Menu Close

Xuân muộn

Thắm Nguyễn
Thắm Nguyễn

Đầu tháng Chạp. Anh tôi gọi phone, hớn hở:

– Tết này em đến ăn Tết với anh nhé.

Ăn Tết với anh? Tôi băn khoăn suy nghĩ. Thấy tôi chưa trả lời, anh nài nỉ kèm theo chút “mồi” nhử:

– Đến anh, không chỉ đón Tết mà anh cần em có mặt trong một việc quan trọng, bởi mình chỉ còn hai anh em. Và ngoài những món ăn truyền thống, anh sẽ cho cô thưởng thức món đặc biệt ngày xưa cô thích, là mì Quảng. Anh còn biết cô thích ăn chim mía rô ti nữa, nhưng ở đây không có, thôi ăn “đỡ” bánh tổ vậy.

Trời! Làm sao anh biết nấu mì Quảng và làm bánh tổ? Ngạc nhiên quá! Thôi thì anh đã khẩn khoản vậy chắc phải có lý do. Nghe tôi nhận lời, anh vui mừng hứa hẹn, cô sẽ có một cái Tết đặc biệt.

Nhắc đến mì Quảng và bánh tổ khiến tôi nhớ lại cái ngày ba đưa cả gia đình ra Đà Nẵng theo lệnh thuyên chuyển, tôi vừa vui vừa buồn! Đối với đứa trẻ lên mười, miền Trung xa xôi đất lạ hứa hẹn bao hứng thú cuộc phiêu lưu mới. Lúc ấy chưa hình dung được những rắc rối trong cuộc hội nhập khi “bất đồng ngôn ngữ”, khẩu vị món ăn. Và thấy buồn vì xa bạn bè trường lớp đã thân quen.

Đầu niên học mới, bước chân vào trường Sao Mai Đà Nẵng học lớp đệ thất, tôi luống cuống khi sân trường vang tiếng cười nói ríu rít như chim hót, tôi cảm thấy hơi lo ngại khi không hiểu tiếng “chim”! Vào lớp, lén nhìn con nhỏ ngồi kế bên, bắt gặp mắt nó cũng đang nhìn trộm, hai đứa bật cười xòa. Tôi mạnh dạn khai khẩu trước:

– Mày tên gì?

Nó đánh môi:

– Tau tên Lẹ Hèng.

Tôi ngạc nhiên. Ba mẹ nhỏ này thiếu gì tên không đặt, lại đặt tên…hành tỏi? Thì ra tiếng miền Trung không khó nghe là mấy, tôi đã hiểu nó nói gì. Tuy vậy cũng hỏi lại cho chắc:

– Mày tên…lá Hành hở?

–Không phở. Tên chi lọa rứa?

Lần này thì bối rối thật, tôi lờ mờ hiểu rằng đã nghe sai. Ôi trời! Từ giờ phải học thêm môn “ngoại ngữ” này nữa, mệt rồi đây! Hiện tại, tôi tức khí nói ngang:

– Nếu không phải lá hành thì là…củ hành vậy.

Nó đỏ mặt tức tối, mắt lườm, chân đạp vào chân tôi một cái đau điếng rồi chìa cuốn tập bao giấy bóng có dán nhãn tên họ, trường lớp. Thì ra tên nó là Lệ Hằng, hay ho đẹp đẽ vậy chứ không phải hành tỏi gì cả! Cái “buổi ban đầu” của chúng tôi không êm thắm hòa bình là mấy, nhưng nó và tôi sau này là cặp bài trùng thân thiết.

Cuối tuần Hằng rủ tôi về nhà chơi, ăn mì Quảng mẹ nó nấu. Hằng quảng cáo, mẹ tau nấu mì ngon nhứt xứ, mi ăn là mê luôn chừ. Nó quả quyết vậy, nhưng khi nhìn tô mì tôi thất vọng não nề! Sợi mì to bản vàng khè, nước chan xăm xắp khô khan, lại “hầm bà lằng” đủ thứ thịt tôm bánh tráng đậu phộng, con tôm nhỏ, thịt ba rọi mỡ trắng đục chưa ăn đã thấy ngán. Tôi trệu trạo nhai sợi mì dày như…bánh đúc, lá húng nhũi cay nồng cộng với miếng ớt xanh Hằng nhanh nhẩu bỏ vào tô cho đủ vị đặc trưng, khiến mặt tôi nhăn như Tề Thiên. Hằng ăn ngon lành, hít hà vì cay, quay sang giục:

– Mi eng ma (ăn mau) chớ bánh tréng thấm nước mềm tề, eng ma mới ngon!

