Nhiên lui cui mồi bếp. Mồi gần hết tép củi thông dầu vẫn chưa bén lửa. Củi ướt, khói ngun ngút cay sè chảy nước mắt. Ðang chổng mông kê miệng vào ống thổi, thổi phù phù vô bếp đặt trước hiên nhà chuẩn bị cho nồi hủ tiếu bán buổi sáng, bỗng từ đâu một luồng nước tạt thẳng vào lò, lửa vừa chớm bén củi gặp nước kêu xèo một tiếng rồi tắt lịm. Hoảng hốt ngẩng lên, Nhiên thấy gã chồng tay cầm cái ca vừa tạt nước, mặt hầm hầm quát:
– Dẹp mẹ nó đi. Bán buôn gì mà nợ hắc lẫm? Còn tiền lấy hàng đâu, đưa hết đây cho tao.
Ðây không phải lần đầu gã hành động bất nhân vậy! Lúc thì ăn cắp miếng thịt dành để bán đem đi nhậu. Lúc thì ăn cắp tiền… Lần này lại tạt nước không cho nhóm lò. Ðến nỗi này thì không còn chịu đựng được nữa, hết cả sợ hãi những trận đòn, Nhiên lồng lên:
– Anh có biết vì sao mà nợ? Thời buổi này người ta làm lụng vất vả cả vợ lẫn chồng chưa thấy gì. Nhà này có mình tui làm còn anh phá, sức trâu kéo cũng không lại. Nợ gối đầu cao quẹo cổ, làm gì có tiền trả tiền hàng mà đưa cho anh?
Gã không nói không rằng túm tóc vợ lôi xềnh xệch vào nhà, đánh túi bụi. Nhiên vớ được con dao thái thịt trên bàn, huơ lên khứa một đường dài, sâu, vào tay gã. Gã buông cô ra ôm cánh tay đang tuôn máu, mồm chửi rống, a con này giỏi, tao giết chết mày. Nhiên cắm đầu chạy bán sống bán chết ra Ủy Ban Nhân Dân Xã.
Giờ này xã chưa làm việc. Chắc còn phải đợi vài tiếng nữa. Nhiên bần thần ngồi bệt xuống thềm trước cửa Ủy Ban. Lại mất một buổi bán, không có tiền đong gạo cho ngày nay. Ba mẹ con không gạo nấu cơm, nhịn đói là “chuyện thường ngày ở huyện”. Hôm nay cô quyết phải gặp được bà hội trưởng hội phụ nữ để kêu nài giải quyết đơn xin ly hôn. Ðơn nộp đã lâu, nhưng họ hết lần này đến lần khác hòa giải!,,,

Sống với gã chồng cục súc được hai con gái, Nhiên tất tả đầu hôm sớm mai làm lụng cả ngày. Sáng bán mì hủ tiếu trước hiên nhà. Xóm nhỏ dân nghèo bán giá bình dân, bán hết nồi tiền lời đong vài lít gạo, hôm nào ế mẹ con ăn trừ cơm, ăn “sang” hụt vốn thì vay bạc hai mươi đắp vào, lãi mẹ đẻ lãi con không bao giờ dứt. Dọn xong hàng hủ tiếu liền quẩy gánh ve chai tới tối mịt. Gót chân chai nứt, gánh đời nặng trĩu. Ðầu tắt mặt tối vậy cũng không đủ sống, còn phải vay tiền để nộp cho gã chồng đi độ nhậu, độ bi da, độ bóng đá. Không “độ” nào gã tha. Thua, về tra khảo vợ ra tiền! Bi đát nhất là vào những tháng mưa dầm. Trời chưa sáng đã mưa. Bán hàng ăn ế. Mua ve chai cũng ế. Người ta ở trong nhà ấm áp, ngại mở cửa hứng mưa bán vài món đồ rác được có mấy đồng bạc lẻ ăn vặt… Mà tháng mưa là tháng khai trường, cần tiền nhiều hơn để mua sách vở quần áo cùng đóng đủ thứ tiền trường cho con. Mỗi lần thấy trời chuyển mây đen vần vũ chưa kịp rớt nước, lòng Nhiên đã ngập úng nỗi sầu.
