Menu Close

Mùi thuốc pháo

Từ ngày 1 Tháng Một năm 1995, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ban hành Chỉ thị cấm đốt pháo, kể từ đó, những cái Tết cổ truyền ở Việt Nam trôi qua trong im lặng. Không còn những tiếng nổ đì đùng, đì đẹt vui vẻ của đám con nít đốt pháo chuột, và cũng không còn tiếng nổ rền rền không dứt từ Giao thừa cho đến vài tiếng đồng hồ sau đánh thức con người và vạn vật rộn ràng lúc nửa đêm. 

mui-thuoc-phao
nguồn SAYS Malaysia

Mấy năm đầu, người dân Việt Nam chưa coi điều đó có gì bất thường. Người ta tự an ủi lẫn nhau: Ờ, thì nhà nước cấm đốt pháo là để tiết kiệm tiền cho dân, là để phòng cháy đó mà. Nhưng lâu ngày chầy tháng, người ta chợt ngộ ra: Nói đốt pháo mỗi năm một lần là phung phí, vậy đốt vàng mã quanh năm suốt tháng với nhiều kiểu đồ vàng mã “hiện đại”, “hai-tếch” giá trên trời, thì đốt vàng mã còn phung phí quá cha đốt pháo. Và người ta lại ngộ ra một điều: Hóa ra cấm đốt pháo không phải để tiết kiệm, mà nhà cầm quyền sợ lặp lại kịch bản Mậu Thân năm nào, khi chính quân cộng sản lợi dụng tiếng pháo Giao thừa nổ súng tấn công miền Nam bất ngờ (mà chính họ trước đó đã ký hiệp định ngừng bắn), gây thương vong cho hàng ngàn người vô tội.

Bước tiếp theo là người dân Việt Nam bắt đầu thèm nghe tiếng pháo Tết, là pháo thật sự, chớ không phải tiếng pháo giả phát ra từ băng cassette, từ đĩa CD. Những băng cassette, đĩa CD pháo này, có người mua hàng Tàu, cũng có người cầu kỳ, bảo người nhà đang sống bên Mỹ thu rồi gởi về Việt Nam, ngày Tết lại bỏ vô máy nghe cho xôm tụ, cho đỡ nhớ. Có người sáng kiến thổi một dây bong bóng rồi lấy cây nhang châm cho bong bóng nổ liên tục thay thế tiếng dây pháo nổ. Rốt cuộc, người ta vẫn cứ thèm pháo thật. Những người bạn Facebook của tôi đang sống ở Việt Nam tâm sự: “Tết Việt Nam buồn lắm chị ơi”, “Thèm tiếng pháo Giao thừa lắm chị ơi”, “Pháo hoa thì làm gì có mùi thuốc pháo cơ chứ”, “Pháo hoa đứng xa xa nhìn đẹp nhưng cảm giác lạnh lẽo lắm, thiếu cái hồn Tết Việt”, “Con nít bây giờ làm sao chúng nó hiểu được mấy chữ “tan tành xác pháo” như mình ngày xưa nhỉ?”,.…

Và có một thứ màu, có lẽ bọn trẻ thời nay ở Việt Nam không bao giờ hình dung được, đó là màu hồng xác pháo. Tôi nhớ khi còn nhỏ, vẫn nghe các bà các chị nói với nhau rằng: “Tui thích cái áo dài màu hồng xác pháo”. Chỉ cần nói như vậy là người nghe hình dung được màu hồng xác pháo nó ra làm sao rồi. Ðó là một loại màu hồng sậm nhưng không phải sậm, nhạt cũng không phải nhạt, không tái cũng không tươi lắm, không bóng bẩy, có pha lẫn một chút màu xám khói và ánh nhũ bạc lấp lánh. Chỉ có dây pháo đã nổ rồi mới có được màu hồng xác pháo kỳ lạ ấy, bản thân viên pháo chưa nổ khi xé ra không có màu đó. Cái ánh xám khói và ánh bạc pha vô xác pháo chính là từ khói pháo và thuốc pháo bám vào xác pháo.

Hai năm ăn Tết ở nơi người Việt tỵ nạn định cư đông nhất trên đất Mỹ, tôi hiểu ra cái mà người Việt trong nước đang thèm khát, nhớ nhung không phải là tiếng pháo nổ, mà chính là mùi thuốc pháo. Khi pháo nổ, khói tỏa trắng không gian, mùi thuốc pháo ấm nóng, nồng nồng, thơm thơm, cái mùi đặc trưng khi pháo nổ, cái mùi không thể lẫn lộn với bất kỳ thứ mùi gì, bay ra lan tỏa cả một khu vực xung quanh, làm cho mọi người nhốn nháo, rộn ràng hẳn lên. Người thì bịt tai, người thì xông hẳn ra để coi đốt pháo, nhiều người giơ smartphone lên cao để quay video cảnh pháo nổ post lên Facebook khoe với bạn bè ở Việt Nam, con nít thì bâu xung quanh chờ dứt tiếng pháo là tranh nhau chạy ra nhặt những viên pháo đi lạc chưa nổ để đốt tiếp. Cái khoảnh khắc im lặng sau khi tiếng pháo cuối cùng chấm dứt là khoảnh khắc cho tôi cảm giác yên bình, thanh thản, ấm áp hơn, thấy mọi người quanh mình thân thiện hơn, tình cảm nhiều hơn. Khói pháo, mùi thuốc pháo bao phủ lấy không gian một lúc lâu sau mới bắt đầu tan hẳn.