Bác gái thấy cảnh ăn uống của tôi như vậy liền hiểu ý, quay bảo nó:

– Boạn mi hén chưa quen eng mì. Thôi lấy cho hén miếng bánh tréng đập eng trớt.

Tô mì Quảng ban đầu “khó thương” làm vậy, đâu ngờ sau này những thứ “hầm bà lằng” trong tô mì là hương vị khiến mỗi lần nhớ đến tôi thèm ứa nước miếng!

Bây giờ mì Quảng đã là món “ruột” của tôi. Lá rau húng nhũi xứ Quảng nhỏ xíu quăn queo mà thơm nồng chi lạ, không có không ra mì Quảng. Cuối tuần nào tôi cũng đạp xe đến nhà Hằng…ăn chực. Có lúc được ăn bánh bèo, mít non trộn gỏi xúc bánh tráng hoặc bê thui. Nhưng thường là mì Quảng. Cũng có khi ba Hằng đem về xâu chim mía, mẹ nó rô ti lên thơm nức mũi, tôi mê món này không thua mì Quảng. Được cái Hằng là con một, tôi đến nhà nó “ăn chực” chẳng phải ngại ngùng với ai. Cả ngày Tết cũng không trừ. Sáng Mùng Hai tôi đến chúc tuổi cha mẹ Hằng và không khách sáo khi được mời…ăn Tết. Ngay cả những món ăn ngày đầu năm nhà Hằng cũng khác biệt hẳn nhà tôi. Đặc biệt là bánh tổ, miếng bánh dẻo dẻo ngọt ngào thơm phức mùi gừng, mè rang… Nếu để ra ngoài ngày bánh đã se mặt, xắt từng miếng nhỏ đem chiên, lúc này có thêm vị béo ngậy “cộng tác” càng ngon hơn nữa. Tôi ăn mòn răng nhà Hằng nhưng khi nó đến nhà tôi, mời được nó ăn tô bún riêu cũng khó, vì con nhỏ thẹn thò với ông anh tinh quái của tôi! Mỗi lần Hằng đến, nếu chẳng may gặp anh Quang đang ôm đàn hát nghêu ngao, lập tức anh đổi giọng đổi tông, tha thiết… gào lên bài tự chế. Củ hành ơi củ hành / tới đây hát với anh / em tròn vo mũm mĩm / dễ thương như…củ hành. Mặt Hằng đỏ lên, không biết vì giận hay mắc cỡ!? Sở dĩ anh tôi biết cái “danh hiệu” này là do câu chuyện hôm đầu tiên bước vào trường Sao Mai tôi làm quen với nó, đã lắm mồm về kể anh nghe! Vậy nhưng nó không giận tôi.

Những ngày nghỉ tôi được Hằng rủ về quê ngoại ở Tiên Phước. Nhà ngoại vườn cây ăn trái rộng mênh mông, đặc biệt là nhiều cây bòn bon. Tôi như con cháu hầu vương, thoăn thoắt trèo cây ngồi chạc ba ngấu nghiến những trái no tròn ngọt lịm, nhựa dính rít tay. Hằng không trèo cây được, đứng dưới í ới, mi liệng xuống nón tau tề, liệng rứa ra ngoài hết!…

Năm tháng thần tiên trôi nhanh. Cứ thế chúng tôi lớn lên bên nhau từ tuổi niên thiếu đến dậy thì. Giờ tôi đã “tốt nghiệp”…tiếng Quảng. Ngôn ngữ đậm chất hồn nhiên, mộc mạc tình quê thấm vào giọng tôi lúc nào không hay.