Không biết Nhiên sinh ra dưới vì sao xấu nào mà cuộc đời bi thảm đến vậy!? Ngày trước, cô nữ sinh Nguyễn Bá Tòng tuy không phải hoa khôi trường, cũng mượt mà đằm thắm để bao chàng trai ngẩn ngơ mơ ước, nhưng chưa ai lọt mắt xanh. Cuộc sống vui vẻ với những cuối tuần rong chơi cùng bè bạn. Năm nhỏ Quỳnh, Vy, Nhàn, Trúc, Nhiên được bạn trong lớp đặt cho biệt danh Ngũ Hạc …Tinh Tinh, bởi đứa nào đứa nấy vóc dáng mỏng như con nhạn mắc mưa mà nghịch phá rắn mắt thành tinh, đến nỗi thầy cô ngán ngẩm!… Một lần năm đứa hẹn ra ngoại ô ngao du. Giao ước cùng mặc trang phục giống nhau, jupe xanh dương áo xanh nước biển. Lòng tràn đầy niềm vui, cả bọn vừa đi vừa hát, chân đạp nhanh những vòng xe, tóc tung bay trong gió, nhìn như một đám mây xanh trôi trên bầu trời trong vắt, hòa vui cùng tuổi thần tiên!… Trời êm gió lặng. Không gian hiền hòa. Bỗng đâu một trận cuồng phong ập tới. Lúa đang ngậm sữa dưới ruộng nằm bẹp sát đất gãy ngọn tả tơi. Trên đầu tiếng động cơ máy bay xoành xoạch gầm rú như chuẩn bị thả bom. Chưa định thần việc gì xảy ra, bỗng một chiếc trực thăng đậu sà trước mặt. Thắng xe đạp gấp cộng với sức gió từ cánh quạt máy bay hất tung năm đứa té bò càng xuống đường ruộng, tóc tai cùng áo váy tốc lên điên đảo. Ôi trời! Tai họa gì giáng xuống thế này? Mấy đứa trẻ chăn trâu thấy cảnh tượng đó được phen cười no! Một khuôn mặt thò ra ô cửa trực thăng, hốt hoảng. Năm đứa lồm cồm ngồi dậy, chưa kịp nhào đến mắng cho gã phi công một trận tóe lửa, con chim sắt đã nhấc mình bay vút lên trời, như vội vã chạy trốn trận cuồng phong do chính nó gây nên. “Ngũ tinh” đứng nghệt mặt giậm chân tức tối. Tiếng là “tinh” mà giờ phải chịu thua con ma sắt này!
Bao nhiêu giận dữ vì trò đùa quái ác của gã phi công trực thăng, Nhiên trút hết vào anh Ân, bởi anh cũng mặc binh phục Không Quân. Anh đang kỳ phép ở nhà, tai bay vạ gió hứng cơn tức giận của con em trút xuống. Nhiên xí một cái dài thậm thượt, giọng chua ê răng:
– Xời, nghe nói Pilot mấy anh hào hoa lịch lãm lắm mà, hóa ra Không Quân toàn lính…ba gai!
Anh ngạc nhiên:
– Ai chọc giận em vậy? Sao lại vơ nguyên binh chủng của anh mà “giũa”?
Cơn giận chưa nguôi khi nhớ lại “thảm cảnh” xảy ra lúc đó, Ðứa nào đứa nấy mặt mũi thất thần ngơ ngáo, tóc tai rũ rượi, áo váy tung bay, vừa xấu hổ vừa giận muốn vỡ tung lồng ngực! Nhiên đay nghiến:
– Cha phi công thấy ghét, tự nhiên đang bay trên trời thì sà xuống ngáng đường tụi em, làm mấy đứa té lăn cù chỏng gọng chẳng còn thể thống gì, khốn kiếp thật!
