Menu Close

Chất béo trong máu

Một độc giả hỏi về số lượng chất béo ở trong máu: thế nào là bình thường và là cao. Nếu cao sẽ gây ra bệnh gì?

Đáp

Ðây là những chất mà bà con ta để ý nhiều nhất, quen thuộc nhất và cũng rất e ngại, thắc mắc. Và y giới cũng dành nhiều công sức để nghiên cứu các chất béo này vì khi quá cao trong máu, chúng có thể gây ra nhiều rủi ro bệnh tim mạch.

– Cholesterol.

Kết quả Cholesterol Toàn phần là tổng số HDL, LDL và 20% chất béo Triglyceride.

Total Cholestretrol Toàn Phần lý tưởng là dưới 200 mg/ 100ml;

Từ 200 – 240 mg/ 100ml thì tạm chấp nhận được nhưng cần giảm tiêu thụ chất béo, vận động cơ thể;

– Trên 240 mg/ml thì đến lương y ngay để khám nghiệm thêm rồi điều trị, dinh dưỡng đúng cách ngõ hầu mang con số trở lại bình thường.

Cholesterol có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Nó là thành phần cấu tạo màng bao che các tế bào, mô thần kinh não bộ; cần thiết cho sự tổng hợp kích  tố steroids, mật, sinh tố D.

Hầu hết cholesterol được gan tạo ra cho nên nhiều khi ta không phải ăn thêm thực phẩm có chất này. Cholesterol có nhiều trong chất béo động vật và hầu như không có trong thực vật.

– LDL.

LDL viết tắt của chữ Low Density Lipoprotein, một thứ cholesterol do protein cộng với tỷ trọng rất thấp. Thấp nhưng lại hay gây bệnh hoạn cho cơ thể nhất là bệnh tim mạch khi mức độ trong máu lên cao.

Dưới 100 mg/100ml máu là tốt, trên số này là hổng có được, phải giảm tiêu thụ mỡ, uống thuốc.

– HDL

HDL viết tắt của High Density Lipoprotein là cholesterol tỷ trọng cao, được coi như lành tính có ích cho cơ thể.

Dưới 35 mg/100 ml là không tốt mà càng cao là càng tốt.

– Triglycerides

Triglyceride dưới 200 mg/100 ml là bình thường mà trên số này là có thể gây ra bệnh tim.

Mắt đỏ Viêm kết mạc

Cháu bé chúng tôi năm nay 7 tuổi thường cứ bị mắt đỏ rất khó chịu. Chúng tôi có đưa đi bác sĩ khám và điều trị, nhưng vài tháng sau lại bị lại. Xin bác sĩ cho biết tại sao, điều trị cách nào và phòng ngừa. Cảm ơn bác sĩ. Tùng Long.

Đáp

Ðây là trường hợp giác mạc bị viêm mà ta còn gọi là pink eyes. Tác nhân gây bệnh thường thấy là những virus tương tự virus trong bệnh cảm lạnh. Ðôi khi vi khuẩn hoặc dị ứng cũng gây ra viêm giác mạc.

Viêm giác mạc rất hay lây qua sự dùng chung các dụng cụ liên quan tới mắt như khăn mặt, đồ trang điểm hoặc khi dụi tay lên mắt đang đau. Vì thế, rửa tay thường xuyên và không dụi mắt là phương pháp hữu hiệu để phòng tránh lây lan viêm mắt.

Rất may là viêm kết mạc do virus tự lành sau mấy ngày. Nếu là do vi khuẩn thì bác sĩ sẽ cho thuốc kháng sinh uống hoặc nhỏ mắt.

Có bệnh đi máy bay

Xin bác sĩ cho biết nếu đang bị bệnh hoặc sau giải phẫu thì có thể di chuyển bằng máy bay được không? Bửu Hạp

Đáp

Khi có bệnh, ta nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước, coi xem có an toàn hay không khi đi bằng phi cơ. Sau đây là một số trường hợp cần lưu ý.

Bị nhồi máu cơ tim, không có biến chứng thì ba tuần sau khi lành bệnh, có thể bay được. Huyết áp cao, không ổn định được thì nên tránh bay.

