tôi mới hay: đích () có bộ “nữ”, có nghĩa là vợ chính, “đích thất” (); con trai của vợ chính là “đích tử”. Do đó, đích tôn có nghĩa là con trai đầu của người vợ chính. Tự điển Hán-Anh dịch đích tôn là “first wife” hay “son of first wife”. Đúng là tôi lầm. Nhưng không lầm lắm. Hiểu cách nào thì “đích tôn” vẫn là một đứa cháu đặc biệt, đặc biệt nhất trong tất cả các cháu, kể cả khi so sánh với các cháu trai khác.

Vậy nếu không phải đích tôn thì là gì? Là “nội tôn”, cháu nội. Còn “bàng tôn” () hay “ngoại tôn” () là cháu ngoại. Sự phân biệt đích tôn với bàng tôn và ngoại tôn vẫn làm cho tôi bối rối. Nhất là khi bắt đầu có cháu. Các cháu đầu của tôi đều là cháu ngoại. Gọi là ngoại, nhưng tình cảm mình không có chút gì gọi là ngoại. Con gái mình mang nặng đẻ đau, sinh ra cháu. Cháu là cháu. Là con của con mình. Tại sao chúng nó lại ở “bên ngoài” trong lúc đối với tôi, cháu nào cũng là từ “trong” mà ra; chẳng có đứa nào từ “ngoài” mà lọt vào được. Có lẽ vì cái trong, cái ngoài đó mà khi bà xã tôi chăm sóc cho đứa cháu ngoại, con cô con gái thứ hai, thì được bà cô chồng, rối rít cám ơn, cám ơn một cách thành thật. Y như thể một người nào xa lạ đến chăm sóc giúp.

Hóa ra, sự phân biệt nội, ngoại đã thành một nếp sinh hoạt tinh thần của nhiều người. Tâm lý chuộng con trai – mà người Hoa Kỳ dịch ra là “son preference” – đã trở thành một nhân sinh quan không những ở những xứ chịu ảnh hưởng Khổng giáo như ở Việt Nam, Trung Hoa hay Triều Tiên, mà ở nhiều nơi trên thế giới, từ Algeria, Ai Cập, Libya, Ma Rốc, Tunisia, Liberia, Senegal, Madagascar cho đến Ấn Độ, Pakistan, vân vân. Nhân sinh quan này, tuy trông có vẻ bình thường đối với mọi người, đôi khi cũng gây ra những hậu quả có khi rất trầm trọng. Chẳng hạn như ở Trung Cộng hiện nay, nhiều bi kịch – và thảm kịch – xảy ra cũng xuất phát từ cái bình thường đó. Trong lúc đó, xã hội Hoa Kỳ có khác. Không tìm đâu xa, chỉ cần nhìn vào gia đình của ba tổng thống gần đây nhất là Clinton, Bush-Con và Obama. Cả ba đều chẳng sinh ra được “đích tôn” nào cho cha mẹ họ. Vợ chồng Clinton một con gái; vợ chồng Bush-Con hai gái và vợ chồng Obama hai gái. Có điều, rõ ràng là họ chẳng quan tâm đến chuyện họ thiếu kẻ nối dõi tông đường. Có lẽ theo họ, con nào cũng là “đích tử”. Và cháu nào cũng là “đích tôn”. Không “trong” cũng chẳng “ngoài”. Không nội cũng chẳng ngoại.  Chẳng biết sống lâu ở xứ sở này, chuyện nội, ngoại có phần nào cũng nguôi ngoai trong tâm lý của những người đến định cư hay không?

Nhà thơ Trần Mộng Tú có lần đề cập đến chuyện nội, ngoại. Trong bài ký ngắn, “Bên nội”, chị viết:

“Bây giờ tôi đứng đây, quê chồng trước mặt, quê cha xa vời vợi. Tôi nhớ lại những câu thơ viết xuống cách đây hơn hai mươi năm về trước, khi lần đầu dắt các con về thăm ông bà nội.

          Tôi dắt con về thăm bên nội

          Tìm mãi đầu làng, không thấy bóng cây đa

          Đâu mái đình cong

          Đâu khóm tre già

          Đám bèo tấm trên mặt ao rau muống

(…)

   Kẻ phương xa bỗng thấy buồn vời vợi

          Ngước mặt nhìn mây trắng nhớ quê xưa.

 

Nhà thơ của chúng ta, thăm “nội” mà nhớ “ngoại”.

Với tôi, bây giờ chẳng còn quê ngoại, cũng chẳng còn quê nội mà chỉ còn… quê hương. Nội cũng bên đó. Mà ngoại cũng bên đó. Quá gần mà cũng rất xa. Có lẽ, quê hương chính là quê ngoại, là hình ảnh “Đường làng cũ năm nào khi con còn bé nhỏ/Theo mẹ đến trường giờ đây con đường xưa còn đó/Tóc liễu vờn gió ru buồn …”

Chao ôi, bao năm bao tháng trôi qua mà sương vẫn còn trắng trên miền quê ngoại!

Thắm Nguyễn
Thắm Nguyễn

(11/2016)