Anh trai cười ha hả:
– Có thế mà cũng giận, người ta có duyên gặp gỡ Ngũ Hạc cô nương, mừng quá đáp xuống diện kiến thôi mà, ngờ đâu mấy đứa mỏng quá nên …bay, cái đó trách ai được…haha…
Nhiên gào lên:
– Anh còn ở đó chọc nữa. Anh làm ơn chuyển lời, nói anh Khang từ nay đừng đến đây làm thân làm thiết với em, em không thèm đâu.
Anh càng cười dữ hơn, tưởng sắp đứt hơi:
– Trời! Giận cá chém thớt, thằng Khang nó tội tình gì mà em lôi nó vào đây? Coi chừng, ghét của nào trời trao của đó, tới lúc lại van nài người ta, đi đâu cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam, thì kêu trời không thấu nghe cưng!
Con nhỏ em cũng xía vô:
– Ðúng rồi, mắc mớ gì tới anh Khang mà chị giận ảnh? Tại mấy chị học múa Ba Lê chưa giỏi mà đã ham biểu diễn nên…lăn cù phải rồi…hí hí…
Nhiên tức trào nước mắt. Nhào tới túm lấy Hạnh ký mấy cái muốn lủng đầu. Con em này mũm mĩm tròn vo, chậm chạp không kịp đào tẩu lãnh mấy viên đạn lạc khóc mếu máo. Mẹ thấy tình hình căng thẳng quá bèn can:
– Thôi đừng trêu ghẹo nhau nữa! Anh em chúng mày thiệt hết nói…
Mẹ sợ Nhiên giận quá tuyệt giao anh Khang thật. Cả nhà ai cũng quý mến anh, phần vì anh là bạn rất thân của anh Ân cùng binh chủng, cùng phi đoàn chiến đấu.
Phần cũng vì anh hiền lành dễ mến lại mồ côi, nên ba mẹ coi anh như con trong nhà. Biết anh có ý thương Nhiên mọi người không phản đối còn vun vào. Mẹ nghĩ sau này nếu hai đứa có duyên, Nhiên không phải làm dâu ai, chứ mỏng manh yếu ớt thế kia gặp nhà khó khăn không khéo ba bữa bị trả về! Mẹ khéo nghĩ xa tận đâu đâu, Nhiên chỉ coi anh Khang như anh Ân thôi, tâm hồn trong trẻo chưa vướng chuyện đời. Nói như thơ Hà Huyền Chi, trái tim bọc vải cuốn trăm vòng…
Cuộc sống đang êm ả hoa mộng bỗng đất trời đảo điên. Ngày quân “giải phóng” vào, anh Ân không kịp đưa cả gia đình cùng đi nên anh tuột xuống khỏi máy bay, về. Thế là cùng chung số phận với ba, đi tù. Anh Khang lái chiếc trực thăng bay thẳng ra biển…
Căn nhà chính phủ cấp cho ba trong bộ Tổng Tham Mưu bị “cách mạng” đuổi ra. Mẹ đưa chị em Nhiên về nương náu nhà ngoại ở thôn vườn trầu Bà Ðiểm. “Học tập” vài năm, ba chết trong tù vì khổ sai kiệt sức. Anh Ân chết vì vác đá trượt chân lăn xuống núi. Mẹ cũng chết vì kiệt quệ tinh thần sau những biến cố bi thảm xảy ra!…
Ngoại già, chỉ nhờ mảnh vườn ít dây trầu đắp đổi qua ngày, nay cưu mang hai đứa cháu mồ côi càng thêm túng quẩn. Cậu dì ai cũng nghèo lại con đông. Thời “giải phóng” về cả miền Nam trù phú ấm no ngày trước nay bỗng đói rã ruột hệt dân Phi Châu… “Kách mạng” có phép thuật “đổi đời”! Trong tình cảnh khốn khó, Nhiên nhắm mắt lấy chồng. Anh chồng nhìn cũng thư sinh nho nhã, ngày xưa trốn lính nên giờ ung dung, lại con điền chủ. Nhiên tưởng rằng từ nay có chỗ nương dựa vững vàng trong cuộc đời đầy rẫy tai ương. Vài năm đầu sống đời vợ chồng bình lặng, không vui không buồn. Từ khi Nhiên sinh con bé Ba chồng bỗng sinh tật, không chịu làm, chỉ chịu chơi. Bao nhiêu thói hư tật xấu anh ta “ôm” hết. Nhất là thói vũ phu. Ði nhậu về, say, lôi vợ đánh. Thua độ cá cược, kiếm chuyện đánh. Nã tiền không có, đánh. Từ một cô gái liễu yếu đào tơ, mình hạc xương mai, Nhiên giờ thành lau sậy bên sông, xương khô mình vạc. Cha mẹ chồng xót thương con dâu cũng chịu trận không thể khuyên can, họ còn thầm xúi cô ly dị. Bởi lúc tỉnh táo nghe lời khuyên gã ậm ừ, nhưng lúc say xỉn hoặc không nã được tiền gã lại mất nhân tính!