Ngày đất nước biến loạn. Anh Quang kịp đưa gia đình vào Cam Ranh, lên chiến hạm, di tản. Cuộc ra đi gấp rút khiến tôi không kịp từ giã Hằng. Dĩ nhiên tôi cũng có nhiều bạn bè khác nhưng tôi thương mến nhỏ này nhất! Nhờ nó tôi thương luôn những món ăn miền Trung được giới thiệu từ mẹ nó. Lại giỏi “ngoại ngữ” Quảng, bởi thường xuyên “đàm thoại”. Và một điều khiến tôi ray rứt bồi hồi, áy náy không nguôi, là biết Hằng thương thầm anh Quang mà không kịp báo với anh, để anh tùy duyên “xử lý”! Giờ ra đi rồi còn nói năng chi, biết có còn gặp lại nữa hay không?…Anh tôi làm bổn phận người trai thời loạn, lênh đênh hải hành giữ biển quê hương, vô tình không biết “củ hành” đang tự làm mình cay đỏ mắt!…

***

Xe vào đến cổng trại gà đã thấy anh Quang đứng đón trước thềm, một mình.  Từ ngày ba mẹ lần lượt qua đời, anh thui thủi một mình. Anh tôi đường tình duyên lận đận, có đến …ba đời vợ rốt cuộc vẫn mồ côi. Ngày mới qua Mỹ hiếm gái Việt, anh kết hôn với cô Mễ, ở vài năm thì chia tay. Rồi vợ Lào. Cuối cùng cũng có được chị người Việt. Nhưng vẫn kết cục đường ai nấy đi sau một thời gian. Nếu nói phong tục tập quán không hòa hợp với hai người vợ trước thì hiểu được, còn với chị thứ ba thì sao? Có lẽ anh chưa tìm được đúng cái xương sườn thất lạc của mình. Ba vợ đều không con! Anh “hận đời đen bạc” không thèm quan tâm đến phụ nữ nữa. Có người xúi về VN kiếm vợ, anh cười ruồi bàn lùi, biết họ thương mình thiệt không, hay chỉ kiếm cầu qua sông? Tốn công, tốn thời gian, tốn cả… tình cảm nữa. Thôi độc thân cho khỏe! Thế là anh “khỏe” mãi đến bây giờ, đến nỗi Tết nhứt buồn quá phải kêu nài con em đến cùng đón xuân.

Bước vào nhà, tôi ngạc nhiên quá đỗi! Căn nhà ngăn nắp gọn gàng. Trên vách treo bức tranh. Tranh là dòng sông êm đềm phẳng lặng, rặng tre vươn bóng mát trên mặt nước biếc xanh, con thuyền nhỏ trôi lờ lững. Ôi! Sông Thu…

Bàn thờ khói nhang nghi ngút, dĩa trái cây tươi bóng loáng. Khung hình cha mẹ sáng trưng không chút bụi mờ. Ô, lại có cả hai tấm hình “lạ mặt” nữa. Lạ, nhưng hình như… quen quen! Những món cúng đưa ông bà còn tươi mướt chưa khô sém cạnh. Nào là bánh lăn, bánh tổ, dưa món, thịt ngâm mắm, nem chua, chả bò, cả bánh nổ nữa. Toàn món miền Quảng ngày xưa… Lại còn mùi chiên xào gì dưới bếp thơm lừng xông lên? Ôi trời, lạ đây! Chắc tại Tết… Nhưng năm nào tôi chẳng đến thăm anh trước Tết, mang bánh trái cúng quảy cha mẹ? Bao năm rồi cũng vậy… Lãnh đạm lạnh lùng, anh không màng giờ khắc đón chào năm mới. Như nhịp thời gian chẳng liên quan gì đến cuộc sống của anh! Nên có bao giờ thấy chuyện lạ “khó tin mà có thật” thế này đâu? Lúc xe vừa đến ngõ, trước khi bước vào nhà tôi đã kịp nhìn thấy “vườn rau xanh ngắt một màu”, nhưng không có “đàn gà con nương náu”, bởi gà đã bị nhốt hết trong chuồng. Bên hông nhà trước kia là khoảng đất khô cằn trống trải, nay là vườn rau xanh um màu lá điểm hoa vàng rượi của ngọn cải ngồng. Lạ quá! Lạ thiệt!

