Ngày Tết tại quê nhà, gia đình người miền Nam nào cũng bày mâm trái cây ngũ quả, đặt trang trọng trên bàn thờ ông bà. Tùy từng nhà, mâm cỗ có khác nhau, nhưng nhân gian muốn mâm quả mang đủ ý nghĩa, chọn theo tên trái cây đúng mùa. “Cầu vừa đủ xài”, “cầu vừa đủ sung” chính là mâm quả được chọn theo tên của bốn loại trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài hay mãng cầu, dừa, đu đủ, sung!
Ý niệm “cầu vừa đủ xài,” cũng giống như một lời cầu khấn trong kinh Lạy Cha của người Công Giáo: “Xin cho chúng con được hằng ngày dùng đủ!” Người tín đồ Công Giáo chỉ xin Chúa cho được hằng ngày dùng đủ? Nhưng thế nào là đủ?
Trong Hán ngữ, chữ Dụ (đầy đủ, dư dật: “裕”) do chữ Y (y phục, quần áo: “衣”) kết hợp với chữ Cốc (ngũ cốc, lúa gạo: “谷”) tạo thành. Như vậy, định nghĩa cho chuyện “đầy đủ, dư dật” là có quần áo mặc và có cơm ăn. Ăn no mặc ấm là được vui vẻ, hạnh phúc rồi, còn mong gì nữa!
Chúng ta thường mong được cơm no, áo ấm, nhưng được cơm no, áo ấm chưa đủ, lại muốn ăn ngon, mặc đẹp. Thấy đủ như Nguyễn Công Trứ: “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no…,” nhưng sau cơm muối, cơm rau con người lại tiến lên “cơm gà cá gỏi,” “cao lương mỹ vị,” “sơn hào hải vị,” ăn cho khoái khẩu, rồi tiệc tùng cầu kỳ như buổi yến tiệc đời nhà Thanh do Từ Hy Thái Hậu chiêu đãi ngoại giao đoàn, kéo dài trong 7 ngày với các món ăn cầu kỳ. Nhà bếp dọn lên mỗi ngày 20 món, trong đó có một món rất đặc biệt, tiệc kéo dài 7 hôm phải có 7 món vô cùng đặc biệt trong tổng số 140 món.
Bảy món kỳ lạ đó là:
– Cỏ Phương Chi (Linh chi) lấy từ ruột ngựa nấu với long tu – Chuột con sống nuôi với các vị thuốc bổ, còn sống, cuộn trong bánh bao,- Trứng công,- Bong bóng cá có chứa tinh tượng (khí voi),- Óc khỉ,- Heo sữa Phúc Châu,- Sơn dương trùng: thịt dê con ngâm trong sữa, cho đến khi có trùng, lấy trùng đó mà biến chế.
Những món ăn này đều do nhà bếp cung đình qua các giai đoạn cầu kỳ, công phu, biến chế các món ăn thành những vị thuốc đại bổ.
Sau những ngày cơm gạo hẩm, rau tàu bay, cầu cho đủ no, các cán bộ Cộng sản khi vào Nam đã trả thù dân tộc, bằng những món ăn, bổ dưỡng cầu kỳ như thịt con trút, rùa, heo sữa, bào thai chó, bồ câu con và côn trùng như dế, châu chấu, nhộng, đuông. Xưa kia, ăn để mà sống, bây giờ có cơ hội, tham lam vơ vét, sống để mà ăn.
Người nghèo đi nhặt bao ny lông trong đống rác hôi hám chỉ mong mỗi ngày có tiền mua đủ ba lon gạo kẻo cả gia đình đói, thế là đủ? Người công nhân mong cho bữa cơm gia đình có miếng rau, miếng thịt, là đủ? Người mẹ tảo tần buôn bán ba ngày Tết mong mua cho con được manh áo mới, có bữa cơm cúng Tổ tiên tươm tất chiều ba mươi Tết, là đủ? Người cán bộ vun quén, chạy chọt, xuôi ngược đủ tiền cho ít nhất là một đứa được đi du học, là đủ? Trung Ương Ðảng chưa đủ, phải vào Bộ Chính Trị mới đủ.
Nghị viên thành phố, dân biểu, nghị sĩ tiểu bang, tiến lên dân biểu, nghị sĩ liên bang, chưa đủ, nếu còn tham vọng ứng cử để trở thành Tổng Thống mới đủ.