Dòng hồi tưởng bị cắt ngang khi người cán bộ xã đầu tiên đến mở cửa. Hắn hất hàm hỏi Nhiên:
– Chị đi chứng cái gì mà đến sớm thế?
– Dạ…dạ, tui muốn gặp chị Ba hội trưởng phụ nữ.
Mặt gã cán bộ khinh khỉnh như đang ban ơn:
– Chị may đấy! Hôm nay họp “đột xuất” chị Ba mới đến. Mỗi tuần chị ấy chỉ đến xã một ngày Thứ Hai. Nhưng phải chờ họp xong mới được gặp.
Chờ thì chờ. Chờ đến chết cũng phải chờ! Cái chức nhỏ nhoi, hội trưởng phụ nữ, đội hòa giải hôn nhân gia đình thôi. Mà quyền uy nghiêng lệch cả một đời người. Nên cứ phải chờ. Bởi rất khó gặp được bà này, ngoài lúc đến xã để “giải quyết” công việc trong phạm vi chức năng, bà cũng cắm đầu ngoài ruộng tới lặn mặt trời. Ðối với những người bảo thủ cố cựu, họ không bao giờ xử ly hôn dễ dàng. Họ luôn nhân danh tình nghĩa, vị tha, trách nhiệm, để cột trói những mảnh đời vụn vỡ…Họ cố làm tốt vai trò hàn gắn gia đình người khác cách máy móc, Mà không hiểu những suy xét một phía của họ tựa sợi dây xiết cổ người trong cuộc đến chết.
Chị Ba hội trưởng khó chịu khi thấy Nhiên. Chị đã quá quen mặt cô bởi những lần hòa giải. Ðối với quan niệm của bà cán bộ này, những phụ nữ nằng nặc đòi ly hôn là rất đáng chê trách, bởi không chịu “nhường nhịn” chồng. Chị Ba lạnh nhạt:
– Vụ việc của chị đến tháng sau mới giải quyết, bữa nay đến chi?
Nhiên nài van:
– Cán bộ làm ơn cứu xét cho em sớm hơn chút, em chịu hết nổi rồi…
– Làm việc phải theo lịch sắp xếp, sớm thế nào? Với lại chồng chị không chịu ký đơn ly hôn thì chúng tôi làm sao được? Chỉ có thể hòa giải thôi.
Máu trong người Nhiên cuồn cuộn bốc lên, như núi lửa sắp phun trào dòng nham thạch tích chứa bấy lâu. Nhiên giật phăng nút áo, phơi bày thân thể khô đét, những chiếc xương nhọn cơ hồ muốn đâm thủng làn da mỏng thòi ra ngoài. Trên từng phân vuông da thịt dầy những vết tím bầm mới cũ chồng chất. Không còn kiêng sợ “chính quyền”, Nhiên uất ức gào lên:
– Mấy người có trong hoàn cảnh tui đâu mà biết, nên cứ đủng đỉnh hòa giải với chẳng hòa hợp! Hòa máu vào tô làm tiết canh thì có. Nó không chịu ly hôn giữ tôi lại làm cái bao cát đánh cho sướng tay, pháp luật ở đâu mà chịu thua loại bất nhân này? Hôm nay tui đâm nó đổ máu rồi. Còn ở chung tui không giết nó thì nó cũng giết tui, phải có án mạng mới vừa lòng mấy người!