Bị tiểu đường, nhất là loại 1, phụ thuộc vào thuốc Insulin, và di chuyển qua nhiều múi giờ, thì nên cẩn thận. Mang Insulin nhiều hơn nhu cầu một chút, giữ trong tủ lạnh, với kim chích, máy thử đường, ít viên kẹo. Tới nơi, điều chỉnh lại giờ ăn cơm, giờ dùng thuốc, phân lượng Insulin tùy theo lượng đường trong máu. Kinh nghiệm nhắc ta cho dễ nhớ là khi di chuyển về hướng Ðông, ngày ngắn đi thì số lượng Insulin cần cũng ít đi. Còn đi về phương Tây thì ngày dài, Insulin cần tăng chút đỉnh. Nhưng nhớ đo đường huyết theo lịch trình định sẵn.

Nhiều vị bị dãn nở tĩnh mạch hạ chi, ngồi lâu trong máy bay chật hẹp, không cử động, lại bắt chân chữ ngũ, khiến máu lưu thông bị trở ngại. Tất cả có thể gây ra biến chứng máu đóng cục ở tĩnh mạch ngầm. Ðể tránh, ta nên mang tất đàn hồi, lâu lâu đứng lên làm vài vòng bách bộ trong lòng máy bay, hoặc cử động chân tay tại chỗ.

Nếu mắc chứng kinh phong, nên tăng thuốc một chút để tránh lên cơn bất tử.

Bị bệnh tâm trí, nên uống viên thuốc an thần và nhớ cữ rượu.

Khi bị bệnh thiếu máu (anemia) nặng, nên trì hoãn bay để điều trị vì đôi khi cần thêm dưỡng khí để thở.

Mới giải phẫu ghép nối động mạch tim mà không có biến chứng, cũng nên đợi hai tuần lễ cho an toàn. Các giải phẫu khác ở bụng, ngực … nên đợi lành hẳn vết mổ, không biến chứng, đại tiểu tiện thông suốt, trước khi bay.

Nếu quý bà đang có thai thì nên cẩn thận. Một vài hãng máy bay yêu cầu có giấy chứng nhận của bác sĩ là ngày khai hoa nở nhụy không xảy ra trong vòng 4 tuần, khi bay ngoại địa. Còn nội địa thì 7 ngày trước khi sanh vẫn được bay. Lý do chính là họ ngại sanh đẻ trên máy bay, rắc rối, chứ việc bay không có ảnh hưởng xấu gì cho thai mẫu, thai nhi.

Trên đây chỉ là những kiến thức căn bản để quý thân hữu coi cho biết. Nhắc lại là xin quý thân hữu hỏi ý kiến bác sĩ trước khi du lịch, nếu có bất cứ bệnh tật nào.

Ruồi bay trước mắt

Mẹ tôi năm nay 65 tuổi. Lâu lâu cụ cứ kêu là có vật gì bay trước mắt. Xin bác sĩ giải thích đó là bệnh gì và điều trị làm sao. Cảm ơn bác sĩ. Nguyễn Lê.

Đáp

Nhiều người thấy như có mấy con ruồi bay qua lại ở trước mắt, nhất là khi nhìn vào một nền sáng trắng, như là khi nhìn vào một bức tường hoặc bầu trời trong xanh. Nguyên do gây bệnh là sự hóa lỏng của dịch pha lê (vitreous ) ở phía sau thủy tinh thể. Các sợi nhỏ của dịch dính với nhau, tách rời võng mạc và bay nhảy trong mắt. Hiện tượng này thường thấy ở người trên 40 tuổi, người cận thị, bị chấn thương hoặc viêm mắt thoái hóa võng mạc trong bệnh tiểu đường hoặc sau khi giải phẫu đục thủy tinh thể.

Thường thường, các vật đó biến mất sau một thời gian dù không điều trị. Tuy nhiên, nếu vật đó có quá nhiều và gây trở ngại cho thị lực thì nên đi bác sĩ nhãn khoa để được điều trị, bằng dược phẩm hoặc giải phẫu.