Bắt đầu từ đêm Hai Mươi Tám Tết, tôi đã nghe lác đác âm thanh pháo nổ và mùi thuốc pháo đâu đó phảng phất đến căn phòng của mình. Càng vào sâu khu vực trung tâm Little Sài Gòn tiếng pháo nổ không dứt cả ngày lẫn đêm. Các cơ sở kinh doanh, báo chí ăn Tất niên: đốt cả dây pháo dài dằng dặc. Gần đến Giao thừa, qua Giao thừa, tiếng pháo nổ rộn ràng, liên tục suốt cả giờ đồng hồ chưa dứt. Ngày Mùng Một khai trương cũng nhà nhà múa lân, người người đốt pháo. Little Sài Gòn Mùng Một chào cờ dưới chân tượng Ðức Thánh Trần (trên đường Bolsa Trần Hưng Ðạo) rồi biểu diễn đánh trống trận, múa lân, đốt một dây pháo thiệt là dài. Ngày Mùng Hai cũng múa lân, đốt pháo. Thứ Bảy, Chủ Nhật tôi đi lễ nhà thờ, làm lễ xong, linh mục thông báo nhà thờ có đốt pháo mừng Xuân, lì xì lấy hên cho trẻ con và mọi người xúm xít ra sân xem Cha đốt pháo, phát quà. Ngày Mùng Ba đi chơi cũng đốt pháo. Chùa ở Little Sài Gòn cũng không ngoại lệ, các sư thầy cũng đốt pháo mừng Xuân và tổ chức cho tín đồ hái lộc, bói quẻ đầu năm. Mùng Bốn tốt ngày, khai trương nhiều nhứt, đốt pháo nhiều nhứt, rộn ràng nhiều nhứt. Không phải là bánh chưng, bánh tét, tôm khô, thịt mỡ, dưa hành (ngày nào cũng có nếu muốn), câu đối đỏ, trái dưa xanh, mà chính là mùi thuốc pháo nó làm nên hương vị Tết rất Việt Nam. Tôi đi đâu cũng nghe tiếng pháo nổ, ngồi nhà cũng nghe tiếng pháo nổ, ăn có mùi thuốc pháo, uống có mùi thuốc pháo, ngủ có mùi thuốc pháo, và mơ những giấc mơ có mùi thuốc pháo.

Ngày Tết đeo cái mặt nạ “hồ hởi phấn khởi” lên, ra đường cười cười nói nói, gặp nhau nói đi nói lại mấy câu chúc Tết cũ rích từ thời ông Bành Tổ đến giờ mà năm nào cũng nói, thiệt nó ngán đến lỗ mũi luôn. Ðiều thu hút đối với tôi mỗi khi ra đường chính là mùi thuốc pháo. Những ngày này trời cũng chiều lòng người, nắng đẹp và hơi se se lạnh, đủ để mở cửa xe cho không khí bên ngoài lùa vào cùng với mùi thuốc pháo nồng nồng mỗi khi lái xe đi lòng vòng trên đường phố. Ngày Tết Nguyên đán, nơi nào có người Việt sinh sống, chỉ cần xe đi ngang qua là biết liền bởi mùi thuốc pháo lập tức phất vô xe. Mùi thuốc pháo làm cho tôi nhớ đến những ngày vui vẻ, no ấm đủ đầy thuở bé tí ti, mà đã lâu lắm rồi không còn nữa.

Ðiểm khác duy nhất giữa đốt pháo ở Little Sài Gòn và đốt pháo ở Việt Nam là Little Sài Gòn đốt pháo đúng nơi quy định. Tức là người ta đốt pháo trước cửa tiệm, trước trụ sở giao dịch, trước sân nhà, trong parking, trong sân chung của khu phố, chợ, sân khu thương mại, sân chùa, sân nhà thờ… chớ không có ai đốt pháo ngoài đường và cũng không có ai ném pháo nổ vào xe đang chạy hay người đi bộ. Vì vậy, đốt pháo ở Little Sài Gòn là tuyệt đối an toàn. Cảnh sát có thể khó dễ nếu bạn đốt pháo trong khu vực người Mỹ sinh sống, nhưng ở khu người Việt thì không sao, vì họ tôn trọng phong tục tập quán của người Việt Nam, miễn sao bạn đừng quá lố làm ảnh hưởng đến người khác.

Ðiều hạnh phúc của người Việt ở Little Sài Gòn này là tha hồ đốt pháo trong những ngày Tết cổ truyền. Dù bạn có là người nghèo nhất ở xứ này, bạn cũng vẫn hạnh phúc hơn những người sống ở Việt Nam đang thèm mùi thuốc pháo.

TPT