Chị cán bộ sửng sốt trước phản ứng dữ dội của Nhiên, phần thấy thân thể cô nhiều thương tích cũng động lòng trắc ẩn, đấu dịu. Và hỏi thêm một câu cho đúng bài bản xử ly hôn:
– Ừ, cho là không hòa giải nữa thì cũng phải có thời gian phân chia tài sản …
Nhiên ngắt lời chị ta:
– Tài sản? Còn đống nợ đó hỏi nó chịu chia với tui không? Cả hai đứa con gái nữa, tui không nuôi để nó xách đầu đem bán hả?
Chị Ba lắc đầu cám cảnh, thôi được, tuần sau tui gởi giấy kêu đến giải quyết.
Cầm tờ giấy ly hôn trên tay Nhiên thở ra nhẹ nhõm. Từ nay đường ai nấy đi, Nhiên thoát địa ngục trần gian, bớt phần nuôi gã chồng nhẹ được hơn nửa gánh, lại khỏi đau đớn thể xác dành sức nuôi con, ba mẹ con về tá túc nhà ngoại cùng dì Hạnh, căn nhà mướn trả chủ là xong…
Nhưng chuyện đời đâu dễ dàng vậy. Gã chồng khốn nạn để xổng mất “con mồi”, hậm hực cay cú, mấy bận đón đường Nhiên hục hặc gây sự may có chòm xóm can ngăn. Vậy mà cũng có lần gã rình xô đổ cả gióng gánh Nhiên ngoài đường, chửi nhoi trời, mày không yên với tao đâu, tao phá cho bỏ xứ đi luôn, chết đâu thì chết đừng cho tao thấy mặt.
Nhiên bỏ xứ đi thật. Ở đây không ai binh vực, bà ngoại già yếu, gia đình cậu vào Saigon kiếm sống khi mấy thửa ruộng bị xung vào hợp tác xã. Dì dượng gởi con bên nội, cầm cố nhà đi “hợp tác lao động”. Mấy lần bị gã chồng cũ quấy nhiễu Nhiên lên xã kêu cầu giúp đỡ chẳng có kết quả gì. Luật pháp thua luật rừng! Nhiên để con lại nhà cho em trông coi. Hạnh năm nay đã quá lứa nhưng nhất định không lập gia đình khi thấy cảnh đời chị, nó nói, ở nhà lo cho ngoại, thương cháu, thương học trò vậy đủ rồi, chồng con chi cho khổ!
Người quen trong xóm mách nước Nhiên đi Bù Ðăng bán hàng cho dân làm gỗ, làm ăn ở đó sẽ khá hơn lại tránh xa được gã chồng cù nhầy…
Gần một năm Nhiên lên rừng buôn bán, dành dụm được chút ít gởi về nuôi con và trả bớt nợ. Xa nhà, nhớ hai đứa con lắm nhưng chưa dám nghỉ ngày nào về thăm, cô phải trả hết nợ lòng mới yên. Tin vào những điều huyền bí tâm linh, cô nghĩ kiếp trước nợ ân tình cùng tiền bạc của gã chồng cũ quá nhiều nên giờ mới trả quả nặng nề lắm vậy! Kiếp này không dám để nợ nữa…
Hôm nay đã rằm Tháng Chạp. Dù gì Tết cũng phải về với gia đình. Cố bán vài ngày nữa bòn mót thêm chút tiền, để mẹ con bà cháu cũng gọi là có ăn Tết. Nhiên đã dặn em mua sắm từ từ cho rẻ, để cận ngày mọi thứ đều leo thang tới nóc. Dặn em đổi ít đồng tiền mới biếu ngoại, để ngoại có mà lì xì cho đám cháu về chúc tuổi. Hạnh cũng có tiền thưởng giáo viên sắm cho bé Hai bé Ba mỗi đứa một bộ đồ mới…Coi như năm nay nhà cô có Tết…nghèo.