Để mặc tôi láo liên nhìn khắp nơi với con mắt sắp lồi ra ngoài, quên cả ngồi xuống ghế. Anh ỡm ờ cười mỉm chi. Rồi như nóng ruột hơn cả tôi, không thể giữ kín mãi cái bí mật ly kỳ của mình, anh ngoái đầu vào phòng hú lên, em ơi ra đây. Tôi còn đang ngỡ ngàng, đã thấy một người phụ nữ luống tuổi mập mạp… hiện ra. Trời ơi! Tôi có thể tin vào mắt mình không? Dù sao cũng gần sáu bó rồi, con mắt không còn “trung thực” nữa. Có phải người tròn u như…củ hành kia, là “củ hành” thời niên thiếu của tôi??? Tôi lao đến tóm lấy vai nàng lắc như điện giựt, Hằng Hằng, phải mi không? Mi ở đâu mà hiện… hồn ra đây? Có lần tao về VN ra Đà Nẵng tìm, hàng xóm nói gia đình mi vượt biên mất tích rồi, hóa ra đã ở bên này, mừng quá…Mà sao lại ở đây với… anh Quang?

Nghe tôi hỏi câu sau ngớ ngẩn, Hằng bật cười khi mắt còn ngấn nước. Anh tôi đỡ lời:

– Cô hỏi nhiều thế ai trả lời kịp. Mà này, đừng có mi mi tao tao nữa, giờ em phải gọi Hằng là…chị đấy.

Tôi đấm thùm thụp vào vai Hằng:

– Trời!… Mi giỏi thiệt, mấy mươi năm không thấy bóng vía, vừa gặp lại đã một bước nhẩy lên làm chị Hai tao. Vâng, thưa chị…Chị làm ơn kể…tao nghe cuộc đời và “love story” kỳ bí của chị đi nào.

Giọng Hằng còn thấm đậm nỗi buồn:

–  Năm 1978 gia đình tau lên tàu vượt biên. Con tàu lênh đênh mười mấy ngày trên biển hết cả lương thực nước uống. Mẹ tau sức yếu không chống chỏi được sự khắc nghiệt thời tiết trên biển, ngày nóng khốc người đêm lạnh buốt xương, cùng đói khát, chết! Lúc đó tau cũng sắp chết, may được tàu Đức cứu kịp thời đưa vào đảo Palawan Philippines. Sau định cư ở Mỹ nhờ chú tau bảo lãnh. Tau không muốn lập gia đình để ở vậy chăm sóc cha tau, tội ôn lắm! Cái chết đau lòng của mẹ tau khiến ông như người đãng trí, chẳng nhớ chuyện chi, chỉ biết cắm cúi đi làm rồi về. Vả lại tau cũng chẳng thương ai cả. Cha tau mới bịnh mất hồi năm ngoái! Buồn quá tau qua đây sống với vợ chồng người em con ông chú có trại gà kế bên, thì gặp anh Quang…

Hằng vừa nói vừa đưa mắt nhìn anh. Trong ánh mắt chan chứa yêu thương tín thác. Mặt anh cũng rạng ngời hạnh phúc, âu yếm nhìn lại. Tôi ồn ào lên tiếng để xóa bầu không khí lắng đọng và có phần…cải lương mùi mẫn:

– Ơ! Hóa ra hai người duyên nợ chuồng gà! Đúng là kỳ duyên mà cũng thiệt…lỳ duyên! Đã “thanh mai trúc mã” từ thuở xưa mà quanh co nửa vòng trái đất và trải nửa đời người mới chịu nên duyên ở trại gà. Vậy hôm nay “chị” có nấu cháo gà mừng hội ngộ với “em” không?

Hằng vội vã nói như reo:

– Có, có chứ. Nhưng tau biết mi thích ăn món rô ti. Ở đây không có chim mía, tau rô ti gà cho mi ăn vậy…

Nói rồi Hằng đi nhanh vào bếp dọn thức ăn. Tôi vội vã theo bén gót, vòng tay ôm lấy Hằng như muốn nhảy xổm lên lưng nó. Bạn bè mấy mươi năm mới gặp. Lại là đứa bạn thân thương nhất từ thuở trẻ thơ, cơ duyên run rủi gắn kết thành một gia đình, lòng tôi rộn ràng hơn hội xuân.