Trong cuộc sống này không ai cho mình là đủ, may ra chỉ có thể là những người quyết tâm đoạn tuyệt với tất cả vật chất, hay tham vọng để trở thành một nhà tu. Nhưng chưa chắc! Thói đời, có Chùa nhỏ lại muốn xây Chùa lớn, có một Chùa chưa đủ, lại muốn có hai Chùa! Lại muốn Chùa mình đông vui, tấp nập hơn Chùa khác, nên mới có cảnh ca hát, đốt pháo, múa lân xập xình!
Người buôn bán chỉ muốn “cầu vừa đủ xài”, thì đã không có tiệm ăn thành công mở ra hai ba tiệm khác, và kinh tế của Little Saigon ngày nay làm sao mà thịnh đạt?
Thế gian không ai cho mình đã có miếng ăn đủ, sung sướng đủ, giàu có đủ, địa vị đủ, hạnh phúc đủ? Những người giàu có nhất, địa vị cao nhất trong xã hội này đã tự cho mình là đủ chưa?
Nguyễn Công Trứ cho rằng: “Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?” (Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc; Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?)
Lại có người cho rằng nếu biết cho là đủ thì con người ngày nay vẫn còn “ăn lông, ở lỗ,” không có tiến bộ như thế giới ngày hôm nay.
Cũng vì dân chúng nước Pháp nước Ðức “cầu vừa đủ xài” nên phòng mạch bác sĩ, siêu thị 3:00 giờ chiều đã đóng cửa và Thứ Bảy, Chủ Nhật không ai đi làm, không biết đến chữ “over time” nên kinh tế mới không phát triển bằng nước Mỹ. Nếu người Việt ở hải ngoại chủ trương “cầu vừa đủ xài” thì đã không có được tình trạng khoa bảng rực rỡ trong các gia đình và việc buôn bán của người Việt phát đạt như ngày hôm nay.
Xã hội miền Nam cũng không thể nào sống mà chỉ cầu vừa đủ xài! Thế nào là đủ xài? Ngoài cơm ngày ba bữa, còn có bữa nhậu. Chiếc ghe chèo tay lên ghe có động cơ máy đuôi tôm, rồi xe gắn máy, cất nhà lầu, đi du lịch. Ðồng ý là đảng Cộng sản đã đưa dân tộc đến cảnh khốn cùng hôm nay, nhưng nếu “cầu vừa đủ xài” thì đã không có cảnh “bán vợ đợ con” để có tiền đi làm thuê xứ người, nếu “cầu vừa đủ xài” thì đã không có cảnh cả một nghìn đứa con gái bỏ một cù lao, bỏ xứ đi lấy chồng Ðài Loan! Nếu “cầu vừa đủ xài” thì đã không có cảnh sinh viên, hoa hậu, người mẫu “lên giường” để có thêm tiền son phấn, hút, bơm, khâu, vá, đẽo, đục…
Quan niệm “cầu vừa đủ xài” là một quan niệm an phận, kiểu “canh tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon!” và cha mẹ đã khuyên con kiếm một nghề lương thiện cho đủ ăn là đủ, không phải khuyên, ép con phải học bác sĩ cho nở mặt với bà con, vì sao “con dì Hai, bác Tám học bác sĩ được mà nhà mình lại thua sút họ!”
Không những chúng ta vừa đủ xài mà còn đầy đủ hơn người, giàu có hơn người!
Bạn thử xem lại trong ví của bạn có còn đồng tiền lẻ nào không? Trong trương mục ngân hàng của bạn có còn vài trăm không? Trong tủ lạnh có còn thức ăn cho ngày mai không? Gia đình bạn còn có cái xe hơi để di chuyển không, và hôm nay ra đường, trong túi bạn có vài chục tiền mặt hay cái thẻ tín dụng để đổ xăng không? Bạn có một mái nhà che nắng đụt mưa, dù là nhà mua hay nhà thuê không?
Vậy thì bạn “cầu vừa đủ xài,” nhưng cuộc đời cho bạn hơn thế, bạn có những thứ mà hằng tỷ con người trên thế giới này không có!
Cứ “cầu vừa đủ xài” đi, nhưng xin cám ơn đời đã cho chúng ta nhiều hơn thế nữa!
HP – 1/2017