Vừa dọn dẹp nồi tô vừa suy nghĩ miên man, Nhiên chợt nghe tiếng nói sau lưng:
– Cô ơi, bán hết rồi sao. Còn chút nào không cho tôi một tô?
Quay lại. Một người đàn ông trung niên, chững chạc điềm đạm, mái tóc pha chút muối sương, ăn mặc lịch sự khác hẳn dân làm rừng ở đây, chắc người thành phố mới lên. Có điều, sao khuôn mặt nhìn thân quen quá. Nhiên nín thở, sững sờ! Cái tô đang cầm trên tay rơi xuống, Nhiên lao đến ôm người đàn ông, òa khóc nức nở. Anh Khang. Phải, đúng là anh Khang rồi. Gần hai mươi năm anh vẫn thế, khuôn mặt chữ điền cương nghị mà hiền hòa. Làm sao Nhiên quên được? Bởi Nhiên đã coi anh như anh của mình. Nước mắt tuôn như mưa, Nhiên trút hết bao ấm ức số mệnh cuộc đời vào lòng anh.
Anh dìu Nhiên ngồi xuống ghế, vuốt tóc vỗ về. Khóc chút thôi em, tội em quá! Anh đã tìm được em rồi, từ nay em không còn khổ nữa đâu. Nín đi em…
Qua cơn xúc động Nhiên lau nước mắt ngẩng lên, thấy mắt anh cũng đỏ hoe ngấn nước. Hai mươi năm dâu bể tang thương, gia đình tan nát. Anh Khang như người thân tưởng đã lạc đâu mất nay bỗng trở lại. Tâm trạng Nhiên lúc này pha trộn thảng thốt bồi hồi lẫn mừng vui hạnh phúc, không thể diễn tả! Anh thở dài:
– Phải chi hồi đó thằng Ân nghe lời anh ra đi thì đâu có chết trong tù, mà còn giúp được gia đình qua cơn thống khổ. Ba sẽ không chết vì đói khát kiệt sức, mẹ không chết vì đau buồn, em không phải sống cảnh đời khốn khổ như vậy!
Nhiên cũng thở dài:
– Thôi anh ạ. Ðịnh mệnh sắp sẵn cả rồi, mỗi người một số phận! Mà sao anh biết em ở đây?
Anh nhìn vào mắt Nhiên. Trong mắt anh ẩn chứa một trời thương nhớ:
– Em có biết đây là lần thứ tư anh về Việt Nam tìm em? Ba lần trước anh tìm vô vọng, anh chỉ biết đến tìm nơi ngôi nhà cũ, nay dân Bắc ở. Lần này lang thang chợ Bến Thành may gặp Vy bán sạp hàng trong chợ, hỏi thăm mới biết em về ở nhà ngoại và chỉ đường. Tiếc quá! Sao ngay từ đầu không đi chợ Bến Thành để gặp Vy? Mà cũng tại ngày xưa anh vô tình! Phải chi hồi đó quan tâm thăm viếng ngoại thì đã tìm được em ngay rồi. Về gặp Hạnh, nó chỉ biết em ở Bù Ðăng, may cái thị xã này nhỏ anh mới lật tung lên tìm được em…
Nhiên xót xa:
– Anh đừng áy náy băn khoăn nữa. Mấy lần trước anh có đi chợ Bến Thành cũng không gặp Vy đâu, nó vừa được trợ cấp bên chồng ở nước ngoài gởi về mới có tiền sang sạp hàng. Cho nên chuyện gì cũng do ý trời.
Anh trầm giọng thiết tha:
– Em có biết anh yêu em từ ngày xưa đến tận bây giờ vẫn nguyên như vậy. Nửa đời qua rồi, mình cho nhau cơ hội đi, em đừng giận đừng ghét anh nữa nhé.
Nhiên kinh ngạc:
– Em có giận có ghét anh bao giờ đâu?