Đêm ba mươi. Hai đứa ngồi canh nồi bánh tét mới gói lúc chiều. Anh Quang muốn giành việc này nhưng không được, bởi chúng tôi còn rất nhiều chuyện để hàn huyên. Bỏ thêm củi vào lò, lửa cháy to xua bớt giá lạnh đêm đông. Hằng tâm sự:

– Hồi nớ mi đi rồi không biết, sau “giải phóng” khổ lắm, cha tau mất việc ở ty Công Chánh phải chạy xe thồ, không đủ ăn. Mi nhớ thằng Cần bên lớp đệ nhị B không? Hồi nớ hắn đeo tau sát rạt tau đâu có ưng, ai ngờ cha hắn là vc nằm vùng, “cách mạng” vô lòi mặt ra làm bí thư huyện. Hắn đòi cưới tau, hứa lấy tau rồi cha hắn sẽ can thiệp cho cha tau làm lại sở cũ. Mẹ xuôi lòng nói tau lấy hắn cho rồi để gia đình đỡ khổ. Nhưng cha tau cương quyết phản đối, cha nói lấy hắn rồi mi cũng chẳng sướng đâu, bởi cái nòi cs phản phúc, ăn cơm bên ni thờ ma bên nớ, trước sau gì cũng phản. Tau đội ơn cha quá chừng bởi tau đâu có ưa hắn, còn ghét nữa. Qua Mỹ mấy năm sau đi làm tình cờ tau gặp Hân lớp mình, hồi xưa hắn cũng thích tau, chưa vợ và muốn kết hôn nhưng tau cũng không ưng, bởi mi biết tau…thương ai mà! Bao năm qua rồi và biết đâu chừng cả đời vô duyên không gặp nhưng tau vẫn cứ… thương, cứ chờ. Chờ suốt đời cũng được, chẳng muốn lấy ai cả! À, mi còn nhớ Vũ lớp đệ nhất B, “cây si” cổ thụ của mi hồi nớ không? Hân nói lúc trước có gặp hắn. Vũ vẫn nhớ mi mà không biết kiếm mi ở mô, hắn buồn lắm!…

Cả khung trời dĩ vãng mộng mơ theo nhịp kể của Hằng tràn về. Nhớ những lúc ngồi trong lớp mà  hồn thoát ra ngoài rong chơi hái hoa bắt bướm. Nhớ những buổi tan trường đạp xe dưới tán bàng xòe rộng mát cả con đường, hoa bàng rơi đầy trên tóc như tấm voan hoa cô dâu, hai đứa liếc nhau cười khúc khích khi thoáng thấy sau lưng có “đuôi”. Nhớ những buổi chiều ngồi bãi cát nghe rì rầm sóng vỗ, dệt mộng vu vơ. Hay những trưa hè nằm võng đung đưa dưới gốc vông đồng kể nhau nghe vài tâm tình vụn vặt, thiu thiu vào mộng bởi đám “nghệ sĩ” ve sầu tấu khúc nhạc sầu da diết. Hoặc buổi lửa trại sôi động vui tràn cung mây trên Non Nước, hái cả bó hoa rừng do người hữu ý đem “dâng”. Thuở học trò hồn nhiên vô tình, để lại bao thương nhớ trong lòng kẻ khác không hay. Tuổi đời tôi gắn liền với miền Trung. Thương từ khung trời mây bay đến biển xanh dạt dào sóng vỗ. Những người bạn mộc mạc chân tình yêu mến biết bao. Và cũng nơi đây, tình yêu đầu đời chớm nở! Bất giác tôi lẩm bẩm hát, miền Trung đẹp tươi, còn vương tình tôi, năm tháng trót qua rồi bao sắc hương khung trời, làm hồn thơ yêu hoài. Rằng yêu trời thanh, thùy dương càng xanh, yêu khói biếc xây thành hoa bướm vui duyên lành, người dựng lều tranh… Tôi lâng lâng mơ màng, bâng quơ hỏi Hằng một câu nó không thể trả lời và chẳng ăn nhập vào đâu:

– Mi biết bây giờ Vũ ở mô không? Hồi xưa dễ thương quá mi hỉ.

Hằng thật thà:

– Làm sao tau biết được? Hồi nớ chỉ nghe Hân nói gặp hắn một lần, rồi mất liên lạc luôn…

Tôi nhìn vào mặt Hằng, cười cười:

– Mi không biết để tao nói cho nghe. Vũ bây giờ là… quản gia nhà tao. Là cha của đám con tao. Là ông nội ông ngoại của lũ cháu tao. Mi thấy hắn giỏi chưa… haha.