Khang giật mình, suýt chút nữa nói hớ ra bí mật năm xưa! Chuyện chiếc trực thăng đáp xuống ruộng làm “đám mây xanh” té nhào tung bay áo váy. Hôm ấy sau một phi vụ tiếp tế trở về, ông hoa tiêu phó ngồi bên cạnh rảnh rỗi mắt láo liên dòm xuống đất, bỗng hú lên như ăn mày vớ được vàng, tay đập bành bạch vào đùi Khang, xuống xuống Khang, dưới đất có mấy cô bé xinh quá, mình đáp xuống làm quen đi… Khang nhìn theo hướng Vinh chỉ, quả thật, năm cô gái như bầy thiên nga xanh, hồn nhiên phơi phới đạp xe trên đường làng, tiếng hát của họ hình như vọng lên tận đây? Bất giác Khang cũng nổi máu nghịch ngợm, vội vã đáp nhanh xuống đất…
Con tàu như khối sắt nặng nề rơi xuống, với sức gió từ hai cánh quạt có thể thổi bay…ngọn núi, huống chi là mấy nàng vóc dáng mỏng manh như cánh hạc thế kia! Khang ghé đầu nhìn qua khung cửa, khi “đám mây xanh” té lăn lóc trên đường ruộng anh cũng cảm thấy hối hận. Bỗng hoảng hốt nhận ra Nhiên cùng đám bạn trong nhóm “ngũ hạc” của nàng, Khang vội vã kéo cần collective và cần cyclic đồng thời đạp pedals cho máy bay vọt lên không, tay run lẩy bẩy. Thằng Vinh hậm hực lầu bầu, làm gì mà ông run như thằn lằn đứt đuôi vậy? Ông tuổi con …gián à? Dịp may hiếm có, cơ hội đỡ mấy nàng dậy rồi làm quen, vậy mà để lỡ!… Khang nổi quạu, chưa kịp đỡ có khi đã ăn guốc vào mặt, ở đó mà làm quen, tụi mình chơi cũng kỳ thiệt!
Khi nghe Ân kể Nhiên “hận mấy ông phi công ba gai”, Khang giấu nhẹm chuyện mình là thủ phạm đáp trực thăng hôm đó. Nghĩ lại giận thằng Vinh vô cùng! Nhưng trách người không bằng trách mình, chính Khang đã đồng tình với trò chơi tinh quái đó mới đáp xuống. Khang dặn lòng sống để dạ chết mang theo, không bao giờ lộ chuyện này với anh em Ân. Vậy mà hôm nay suýt chút hớ hênh phun ra bí mật. May quá dừng kịp! Khang vội nói trớ đi:
– Tại hồi đó em nói ghét phi công, anh tưởng em ghét luôn anh…
– Nhắc mới nhớ, là em ghét ông phi công trực thăng ba gai nhào xuống đất hôm đó làm tụi em té bò càng, nghĩ tới vẫn còn giận thấu xương, chớ đâu có ghét anh. Hồi đó giận cá chém thớt nói vậy thôi. À, vợ con anh đâu mà về tìm em?
– Anh qua Mỹ đợt tỵ nạn đầu tiên, hiếm con gái Việt nên lấy vợ Mỹ. Ở với nhau mười năm thì ly dị. Anh chỉ có một thằng con, cháu đã lớn và tự lập, anh không còn vướng bận gì nữa. Nếu em chấp nhận anh, muốn đi Mỹ thì anh đưa mẹ con em đi, muốn ở lại với ngoại thì để anh xây lại nhà cho thêm rộng và khang trang, anh sẽ khi đi khi về bởi còn công việc bên đó. Em không phải bôn ba vất vả nữa, ở nhà coi sóc con, chúng nó lớn rồi phải để mắt trông chừng đâu thể giao phó hết cho dì Hạnh…
Nhiên bàng hoàng cảm kích. Gục đầu vào lòng anh, tận hưởng ngút ngất nồng ấm tình yêu. Mối tình không hẹn mà sắt son vĩnh cửu! Ngoài kia đất trời đang chào xuân, núi rừng xanh tươi bát ngát. Lòng Nhiên cũng mở hội rộn ràng. Anh là cánh én… Chỉ một cánh én đơn độc, anh đã đem lại cho Nhiên mùa xuân bất tận sau bao đông dài buốt giá. Cám ơn chim én mang xuân về!
HHTN – Aug 2016