Hằng đấm vai tôi bình bịch:

– Con ni hoang chưa tề. Rứa mà không nói sớm cho tau mừng.

– Trước hay sau cũng là mừng, có mất chút nào đâu? Giống như mi vậy, đến đây từ hồi nào mà chỉ biết có anh Quang, không thèm kêu con bạn này một tiếng. Tao nhớ mi lắm biết không?

– Tau chỉ mới đến đây vài tháng. Anh Quang nói cũng sắp Tết rồi, thôi để Tết kêu mi lên dành cho mi sự ngạc nhiên luôn, chớ tau cũng nôn lắm.

Tôi bỗng thở dài thườn thượt:

– Lòng vòng thế nào mà tao phải kêu mi là chị!… không biết kiếp trước mi ban ơn gì cho tao mà kiếp này tao phải dưới “cơ” mi!?

Hằng cãi:

– Mi nói sai rồi. Tau tiếng “làm lớn” nhưng bà cô em…chồng mới thiệt dễ sợ! Từ giờ tau phải nịnh nọt mi mới được yên thân! Rứa mi coi ai dưới cơ ai?

Chúng tôi ngắt nhéo nhau, cười rúc rích. Ánh lửa tí tách sáng rực như pháo hoa ngày lễ hội. Đăm chiêu nhìn đốm lửa, Hằng thổ lộ:

– Mấy tháng nay thân cận với anh Quang, tau mới biết vì sao ảnh ưa dang dở chuyện vợ chồng. Tánh anh nóng, gia trưởng và thủ cựu! Bù lại, dành hết trách nhiệm chăm lo gánh vác gia đình. Nhưng mấy cô tân thời hồi nớ chỉ nhìn thấy tánh xấu của ảnh thôi! Còn tau, cho dù anh Quang không có ưu điểm nào tau vẫn ưng, bởi mi biết mà, phụ nữ miền Trung chịu thương chịu khó và nhịn nhục chồng, gia đình mới  êm và bền vững…

Tôi cười hô hố, chọc ghẹo:

– Mi hết thuốc chữa rồi! Ông Quang đúng là số đỏ, cuối đời vớ được…củ hành ngâm đường giòn rụm ngọt lịm như mi, đã hết sức! Nhưng mà này, củ hành ướp đường rồi phải thêm chút giấm, chua chua ngọt ngọt mới ngon, chớ ngọt quá người  ta mau ngán. Biết chưa?

***

Hai hôm sau, mùng hai Tết vào ngày Chủ Nhật. Gia đình con cháu dâu rể tề tựu đông đủ ở trại gà theo lệnh “triệu tập” của tôi. Mời cả đại gia đình ông chú Hằng cùng con cháu, đến ăn mừng “đám cưới đầu xuân”. Chồng tôi và Hằng gặp nhau mừng mừng tủi tủi hết sức…lâm ly bi đát! Bởi ngày xưa Hằng “giúp đỡ” Vũ rất nhiều khi làm chim xanh, làm cầu nối cho Vũ với tôi. Tính anh thỏ đế không dám trực tiếp ngỏ lời phải nhờ vả Hằng. Căn nhà anh Quang trước giờ tĩnh mịch thầm lặng, hôm nay ồn ào náo nhiệt vang động một vùng. Tiếng nói cười ầm ĩ, tiếng ca hát rộn ràng muốn nứt tung cả mái nhà…Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi, mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi, người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no, thoát cảnh đời gian lao nghèo khó…Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương, xây tổ ấm trên cành yêu đương, nào cạn ly …Rồi các phó nhòm thi nhau chụp hình “tân lang và tân giai nhân”, ánh đèn lóe lên nhoay nhoáy.

***

Nắng lên cao. Vạt nắng thả giọt lấp lánh trên ngọn cải hoa vàng. Ấm áp tỏa ra từ lòng người dù đất trời còn đang giá lạnh. Thế gian không phải chỉ có mùa đông! Hoa đào hoa lê hé nụ non xanh. Như tâm hồn anh chị tôi đang nở hoa đón mùa xuân mộng ước. Dù xuân đến muộn.